"Mẹc xà lù con nhà Hiệp! Làm phách? Lên mặt phít người ta ra. Đã thế ông khỏi thèm chơi với, xem nào, xem còn làm phách nữa không nào!" Thằng Thái vừa đi vừa lẩm bẩm chửi thề, nó vừa tức thằng Hiệp vừa thấy hơi tiêng tiếc. Tết ni mà không có thằng Hiệp chơi thì cũng buồn quá. Thằng bầy trò số dách mà cũng học giỏi số dách, chỉ tội nó hơi nghèo và không được học cùng trường với Thái. Trong số bạn của Thái chỉ có mỗi Hiệp là nghèo nhất, nhưng nhờ sự vui vẻ và duyên dáng mà Thái đã làm quen với hắn vào một buổi chiều mưa lâm râm, trước cổng trường Nguyễn Trãi.
Kể cũng lạ, ở nhà nó được pa-pa và ma-măng chiều kinh khủng, ra trường thằng bạn nào cũng nể mặt thế mà thằng Hiệp lại động một chút là đòi "moa phú" con người ta ra. "Ê la!" Thằng nhỏ hách xì xằng thật!
Vừa về đến nhà, Thái đã khó chịu vì ma-măng rồi. Chưa gì ma-măng đã réo ầm ĩ lên:
- "Thằng Cu con về học rồi kia à! Lại đây me thay áo cho nào Cu con".
Thái bực bội đứng dừng lại nhăn nhó.
- "Con đã nói với ma-măng mấy lần rồi, con nhớn rồi, đừng gọi người ta là Cu con nữa. Cu, cu, cu quê một cục".
Bà mẹ vừa lên đến nơi nghe con nói, cười xuề xòa:
- "Ừ nhỉ? Mẹ quên mất. Thôi, cậu "Giăng-mô-ních" lại đây tôi cởi áo cho nào!"
*
Cơm nước, ti vi ti veo xong xuôi, chơi một lát là Thái leo lên lầu, chả ngày mai là chủ nhật không có bài làm mà! Nằm trên giường, Thái vẫn thấy ấm ức trong lòng vì chuyện ban sáng, nỗi tưng tức theo nó vào giấc ngủ - Đang chập chờn, Thái bỗng giựt mình vì có tiếng gọi:
- "Cu Thái! Cu Thái! Dậy bảo cái này coi".
Mơ màng Thái nghe câu đó nhiều lần. Thức giấc, hắn càu nhàu: "Thằng nào láo thế hả? "Bú zù". Không có cu kiếc gì hết đó, có để người ta ngủ yên không?"
Đèn bật sáng, Thái chói mắt dẫy lên đành đạch. Nhưng một tiếng quát nghiêm nghị làm anh chàng cụt hứng:
- "Thằng ranh con láo thật. Mở mắt cho to xem kỹ ta là ai?"
Thái ngạc nhiên nhìn ông lão quắc thước trong bộ áo thụng màu vàng chấm gót, chòm râu bạc phất phơ, đôi mắt sáng như sao chiếu thẳng vào mặt Thái những tia giận dữ - Cu cậu hỏi run run nhưng cố làm mặt oai:
- "Ê! Toa là ai mà dám đột nhập vô nhà moa nửa đêm hả? A-lê, "Xoọc ti" mau kẻo moa suỵt bẹc giê ra, nó cắn chết bỏ giờ".
Sự giận dữ làm sắc mặt ông lão trở nên đỏ bừng dễ sợ. Ông quát:
- "Thằng nhãi con mất dạy! Mày chưa biết ông là ai à? Ta là thần Kim Qui, người đã ban cho vua An Dương Vương chiếc móng rùa, nhờ đó mà nhà vua đã thắng trận, đánh đuổi được bọn Triệu Đà".
Mặt Thái trở nên hài hước:
- "Chà! Thời đại ni mà cũng có thần thánh đàng hoàng ta. Mà thần gì không thần, lại là thần Kim Qui, thần Kim Qui là cái quái gì?"
Ông lão cười gằn:
- "Mày là thằng Tây con, học trường Tây, tên Tây, thích nói tiếng Tây thì làm sao mày hiểu rõ được lịch sử Việt Nam mà hòng biết ta là ai, hả thằng mất gốc?"
Thái ức quá, nó hét to lên:
- "Nè, toa hỗn vừa vừa chứ nhé! Khi không ở đâu mà lại đây ngồi chửi người ta hả? Ngon quá há!"
Ông lão chả nói chả rằng búng tay cái tách, một cây phất trần hiện ra. Thái thấy vậy hết hồn, hắn gào to lên:
- "Ma-măng ơi! Pa-pa ơi! Ma giết con, quỉ nó giết con này!"
Tiện tay, thần Kim Qui hóa phép ra một sợi dây thừng và một núm giẻ. Thần tống luôn núm giẻ vào mồm Thái và trói nó nằm sấp trên giường. Xong xuôi, thần xoa hai tay thích thú:
- "Bây giờ tao mới sửa trị mày Tây con ạ! Nghe tao kể tội đây. Mày là một đứa mất dạy hư thân. Mày ỷ mày là con út nhà giàu, được nuông chiều là mày chả coi ai ra cái thá gì hết hả thằng ranh? Tội thứ nhất, hỗn hào với cha mẹ, đánh đập đầy tớ, phách lối với bạn bè. Tao đánh một roi. Nhớ đau mà chừa nhé!..."
"Đét"
Tiếng "đét" khô khan dễ sợ làm thằng Thái đau điếng người, hắn muốn gào to lên nhưng mắc kẹt núm giẻ, muốn xoa hai tay vào mông chịu cái lằn đỏ đau đớn kia nhưng hắn đã bị trói. Thái cựa quậy một cách yếu ớt, đáng thương.
- "Thế nào, cậu "Giăng mô ních" thử kêu pa-pa lên đánh tôi một trận xem nào. Chưa hết đâu, còn cái tội làm tàng làm phách nữa. Sáng nay, mày ỷ mày biết tiếng Tây, con nhà giàu, mày chọc một đứa bé tàn tật yếu đuối. Thằng Hiệp can, mày lại gây sự với nó rồi chửi nó là "măng giê ca ca" nữa. Thằng Hiệp nó ngu nó không tát mày vỡ mặt ra, chứ gặp đứa nào đanh đá thì mày đã bị một bài học nên thân rồi con ạ! Mày đầy đủ tiền bạc nên được đi học trường Tây thì mày vẫn phải nhớ nguồn, nhớ cội, nhớ lễ nghi phép tắc chứ. Tiếng Tây tiếng Mỹ là để học cho biết chứ không phải để lí le với bạn bè nhá, ranh con!
Học tiếng Ngoại Quốc là để đọc được sách báo hay của nước người hầu tô điểm thêm cho văn hóa Việt Nam chớ không phải để ăn hiếp bạn bè nghe chưa!
Học tiếng Ngoại Quốc là để bảo vệ danh dự dân tộc khi cần phải tranh luận bằng tiếng Ngoại Quốc chớ không phải để làm bồi, làm tay sai nghe chưa!
Người Việt phải hãnh diện khi nói tiếng Việt, tự hào làm người Việt, chứ đừng dại dột ngu đần xí xa xí xô tiếng ngoại quốc với người khác mà tưởng rằng họ sẽ nể mặt đâu. Mày nghĩ rằng người đi đường họ nghe thấy mày nói họ sẽ phục lắm hả. Lầm to rồi, ai mà da vàng mũi tẹt, bầy đặt xổ tiếng ngoại quốc ra với nhau giữa đường phố thì lắm người nghe thấy, họ quay đi, họ bĩu môi khinh bỉ đấy. Đừng tưởng bở nhá nhãi ranh. Một roi cho mày nhớ này!"
"Đét"
Tiếng đét lần này to hơn lần trước. Thằng Thái lại tiếp tục cựa quậy. Tuy Thái cảm thấy lời ông lão nói chí lý nhưng Thái chả hối hận gì về việc làm của nó cả. Nó còn rủa thầm ông lão trong bụng, rồi nước mắt nước mũi thi nhau tuôn ra bằng thích.
Thần Kim Qui thấy thế cũng tội nghiệp, nhưng tội thằng Thái nặng quá, không thể dung tha được. Thần tiếp tục hạch hỏi:
- "Mày ra trường người ta phát cho mày một cái tên Tây cũ rích từ thuở cốc đế nào, mày hí ha hí hửng đem về bắt cha mẹ, anh em không ai được gọi mày là cu Thái nữa mà phải gọi là "giăng mô ních mô niếc" gì đó cơ! Mày tưởng cái tên đó đẹp lắm hả. Đẹp chăng là cái tên cúng cơm mà bố mẹ mày đặt cho, nó đầy đủ cả i tờ, dấu huyền, dấu ngã kìa! Chứ còn cái tên kia để dành cho những người mũi lõ da trắng họ mang. Mày mà mang, người ngoài họ thấy họ rủa thầm mày là đồ thực dân vong bản đấy nhá! Thằng ranh con. Một roi nữa cho chừa".
Tiếng "đét" khô khan thứ ba kết thúc cuộc "xử giảo". Thần Kim Qui cởi hết trói cho thằng Thái. Nó khóc một cách say sưa nhưng không dám gào, nó nể mặt "lão" thần này lắm rồi.
Còn thần Kim Qui thì hỉ hả nói:
- "Thôi, bây giờ ta với mi đã thanh toán xong xuôi rồi. Tao biết mày sẽ không hối hận được đâu. Tao quyết định cho hồn mày qua bên Pháp. nhập vào một thằng Tây con rồi ở luôn bên đó. Bấy giờ mày sẽ tha hồ nói tiếng Tây, làm phách với Tây. Mày có muốn nói tiếng Việt cũng không được cơ mà, và lúc ấy mày sẽ hiểu rõ thế nào là tình yêu gia đình tổ quốc. Mày sẽ đau khổ vì thấy rằng trước kia mày cũng có, nhưng chính mày đã tự đánh mất nó đi rồi. Thôi, theo ta..."
Nói đoạn, thần Kim Qui giật tay thằng Thái. Như một cái máy, Thái theo ông lão bay qua cửa sổ. Nhưng đến khi nhìn ngoái lại, nó vẫn thấy chính nó đang nằm trên giường ngủ. Bấy giờ nó mới hiểu đó là xác của mình. Còn hồn thì đang bay theo ông lão đến tận Âu-Châu.
Tiếng không khí chuyển động bên tai nghe ù ù dễ sợ...
Đến một lúc lâu, gió đã bớt thổi mạnh, xung quanh tối đen như mực, đang chơi vơi trên không, Thái sợ quá thút thít khóc. Thần Kim Qui thì điềm nhiên nói:
- "Đến nơi rồi, nào, đi"...
Dứt lời thần khẽ đẩy, thằng Thái như quả sung rụng rơi tòn tọt xuống phía dưới... hắn ta sợ qua hét lên một tiếng rồi bất tỉnh...
Khi tỉnh dậy, Thái cảm thấy việc vừa xảy ra như một giấc mơ. Chung quanh nó một lô người Pháp, người nào người nấy đều lạ hoắc. Thái thắc mắc:
- "Thôi chết mình rồi, thì ra mình đang là một thằng Tây con bên Pháp đây. Dù linh hồn mình vẫn nguyên vẹn".
Thấy Thái tỉnh dậy, người nào cũng hỏi han, người nhận là cha, kẻ xưng mẹ... Mãi sau cu Thái mới biết mình vừa qua một cơn sốt, nó mở lời nói chuyện với mọi người thì lạ chưa, không còn là tiếng Việt Nam nữa mà lưỡi nó ríu lại, âm thanh phát ra toàn là tiếng Tây. Thái hãnh diện vì đã nói được tiếng Tây như gió, hắn nhủ thầm:
- "Thôi, thế cũng xong. Mình sẽ sống một cuộc sống như trăm ngàn người Pháp khác, với lại ở bên này, mình nhất định là phải sướng hơn rồi".
Và thế là Thái vui vẻ chấp nhận số phận của mình với những sung sướng vật chất và tình thương của người chung quanh.
Cứ như vậy, nếp sống xa hoa của Thái tiếp tục đã được ba ngày. Đến ngày thứ tư Thái buồn, nhớ gia đình chịu hết nổi. Ở đây nó cũng được nâng niu, chiều chuộng, sung sướng. Nhưng hơn bao giờ hết Thái đau khổ vì cảm thấy thiếu thốn tình phụ tử, tình mẫu tử tha thiết và cao quí mà bấy lâu nay nó hờ hững không cảm thấy được. Nhất là Thái thấy thiêu thiếu một cái gì không rõ nữa, chỉ biết là từ khi xa nhà đến hôm nay lúc nào Thái cũng bồn chồn khó chịu, như vừa đánh mất một cái gì cao quí nhất.
Thái cố gắng nhớ lại tiếng Việt Nam. Nhưng vô ích - Hắn chỉ mang máng hình dung ra một thứ tiếng thánh thót êm dịu như tiếng chim họa mi, còn thì nó không thể biết hơn được nữa. Nhìn những đại lộ rộng lớn thênh thang trước mắt, Thái tưởng tượng ra con đường hẻm xông mùi đất, mùi đất quê hương, mà nó và thằng Hiệp hay tụ họp bọn trẻ hàng xóm chơi bắn bi. Nhìn mấy hộp kẹo sô-cô-la xinh xắn trên bàn, Thái thẫn thờ nhớ lại những hộp kẹo mè xửng thơm ngon mà ngoại hay đem cho mỗi khi đi Huế về hoặc những hộp bánh cốm, bánh xu-xê, bánh giò... mẹ mua ở chợ Saigon.
Thái vội nuốt nước miếng và xua đuổi những hình ảnh thèm muốn ra khỏi đầu. Nhưng lạ thay, nó cứ luẩn quẩn chả chịu đi đâu cả. Thái lại phải ngồi nghĩ đến nào là thịt bò khô này, phở này, bánh cuốn Thanh Trì này, chả giò này, miến gà này... Trời ơi! Nhiều quá! Đếm không xuể mà cũng nhớ không hết những cái ngon cái lạ ở Việt Nam mà nó đã được thưởng thức qua.
Chết rồi! Đáng lẽ nếu Thái còn ở Việt Nam thì hôm nay đã được dẫn đi chợ tết vì đêm mai là đêm giao thừa rồi. Đau khổ, Thái tưởng tượng ra những phong bao lì xì đỏ chói dễ yêu, những tràng pháo nổ đì đùng chói tai, những cái bánh chưng to tổ bố trông ngon tệ. Và nhất là Thái nhớ lại Tết Mậu Thân vừa qua, cảnh chết chóc bom lửa bao trùm quê hương nó. Trời ơi! Nước nhà mình như vậy mà sao mình lại ở đây. Còn ba mẹ mình không biết đau ốm khỏe mạnh ra sao, bạn bè mình nữa, thằng Hiệp, thằng Thành, thằng Quí có còn nhớ mình không?
Thái cảm thấy xấu hổ khi tưởng tượng ra hình ảnh một đứa bé hống hách, hỗn hào, mất dạy đang tìm vui sướng yên lành ở ngoại quốc. Còn nơi chôn nhau cắt rốn nó lại nỡ bỏ ra đi trong khi chiến tranh ngập tràn khắp nẻo. Thái thấy một cái gì nghèn nghẹn nơi cổ, nước mắt nó lăn dài trên gò má, lòng nao nao. Tiện tay đang cầm cây bút, Thái tô lên tường một chữ S rồi tưởng tượng ra ngôi nhà xinh xắn của gia đình nó đang nằm gọn trong mảnh đất hình chữ S thân yêu này. Thái gục đầu khóc nức nở, nghe niềm hối hận dày vò khắp tâm hồn.
Một bàn tay nhẹ đặt trên vai Thái, nó giật mình quay lại, thì ra thần Kim Qui, nó rú lên mừng rỡ:
- "Trời ơi! Thần Kim Qui ơi! Con hối hận rồi, ngài tha cho con nhờ đi hu... hu..."
Thần Kim Qui mỉm cười:
- "Ta đâu nỡ ác độc với một đứa trẻ biết phục thiện như con. Ta đã tha cho con rồi đấy. Bằng cớ là con đã nói được tiếng Việt Nam".
Thái sung sướng quá, nó nói huyên thuyên, vừa nói vừa lắng nghe lại những âm thanh yêu dấu mà nó đã bị mất ba ngày qua. Thái kể lể nỗi nhớ nhung gia đình và tình cảm thiêng liêng cao quí của đất nước mà nó vừa đột nhiên cảm thấy. Thái nhớ sông Hương núi Ngự, nhớ những đồi thông vi veo gió thổi, nhớ thác Cam Li, nhớ suối Lồ Ồ, nhớ Sàigòn náo nhiệt, nhớ những đêm tắt điện sợ ma... Thậm chí, Thái nhớ cả đến những anh xích lô đáng yêu da cháy nắng, gò lưng rỏ giọt mồ hôi... Thái thấy yêu, yêu tất cả, yêu từng hạt cát nhặt ở bờ biển Việt Nam, yêu từng lá cây rì rào kể chuyện trong gió chiều nhẹ thổi...
Thần Kim Qui thông cảm mỉm cười, thần cúi xuống ôm lấy Thái, con người nhỏ bé vừa được ông biến cải, làm cho nó trở thành một người Việt thật sự, không ngoại lai pha giống dù chỉ ở trong tâm hồn.
Sau đó, hai ông cháu bay lên cao, thần Kim Qui cõng Thái trên lưng. Mặt Thái đầm đìa nước mắt, nghẹn ngào nó hỏi:
- "Giờ đi đâu hả ông?"
Thần mỉm cười:
- "Đưa cháu về nhà để cháu làm người Việt, nói tiếng Việt, thờ phụng nước Việt. Cháu chịu không?"
Thái òa lên khóc thay cho tiếng trả lời. Trong tiếng khóc, chứa đựng cả một sự sung sướng vô bờ.
Khi đến một nơi mây bao bọc chung quanh dầy đặc, thần ngậm ngùi nói:
- "Đã đến rồi, thôi ông cháu mình từ biệt nhau là vừa."
Thái lưu luyến giữ tay thần lại nhưng ngài trả lời:
- "Ta mới làm được một việc nhỏ như một hạt cát trong bãi sa mạc, còn nhiều đứa trẻ cũng như cháu, chúng cần phải có ta giúp đỡ. Vậy thì thôi, ông cháu mình cứ chia tay, bao giờ có dịp ta sẽ ghé về thăm cháu. Thôi, cháu đi đi."
Rồi cũng một cái đẩy tay, Thái rơi tõm vào khoảng không trung, nó có một cảm giác bềnh bồng khoái cảm... rồi Thái mê man không biết gì nữa... cho đến khi có một cái gì êm êm dưới lưng, hình như Thái thấy mình đang nằm trên giường nệm, chung quanh nghe có tiếng khóc...
Mở bừng mắt ra, Thái biết là mình đang nằm trong phòng ngủ. Chung quanh ba mẹ, thằng Hiệp, anh Thanh, chị Ái và một ông bác sĩ quen vây bọc. Câu nói đầu tiên Thái nghe thấy là câu của mẹ. Mẹ sung sướng khóc to hơn:
- "Trời ơi! Con tôi tỉnh rồi."
Đoạn, bà ôm chầm lấy Thái. Thái sung sướng thốt lên:
- "Mẹ."
Rồi xiết chặt vòng tay qua thân hình mẹ, hít một hơi đầy ngực như muốn hương vị tình mẫu tử ngưng đọng trong từng thớ thịt.
Mọi người xôn xao mừng rỡ. Nhất là thằng Hiệp, nó sướng lắm. Dù hay cãi nhau với Thái, nhưng nó yêu thằng này lắm, không hiểu tại sao?
Còn anh chị và ba Thái thì xúm quanh hỏi han Thái, ba cho biết Thái đã nằm ngủ như thế trong ba ngày liền. Đánh thức làm sao nó cũng không dậy. Có kêu bác sĩ nhưng vô ích. Cả nhà đều sợ Thái chết dù tim và mạch Thái vẫn đập bình thường. Thái mỉm cười sung sướng, nó nhảy phóc xuống giường rồi đi lại giữa nhà nói: "Thưa ba mẹ, trông con mạnh khỏe thế này mà, đâu có sao ạ!"
Ba mẹ ngạc nhiên trước cử chỉ lễ độ của Thái. Anh Thanh, chị Ái sung sướng vì hôm nay đột nhiên em mình lại vui vẻ dễ dãi chứ không cau có cục mịch như mọi khi. Còn Hiệp, hắn đứng lặng đi giây lát trước câu nói từ tốn không đa đá tiếng Tây của bạn. Nó linh cảm dường như có một sự ghê gớm lắm vừa xảy ra cho Thái khiến hắn thay đổi mau chóng như vậy.
Riêng ba thắc mắc hỏi han Thái đủ điều về giấc ngủ dai dẳng kia nhưng câu trả lời của Thái luôn là:
- "Thưa ba, con không biết"...
Thái không muốn kể cho ai nghe chuyện này, mà dẫu có kể cũng chả ai tin. Nhưng khi nhìn khuôn mặt ngạc nhiên của bạn nó, Thái lại đổi ý. Hắn háy mắt Hiệp: "Để tối nay, tồi nay giao thừa Thái sẽ kể cho bồ nghe về "vụ đó" và nhớ giữ bí mật nghe!"
Cả nhà ngơ ngác không hiểu gì, nhưng riêng hai đứa trẻ nhìn nhau thông cảm, chúng cười to, thật to và tưởng tượng ra một đêm giao thừa thật hạnh phúc mà chúng sắp được hưởng trọn vẹn.
HÀ ĐÔNG
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 101, ra ngày 1-3-1969)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.