Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2024

Tâm Sự Con Vịt Què

 Em chào đời được ba ngày thì bị tật ở chân. Tật nguyền của em cũng là do sự vô ý của cô chủ. Em còn nhớ. Hôm đó trời đã sẫm tối. Như thường lệ, cô chủ nhỏ bé dẫn các anh chị của em và em nữa vào ngủ trong một thùng bằng giấy. Có lót rơm thật êm ấm. Em bé nhỏ, gầy yếu nhất trong đàn. Em chọn nằm một góc để ngủ yên ổn. Nào ngờ, khi cô chủ đậy thùng lại, chân em bị thùng đè nghiến lên trên. Ôi chao! Đau buốt. Em la, em rên nhưng cô chủ nào nghe thấy được. Các anh chị của em nói chuyện đùa nghịch với nhau ồn quá. Họ cũng không biết là em đang bị nạn nữa. Tiếng của em bị át đi. Em nằm ngất và gục đầu xuống... Mãi sáng hôm sau. Khi cô chủ dẫn cả đàn đi ăn giun thì em đã thành què một chân từ đó. Em đi cà nhắc, cà nhắc. Chân như vướng víu cái gì. Thật là khổ. Cô chủ bé nhỏ cứ bế em lên mà xuýt xoa hoài. Em đã yếu ốm, gầy gò nhất đàn mà còn què quặt nữa. Em trông cô chủ như buồn hẳn đi. Cô ít vui vẻ như hàng ngày khi cô cho chúng em ăn giun - món ăn em ưa thích - Nhưng em thấy lạ là các anh chị của em vẫn thản nhiên và dửng dưng, không chua xót hộ em cũng như không chọc ghẹo cái "chân què" của em gì cả. Em không buồn nhưng cũng không vui gì. Mỗi bước đi em cảm thấy nặng nề và đau nhức. Em đi uể oải chậm chạp và chỉ ưa nằm một chỗ thôi. Cô chủ như thương tình em. Mỗi lần đào một con giun nho nhỏ - vừa miệng của em - thì cô dành cho em ăn riêng. Nhưng em ăn cũng không thấy ngon bằng mọi khi. Em nhìn các anh chị hùng hục tranh nhau từng con giun mà thấy chán chường thêm...

Nhưng, mỗi ngày mỗi đổi khác. Bây giờ chân em đi đứng tự nhiên hơn. Ít mỏi mệt hơn trước nhiều. Nó đã thuần được rồi. Em cảm thấy yêu đời hơn trước và ăn mạnh nữa. Cả đàn đã lớn hẳn lên. Những bộ lông mượt mịn được thay thế bằng những bộ lông nhám và bẩn. Lông cánh bắt đầu mọc. Nghĩa là các anh chị và em đã lớn trội nhiều. Gần đến thời kỳ trổ mã rồi đấy! Cô chủ nhỏ bé của chúng em vẫn săn sóc chúng em chu đáo từng tí một. Nhất là em. Cô lưu ý đến em nhiều nhất. Em tuy đã lớn hơn trước nhưng so với các đàn anh thì vẫn còn bé tí. Em biết cô chủ thương em nhiều và thương nhất đàn nữa. Có lần em đã nghe cô nói với mẹ cô. Khi ấy cô đang cho chúng em ăn giun. Cô hỏi mẹ cô rằng:

- Đố mẹ, cả đàn vịt này con thương con nào nhất?

Bà mẹ cô cười cười, vuốt tóc cô rồi chỉ một người anh to lớn nhất của em và nói:

- Con đó kìa! Phải không?

Em tưởng cô chủ sẽ gật đầu nhưng cô đã nhẹ bế em lên và nói:

- Con thương con này né. Nó bị tật ở chân tội ghê há má! Con thương nó nhất đấy má ạ!

Lần đó, em sung sướng lạ. Những nỗi tủi sầu tan biến đi mất. Đã đành em có một thân thể tật nguyền thua xa các anh chị, nhưng em còn có một tình thương của cô chủ dành cho em. Tình thương đó làm em bớt mặc cảm thua kém. Em đã quên đi thân thể tàn tật của em cũng nhờ cô chủ. Em thương cô chủ lắm. Điều đó đã dĩ nhiên đối với em...

Cuộc sống của em và các anh chị vẫn êm đềm...

Nhưng một hôm, mải cùng bơi lội, lặn hụp mò tôm bắt cá, chúng em đã đi lạc vào một cái rãnh con con của một ngôi nhà lạ. Chủ nhà đó có một cậu bé con gian tham liền bắt chúng em về và nuôi trong một cái chuồng chật hẹp. Bấy giờ chúng em mới hối hận. Lòng ai cũng ray rứt và nhớ nhà ghê. Nhớ cô chủ nhỏ bé nhưng giàu tình thương. Các anh chị và em đâm ra ủ rũ, xác xơ, gầy yếu hẳn đi. Nhưng đến một chiều nọ, khi cậu bé đó thả chúng em ra để cho "đi dạo" vài vòng rồi nhốt lại, thừa sự vô ý của cậu bé, chúng em trốn thoát và tìm đường về. Nhờ ơn trời chúng em đã tìm được con đường cũ và về thấu nhà. Ai cũng mừng và hú hồn. Cô chủ thấy chúng em về thì mừng rỡ, và kêu mẹ ra coi rối rít. Chắc cô chủ tưởng chúng em đã bị cáo hay chồn xơi rồi. Và cảm động nhất khi cô chủ bế em lên và nói với mẹ bằng một giọng sung sướng:

- Ồ! Còn đủ cả con vịt què này nữa má ơi!


Phong Hằng      

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 106, ra ngày 15-5-1969)




Thứ Năm, 30 tháng 5, 2024

Tim Hồng 224

 

Những ngày tháng oi nồng đẫm ướt mồ hôi cho tôi biết sắp sửa vào hè, nói đúng hơn, sắp sửa nghỉ hè. Học trò tôi cũng biết như vậy. Tôi biết chúng cũng nôn nóng, cũng mong chờ hè như tôi ngày xưa bằng tuổi chúng. Những buổi sáng hừng hực với 60 khuôn mặt đỏ hồng xinh thật là xinh. Cái nắng và nóng làm tôi uể oải và mệt mỏi. Từng ngày chậm chạp làm tôi cảm thấy nặng nề ngột ngạt. Vào đến lớp, tôi có cảm tưởng vừa chui vào 1 căn hầm đào sâu dưới lòng đất. Tôi lại nhớ ngày còn đi học, cứ mỗi lần nắng dữ dội và mùa nóng hầm hập về là tôi lại mừng kinh khủng và nôn nao đếm từng ngày từng giờ cho mau đến ngày bãi trường. Niềm vui ấy, sự nô nức ấy bây giờ tôi đọc thấy trong từng ánh mắt long lanh và những gò má bầu bĩnh lấm tấm những giọt mồ hôi thật trong và thật nhỏ. Gần nghỉ hè rồi, chúng cười thật dễ dàng. Hình như chúng không thèm khóc nữa thì phải. Tôi cũng vui lây với niềm vui của những trái tim hồng bé nhỏ trong những ngày gần nghỉ hè. Những hình phạt không làm bọn nhỏ khóc sụt sịt như mọi lần. Đôi khi xòe tay lĩnh đủ 5 thước kẻ xong, đôi mắt mở lớn, xoa 2 bàn tay thật nhẹ, và cúi đầu vòng tay... cười toe toét:

- Em cám ơn cô!

Một chút ngạc nhiên không dám bộc lộ (sợ bọn nhỏ lờn mặt chăng?). Tôi vẫn điềm nhiên và nghiêm nghị như thường lệ. Có 1 lần Hoàng Cúc, con bé lười nhất và nhát đòn nhất lớp, không thuộc bài. Cúc cắn răng nằm dài xuống ghế đợi 5 roi chứ không chắp tay lia lịa như mọi lần. Tôi ngạc nhiên:

- Hoàng Cúc! Em không sợ à?

Cúc đỏ mặt đáp nhỏ:

- Thưa cô, có sợ nhưng tại sắp nghỉ hè rồi em mừng quá thành ra hết sợ luôn.

Tôi bật cười:

- Hè thì làm gì mà mừng?

- Dạ, hè em được đi thăm ba em ở Qui Nhơn.

Hè! Một điều quyến rũ cho bọn nhỏ khiến chúng không còn cảm thấy buồn hay đau đớn. Tôi lại nhớ những ngày tôi như bọn nhỏ bây giờ. Cũng nôn nóng, chờ đón và háo hức. Mỗi tối, trước khi đi ngủ tôi bắc ghế xé 1 tờ lịch cho mau đến ngày nghỉ. Mong ghê gớm. Những ngày hè tôi được về nhà với ba, với mẹ và lũ nhóc tì em tôi. Những ngày đó, nội trú Mai Khôi buồn như nghĩa địa đối với tôi. Chỉ có hè là nhất, những ngày nghỉ hè tuyệt nhất đời. Tôi cắn môi cười với bọn nhỏ:

- Có ai về xé lịch không nhỉ? Một. Hai. Ba. Bốn. Mười. Mười tám. Lạy Chúa! Nhiều quá!

- Thưa cô! Em.

- Thưa cô! Em xé lịch cho mau hết nè cô.

- Thưa cô! Mỗi ngày em xé 2 tờ lịch lận.

Niềm vui dâng cao trong hồn. Kỷ niệm rộn rã reo vui như màu nắng hanh vàng lén lút lọt qua kẽ tôn vào lớp học. Tuổi thơ của tôi là đây. Những ngày xưa của tôi là đây. Là ánh mắt, là nụ cười và là những lần xé lịch như bọn nhỏ bây giờ. Nắng hạ hanh hanh làm hồng từng đôi má, long lanh từng đôi mắt và những nụ cười rạng rỡ xinh xinh của 60 nhóc tì nhỏ bé. Nắng hè hầm hập cho niềm vui bừng nở trong tôi với hình ảnh quá khứ sống động thiết tha. Hỡi các tim hồng bé nhỏ của tôi! Tôi yêu các em thật nhiều! Các em có biết như thế không?

*

Buổi sáng cuối cùng tại lớp tôi là một bữa tiệc liên hoan đơn giản. Công tác vệ sinh đã được các đội hoàn tất từ hôm qua. Lớp học bừng lên với những màu giấy xanh, đỏ, tím, vàng và những Ruban màu sặc sỡ. Hoa lá, chim chóc "lổn ngổn" trên tường, trên bảng. Lớp Bốn 2 trang trí tự do mà lỵ! Chỉ còn một buổi sáng nay thôi, gặp gỡ rồi chia tay! Ai về nhà nấy và không bao giờ còn ngồi lại với nhau một giờ, sống lại với nhau một phút những ngày đã qua. Tôi nghe một chút gì tiếc nuối, một chút gì xót xa trong tận cùng tiềm thức. Chiếc bàn của tôi ngày thường với sổ sách và roi mây đã được ban ẩm thực thu dọn sạch sẽ và đặt lên đó những rổ bánh cuốn - nước mắm - ớt - đũa - muỗng - chiếc giỏ đựng rác được đánh rửa sạch sẽ đựng đầy những trái dưa vàng ánh, những trái mận đỏ hồng, những trái dâu tròn trịa vàng xám cho bọn nhỏ cứ hít hà nuốt nước miếng. Chắc là chua ghê lắm! Góc bàn một phích kem nằm yên vị, bình thản đến... lạnh lùng! Những bao bánh kẹo hết chỗ phải nằm chen nhau dưới gầm bàn. Chiếc roi mây hiền hòa treo trên tường an phận! Lúc đọc kinh xong, tôi biết cái bàn đang được bọn nhỏ chiếu cố nhiều hơn tôi rồi.

- Các em! Chỉ còn một buổi sáng nay chúng ta ngồi với nhau, cho nhau một nụ cười, trao cho nhau một miếng bánh, khoác vai nhau với sự thân mật cố hữu. Nhưng sau đó, chúng ta chia tay và không bao giờ còn sống chung với nhau những giây phút như năm học vừa qua. Bởi thế, cô muốn các em vui thật nhiều trong buổi sáng cuối cùng này. Vui thật nhiều để giữ cho nhau một kỷ niệm thật đẹp của những ngày các em ngồi tại lớp Bốn. Bây giờ cô phát thành tích biểu cuối năm. Có một số người không được lên lớp, cô thành thật chia buồn với những em đó. Một năm học cũng không là bao nhiêu so với cả cuộc đời các em. Học lại một năm để các em có căn bản hơn trong những năm học tiếp theo mà thôi. Trước khi phát thành tích biểu và bắt đầu bữa liên hoan sáng nay, các em đứng dậy, chúng ta dành một phút để cầu nguyện cho bạn các em ở trường Song Phú bị tử nạn vì pháo kích mà các em đã biết qua báo chí và đài phát thanh rồi đó.

Lớp học như đặc lại. Từng khuôn mặt nghiêm trang, âm thầm trong lời kinh cầu nguyện buồn buồn, thống thiết. Trẻ thơ đang cầu nguyện cho trẻ thơ. Học trò tôi đang cầu nguyện cho những người bạn không quen biết của mình, tôi không dạy học trò tôi phải trả thù cho bạn, tôi chỉ dạy học trò tôi cầu nguyện và cầu nguyện thật nhiều cho những người bạn bất hạnh xa xôi. Những người bạn vô tình trở thành nạn nhân cho cuộc chiến không ranh giới này mà thôi. Tôi và các học trò tôi cũng xin thành kính chia buồn với gia đình các em đã tử nạn tại Song Phú vừa qua. Chúng tôi cầu mong niềm tin và nghị lực sớm trở lại với gia đình của các em đó.

Giây phút cầu nguyện và tưởng niệm qua đi. Cả lớp còn đứng khoanh tay bất động. Thu Giang chợt cất tiếng thật nhẹ:

- Cô! Giá bây giờ họ pháo kích ngay giữa lớp mình, cô há?

Tôi chưa kịp nói gì thì Phi đã lườm Thu Giang:

- Xí! Mong gì mà kỳ vậy? Bộ muốn chết hả.

Tôi nhìn Phi, tôi nhìn Giang, tôi nhìn cả lớp. Không có gì kỳ hết Phi à. Có thể lắm chứ Phi. Biết đâu được. Chiến tranh mà, có ai buộc tội súng đạn bao giờ không? Tôi muốn kể cho học trò tôi nghe những người học trò của tôi ở Pleiku đã chết vì đạn lạc, vì pháo kích, vì đạp mìn khi đi đào khoai ngoài ruộng. Tôi muốn kể cho học trò tôi nghe những lần chúng tôi chạy từ lầu 3 xuống đất khi pháo kích ban ngày. Tôi muốn kể thật nhiều nhưng, tôi lại im lặng. Hôm nay buổi học cuối cùng. Các em phải vui và vui trọn vẹn. Vui thật nhiều.

- Thôi chứ! Ngồi xuống và chúng ta bắt đầu nói chuyện với bao tử nào.

Cả lớp cười vui vẻ. Lẹ thật. Tuổi thơ dễ buồn dễ vui ghê gớm. Bữa bánh cuốn hôm nay có vẻ độc đáo à. Một bàn một đĩa lớn và một chén nước mắm. Cấm không được ăn bằng đũa mà phải dùng cả 5 ngón tay để... bốc.

- Xííịíít! Cay quá cô ơi!

- Rán chịu! Không được vớt ớt bỏ đi à nghe!

- Úi. Văng nước mắm kìa cô!

- Coi chừng. Nhiễu nước mắm cô bắt lột áo lau à.

- Xííịíít! Chu choa! Chảy nước mắt rồi cô ơi!

- Ai khóc được cứ khóc. Tự do mà. Hôm nay thả giàn. Muốn chi được nấy. Tha hồ vui vẻ nhé.

- Bánh cuốn ngon ghê cô ơi!

Cô ơi! Cô ơi! Đủ thứ để các em gọi cô ơi!

- Cô! Cho bọn em diễn kịch nghe cô!

- Ờ, kịch gì nào? Ai làm?

- Thưa cô, kịch "Cái Radio". Em, Thanh Thảo và trò Hương.

Tôi làm xướng ngôn viên bất đắc dĩ:

- Mộng Lan, Thanh Thảo và Hương sẽ giúp vui cả lớp bằng vở hài kịch "Cái Radio". Đây... hài kịch "Cái Radio" bắt đầu.

Tiếng vỗ tay ròn rã và những nụ cười thỏa thuê.

Mộng Lan làm tôi cười đến chảy nước mắt và cả lớp lăn lộn ôm nhau cười nghiêng ngửa. Cứ thế, hát, hò, vũ, kịch. Lớp tôi cười rộn rã, lớp tôi cười vang ầm cả lớp. Mộng Lan với "Cái Radio". Loan, Thảo trong "Sơn tinh Thủy tinh". Lài với những cái lắc Twist của bản Sàigòn. Thu Giang, Thu Hồng với vũ khúc "Sol Do Mi". Học trò tôi độc đáo ghê. Vừa cười vừa hát, vừa nhai mận, vừa xít xa muối ớt cay chảy nước mắt. Buổi họp mặt cuối cùng thế là trọn vẹn. Vui kinh khủng với muối, nước mắm cay, dâu chua và bánh kẹo ngọt lịm. Vui kinh khủng với những tiếng xít xa và những giọt nước mắt trong những nụ cười rạng rỡ. Lớp tôi đó, niềm vui của tôi đó - là những tiếng cười bọn trẻ, là hương vị chua "lè lưỡi" của trái dâu vàng sậm, là những cảm giác tê cứng đầu lưỡi của nước mắm ớt, chất beo béo ngậy ngậy của bánh cuốn, và là những điệu múa, lời hát và những động tác hài hước của bọn nhỏ bây giờ - Tôi gọi tên từng ca sĩ, kịch sĩ của lớp tôi. Mộng Lan, Thanh Thảo, Lài, Thu Giang - Điệu lắc tay lắc chân của Lài và Thu Giang - công chúa Mỵ Nương Thanh Thảo - nhiều. Nhiều lắm - Nhưng cô vẫn nhớ được hết cơ mà! Phải vậy không các em?

Tôi rút khăn lau mồ hôi - Nắng 12 giờ trưa gay gắt oi nồng. Nắng hanh vàng chói chang cho tôi thấy nụ cười bọn nhỏ rực rỡ hơn, thanh thản hơn và xinh hơn bao giờ hết - Tự nhiên, tôi có một ý nghĩ kỳ cục: "Hôm nào rảnh ghè tòa soạn Tuổi Hoa xem thử bánh cuốn của Tuổi Hoa có ngon hơn bánh cuốn của chúng tôi hôm nay không!" và, cũng tự nhiên, tôi tin rằng bánh cuốn của chúng tôi ngon hơn! Phải vậy không, thưa anh Hà Tĩnh?


Mt. HOA       

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 224, ra ngày 1-7-1974)

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2024

Thời Gian Đi Qua

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Từ ngày xa cách mái trường yêu
Chợt thấy lòng em tiếc nuối nhiều,
Nhật ký trang đầu em đã viết
"Thương thầy thương bạn biết bao nhiêu!"

Em lớn dần theo năm tháng qua
Năm tháng vùi chôn tuổi ngọc ngà
Năm tháng chưa tàn hương kỷ niệm
Lưu luyến dâng trào... dạ xót xa.

Em nhớ làm sao bóng dáng thầy
Giọng cười trầm ấm rót bên tai
Nhìn em thầy bảo: con ngoan lắm!
Rán học cho chăm để sau này...

Thuở ấy em còn bé bỏng ghê
Nhõng nhẽo... trời ơi... đố ai bì!
Một hôm mất bút em ngồi khóc
Thầy đến bên em khẽ vỗ về...

Mùa xuân tươi thắm nỡ trôi mau
Hạ đến ve kêu, phượng rũ sầu
Ai nói đường đời chia vạn nẻo
Học trò sửa soạn khóc xa nhau (?)

Buổi ấy em lên lãnh gói quà
Thầy khen em giỏi suốt năm qua
Chợt nghe mạch máu như ngừng chảy
Sung sướng trào dâng lệ đổ nhòa.

Tan lễ ra về sao tiếc thương
Bạn, em mỗi đứa một con đường
Ngoảnh nhìn kỷ niệm ngày thơ ấu
Em thấy trong lòng chợt vấn vương.

Bảy năm trở lại thăm trường cũ
Trường cũ giờ đây đổi khác rồi
Song người năm cũ không dời đổi
Nụ cười thân ái vẫn trên môi.

Hoa mộng theo thời gian nhạt phai
Em thấy lòng dâng tiếc nuối hoài
Nhật ký hôm nào em vẫn giữ
"Thương biết bao nhiêu bạn với thầy".

                                                     LIÊN KH.

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 110, ra ngày 15-7-1969)
 

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2024

Chuyện Một Niên Học

 

 
THÁNG THỨ NHẤT + THÁNG THỨ HAI

Tuần lễ đầu năm buồn da diết, tụi bạn chẳng đứa nào chung bàn cả Hà cũng vậy, nó bảo ban B học nhức đầu, theo A gạo sướng hơn. Mấy tuần lễ về sau đỡ buồn vì có bạn mới và nhất là có thầy Minh dạy toán, thầy dạy thật hay và sống động... những ngày cuối tháng mình vui thật vui: kết quả tháng này mình nhất lớp, tụi bạn bắt đầu xì xào : Thầy Minh thương nhỏ Hải ghê...

THÁNG THỨ BA

Phải công nhận là lớp mình học khá, đứa nào cũng gần bằng nhau nhất là nhỏ Liên, nhỏ là một học sinh giỏi của trường Tây sang, cái gì nhỏ cũng tốt hết : Pháp văn không kể, Anh văn khá, Việt văn giỏi, toán xuất sắc và trình độ văn hóa của nhỏ rất cừ, đa số cái gì cũng biết, nói chuyện với nhỏ mình thấy mình thiển cận, việc học do đó bắt đầu lung lay. Lạy trời cho mình đầy đủ sáng suốt trong kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt tới, tháng này mình vẫn đứng đầu lớp, nhỏ Liên thứ hai.

THÁNG THỨ TƯ + THÁNG THỨ NĂM

Một tuần nghỉ Tết trong vui sướng được bù đắp bằng những ngày hồi hộp cho mấy bài thi : Tất cả mọi môn đều đã được các giáo sư trả hết, trừ toán : Lý Hóa nhất, Việt văn nhất, còn toán...? Mình lo sợ quá.

Đến giờ toán thầy Minh bước vào tay ôm xấp bài thi, tất cả đều im lặng đợi chờ. Thầy cười, nụ cười thật tươi trên gương mặt đen sáng rồi khen ngợi : các em xứng đáng là dân ban B, thầy rất sung sướng và hãnh diện, không riêng cho thầy mà cho cả các em, thầy mong rằng các em sẽ tấn tới hơn nữa ; người có điểm kém nhất là 10, 50 em Hoàng Huynh Bảo... Rồi thầy gọi tiếp số điểm từ nhỏ đến lớn rồi đến nhỏ Lan, đến thằng Vũ, đến nhỏ Liên với số điểm 18 và một tờ cuối 19 điểm ; mình run lên khi giọng thầy thật ngọt : Lê Hoàng Hồ Hải. Hơn 80 con mắt vây bủa, mình ngượng ngập đi lên ; có lẽ không bao giờ mình quên giây phút đó : em hãy xứng đáng hơn. Thầy nói như thế và đôi mắt thầy nhìn mình thật ấm, mình bị giao động mạnh, sự giao động đó không giống như của thầy Lý Hóa hay cô Việt văn, nó làm mình bối rối và loáng thoáng trong hồn lời nhỏ bạn hôm nào : Thầy Minh chưa vợ.

Kết quả kỳ thi này mình và nhỏ Liên hạng nhất, kể thì hơi buồn nhưng nhỏ Liên hạng nhất cũng đúng vì nhỏ giỏi, giỏi hơn cả mình nghĩ. Hôm nọ ngồi tán gẫu, nhỏ nói: ... Toán thầy Minh cho phần đông Liên làm rồi vì có trong sách Pháp, với lại hồi học trường cũ mỗi bài toán cho ra phải chứng minh tất cả 4-5 kiểu do đó toán đối với Liên trôi chảy lắm... Nghe nhỏ nói mình lo sợ, mà quả thật như vậy dạo này Liên làm toán nhanh và hoàn toàn lắm ; nhỏ Lý nói: nó bắt đầu dở 12 thành công lực ra đó, coi chừng nghe Hải!

Dạo này mình coi sách nhiều quá, nhiều hơn cả Liên nữa. Vừa coi xong "Chiến Tranh và Hòa Bình" mình lại lang thang Lê Lợi mua mấy quyển truyện dịch, không hiểu sao mình lại thích truyện dịch, thích đến nỗi bỏ quên cả những cuốn sách khoa học nho nhỏ trong kẹt tủ mấy tuần liền không mó tới, mấy nhỏ khó tính xì xầm: bày đặt hoài, làm như ta đây hay lắm... Mình mặc kệ, thích thì đọc ai làm gì được. Ừ, mà biết đâu mình chẳng làm bộ, như lúc đọc cả chục trang mà không nhớ ý nào là sao?

Không hiểu sao độ rày má la mình quá chừng, la đến độ một chút nhỏ nhặt cũng la: hôm bữa làm bể cái ly má la hoài, đến lúc anh Huy về má còn nói đánh cho mình một trận, xui xẻo làm sao lúc đó ổng đang tức bực cái chi nên mình bị một trận đòn chí tử. Hồi trước má đâu có thế, mà anh Huy cũng tàn tệ đánh mình không chút nương tay...

Buồn ơi là buồn!

Song song với những việc vớ vẩn đó là mình xao lãng việc học, có lẽ tại nhỏ Liên nổi quá, gì nó cũng trước cả. Khảo bài trước, nộp bài trước, trả bài ra cũng trước. Thầy Minh chắc cũng thương nó trước mình, tháng này nhỏ Liên hạng nhất, mình rơi xuống hạng 3. Thầy Minh ngạc nhiên - thầy là Giáo Sư hướng dẫn - và hỏi nguyên do, mình cười gượng: lười! Thầy buồn: em nói vậy là hỗn nhưng không sao, tôi chỉ cần em ý thức tầm quan trọng của sự học là đủ... Và thầy đi lên. Mình bàng hoàng, mình không hiểu sao lại nói dại như thế, có lẽ tại thầy luôn khen Liên thông minh, Liên học giỏi, Liên vui vẻ, nhanh nhẹn còn mình thì: Ồ! Bài toán dễ thế mà Hải không làm được à... trong thời gian mà "thầy thương nhỏ Hải ghê" chắp cánh bay đi. Gì thì cũng tại mình cả, tại mình lười, lười với tất cả mọi môn. Thầy! Em sẽ làm cho thầy hài lòng... kỳ thi đệ nhị đang vội vã tới.

THÁNG THỨ BẢY + THÁNG THỨ TÁM

Tất cả những dự định đều trôi bay, mình vẫn sao lãng việc học, vẫn đọc sách và kết quả kỳ thi đệ nhị mình hạng năm, thua nhỏ Liên đã đành lại thua cả nhỏ Lan, thằng Vũ, thằng Thông, nhỏ Tuyết, buồn nhất là môn toán mình có 17 trong khi chúng nó 19-20. Mình lo sợ và cố gắng học lại nhưng hình ảnh nhỏ Liên, nhỏ Tuyết, lời khuyên bảo của thầy Minh mà mình cho là thương hại, sự khó tính của má quay vù vù chung quanh, lấp hết cả những đạo hàm, những con số, những bài thơ bất hủ và đưa xa tầm tay những danh vọng ngày xưa.

Bây giờ lớp học không có gì hấp dẫn nữa, mình đến chỉ để ngồi đọc truyện xem sách, xem trong giờ Việt văn, giờ Lý Hóa và cả giờ thầy Minh nữa, thầy không nói nhưng đôi mắt thầy thật phiền khi bắt gặp. Còn gì nữa đâu khi mình đã mang ý tưởng bất cần dù đã vài lần "được" ăn "trứng" vì xem sách.

Buồn quá tới nhà nhỏ Hà rủ vô nghĩa địa chơi, nhỏ trợn mắt: Mày có khùng không?! Mình ngao ngán: tao chẳng khùng gì hết, ngoài đời không ai hiểu mình thì vô nghĩa địa tâm sự cho người chết nghe còn sướng hơn - Cái gì mà không hiểu, sao mày bi quan quá vậy, thảo nào độ này thấy cô nàng buồn rười rượi hỏi cái gì cũng không chịu nói, bây giờ thì nói đi, chúng mình bạn thân mí nhau có gì tao giải quyết hộ cho. Mình lắc đầu không nói. Nhỏ cười: không cần mày nói tao cũng biết - Mình ngạc nhiên - có gì đâu: Liên nói rồi mày nói vì vô tình hay cố ý tao không biết - Nhỏ đổi giọng nghiêm trang: tao nói thật đấy nhé, nếu có gì không phải mày đừng buồn, tao nhận thấy mày không đủ bình tĩnh và hay có mặc cảm trước một biến đổi lớn lao, môi trường biến đổi đang có là Liên với thầy Minh. Nói về Liên trước thì Liên trước mắt mày như một cái búa giáng xuống đầu làm choáng váng: LIÊN HOÀN TOÀN! Cái toàn vẹn đó làm mày có mặc cảm thua kém và mày nhất định làm mọi cách để bằng Liên vì mày từ xưa phải nói rằng chưa một lần đi sau, thế nên đầu tiên mày đọc sách, thứ hai mày bỏ nhiều thì giờ để đến các thư viện hay các phòng triển lãm, mày làm như vậy để làm gì? Đành rằng kiến thức sẽ được mở mang nhưng chuyện gì cũng tương đối thôi, vả lại tụi mình còn bé quá mà Hải? Rồi từ những việc trên mày dễ mệt mỏi, mất sáng suốt - kính 4,5 diop còn gì - và từ chỗ mất ánh sáng suốt đó mày có những nhận định sai lầm. Thí dụ: khi học Pháp văn hay lúc làm toán mày lại nghĩ: mình học bao nhiêu cũng thua Liên: Pháp văn với nó như ABC, toán với nó lại quá thông thường, mình làm đến mấy cũng thua nó thì làm chi nữa cho phí công. Các môn kia cũng vậy, mày có ý tưởng như thế về Liên, thì mày cũng có ý tưởng cho nhỏ khác như vậy nếu nó xuất sắc hơn mày một môn nào đó.

Còn thầy Minh, tao không biết tình cảm của mày dành cho thầy Minh ra sao nhưng Giáo sư nào lại không thương học trò ngoan lại giỏi, mà tao thấy thầy đâu ghét bỏ gì mày, chung qui cũng tại mày mặc cảm thua kém, ngu dốt. Ngoài ra ở chung quanh còn biết bao nhiêu đứa khác, mày sơ hở là nó cướp ngôi ngay, như vậy mày sa sút là phải còn kêu ca gì nữa. Bây giờ mày nghe tao đi, mày hãy coi con Liên như những đứa khác không có kí lô nào hết, nó hơn mình cái này thì mình hơn nó cái khác phải không Hải?

Mình cúi đầu bẻ ngón tay: mày đoán sai nhiều đúng ít - Hà trề môi im lặng. Mình không nói gì, mà biết nói gì bi giờ vì nghe xong mình thấy nhẹ người đi nhiều.

Ở chơi với Hà một giờ nữa rồi mình về, lúc về nhỏ Hà khen mình đẹp người lớn. Mình ngượng ngùng chối từ nhưng thầm nhủ: mày không biết đấy thôi, tao đã lớn rất nhiều trong giờ thầy Minh.

*

Phượng lại đổ khắp sân trường, hôm lãnh phần thưởng vui nhất là lúc gặp thầy Minh, thầy nói chuyện với mình thật nhiều, nhiều hơn cả Liên nữa. Thầy nói đủ chuyện: chuyện quá khứ của thầy, chuyện hiện tại, chuyện tương lai cho thầy và cho mình. Thầy nói thầy thông cảm mình rất nhiều và chúc mình tiến mãi mãi. Mình thương thầy quá, vậy là thêm một người nữa hiểu mình - MÌNH MUỐN HƠN LIÊN - Nhưng chắc có một điều thầy không thể hiểu được: những lúc mình trầm tư ôm chồng sách toán một cách say sưa...


PHƯƠNG THỦY       
Cho một vì sao nửa sáng  
 nửa tối ở Bà Hạt        

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 26, ra ngày 20-5-1972)

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2024

Ngọt Ngào

 

Bé chạy đi chạy lại như con cúc cu con, sửa cái ghế, xếp lại đôi đũa, khiến me phải bật cười:

- Sao bé giống con gà con thế, chắc lại thấy cái bánh Sô-cô-la rồi chứ gì?

Không, bé chả thấy mấy cái bánh Sô-cô-la như me tưởng đâu, mà bé đang lo đây (nếu me nghe thấy chắc phải la lên: "Mới nhỏ như con cúc cu mà đã biết lo rồi"). Bé lo Xú không tới đấy.

Xú là bạn bé, nó dễ thương lắm miệng luôn cười toe toét, Xú ngộ nghĩnh ghê lắm. Nếu anh chị trông thấy Xú chắc phải béo nó một cái thật đau quá. Nhưng chỉ phải cái tội là nhà Xú nghèo, cha mẹ Xú cực khổ lắm mới lo cho Xú đi học được. Vì vậy Xú chăm học kinh khủng, chả thế mà lục cá nguyệt kỳ vừa rồi, Xú được xếp hạng nhất cùng với bé. Đúng lúc anh Chương ở ngoại quốc về, nên mẹ bé mở tiệc ăn mừng. Bé có xin mẹ cho các bạn bé đến rồi mà chỉ ngại Xú không đến thôi.

Đang nghĩ vẩn vơ, bé bỗng nghe tiếng Đại nói ở ngoài:

- Vào đi, mau lên...

Bé vội chạy ra ngoài, thấy Hải, Đại, Á đang đẩy nhau trước cổng. Bé liền phóng ra:

- A! Hải, Á, Đại vào đi mấy bồ... Còn Xú đâu?

Vừa dứt câu, bé thấy Xú thập thò ở một gốc cây, bé cội chạy đến:

- Xú! Làm gì vậy? Vào đi chứ.

Xú ngập ngừng:

- Xú... sợ Họa... xấu hổ nên định không vào.

Bé rơm rớm nước mắt:

- Xú hay nghĩ vẩn vơ quá, thôi vào với Họa đi.

*

Ăn tiệc xong, bé kéo các bạn ra vườn chuyện trò vui vẻ. Xú quên cả cái "mục" xấu hổ đi, nói cười to hơn ai hết. Đang lúc đó, Xú bỗng buột mồm:

- Hôm nào Xú phải làm một bữa tiệc mời các bồ tới ăn mới được.

Bé, Á, Đại và Hải thích quá hoan hô ầm ĩ, bỗng bé nhớ lại hoàn cảnh của Xú liền nói:

- Làm sao Xú có tiền được...

Bé chợt thấy Đại đưa mắt ra hiệu, vội im, nhưng Xú cũng đã hiểu, nó cúi đầu lẩm bẩm:

- Ừ, làm sao được...

*

Á, Đại, Xú và bé ngồi đong đưa chân trên những cành cây trong vườn của Xú. Gió thổi vi vu, bé thích quá đứng hẳn người lên để nhìn những cọng rạ trên mái nhà Xú bị gió thổi phất phơ. Bỗng nhiên, bé nhớ đến hôm nhà bé có tiệc, và trong lúc vui mồm, Xú nói sẽ làm tiệc để rồi buồn rầu vì bé trót nói nhà Xú không có tiền.

Từ hôm đó, Xú cứ ngẩn ngơ không thiết đến vui đùa làm bé trách mình dại mồm, dại miệng để cho Xú buồn... Đang nghĩ vẩn vơ, bỗng bé nghe tiếng Xú gọi:

- Họa này...

Bé quay lại, thì Xú ngần ngại không nói, bé lơ đãng nhún nhún chân, Xú lại gọi:

- Họa...

Bé ngoảnh đầu, chờ đợi, Xú đút tay vào túi quần, ngần ngừ một lúc rồi lại thôi, bé tức mình kéo mạnh tay Xú, mấy cái kẹo tàu rơi ra, thứ kẹo bán một đồng hai cái. Bé nhăn mặt định trách Xú mua làm gì, ăn để đau bụng, thì Xú vội nhặt lên, ngập ngừng rồi buồn buồn nói:

- Hôm nọ, Xú lỡ hứa với Họa rằng mời Họa một bữa tiệc, nhưng bây giờ Xú không có tiền, xin Họa ăn tạm cái này vậy.

Bé sững người nhìn Xú, một lúc sau mới lấy một cái, bóc giấy bỏ vào mồm. Tiếng Á nói to:

- Kẹo ngon ghê...

Bé cũng hét to:

- Ừ, ngon ghê...

Bé thấy Xú cười, mắt long lanh sáng, bé thấy nụ cười, ánh mắt của Xú, bạn bè, ngọt ngào như viên kẹo bé đang ngậm, thứ kẹo rẻ tiền mà bé vẫn chê.


ĐỖ XUÂN HỘI      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 154, ra ngày 1-6-1971)

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2024

Vào Hạ

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Hoa đỏ lưng trời em thấy không?
Phượng thắm trong ta tựa tim hồng
Một lần vào hạ trăm nuối tiếc
Một thuở xa trường vạn nhớ mong

Nhớ buổi tan trường trên lối đi
Áo trắng đơn sơ dáng nhu mì
Đường em hoa nắng rơi nhiều quá
Một ngả phượng hồng sắc phân ly

Một sáng em vào trường mờ sương
Heo hút dãy hành lang mến thương
Bảng xanh mờ phấn như kỷ niệm
Mai mốt em về còn vấn vương

Cây phượng cổng trường có khóc thương
Tiễn đàn em nhỏ đi muôn phương
Lớp học vắng đi rồi tiếng hót
Cũng xa rồi rộn rã phấn hương

Đôi mái đầu xanh tay trong tay
Trao nhau lời cuối của hôm nay
Ngày mai tung cánh bay theo gió
Nhưng tuổi học trò bao giờ phai.

                          NGUYỄN THỊ KIM XUÂN

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 90, ra ngày 20-5-1973)

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2024

Mùa Chia Tay

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Khi hoa phượng bắt đầu mang sắc thắm
Anh biết rằng nước mắt sẽ lem mi
Và vườn cây tiếng ve dài não ruột
Anh hiểu rằng đó là nhạc chia ly.

Ngó đi em, mắt nhìn lên cành phượng
Hoa phượng nào sắc cũng thắm như son
Nhưng anh thấy ghét màu son ở phượng
Phải chăng vì không hợp máu con tim

Nghe đi em tiếng ve chi buồn lạ
Ca nhạc sầu phải là nhạc chia ly
Nhạc chia ly buồn vọng phút phân kỳ
Bàn tay mình sắp đưa xa vạn dặm

Phượng vẫn thắm và ve thêm buồn thảm
Bụi càng đầy vây lối rẽ chia ly
Chắc chắn rằng lệ anh sẽ lụy vì
Nhưng môi em có sầu chăng lúc ấy?

                                HOÀI MỘNG THIÊN THAI

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 70, ra ngày 1-6-1967)

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2024

Con Cò Trắng

Ngày xưa, có anh học trò rất thông minh, nhưng tính nết hơi gàn, lại nghèo xơ, nghèo xác. Theo nhiều người được biết thì anh ta không phải là kẻ bất tài, nhưng anh có một lối sống khác đời: không thích tiền tài, cũng không ham danh lợi. Anh vẫn bảo là cuộc sống phù du không có gì vĩnh viễn. Vì vậy, mặt đất làm mâm, đêm đêm anh hàn sĩ này cùng trăng sao mở tiệc, nay chỗ này, mai chỗ khác, màn trời, chiếu đất, sông núi, cỏ cây đâu cũng là bạn thiết, là quê hương. Anh không định cư ở một nơi nào. Hễ nơi đâu có cảnh đẹp, có người hiền là anh nán lại ít lâu, nơi bào xem cảnh cũng như người, không hợp ý thì anh dừng chân giây lát rồi lại đi ngay, không do dự.

Anh có biệt tài về nét bút, gặp những lúc đắc ý hài lòng thì trên vách đất anh cũng đề thơ, trên mảnh gỗ anh cũng phác vài hình ảnh đẹp. Nhưng bọn trọc phú cường hào biết tiếng anh, có cho võng đón, lọng mời, anh cũng không bao giờ viết, vẽ cho họ lấy một giòng. Túi áo luôn luôn lép xẹp và dạ dày cũng chẳng khác gì.

Một hôm kia, đến làng Vệ, anh gặp một cơn giông không tránh kịp nên bị cảm hàn. Một bác nông dân nghèo đưa anh về nhà chăm sóc tận tình. Bệnh cảm cúm quái ác đó kéo dài trót tháng.

Sau khi mạnh hẳn, anh hàn sĩ chào chủ nhà ra đi. Trước khi từ biệt anh nói:

- Cảm ơn bác đã có lòng dung dưỡng tôi trong bấy nhiêu ngày. Gia cảnh bác chả phải dư dật chi lắm, tôi biết điều đó... Tôi thật áy náy vì món nợ lớn này. hiềm nỗi tôi nghèo quá, không biết lấy gì để đền ơn bác... Nhưng...

Bác nông dân ôn tồn đáp:

- Cậu chớ bận tâm, cái chuyện giúp nhau là bổn phận của mọi người, có gì mà cậu thắc mắc, mà gọi là ơn với huệ. Tôi chỉ mong cậu được yên vui, và khi nào có dịp thì đừng quên ghé lại mái tranh này, tôi lấy làm vui lắm.

Hàn sĩ cười, nói:

- Giọng bác là giọng của người quân tử, nhưng tôi đây, tuy còn nhỏ cũng không phải hạng tiểu nhân. Cái việc tôi sắp làm cho bác đây nếu gọi là trả ơn thì quá đáng, vì nó không mang lại cho bác trinh nào. Nhưng chính vì tôi cảm kích tấm lòng cao quí của bác mà muốn lưu lại chút kỷ niệm, thế thôi. Xin bác đừng từ chối.

Bác nông dân lẳng lặng ngồi nghe. Hàn sĩ lấy trong cái túi lép xẹp ra một viên phấn trắng cầm ở tay, đưa ra cho bác nông dân xem, rồi tiếp:

- Đây, bác xem có gì quí giá đâu mà bác ngại! Tôi sẽ vẽ lên bức vách này một con cò...

"Đúng là tên học trò gàn!" bác nông dân nghĩ thầm, cũng cười theo, vui vẻ:

- Cậu cứ vẽ đi! Tôi tuy không có học hành nhưng cũng biết quí những gì thuộc về phần tri thức...

Hàn sĩ ta bước lại gần sát vách, vung tay phóng nét vài phút, đã thấy một con cò trắng như thật trên bức vách bằng đất sét nhão trộn rơm. Bác nông dân buột miệng khen:

- Cậu vẽ như thật ấy! Cậu mà vẽ chân dung thì khối tiền!

- Không! Tôi sống không có mục đích làm giàu, nếu tôi muốn làm giàu thì đâu đến nỗi thế này, hở bác? Nhưng mà, bác ạ! Con cò này không chỉ là một cái tranh đẹp in lên bức vách đâu. Sau khi tôi đi rồi, bác có thể bảo nó múa hát giúp vui cho lũ trẻ và tất cả mọi người vào những ngày lạnh lẽo, hay những đêm rảnh rỗi, sau khi mệt nhọc lao tác dưới nắng hạ, mưa đông.

- Cậu không đùa chứ?

- Trời ơi! Tôi đùa với bác làm gì? Nhưng bác nhớ một điều này: tôi không muốn bác bảo nó múa hát giúp vui cho những kẻ sâu dân, mọt nước, và đừng quên là tôi cũng không bằng lòng bác dùng tài nó vào mục đích trục lợi mua danh. Khi nào bác muốn thưởng thức tài nó, bác hãy vỗ tay ba cái và nói thế này: "Cò ơi! Hãy giúp chúng tôi được quên đi nhọc nhằn vài phút! Đời nông dân chả có gì vui!"

Nói xong, hàn sĩ chào bác nông dân, lên đường. Bác ta bán tín bán nghi, không biết đây là chân hay giả, bèn tụ tập láng giềng và lũ trẻ lại mà rằng:

- Cậu học trò mà tôi nuôi bệnh một tháng nay đã lành mạnh, từ biệt đi rồi, trước khi đi, cậu ta vẽ cho tôi con cò này và bảo là nó có thể múa hát giúp vui cho chúng ta...

- Nói dóc!

- Hoang đường như chuyện tây du ấy!

- Kể thì nét bút xem cũng khá, nhưng những lời huênh hoang của hắn làm sao ta có thể tín? Bác chứ tôi, tôi mắng cho mấy mắng...

- Không nên vội phê phán trước khi biết rõ sự thật - một bô lão nói, - cách tốt nhất là bác hãy làm y lời cậu ấy xem sao!

Mọi người đồng ý tức khắc. Bác nông dân đến gần cò, trang trọng cất lời:

- Cò ơi! Hãy giúp chúng tôi được quên đi nhọc nhằn vài phút! Đời nông dân chẳng có gì vui!

Nói xong, bác hồi hộp đứng chờ, mắt nhìn chăm chắm vào nét phấn trên vách đất. Mọi người quanh bác, từ già chí trẻ đều cũng hồi hộp, chăm chắm ngóng chờ.

Vài phút trôi qua, cò trắng vẫn im lìm bất động. Có tiếng cười khúc khích sau lưng bác nông dân, và một kẻ nào đó toan cất tiếng lên giễu bác, thì kỳ diệu làm sao, cò ta chớp mắt một cái rồi đôi chân dài di động, cái trước cái sau, từ bức vách bước ra. Mọi người nín thở đứng nhìn, kinh ngạc đến nỗi không kêu lên được một lời!

Cò vẫn đĩnh đạc, ung dung bước tới, ra đến giữa sân, nó vỗ cánh, cúi đầu nói như một tài tử lành nghề trên sân khấu:

- Kính thưa quí vị nông dân thân mến! Quí vị muốn Cò trình diễn gì đây?

Mọi người bối rối nhìn nhau, sau cùng bác nông dân tỉnh táo trước hết, trả lời:

- Cảm ơn Cò Quí! Chúng tôi quê mùa không biết chọn lựa thứ gì, vậy Cò Quí cứ tự do trình diễn.

Cò không do dự, nói:

- Vậy thì Cò xin được trình diễn tự do, mong quí vị được hài lòng vài phút, thế cũng là quí, đối với Cò rồi.

Và Cò Trắng bắt đầu. Mọi người say mê theo dõi, nó vừa múa vừa hát, thật đẹp, thật hay, thật truyền cảm. Lũ nhỏ há hốc miệng ra nhìn, người lớn quên cả giờ khắc trôi qua.

Thật là một điều kỳ diệu, hi hữu. Ai nấy đều hết sức hài lòng nhất là gia đình bác nông dân chất phác và tốt bụng.

Từ đó, đêm đêm, dân làng kéo nhau đến nhà bác để xem Cò Trắng múa hát giúp vui, lũ nhỏ thì khỏi nói, chúng là khách hàng thường trực.

Một anh có tiếng là lý tài, bàn với bác nông dân:

- Tôi mà như anh, tôi giàu ngay, anh khờ quá!

- Bác bảo tôi làm sao để giàu chứ?

- Thì có của báu đó sao không khai thác? Này nhé, cứ mỗi người xem bác lấy một quan vào cửa, chỉ một năm lại chả nhà ngói cây mít ấy ư?

Bác nông dân nhớ lời hàn sĩ dặn, lắc đầu quầy quậy:

- Không được đâu. Cậu ấy có dặn tôi là không được dùng nó trong mục đích trục lợi...

- Vẽ chuyện! Cậu ấy là tiên thánh nên muốn thế, còn chúng ta, chúng ta là phàm nhân, chúng ta theo acu65 ấy làm sao được chứ? Anh cứ nghe lời tôi, cậu ấy chả quở trách chi đâu.

Mặc dù gã ta hết lời thuyết phục, bác nông dân khăng khăng không nghe.

Cò vẫn giúp vui cho đám nông dân và bầy con nít.

*

Câu chuyện Con Cò Trắng nhà bác nông dân không bao lâu không cánh mà bay xa, xa tắp ra khỏi làng, lên tận huyện. Huyện quan, vốn là một kẻ hiếu sự, lấy làm thích thú, muốn được thưởng thức tài Cò.

Huyện quan liền ra lệnh đòi chủ nhân cò đến huyện đường. Bác nông dân phải gác việc ra đồng để lên hầu quan huyện.

Sau khi hiểu rõ ý muốn nhà quan, bác hết sức bối rối, gãi đầu gãi tai không sao trả lời dứt khoát: tuân lệnh quan thì trái ý hàn sĩ, mà nghe lời hàn sĩ thì quan sẽ không tha. Bác thật khổ tâm. Sau cùng, bác tìm cách trì hoãn, bác thưa:

- Bẩm Đại Quan, sá gì một con cò mọn mà chúng tôi dám trái lời quan, nhưng quả thực Cò Trắng ấy không thể nào đi xa trình diễn hầu quan được. Xin Đại Quan lượng xét...

- Không sao! Ta vốn có bụng liên tài. Nếu Cò không đến đây, ta sẽ đến nhà ngươi mà xem, có gì khó khăn đâu? Ngươi không phải lo!

- Ấy chết, xin Đại Quan không nên xông pha như thế, trời dạo này hay mưa bất chợt, Đại Quan...

- Chớ nhiều lời! Ta mà đã muốn đi xem Cò trắng của mi thì bão ta cũng đi chứ đừng nói chuyện mưa! Ta đi võng chứ ta có cuốc bộ kiểu mi đâu mà sợ ốm?

- Bẩm Đại Quan...

- Đừng nói nhiều lời! Ta muốn xem cò trình diễn là cò phải trình diễn ta xem! Không có lôi thôi chi cả! Cho mi lui. Ngày mai ta sẽ đến nhà mi!

Bác nông dân ủ rũ trở về, lòng buồn bã, bước chân nặng như có đá.

Vợ bác an ủi:

- Việc gì mà mình phải lo lắng cho tổn thọ? Dễ gì quan lớn hạ cố đến nhà một nông dân không chức phận? Biết chừng Ngài hài lòng, lại cất nhắc mình cũng nên...

Hôm sau, quả như lời hứa, Huyện Quan đến làng, vào nhà bác nông dân, ra lệnh bác gọi Cò múa hát. Bất đắc dĩ, bác ta phải tuân lời. Cò miễn cưỡng bước ra khỏi vách, không cúi đầu thi lễ với huyện quan, điệu múa có vẻ uể oải, giọng hát khàn đục, không chút hay ho, truyền cảm.

Huyện quan, thoạt tiên thích lắm, nhưng sau cùng có hơi phật ý, gắt bác nông dân:

- Ta xem ra mi có tà ý, dặn riêng cò trắng thế nào ấy, cho nên nó vô lễ với ta, có phải không? Theo ta được biết thì thường điệu múa của nó linh động, giọng hát thanh tao...

- Kính bẩm thượng quan, Ngài nhầm đấy, số là mấy hôm nay Cò Trắng không được khỏe trong mình...

- Cò thần mà cũng đau ốm hay sao?

- Bẩm Thượng quan, đá còn đổ mồ hôi nữa là cò! Chúng tôi sẽ cho nó nghỉ ít hôm, chờ khi nó thực khỏe, Thượng quan sẽ thấy nó múa hát đúng như lời đồn đãi. Bẩm, cả tháng nay, nó múa hát mãi mà làm gì không ốm?...

Huyện quan nghe xuôi tai bèn ra về, và hẹn trở lại vào giữa tháng, lại cấm vợ chồng bác ta không được cho cò múa hát giúp vui bạn bè, phải để dành cho mình thưởng thức.

Sau khi nhà quan đi khỏi, bác nông dân cầu nhầu không ngớt, vợ bác gạt đi:

- Sao anh lại cầu nhầu như thế? Nhờ tôi tỉnh trí nên mình khỏi bị tội phạm thượng, mình lại không mừng, lại còn nhăn nhó là nghĩa làm sao?

- Mình không hiểu gì cả, khi cậu học trò vẽ con cò này, cậu đã dặn tôi không được dùng nó trong mục đích trục lợi và cũng không bắt nó múa hát giúp bọn sâu dân mọt nước...

- Mình đã chắc đâu rằng ông ta là sâu dân mọt nước, kia chứ?

- Trời ơi! Mình thực là bụng đàn bà, dạ con nít! Không sâu dân mọt nước mà có những hành động cách đó, thái độ kiểu đó? Ngay cả con cò nó cũng không ưa, mình lại còn bênh lão ta ư? Tôi nghĩ đến nông nỗi khi cậu ấy biết tôi trái lời cậu, thì thật chả còn mặt mũi nào...

- Nhưng có phải lỗi mình đâu? Cứ hay mua việc...

Quả nhiên đêm ấy, đang còn trằn trọc chưa yên giấc, bác nông dân thấy hàn sĩ lừng lững bước vào nhà, giọng cậu buồn rầu, đôi mắt đầy trách móc:

- Tôi đã dặn bác, mà bác vẫn trái lời tôi! Đành phụ lòng nhau vậy, bác chớ trách tôi, bác nhé?

Nói đoạn, hàn sĩ quay ra, không thèm từ biệt, cũng không đợi cho bác nông dân có dịp phân trần.

Sáng hôm sau, bác nông dân dậy sớm, thì ra mình nằm mơ, nhưng trong lòng lấy làm phân vân, vội chạy ù ra xem bức vách, thì, trời ơi! Bức vách trống trơn, không dấu vết. Cò Trắng biến mất từ bao giờ!

Bác nông dân cúi đầu lẩm bẩm: "Lỗi tai ta đấy! Còn trách cứ ai!"


MINH QUÂN       
Sàigòn 25-3-1972    

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 178, ra ngày 1-6-1972)



Thứ Ba, 21 tháng 5, 2024

Những Mùa Hạ Đi Qua...

 

 
 Hạ 6A 4 :

Sướng quá. Được nghỉ hè rồi sau một năm miệt mài bên sách vở với những môn học mới lạ. Bạn bè nhìn nhau cười vui. Nghỉ hè mày có đi đâu không? Ba tao cho lên Đà Lạt. Còn gia đình tao về quê ngoại chơi. Mày thích không? Thích! Đỡ phải học bài. Nhưng... tụi mình hết còn gặp nhau để vui đùa nữa nhỉ? Ừ! Cũng buồn. Đấy đại khái tình cảm của bạn bè mình như vậy. Riêng mình đứng tựa cửa lớp nhìn ra sân trường, mai mốt nghỉ hè chắc nó sẽ xanh um cỏ, và những cây táo sẽ ra trái, giá mình còn học thì hái đã. Mình sẽ xa bạn bè về sống những chuỗi ngày bình thản và an nhàn. Cầu Trời cho ngày tháng qua mau, tựu trường học Đệ Lục cho có vẻ lớn một tí chứ ngồi Đệ Thất bé nhất trường chán quá.

Hạ 7A 4 :

Những quyển lưu bút bắt đầu trao nhau. Nét chữ học trò với những tình cảm vụng về phơi bày trên mặt giấy. Cuối năm có mấy đứa ở lại lớp. Buồn ghê, từ nay và mãi mãi sẽ vắng tiếng cười của Vân, Ngọc. Buổi học cuối cùng nắm tay bạn bè đi dọc theo hành lang chơi nhặt cánh phượng đỏ mà lòng mình thấy nao nao. Rồi sẽ hết những buổi chiều tan trường về trên lối đi lộng gió. Năm sau học buổi sáng rồi còn gì. Nắng chiều tắt dần ngoài hiên. Mình muốn bật khóc khi cầm chổi quét dọn lớp sau buổi tất niên. Còn mấy đứa ra vè cuối cùng bổ hai quả dưa còn lại, ruột dưa trắng nhợt, nhìn nhau rưng rưng buồn, mắt môi như thầm nhủ dù thế nào mình cũng đừng quên nhau nhé.

Hạ 8A 5 :

Xúm quanh ông thầy Toán  trẻ phê Thành Tích Biểu năn nỉ xin thầy nương tay vì năm nay lớp mình phá kinh khủng. Hết buồn vu vơ như những mùa hè trước. Năm nay lớn rồi nên bọn mình thực tế. Bàn tán với nhau đủ thứ: Nào rủ nhau đi Cấp nghỉ hè, Mai líu lo rủ mọi người đi học Toán. Mình viết lưu bút cho bạn bè toàn chúc hè vui vẻ, năm sau học giỏi hơn vì sắp là người lớn. Trời tháng bảy mưa chia ly sụt sùi. Mình chợt nhớ lại những kỷ niệm vui buồn của năm qua. Năm học bộc lộ đầy đủ nhất những nét đáng yêu, đáng ghét và đáng nhớ của bạn bè chợt nuối tiếc buổi học cuối cùng vì trời mưa không đến được trường, để nghe lại lời giảng êm đềm của cô Dung, cô giáo sư Việt văn tận tụy với học trò. Tự nhủ tại sao những hôm học cuối cùng mình chẳng thấy buồn để giờ xót xa thầm trong dạ. Sao mà nhớ thế từng khuôn mặt bạn bè dấu yêu.

Hạ 9A 5 :

Lòng bâng khuâng nửa buồn, nửa lo lắng. Thế là hết bậc đệ nhất cấp rồi đấy. Nhận thức vào đời bằng những chữ A, B, C. Ba chữ thủa nào bập bẹ ở lớp mẫu giáo bước vào cuộc đời học sinh mà bây giờ là biểu hiệu chia xa. Nghe bạn bè bảo nhau: Theo tao đi, đừng chọn ban B, khó lắm. Tao tính theo ban C, nhưng mà phải đổi trường nên tao không thèm. Sát cánh bên nhau từ thuở năm đầu không lẽ bây giờ xa nhau. Giờ cuối cùng nộp đơn chọn ban, cả lớp đều ban A. Trừ Vũ Mai ban B. Thích nhé. Nhưng không biết vẫn được học chung với nhau không? Chắc được, lớp mình gắn bó thế này mà ai nỡ chia Uyên rẽ Thúy. Hạ này mình không lưu luyến bạn bè vì hò hẹn nhau đi học thêm TLH nên còn gần nhau mãi. Nhưng mình lại phải buồn vì không còn được học với những thầy cô mà mình mến nhất. Năm học này mình cố gắng và chăm chỉ nhất nhưng chẳng biết những niên học sau còn giữ được mãi thế không.

Hạ 10A 5 :

Chóng thật. Vậy mà đã 4 mùa phượng rơi rồi. Những đợt hoa vàng rực rỡ hai bên đường vào thư viện đã rụng hết và năm học cũng sắp tàn. Nếu còn thi Tú I thì năm sau mình cũng sửa soạn để nếm mùi thi cử rồi. Chẳng mấy lúc mà đã leo lên được những bậc cao nhất của đời Trung học. Tuổi nhỏ đang bỏ xa mình, cầm lưu bút trên tay mà nghẹn ngào, rạt rào tình cảm trong tim mà chẳng nói được nên lời. Bạn bè cũng dần xa khỏi tầm tay. Trần đã sang ngang. Những người khác kẻ 10A 1 đứa 10A 3. Tình bạn cũng nhạt nhòa nhưng kỷ niệm ngày xưa mãi còn in đậm trong tim mình. Bước qua một năm học đầy buồn vui lẫn lộn với bao mối ưu phiền. Một năm học đáng ghi nhớ nhất của mình. QGNT ơi! Ta đợi mi tháng 9. Ngôi trường dấu yêu và bạn bè thân mến.


Nguyễn thị Kim Xuân           
(Thân tặng bạn bè yêu dấu)       

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 90, ra ngày 20-5-1973)

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2024

Danh Ngôn 201

 

Cái TA là đáng ghét... Nhưng đó là nói về cái TA của kẻ khác kia!
Paul VALÉRY.

Tật xấu là gì? Là những cái ưa thích mà mà mình không đồng tình.
Jean LORRAIN

Sở dĩ sự kiêu xấc của kẻ khác làm cho ta khó chịu, là vì nó làm thương tổn cái kiêu xấc của ta đấy thôi!
LA ROCHEFOUCAULD.

Người ta yêu cầu được nghe lời phê bình của anh, nhưng họ chỉ muốn nghe những lời khen tặng mà thôi.
W.S. MAUGHM

Hành động của ta được ngưỡng mộ là khi người khác nói tới, nhưng sẽ đáng khinh bỉ nếu chính ta kể ra.
P. LE JEUNE

Có những người, giống như những con gà trống, cứ tưởng mặt trời mọc lên là để nghe nó gáy!
Bà George ELIOT


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 201, ra ngày 15-5-1973)

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2024

Một Cuộc Nô Đùa

 
 
Một buổi sáng đẹp trời, nhằm ngày Bobby được nghỉ học, ba nó đi làm sở, còn bà mẹ thì đi chợ, Bobby liền gọi những nhóc con bạn đến, cùng với chị nó là Holly chơi trò chơi hú tìm.

Trò chơi bắt đầu. Holly bị nhắm mắt vào một gốc cây, còn bọn nhóc kia may mắn được đi trốn. Khi Holly bắt đầu đếm, Bobby nghĩ thầm: "Mình sao luôn luôn cứ bị kiếm thấy trước nhất, vậy kỳ này phải tìm một chỗ thật tốt". Và mắt nó chợt sáng lên, trước mặt một cái "can" còn mới nguyên vì mẹ nó mới mua hôm qua, cái "can" này vốn để đổ những cơm thừa canh cặn vào đó, cho những người nuôi heo tới lấy, cái "can" thay cho cái cũ đã bị hư nên mẹ nó vội mua cái khác. Thế rồi, "phụp" một tiếng khô khan vang lên, Bobby nhảy vào trong cái "can" và nhận mình xuống lòng của chiếc "can" chật hẹp, rồi đưa tay ra lấy cái nắp đậy lên trên che giấu thân thể của nó. Cùng lúc đó, Holly bắt đầu đi kiếm và lần này cô không thể kiếm ra Bobby để rồi cuối cùng tuyên bố bỏ cuộc. Nãy giờ, ngộp thở trong chiếc "can", nghe Holly chịu thua, Bobby mừng hết lớn, vội vàng toan đứng dậy định phóng ra ngoài nhưng, một sự bất ngờ xảy ra, lúc vào ngồi trong chiếc "can", Bobby đã cố gắng lắm mới thu gọn mình trong đó nên bây giờ hai chân của cậu ta đã uốn éo, vặn vẹo mãi mà vẫn không sao nhấc hai chân lên được, thật tai hại. Bây giờ, thu mình trong đó với tất cả sự bực bội, lo sợ, Bobby la lớn: "Tôi đang bị mắc kẹt trong chiếc "can". Nghe tiếng của Bobby, bọn trẻ vội vàng chạy tới, đứa nắm tay, đứa nhận chiếc "can" xuống đất, và hết sức lôi Bobby ra khỏi, nhưng vô ích. Holly la lên: "Trời ơi, chúng ta phải làm sao? Mong má về ngay, má sẽ lấy Bobby ra".

Bobby nói:

- Hãy gọi Cảnh Sát, họ biết cách lấy tôi ra.

Holly vội vàng quay điện thoại gọi về chi cảnh sát:

- Alô! Ông có thể gởi một nhân viên đến số 1123, đường X? Em của tôi bị mắc kẹt trong cái "can" chứa đồ ăn dư và bây giờ không làm sao ra được.

Ở đầu dây bên kia, tiếng của ông cò:

- Tên hắn là gì?

- Dạ Bobby, còn tôi là Holly chị của hắn.

- Được rồi, tôi sẽ cho người đến ngay.

Gác ống nghe lên, Holly ra ngoài cổng đứng chờ. Năm phút sau, một chiếc xe Jeep có hai nhân viên công lực ngừng ở cổng. Holly mừng rỡ:

- Chào hai ông! Em tôi bị kẹt luôn ở trong chiếc can và chúng tôi không thể kéo hắn ra khỏi nên mới điện thoại cho ông!

Rồi Holly đưa hai nhân viên đến chỗ Bobby đang ngồi bó rọ. Một người nhận mạnh cái can xuống còn người kia nắm hai vai cậu bé và lôi lên. Thật khó nhọc! Hai người đó cũng không làm sao để cứu cậu bé kia trong lúc thân thể của cậu đã bị kẹt chặt trong chiếc can quái ác kia.

- Thôi! Vô ích! Cậu bé kia ơi! Hãy ngồi chờ để tôi gọi nhân viên cứu hỏa, may ra họ có cách lấy cậu ra khỏi đây!

Trong lúc đó, ông cảnh sát trưởng ở nhà điện thoại cho phóng viên  nhà báo:

- Alô! Tôi có một tin cho báo của ông. Một cậu con trai ở số 1123 đường X đã bị mắc kẹt trong cái can chứa đồ ăn dư thừa và không làm sao ra khỏi.

- Cám ơn ông Cảnh sát trưởng! Thật là một chuyện hi hữu.

Sau đó, phóng viên nhật báo vội vàng lái xe đến nhà Bobby, có mang theo máy chụp hình. Phóng viên đến số 1123 thì ông vô cùng ngạc nhiên thấy có nhân viên cứu hỏa cũng vừa đến ngay cổng. Ông vội vàng tiến đến:

- Có chuyện gì thế? Tôi đâu có thấy khói hay lửa gì đâu mà cũng có mặt ông ở đây nữa sao?

Nhân viên cứu hỏa nhún vai:

- Ồ! Một đứa con nít kẹt trong chiếc "can" và không ra được nên cầu cứu đến tôi! Phóng viên nhà báo đánh hơi nhanh thật đấy.

Họ bước vào nhà. Phóng viên nói với nhân viên cứu hỏa:

- Ông cho phép tôi hỏi cậu ta một vài câu hỏi trước nhen.

Rồi ông ta đến trước mặt cậu Bobby, nhìn cậu ta chằm chặp:

- "Em tên gì nhỉ?" - Phóng viên  hỏi.

- "Dạ em tên Bobby" - Bobby trả lời.

- Em bao nhiêu tuổi, Bobby?

- Em năm nay chín tuổi nhưng ông hãy mau mang em ra khỏi đây đi, em mỏi chân quá rồi.

- Được, nhân viên đây sẽ mang em ra khỏi chiếc "can" này lập tức với cái cưa của ông ta. Thế em học trường nào nhỉ?

- Dạ, trường tiểu học Washington.

Sau khi đã ghi chép những lời của Bobby, ông phóng viên đưa chiếc máy chụp hình lên ngang tầm mắt và khôi hài:

- Tôi chụp cho em tấm hình đặc biệt này, tấm hình em ngồi trong chiếc "can". Vậy em hãy "cười" lên nào.

Bobby bực bội:

- Ông hãy mau mau mang tôi ra khỏi đi, chân tôi đã bị nhức, mỏi mệt quá rồi. Tôi không thích ông chụp hình tôi đâu.

- Lấy em ra khỏi chiếc "can" là việc thứ hai. Còn việc đầu tiên của tôi là ... "tách" một tiếng vang lên, ông ta đã nhận cái nút máy hình.

Sau đó nhân viên cứu hỏa bắt tay vào việc. Ông ta cầm cái cưa và bắt đầu cưa cái "can" một cách cẩn thận. Trong một thời gian thật ngắn, Bobby đã ra ngoài được!

- Sao? Em cảm thấy thế nào? Dễ chịu không? - ông phóng viên lại hỏi.

- Dạ, em rất khoan khoái, dễ chịu - Hắn cười nhăn răng, nhưng cũng đầy vẻ lúng túng, e lệ - còn chiếc can này thì không có lý do gì để em lại vào đó ngồi lần thứ hai đâu.

Nói đến đây, Bobby đã văng chiếc "can" quái ác đã nhốt hắn trong suốt thời gian một tiếng đồng hồ. Cậu bé vươn vai, xoa chân, hai chân bị bó rọ nên máu đã tụ lại, khó lưu thông được, bây giờ được giải thoát, cậu bé Bobby đã cảm thấy khỏe khoắn và mạch máu trong người đã bình thường, không còn khó chịu như trước nữa.

Nhìn các bạn bu quanh, Bobby e lệ, ngượng ngập trong lúc các bạn nhóc con đều thích thú cái sự chơi đùa nguy hiểm của Bobby. Và chiều tối hôm đó, Bobby lại thêm một lần khó chịu và bực bội khi cha nó đi làm về.

Khi ba Bobby đi làm về, vừa đến nhà, ông thay quần áo rồi trong lúc chờ ăn cơm, ông lấy tờ báo lại salông ngồi coi thì ông vô cùng ngạc nhiên vì trên trang nhất có hình của Bobby, con trai ông, ngồi bó gối trong chiếc "can", vẻ mặt thiểu não, tiếp theo bức hình là những dòng chữ nói về trò chơi của Bobby và lũ nhóc con.

Ông vội vàng gọi Bobby lên và chỉ cho nó tấm hình.

- Con có thích tấm hình này không hả Bobby? - Ông hỏi.

Bobby cau mặt tức giận:

- Mấy ông nhà báo lôi thôi thật! Con không thích tấm ảnh này đâu ba ơi, con chỉ thấy tấm hình này diễn tả sự ngu ngốc đần độn tột cùng của con thôi.

- Hãy nhớ mãi kỷ niệm này nghe con! - Ông cười và nói thêm - "Chỉ có sự nghịch ngợm ngu dại của con mà làm phiền đến biết bao nhiêu người: từ ông cảnh sát, đến nhà báo, đến nhân viên cứu hỏa. Thôi, cha con mình đi ăn cơm, ba đói bụng rồi!".


NGÔ ĐÌNH QUÍ                   
(Viết theo "The New Times  and places") 

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 68, ra ngày 1-5-1967)



Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2024

Hà Bá Cưới Vợ

 Trên lề đường quan lộ, dưới bóng cội thông, có hai nông phu một gà một trẻ đang ngồi nghỉ mát, đôi mắt họ cùng đăm chiêu nhìn thửa ruộng mênh mông nhuộm khắp một màu vàng khô đét. Bác nông phu già thở dài chép miệng than:

- Nghĩ giận cho lão Viên Bôn, cũng vì lão tiếc một đứa con gái mà làm cho cả thành Nghiệp Đô năm nay phải chịu cảnh đồng khô cỏ cháy, khốn đốn như thế nầy...

Người nông phu trẻ tuổi ngắt lời:

- Thưa bác, theo ý của cháu thì nên thương hại cho bác Viên Bôn hơn là trách, đáng trách là thần Hà Bá, một vị thần nhân mà lại còn ham mê sắc dục và quấy nhiễu dân lành thì có lẽ trời không dung tội...

- Ý chết, cháu đừng xúc phạm đến thần không nên...

Hai người đang lý luận với nhau, bỗng nhiên không ai bảo ai, họ đều im lặng vì đàng kia có một người đang cỡi ngựa, diện mạo oai nghiêm, mắt sáng, rầu dài, trán rộng, ăn mặc rất sang, có một thanh niên mang gói theo hầu ra chiều cung kính lắm.
 

Hai người khách đi đến cội thông liền dừng chơn lại, hai bác nông phu còn đang trố mắt nhìn khách lạ, thì ông khách từ từ xuống ngựa bước lại bóng mát chỗ hai người ngồi, bấy giờ họ mới đứng dậy vái chào, ông khách đáp lễ lại và hỏi thăm:

- Xin lỗi nhị vị, chúng tôi ở xa, nhơn đi qua đây chúng tôi rất lấy làm ngạc nhiên vì thành Nghiệp Đô nầy trông có vẻ kiên cố và rộng lớn, cớ sao chúng tôi lại nhận thấy cảnh tiêu điều đất trống nhà thưa, dân cư xơ xác như vầy nên có lòng thắc mắc, vậy nhị vị là người bản xứ tất hiểu việc nhiều, dám xin cho chúng tôi được rõ nguyên do phỏng được cùng chăng?

Hỏi xong người ấy bảo thanh niên theo hầu mở gói lấy bình nước Mai-quế-hương rót ra mời hai bác nông phu cùng uống giải khát. Sau khi thấm giọng, bác nông phu già lễ phép thưa:

- Quí khách là người ở xa nên không biết cũng phải... Nguyên vì cách đây bảy năm, thành nầy bị nạn lụt, mùa màng hư hại rất nhiều, sau đó mới biết là thần Hà Bá (thần sông) dưới sông Chương Hà ra oai để cho dân chúng biết quyền phép của thần và buộc cứ mỗi năm, dân trong thành phải thay phiên nhau mà dâng cho thần một người con gái để làm vợ và một lễ kỳ yên thật to, thì thần sẽ phù hộ cho được mùa, dân chúng bình an, bằng không thì phải bị tai nạn cả thành... Phần tiền cúng là của nhân dân đóng góp, còn người con gái làm vợ cho thần thì về phiên nhà nào nấy chịu, nếu có tiền thì mua con gái khác thế, còn như nghèo thì phải đem con gái trong gia đình nộp cho thần, bởi thế nhiều nhà có con gái sợ đến phiên mình phải nộp con nên trốn đi xứ khác rất nhiều thành ra dân cư thưa thớt như quí khách đã thấy.

Ông khách hỏi:

- Làm thế nào mà biết thần Hà Bá đòi như vậy?

- Thưa đó là nhờ các đồng nhân (đồng cốt tự xưng là thần thánh nhập vào mình mà nói ra).

- Còn ai đứng ra coi việc cúng tế?

- Thưa cũng do những người ấy hợp cùng các hào trưởng mà lo việc cúng tế và tu bổ miễu thờ.

Câu chuyện đến đây thì anh nông phu trẻ tuổi nói xen vào:

- Thưa quí khách, theo thiển ý của tôi thì nước lụt và nắng hạn chẳng qua là lệ thường trong thế gian ; còn việc nầy có lẽ do bọn đồng cốt mưu rập với các hào trưởng mà bày ra để chia lợi cùng nhau, họ góp của dân mỗi năm hàng trăm vạn quan tiền, lại còn dùng thủ đoạn bắt chẹt những nhà có con gái mà ăn hối lộ nữa, anh em chúng tôi hết sức bực tức song vì cổ ngắn miệng nhỏ nên khó kêu cho thấu sự lợi dụng của bọn người hào trưởng trong thành nầy.

Uống thêm ngụm nước, anh nói tiếp:

- Như hồi năm vừa qua, nhà của bác Viên Bôn có một đứa con gái sắp gả chồng, bỗng dưng họ đến bảo là tới phiên nhà bác ấy dâng người cho Hà Bá. Vì nhà nghèo nên bác hứa chịu, đến ngày cúng kỳ yên thì gia đình bác đã trốn đi mất, sang năm nay lại có nạn hạn hán nầy, bọn đồng cốt được dịp lại bắt chẹt dân chúng gắt gao hơn nữa... Cảm thương cho nhà ông ngư phủ họ Trần, cha góa con côi mà lại bị Hà Bá đòi cưới cô con gái của ông, chỉ còn một tuần nhựt nữa (10 ngày) thì con phải lìa cha, kẻ dương gian, người âm phủ, nghĩ có tức chết được không!

Ông khách gật đầu có vẻ suy nghĩ và nói:

- Cậu nói có lý, Hà Bá là thần sông, có lẽ nào lại cưới vợ bằng người sống được... À rồi công cuộc đưa dâu như thế nào?

Anh nông phu đáp:

- Thưa quí khách, đến ngày kỳ yên thì làm lễ cúng tế ở miễu thờ bên bờ sông, đoạn họ sắp một chiếc thuyền nhỏ đan bằng cỏ, tế xong đưa cô dâu xuống thuyền ấy mà thả ra giòng sông, được một quãng thì thuyền cỏ đắm, cô dâu cũng chìm theo luôn.

- Tội nghiệp thay - ông khách nói - Chúng tôi đây là bạn của quan thái thú mới đến trấn nhậm thành nầy, để tôi vào dinh cậy người xin hộ với Hà Bá mà bãi việc nộp con gái, để giúp cho nhân dân được khỏi nạn buôn thần bán thánh của nhóm hào trưởng nầy đi.

Nói xong ông khách liền từ giã lên ngựa hướng về dinh quan Thái thú.

Tùng... Beeng... Tùng...

Bên bờ sông Chương Hà, rộn rịp dân chúng tụ tập dự lễ kỳ yên cúng thần Hà Bá... Ba hồi chiêng trống nổi lên, mọi người nhao nhao bàn tán:

- Lễ kỳ yên năm nay lại được quan thái thú đến làm chủ hôn lễ đưa dâu thì chắc thần bằng lòng lắm.

Đàng xa, dưới gốc cây liễu có hai người đang khẽ bàn riêng với nhau, một người nói:

- ... Bác hãy xem kỹ lại đi, chứ cháu quyết rằng chính ông khách hôm nọ là quan tân Thái thú, giả dạng để dọ tình dân chúng đó.

Người kia đáp:

- Có thể... vì bác cũng nhận ra chú lính thị vệ đứng đầu hàng bên trái kia, gương mặt rất giống anh thanh niên mang gói hôm trước lắm.

- Nếu quả như vậy, ta hãy chờ xem ngài xử sự ra làm sao.

Tùng... Beeng... Tùng...

Cuộc lễ bắt đầu - mọi người nhận thấy một bà đồng già, áo quần sặc sỡ đi trước, dáng điệu tự đắc đầy kiêu ngạo, tiếp đến chừng hai mươi người đệ tử cầm khăn đỏ múa may một vũ điệu trông thật là quái gở, kế đó là tam lão đứng đầu trong nhóm hào trưởng ra dâng hương. Khấn nguyện xong, bỗng nghe quan thái thú truyền lệnh:

- Phiền bà đồng dắt cô dâu ra đây cho ta xem mặt.

Bà đồng sai đệ tử dẫn cô con gái của ông chài đến quì trước bàn án, nước mắt dàn dụa. Quan Thái thú xem rồi nói:

- Các ông hào trưởng tệ lắm, ai đời Hà Bá là một vị quí thần, sao các ông lại chọn một cô dâu xấu xí như vậy, thôi cho cô nầy về đi và ta cậy bà đồng một việc, bà cảm phiền xuống sông nói với thần rằng ta sẽ chọn một cô gái khác đẹp hơn, cho xứng đáng làm vợ thần rồi sáng mai sẽ đem đến nộp.

Đoạn quan Thái thú vẩy tay, liền có hai chú lính thị vệ bước lại ôm bà đồng liệng tỏm xuống sông, bà ấy chới với một lúc rồi chìm mất. Dân chúng đứng xem ai cũng kinh hồn mất vía.

Quan Thái thú điềm nhiên ngồi đợi một hồi, không thấy bà đồng nổi lên bèn nói:

- Bà đồng đã già lụm cụm nên đi lâu quá mà chưa về, vậy các đệ tử hãy đi thúc dục bà ấy hộ ta một phen nào!
 

Nói xong ngài bảo các đệ tử nắm tay nhau rồi sai lính đẩy ngã xuống giòng sông mất dạng. Đợi một lúc quan lại nói:

- Sai đám đồng cốt đi, không nên trò trống gì cả... có lẽ đàn bà ăn nói chẳng thông nên Hà Bá không chịu, vậy phiền tam lão hãy xuống nói hộ cho ta có thể được việc hơn!

Ba ông già run rẩy toan từ chối, quan Thái thú quát to:

- Đi mau xem thế nào về trả lời cho ta biết!

Thế là ba ông già lại được đưa xuống sông theo các bà đồng... Chờ một hồi lâu quan phàn nàn:

- Tam lão già nua cũng chẳng làm xong việc, vậy phải phiền đến các hào trưởng một phen!

Bọn Hào trưởng mặt xanh tợ chàm, run như cầy sấy cùng nhau quì lạy van xin, Quan thái thú nói:

- Thế thì đợi chốc nữa xem sao.

Thời gian nặng nề, im lặng chừng một khắc, bỗng quan thái thú trỏ ra sông cất tiếng nghiêm trang bảo:

- Kìa các ngươi hãy xem, mặt nước mênh mông cuộn chảy, nào có ai thấy Hà Bá ở đâu không? Bấy lâu nay các ngươi đã lợi dụng quyền thế để giết hại bao nhiêu gái thơ vô tội, thì giờ đây các ngươi phải đền mạng chớ sao.

Nhóm hào trưởng kêu oan:

- Kính thưa đại quan, xưa nay chúng tôi bị bọn đồng cốt lừa gạt, chứ thiệt tình không có âm mưu chi hết, xin đại quan xuống đức dung thứ cho chúng tôi nhờ.

Thái thú nói:

- Hôm nay bọn đồng cốt đã chết rồi, vậy kể từ đây nếu ai còn nói Hà Bá đòi cưới vợ, thì bắt người ấy xuống thủy cung mà làm mai mối cho thần, còn các ngươi thu bao nhiêu tiền bạc của dân thì phải kê khai tài sản đặng ta phân trả lại cho dân.

Bọn hào trưởng vâng dạ... Thế là đám kỳ yên bế mạc, dân chúng hớn hở ra về trong bầu không khí cởi mở vui tươi.

Ít lâu sau quan Thái thú xem xét địa thế, sai dân đào thêm nhiều ngòi rạch cho nước sông Chương Hà rút bớt đi, giúp cho miền gần sông không bị lụt mà các vùng xa được có ngòi chảy vào lấy nước làm mùa trồng trọt, khỏi lo nạn hạn hán như ngày xưa. Những gia đình lánh nạn thần Hà Bá cũng lận lượt tựu về, chẳng bao lâu thành Nghiệp Đô trở nên phong phú và thịnh vượng.


NGUYỄN MINH LUÂN       

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 17, ra ngày 25-5-1964)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>