Buổi Chiều Tính trở về với hơn hai trăm bạc trong túi. Vừa bước vô nhà nó nghe tiếng bà Hai vang lên se sắt:
- Sao bữa nay mày mới về hả thằng quỉ kia? Mày tính bỏ công việc nhà cho ai đó?
Rồi bà dài giọng:
- Phải mà, đã có con già này làm cho mày. Tao hầu mày không công mà.
Tính nói nhỏ:
- Thưa dì hôm nay ít mối, con phải gắng làm trễ để có tiền...
Bà Hai ngắt ngang lời đứa con chồng:
- Thôi thôi. Tôi xin cậu, cậu đừng kể lể dài dòng nữa. Vâng, tôi biết cậu đi làm kiếm tiền nuôi cả nhà này mà. Cậu kiếm tiến nuôi mẹ con tôi.
Sợ cha nghe rồi bị đòn oan, Tính van nài mẹ ghẻ:
- Thưa dì con đâu có nói vậy. Dì nói ba con nghe đánh con tội nghiệp.
Bà Hai nghiến răng:
- Ba cậu ấy à. Ba cậu mà dám làm gì cậu mà cậu lo. Cậu đi làm khổ cực, nuôi cả nhà thì ba cậu phải cưng cậu chứ, Chỉ có mẹ con tôi là đồ ăn hại...
Có tiếng ông Hai trên nhà vọng xuống:
- Cái gì mà ồn lên thế hở mình?
Làm như không nghe lời chồng, bà Hai tiếp tục hài tội Tính:
- Cậu cả về, xin mời cậu cả ngồi vào bàn để tôi dọn cơm ăn ạ. Tôi già yếu nên chậm tay, có gì đâu mà cậu phải hoạnh họe.
Tiếng dép lẹp xẹp đi xuống, rồi dáng cao lớn sừng sững của ông Hai hiện ra ở cửa bếp. Câu nói của bà Hai đã lọt vào tai ông. Ông quát:
- Tính, lên tao bảo.
Tính sợ hãi, đưa mắt ngó bà Hai như van lơn. Bà Hai biết chồng đã nghe chuyện, bà làm như vô tình:
- Cậu ấy mới về, ông để cậu ăn cơm đã... cậu đi làm để nuôi cơm cả nhà, mệt lắm mà.
Ông Hai át giọng vợ:
- Không ăn uống gì cả. Bà bảo nó lên đây tôi. Nó là con hay là cha mà bà phải hầu hạ?
Thấy Tính còn ngần ngại, ông quát tiếp:
- Mày không lên phải không thằng kia?
Tính riu ríu lên nhà, nó đứng im nhìn cha bằng cặp mắt cầu khẩn. Nhưng người cha dường như không thấy sự van nài của của con. "Bốp", bàn tay to lớn của ông giáng vào mặt Tính, thuận chân, ông bồi cho nó một cú đá làm Tính chúi người hẳn vào vách tường.
Máu mũi nó ứa ra. Tính ôm mặt, bàn tay đầy máu. Giòng máu đỏ tươi rỏ ra từ bàn tay đứa con làm ông Hai hạ cơn giận. Ông bảo Tính:
- Đi xuống bếp rửa mặt đi.
Tính không dám khóc. Nó ôm mặt đi xuống bếp. Vừa lúc đó bà Hai có bà bạn hàng xóm sang chơi. Thấy Tính ôm mặt đầy máu, bà khách kêu lên:
- Ô hay, cháu làm sao thế này?
Bà Hai đã dư hiểu nguyên do nhưng cũng làm bộ rú lên sợ hãi:
- Trời ơi, con tôi.
Bà đưa tay như muốn đỡ lấy Tính, vừa suýt soa:
- Khổ quá, lại không nghe lời ba cho ông ấy giận. Sao nông nổi thế con.
Những lời thương hại giả dối của người mẹ kế làm Tính ngao ngán. Nó im lặng đến lu nước vốc nước rửa mặt. Bà Hai phân trần với bà bạn:
- Ông nhà tôi có tính nóng nảy chị ạ, vậy mà nó lại cứ hay cãi. Nhiều khi thấy ổng đánh nó tôi sốt cả ruột, cứ phải can mãi đấy.
Bà bạn láng giềng không lạ gì giọng lưỡi nhân đạo rởm của bà Hai. Tuy nhiên bà ta vẫn hay qua lại mượn chác nên vuốt đuôi:
- Tuổi trẻ vẫn dại dột. Mấy đứa nhỏ nhà tôi cũng thế. Chúng bướng bỉnh để bị đòn luôn.
Đợi cho bà Hai tiễn khách về và lên nhà trên, Tính mới rời bộ ván nhỏ ra gác măn rê kiếm cơm. Nó lùa vội chén cơm với chút xì dầu rồi lại đi nằm. Trận đòn vừa rồi của ông Hai làm nó ê ẩm.
Trời vào tối tự bao giờ. Tính nằm co ro trên ván, đắp tấm mền rách. Cả nhà đang coi ti vi ở phòng khách, nó thèm lắm nhưng không dám mò lên. Từ ngày ông Hai mua ti vi đến giờ Tính chỉ được coi có một lần, hôm bà Hai có việc phải về quê một hôm.
Nằm suy nghĩ rồi nước mắt trào ra đẫm mặt Tính. Nó nằm úp mặt xuống ván, vừa để cho những hình ảnh quá khứ như một đoạn phim quay chậm qua trí nhớ.
13 năm trước!
Trong một gia đình êm đềm, khá giả, hai vợ chồng trẻ ăn mừng đứa con trai đầu lòng.
Đứa bé kháu khỉnh chòi đạp trong tay mẹ. Người cha mừng con bằng một sợi dây chuyền vàng tây nhỏ xíu, có cây thánh giá khắc tên cả cha lẫn ,ẹ.
Nó tập đi, tập nói!
Mỗi một ngày đối với nó là một vầng mây hồng tuyệt đẹp.
Cho đến khi đứa bé lên năm tuổi thì người mẹ bất hạnh qua đời!
Đứa bé chưa biết khóc mẹ, nhưng người chồng khóc thương vợ thật thê thảm. Ông ta chỉ muốn được chết theo vợ. Hoàn cảnh gà trống nuôi con khiến ai thấy cũng mủi lòng.
Từ đó, đứa bé chỉ có người cha thay thế cả tình mẫu tử!
Nó lớn và được đến trường học. Nó ngây thơ đánh vần chữ ba, má trước ánh mắt rưng rưng muốn khóc của cha.
Người cha là ông Hai và đứa con là thằng Tính.
Ông Hai sống cảnh gà trống nuôi con được năm năm thì ông tục huyền. Người vợ kế là một bà bạn cùng hùn hạp, buôn bán với ông. Thời gian chưa trở thành vợ ông Hai, bà Mỹ - tên thật của bà Hai - rất thương yêu thằng Tính. Bà cũng đã có một đưa con riêng với người chồng trước, con bà hơn thằng Tính một tuổi, bà đưa thằng Hải lại nhà chơi với Tính luôn.
Nhưng từ khi bà trở thành mẹ kế của Tính, bà bắt đầu khắc nghiệt với nó. Ban đầu Tính vẫn còn được đi học, sau dần bà Hai làm áp lực với chồng buộc Tính phải nghỉ học khi nó học đến đệ lục. Bà Hai viện cớ Tính phải ở nhà làm công chuyện nhà.
Sau một thời gian, bà Hai lại xúi ông Hai cho Tính đi đánh giày kiếm tiền về cho bà. Đề nghị tàn nhẫn này, ban đầu ông Hai bất bình từ chối, nhưng sau vì nhu nhược và nể vợ quá ông đành phải cắn răng để con đi đánh giày.
Nhà không thiếu thốn gì, dư dả là khác, nhưng bà Hai muốn Tính trở nên một người thất học, thuộc thành phần cùng đinh trong xã hội. Nói đúng hơn là bà muốn áp chế cho Tính phải ở không nổi mà ra khỏi nhà : Bà nhắm vào gia tài của ông Hai cho đứa con riêng của bà sau này.
Thằng Tính bỏ học đi đánh giầy, bà Hai vẫn chưa hài lòng : bà tìm đủ cách hành hạ đứa con chồng cho bõ ghét. Bà nói nhỏ nói to với chồng, bà đặt điều nói xấu Tính với mọi người. Cả Hải, con riêng của bà, cũng hùa theo mẹ hành hạ Tính.
Tính quần áo lam lũ trong khi Hải không thiếu một thứ gì, mốt nào vừa "nhập cảng" ở Saigon là y như thằng Hải có ngay, kể cả những mốt Hippy lố bịch. Thằng Hải học hai ba trường trong khi Tính phải đi đánh giầy. Thằng Hải được mẹ nuông chìu nên đâm ra hư hỏng. Nó nói dối như Cuội, hay trốn lén gia đình đi chơi với tụi con nít du côn trong xóm, đánh lộn đánh lạo lung tung, tuy thế Hải ít khi nào bị mẹ rầy la, nếu có cũng chỉ là những câu mắng yêu qua loa rồi thôi.
13 tuổi đầu đã vướng vào khổ đau, bất công trong tình thương, trong cuộc đời, Tính cảm thấy không còn một chút hy vọng gì ở tình gia đình được nữa. Nó nghe buồn, buồn thấm thía. Nó không muốn khóc mà nước mắt vẫn ứa ra mãi.
Trận đòn ban nãy của ông Hai là trận đòn thường xuyên trong ngày của Tính. Ít ra, nó phải bị một trận đòn thì ông Hai mới yên với vợ. Thường mọi hôm Tính cũng bị đòn, nhưng hôm nay ông Hai có vẻ nặng tay hơn.
Tính suy nghĩ một lúc, nó bỗng thiếp đi lúc nào không hay. Bỗng Tính mở choàng mắt vì một bàn tay đặt lên đầu nó. Nhận ra ông Hai Tính kêu khẽ:
- Ba!
Ông Hai nói thật nhỏ:
- Hồi nãy ba đánh con đau lắm không?
Tính đưa tay lên sờ đầu : Đầu nó vẫn còn sưng u một cục. Nhưng nó nói:
- Dạ không ba ạ, con không đau đâu.
Ông Hai khẽ lắc đầu chua xót:
- Con bị chảy máu mũi phải không?
Tính khẽ gật đầu. Đột nhiên, niềm tủi hận dâng lên, nước mắt đã khô bỗng dưng trào ra. Ông Hai vuốt tóc con dỗ dành:
- Ba biết ba thiếu bổn phận đối với con lắm. Thôi con ráng đi, ba để dành được ít tiền riêng rồi sẽ gởi con vào nội trú cho con học tiếp.
Ông Hai xoa đầu Tính, đập nhẹ lên vai nó rồi đi lên, ông sợ bà Hai bắt gặp sẽ đay nghiến phiền phức.
Tình nhìn theo cha, nước mắt chừng như cạn khô lại trào ra. Nó nghĩ vừa thương cha, vừa buồn cảnh đời bất hạnh của mình, lại thiếp đi.
Tính nhìn thấy nó đi trên con đường đất mấp mô những ổ gà, nó đi không biết đã qua mấy dặm đường để đến mộ mẹ nó.
Ngôi mộ xây xi măng, thành một ngôi nhà nhỏ vuông vức. Tính mệt lả, buông người trên phiến đá lạnh, nó chờ mẹ nó.
Người đàn bà trẻ chợt ngồi bên nó tự bao giờ. Tính ngước mắt nhìn, buông hai tiếng "mẹ ơi" rồi dụi đầu vào ngực mẹ.
Người đàn bà vuốt tóc con:
- Con đi tìm mẹ có mỏi chân lắm không?
Tính lắc đầu:
- Con gặp mẹ con không mệt nữa đâu.
Bà mẹ nhìn con thật kỹ rồi thở ra chua xót:
- Tội nghiệp con tôi, chừng này tuổi đầu đã mất cả tình cha lẫn mẹ.
Nghe nhắc đến hoàn cảnh của mình, Tính bật òa lên khóc. Nó gục đầu vào ngực mẹ nghẹn ngào:
- Mẹ ơi, con khổ lắm. Mẹ về với con đi. Ba không thương con, ba đánh chửi con hoài, con khổ lắm mẹ ơi!
Mẹ Tính khổ não:
- Mẹ cũng khổ như con vậy, mà ba con cũng khổ nữa. Ba không ghét con đâu, con đừng oán ba mà mang tội.
- Nhưng con không thể sống mãi cạnh ba được. Con bị đòn hoài... mẹ coi những vết roi ba quất con nè.
Tính vén áo, để lộ những lằn roi ngang dọc trên lưng, trên bụng. Người mẹ xót xa:
- Sao khổ thân con thế, con ơi!
Nước mắt ròng ròng trên má bà. Bà bỗng như một vòng hào quang lịm tắt. Tính thấy gương mặt mẹ nó rắn lại. Bà bảo nó:
- Con đi với mẹ ra chợ mẹ sắm đồ đạc cho con. Con tôi không thể rách rưới thế này được.
Tính đi theo mẹ. Tâm hồn nó sung sướng lâng lâng. Từ ngày mẹ chết, đây là lần thứ nhất Tính cảm thấy sung sướng. Nó nhảy tung tăng, nó tự do nhìn mọi người, mọi vật mà không bị ai cấm cản.
Ra đến chợ, mẹ Tính lựa mua cho nó 2 bộ quần áo thật đẹp, một đôi giày mới và những tập truyện cổ tích nhi đồng mà nó vẫn ao ước. Tính ôm những thứ đó vào lòng nhoẻn cười với mẹ, nó cảm thấy yêu đời quá.
Mẹ Tính đưa nó vào tiệm cho nó ăn uống những món nó thích. Trên đường về, Tính một tay nắm tay mẹ, một tay ôm gói đồ. Nó nhảy chân sáo, vô ý vướng cục đá ngã soài ra đất, nó hoảng hồn kêu lên...
_____________
Xem tiếp PHẦN III
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 149, ra ngày 15-3-1971)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.