Thư của em P Saigon
...
Em là con cả của một gia đình công chức trung lưu. Nhưng trong thời
buổi gạo châu củi quế nầy ba mẹ em lại càng phải bận rộn hơn nữa. Có thể
nói là gia đình em chỉ đông đủ mọi người vào lúc hai bữa cơm, vì thế em
là một người chị lớn nhất trong gia đình nên em có bổn phận phải chăm
sóc, dạy dỗ, hướng dẫn các em của em. Nhưng chị ơi! Mấy đứa em của em nó
không nghe lời em, nhất là thằng em thứ tư của em, năm nay nó học đệ
lục ở một trường công lập, nó ham chơi, chẳng chịu học hành, hay ra
đường chơi mà hễ em nói thì nó lại cãi lời em. Nhiều khi em tự kiểm điểm
lại xem em có đủ đức tính tốt và khả năng để hướng dẫn chúng không,
nhưng em cảm thấy em quá đầy đủ mà tại sao em của em nó không nghe lời.
Em đã phải mất nhiều thì giờ để ngồi xem những quyển sách nói về tâm lý
của trẻ con, hầu mong tìm hiểu để cải thiện nó, nhưng kết quả cũng không
mấy tốt đẹp. Chị ơi, bằng những lời nói thật dịu đàng, bằng những lời
khuyên thật ngọt ngào mà tại sao em của em nó không chịu nghe lời em hả
chị.
Em
đã từng bỏ những cuộc vui của bản thân mình để dẫn bọn chúng đi chơi
thể thao, hướng dẫn chúng đọc báo lành mạnh nhưng chỉ được một thời gian
lại chứng nào tật nấy, em cố gắng hòa mình với chúng để hiểu chúng hơn
và do đó em dễ cảm hóa chúng. Bao đêm nay em suy nghĩ nát óc mà vẫn chưa
tìm ra được câu trả lời. Vậy chị Khanh ơi, chị làm ơn cứu em giúp em
cảm hóa được chúng, và làm sao cho chúng thương yêu gia đình hơn, chịu
học hành nghe lời ba mẹ em hơn, em biết rằng ở lứa tuổi đó dễ hư hỏng
lắm nếu không ngăn chặn, giáo dục kịp thời...
Trả lời:
Chị
rất cảm động thấy em có lòng hiếu thảo với cha mẹ, đã cố gắng giúp cha
mẹ dạy dỗ các em để cha mẹ khỏi buồn lòng như vậy. Chị cũng thông cảm
với trường hợp gia đình em. Chị biết có một số gia đình rất nề nếp, mà
cũng bị một vài đứa con hư hỏng mà thường là khi cha mẹ phát giác được
thì đã quá trễ. Bởi vì các em ấy đã bị ảnh hưởng ở bạn xấu quá nặng nề.
Chị
thấy em thật là cố gắng lắm, chịu mất thì giờ tìm hiểu, đọc sách, cư xử
với các em thật dịu dàng, em đã kiên tâm, tự kiểm thảo v.v... Tóm lại,
em đã theo gần đúng với đường lối giáo dục mới. Chị nói gần đúng là vì
chị rất lưu ý đoạn này của em: ... "Nhiều khi em tự kiểm điểm lại xem em có đủ đức tính tốt và khả năng để hướng dẫn chúng không, nhưng em cảm thấy em quá đầy đủ..." Chị nghi rằng sự trục trặc bắt nguồn từ cái tư tưởng "quá đầy đủ" này.
Trong
thâm tâm không ai thích mình là một thành phần quá kém cỏi đối với
những người khác, Chị đoán rằng vì em ngoan ngoãn, nên ba má cũng thường
lấy em ra làm gương sáng, và chính em cũng khó lòng đè nén được sự tự
hào mình là gương sáng, do đó, các em của em cảm thấy giữa em và chúng
có một hố sâu ngăn cách, đó là cái hố của Thiện và Ác. Về tâm lý, như
vậy là em sai lầm, khó lòng gây được niềm cảm thông với các em nhỏ đầy
mặc cảm tội lỗi của em được nữa. Nhiều vị linh mục ngày nay muốn cải tạo
giới trẻ du đãng, đã giấu kín cái lý lịch thánh thiện của mình, sẵn
sáng cảm thông với những tư tưởng lệch lạc của họ, để từ từ ngày một,
ngày hai, rót những ý nghĩ tốt đẹp để dần dần cải tạo họ. Như thế không
phải rằng chị bảo em sống bê bối cho hợp ý các em nhỏ. Không phải vậy!
Chị muốn đề nghị em thế này, là nếu ba má thường khen ngợi em, đem em ra
làm gương, thì em xin ba má đừng làm vậy nữa, mặc dầu đó là ý tốt, là
sự chân thật dành cho người con ngoan. Em xin ba má cứ coi như các em
nhỏ đã sẵn sàng trở về đường ngay nẻo thẳng rồi. Một mặt, em cứ xử sự ôn
hòa như từ trước tới nay, và chăm dẫn các em tới sinh hoạt với những
cộng đồng lành mạnh, hoặc cắm trại ngoài trời với một nhóm bạn có giáo
dục tốt. Một mặt, em tự hạ mình xuống nữa, coi như sự hư hỏng của các bé
chỉ là những dao động tâm lý xẩy ra trong một giai đoạn nào đó của tuổi
trẻ. Rồi mọi sự sẽ trở về nến nếp. Các em nhỏ phải có được sự tin tưởng
của gia đình rằng các em ấy sẽ tốt lành, và các em ấy cũng phải thấy
rằng các em ấy không phải là tột cùng của sự xấu thì mới hy vọng giáo
dục được. Các em ấy cần có sự tự hào ở ý chí và cần được coi như những
phần tử bình thường. Đừng để các em ấy thấy rõ sự chênh lệch quá, giữa
em và các em ấy, như em là Thánh và các em ấy là những kẻ bất hảo, đáng
bỏ đi. Nếu nghĩ như thế, thì các em ấy chỉ còn biện minh cho sự xấu, chứ
không muốn trở về đường ngay nữa, vì tự ái của các em ấy đã bị chà đạp
nặng nề mất rồi.
Ngoài
ra, nhân vô thập toàn, có thể trong mười chuyện, có một chuyện mà sự
sai lầm nghiêng về phía chính em. Nhưng do chủ quan, có thể em nghĩ rằng
mình đã quá đã quá đấy đủ đức tính, nên dễ trở thành suy luận một
chiều, bất chấp sự biện minh của người khác. Chị nghĩ rằng đó cũng có
thể là lý do làm cho các em của em không thể gần gũi với em được.
Vậy
thì hãy tỏ ra cảm thông hơn, xét lỗi của các em ta hãy tìm hiểu nguyên
do trên cương vị của chúng, đừng đưa quá nhiều cái tôi của mình ra làm
nề nếp, khuôn khổ và nhất là hãy kiên nhẫn lâu dài. Chị chắc em sẽ hoàn
tất trách nhiệm nặng nề của mình một cách dễ dàng hơn.
Chị
ước mong em sẽ thành công và trong dịp hè, sẽ được gặp em và các em của
em cùng tới sinh hoạt với các em khác trong đại gia đình Thiếu Nhi, để
chị được nhìn những ánh mắt rực ngời của những tâm hồn trong sáng em
nhé.
Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 86, ra ngày 22-4-1973)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.