Một giờ rưỡi trưa... Trời Saigon nắng như đổ lửa... Tôi dắt xe Honda ra khỏi nhà, người mệt lừ đừ... Chiều nay phải dạy hai giờ Lý Hóa... Trong giỏ xe, một chồng bài làm kiểm soát tôi vừa chấm xong đêm qua nằm dễ thương chờ chút nữa trở về trong bàn tay mũm mĩm học trò. Con đường Bàn Cờ như chảy mỡ đen bóng dưới sức nóng kinh hồn. Tới công trường Lam Sơn, bỗng nhiên như có cái gì thúc đẩy vô hình, thúc đẩy một cách dữ tợn, tôi rồ ga cho xe vọt nhanh... Trên 40 cây số một giờ... Một tốc lực tôi ít khi đạt tới khi lái xe... Tôi vừa vượt qua trụ sở nhân dân tự vệ đang có một thiếu niên bồng súng cạc bin đứng canh... À thì ra tôi sợ... dù rằng phường Bàn Cờ của tôi từ trước đến nay chưa có gì đáng tiếc xảy ra - đó là điều mừng - nhưng tôi sợ... tôi bị ám ảnh những mẩu "truyện dài... nhân dân tự vệ" đăng trên nhật báo Hòa Bình. Thấy mà ghê! Lỡ có bề gì... thì các em học trò cưng mắc công đi điếu thầy... các em gia đình TUỔI HOA có cảm tình mắc công gởi thiếp thành kính phân ưu (!). Ý ẹ! Nghĩ chuyện chết chóc ghê quá... Tới đường Phan Thanh Giản rồi... Đường một chiều, chạy ngon ơi là ngon! Xe cộ dập dìu... Con đường như bớt rực lửa, khí trời như dịu mát lại bởi những tà áo dài trắng dễ thương của các em học trò Gia Long. Bỗng nhiên tôi nổi hứng, vừa lái xe vừa hát lầm thầm mấy câu trong bản Gia tài của Mẹ của Trịnh Công Sơn. Tới ngã tư Phan Thanh Giản - Lê văn Duyệt, gặp đèn đỏ, tôi phải ngừng, ngừng xe và ngừng hát thầm Gia tài của Mẹ. Một thầy cảnh sát đứng nghiêm trang ở một góc ngã tư. Ngừng xe là phải... Đèn đỏ kia rồi... Ngừng hát Gia tài của Mẹ là phải... Báo vừa đăng không được phép hát nhạc Trịnh Công Sơn... Chung quanh tôi sao xa lạ... Tôi chỉ thấy tôi và chồng bài học trò đang hiện diện phía trước mặt... Đèn bật xanh... Tôi quẹo trái hướng về đường Yên Đổ. Mọi người chạy vội vã... Mọi người Việt Nam vội vã... Không ai nhìn nhau... Trừ thầy cảnh sát đang nhìn tôi, đang có phận sự nhìn tôi.
- Hoét!
Tôi ngừng xe... trình giấy tờ hoãn dịch... Hợp lệ, tôi được lái xe chạy tiếp... Xe đang chạy ngon trớn, bỗng bị... giựt... giựt... Ái chà! Hết xăng rồi... May quá! Còn đủ xăng ghé kịp vào một trạm xăng... Phải chờ bốn xe đến trước rồi mới tới phiên mình... Tôi hơi sốt ruột. Sắp tới giờ vào học rồi... Học trò đang đợi... Qua vài phút dài chờ đợi, đã tới phiên... Tôi mở nắp bình xăng... Người bán xăng cầm vòi xăng đang muốn tiến về phía tôi, thì... thì một chiếc xe hơi nhà bóng loáng từ ngoài đường quẹo nhanh vào... Người bán xăng bèn bỏ ngang tôi chạy về chiếc xe hơi... Tôi cầm cái nắp bình xăng đứng trơ trẽn, vô duyên... Tôi lại chỉ còn thấy tôi và chồng bài làm của các đứa học trò thân yêu của tôi đang hiện diện trước mặt. Tôi thấy mờ mờ đằng kia người bán xăng đang đổ xăng vào chiếc xe hơi. Trên chiếc xe hơi, một người ngoại quốc đang nhìn tôi... Thương hại hay nhạo báng?... Rồi cũng đến phiên tôi... Rồi tôi vẫn đến trường kịp giờ... Gần bốn chục mái đầu xanh đứng dậy chào tôi. Một lớp học chỉ có gần bốn mươi em... đúng là một lớp học lý tưởng... đi tìm khắp Saigon chắc chỉ tìm thấy được một vài lớp học có ít học trò như thế này... Đã hơn tám năm dạy học trong các trường tư, bây giờ lần đầu tiên tôi mới được dạy một lớp ít học trò như thế này, lần đầu tiên tôi mới thấy một trường hy sinh cho học trò như thế này. Bây giờ tôi mới thấy tôi không phải làm kẻ lót đường cho bọn chủ trương buôn chữ phá hoại giáo dục mà là một nhà giáo dục, vinh dự thay cho tôi - giáo dục học trò tôi, giáo dục những đứa em thân yêu của tôi... Niềm sung sướng dâng trào tràn ngập trong tâm hồn... Bây giờ tôi là thầy... Bây giờ tôi không còn bị xét giấy tờ quân dịch... Bây giờ tôi không còn bị người bán xăng chê... Bây giờ tôi không còn bị người ngoại quốc dòm khó hiểu... Tôi trả bài kiểm cho lần lượt từng em một với những lời khen, lời chê tùy từng bài một.
- Thưa thầy! Thầy cọng lộn điểm.
Một em lên khiếu nại.
Tôi lấy bài của em đó xem lại và hỏi:
- Lộn bao nhiêu điểm?
Tôi nghĩ là tôi cọng thiếu điểm em. Nhưng... tôi không ngờ... và chắc chắn mọi người cũng không ngờ...
Em ấy, em học trò thân yêu của tôi, đã khiếu nại: tôi cọng dư điểm em. Số là tôi cho bài làm nhiều câu hỏi và tính điểm mỗi câu theo một thang điểm... Khi cọng điểm lại, tôi thường tùy theo bài sạch hay dơ cho các em thêm điểm... Thế mà em lại lên thưa để tôi bớt điểm em. Tuổi thơ các em đẹp là ở chỗ đó, các học trò yêu quí nhất đời của thầy ơi! Các em chất phác thật thà... Các em trong sạch... Tất cả những gì đẹp nhất, đáng yêu nhất, dễ thương nhất đều ở trong người các em. Tôi hết cô đơn rồi vì tôi đang được trải qua những giây phút thần tiên với các em bé Việt Nam cùng chung máu mủ giống nòi, và các em bé đó chính là những người học trò thân yêu, nguồn sống bất diệt của tôi. Nhìn em, tôi nói lắp bắp:
- Thầy cho em thêm điểm đó mà! Vì bài em sạch.
Em đâu có biết tôi đã rớm lệ vì cảm động! Tôi làm bộ quay mặt đi chỗ khác... Học trò biết... Kỳ lắm... Và tự nhiên tôi lại ước mơ - niềm ước mơ này đã đến với tôi không biết bao nhiêu lần nhưng lần này dữ dội và tha thiết nhất - ước mơ con người hãy trở về con người đích thực để Hòa Bình sớm trở về cho Tuổi Thơ của các em tôi được nở tươi mát, cho tuổi trẻ của tôi khỏi thiệt thòi bơ vơ. Và niềm tin của tôi bỗng nhiên vững vàng hơn lên. Hôm ấy thầy đã giảng bài với cặp mắt đỏ hoe. Các em có biết không, các em học trò yêu quí của thầy?
HOÀNG ĐĂNG CẤP
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 102, ra ngày 15-3-1969)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.