Trong Cổ Học Tinh Hoa có câu chuyện như sau:
Duyên Lăng Quí Tử sang sứ nước Tấn có đeo thanh bảo kiếm qua chơi với vua nước Từ.
Vua nước Từ ngắm thanh kiếm ra dáng thích, muốn xin mà không nói ra.
Duyên Lăng Quí Tử, vì còn phải đi sứ Thượng quốc, tuy chưa dâng vua Từ được thanh kiếm ấy, nhưng trong tâm đã định cho.
Khi sang sứ Tấn xong, về qua Từ, thì vua Từ không may đã mất đành tháo thanh kiếm đưa cho Tự Quân. Các người theo hầu ngăn lại, nói:
- Thanh kiếm ấy là của báu của nước Ngô, không phải là thứ để tặng được.
Duyên Lăng Quí Tử nói:
- Không phải là ta tặng. Độ trước ta lại đây, vua Từ xem kiếm của ta, tuy chẳng nói ra, mà như dáng muốn lấy. Ta vì còn phải đi sứ Thượng quốc, chưa dâng được. Tuy vậy đã định cho. Nay vua Từ chết mà ta chẳng hiến thanh kiếm, thì ta dối tâm ta. Tiếc kiếm mà dối tâm, người liêm không chịu làm.
Nói xong, bèn tháo thanh kiếm đưa cho Tự Quân.
Tự Quân nói: Tiên quân tôi không có dặn lại việc ấy, tôi không dám nhận thanh kiếm.
Quí Tử bèn treo thanh kiếm vào cái cây ở mộ vua Từ, rồi đi.
CHÚ THÍCH : - Tấn : nước lớn thời Xuân-thu ở vào địa phận tỉnh Sơn-tây ngày nay - Bảo kiếm : thanh gươm quí báu. - Từ : tức là quận Đông-hải ngày nay - Thượng quốc : tiếng gọi tôn một nước to mạnh hơn mà mình phụ thuộc vào. - Tự-quân : vua mới lên ngôi. - Liêm : phân minh thẳng thắn. - Tiên-quân : tiếng để gọi vua cha đã mất.
Lời bàn. - Lúc vua Từ có ý lấy thanh kiếm, thì Quí Tử không tự ý đưa được, vì công việc phải làm còn chưa xong. Đến lúc Quí Tử có thể tặng thanh kiếm được, thì vua Từ không sao nhận được nữa, vì đã thác mất rồi. Giá phải người tầm thường, xử vào cái địa vị Quí Tử thì tuy trong bụng có điều hối hận, nhưng cũng tiếc thanh kiếm mà đem về nước. Nhưng Quí Tử vốn là người trong tâm đã nghĩ làm sao thì phải làm cho kỳ được như thế mới nghe, cứ đem thanh kiếm treo lại mộ vua Từ. Người ta tuy khuất, nhưng tâm mình vẫn còn, mà mình không muốn dối tâm mình, thực là liêm lắm, vậy chẳng bù với những kẻ đã tự mình dối mình lại đi dối cả thiên hạ, nhất là đối với người đã khuất tuy có hẳn lời hứa đinh ninh mà rồi nuốt ngay đi được.
Các em thân mến:
Trong số đầu năm, chị đã gửi tới các em lời cổ nhân khuyên chúng ta rằng "chớ để ngày mai". Tuy vậy, cũng có những việc không thể làm ngay, mà bắt buộc phải để ngày mai, ngày mốt v.v... thí dụ việc tặng kiếm của Duyên Lăng Quí Tử. Thanh bảo kiếm đối với người xưa là vật hộ thân, cứu mạng. Vua nước Từ thích quá, có ý muốn xin mà không dám nói ra, chính vì biết rằng trên đường thi hành sứ mạng, Duyên Lăng Quí Tử còn cần vật hộ thân. Quí Tử thông minh, hiểu rằng vua Từ muốn xin, bèn có ý định tặng để chiều bạn, thì Quí Tử là người hào phóng, rộng rãi, sẵn sàng tặng bạn vì thấy bạn thích, dù vật đó là bảo kiếm hộ thân của mình. Quí Tử đã xử theo ý nghĩa của câu "ở đời muôn sự của chung", vật báu trong thiên hạ cũng là của trời, mình có ơn phước, đã được dùng bảo kiếm bấy nay, thì "lộc bất khả hưởng tận", lộc trời cho không nên độc chiếm, riêng mình dùng mãi, dùng cho tới hết, nên Quí Tử không tiếc báu vật mà đã xử thế rất đẹp.
Sau khi làm xong việc, lúc trở về, định trao kiếm, thì người xưa đã chết. Giá mà trước đấy, Quí Tử đã hứa bằng lời, nhưng nay người mình định tặng đã qua đời thì thôi, tuy mình hứa mà người nhận không còn thì làm sao mà tặng, chuyện kể như là hết. Đây lại không có lời hứa gì cả. Người muốn xin cũng chưa nói ra lời, mình muốn cho cũng chưa hứa ra lời, thì câu chuyện lại chỉ đáng kể như không có gì cả. Nhưng đối với người quân tử, trọng Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín, thì chỉ có lương tâm là đáng kể. Chỉ cần tự hứa với lòng là đã có giá trị như đinh đóng vào cột, không còn thay đổi gì nữa. Dù là thanh bảo kiếm hộ thân, Quí Tử cũng sẵn lòng cởi ra treo vào mộ, chỉ cốt để giữ một lời hứa chưa từng nói ra, thật là thái độ của bậc hiền nhân quân tử.
Mất thanh bảo kiếm, nhưng lương tâm Quí Tử thanh thản, ngàn đời sau còn ca ngợi hành động cao đẹp của con người biết tôn trọng chữ tín, thì dù thanh kiếm có mất đi, nhưng việc làm của Quí Tử cũng đem về cho Quí Tử một phần thưởng tinh thần vô cùng quí giá.
Lời gửi tới các em trong bài này, chị muốn bổ túc thêm cho bài "Chớ để ngày mai". Ở đó, có đoạn như sau:
"Hứa làm giúp ai, làm ngay cho xong việc. Để qua hôm sau, lỡ quên, thành người thất tín".
Xin các em thêm là:
"Nếu việc không thể làm ngay, nhưng lời hứa đã buông ra, thì dù gặp khó khăn tới đâu, cũng phải thi hành cho bằng được. Đó là khuôn vàng thước ngọc của người tín nghĩa".
Đời sống mọi người tuy ngắn ngủi, ít ai sống tới một trăm năm. Nhưng từ thời Xuân Thu tới nay đã trải qua mấy ngàn năm, mà tên tuổi con người tín nghĩa Duyên Lăng Quí Tử vẫn chói lòa trong ý nghĩ mọi người. Thân xác Quí Tử hẳn là đã tan rã thành tro bụi nhưng tiếng thơm vẫn lừng lẫy, làm gương sáng cho muôn đời các em ạ.
Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 121, ra ngày 15-2-1974)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.