Thứ Ba, 28 tháng 5, 2024

Chuyện Một Niên Học

 

 
THÁNG THỨ NHẤT + THÁNG THỨ HAI

Tuần lễ đầu năm buồn da diết, tụi bạn chẳng đứa nào chung bàn cả Hà cũng vậy, nó bảo ban B học nhức đầu, theo A gạo sướng hơn. Mấy tuần lễ về sau đỡ buồn vì có bạn mới và nhất là có thầy Minh dạy toán, thầy dạy thật hay và sống động... những ngày cuối tháng mình vui thật vui: kết quả tháng này mình nhất lớp, tụi bạn bắt đầu xì xào : Thầy Minh thương nhỏ Hải ghê...

THÁNG THỨ BA

Phải công nhận là lớp mình học khá, đứa nào cũng gần bằng nhau nhất là nhỏ Liên, nhỏ là một học sinh giỏi của trường Tây sang, cái gì nhỏ cũng tốt hết : Pháp văn không kể, Anh văn khá, Việt văn giỏi, toán xuất sắc và trình độ văn hóa của nhỏ rất cừ, đa số cái gì cũng biết, nói chuyện với nhỏ mình thấy mình thiển cận, việc học do đó bắt đầu lung lay. Lạy trời cho mình đầy đủ sáng suốt trong kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt tới, tháng này mình vẫn đứng đầu lớp, nhỏ Liên thứ hai.

THÁNG THỨ TƯ + THÁNG THỨ NĂM

Một tuần nghỉ Tết trong vui sướng được bù đắp bằng những ngày hồi hộp cho mấy bài thi : Tất cả mọi môn đều đã được các giáo sư trả hết, trừ toán : Lý Hóa nhất, Việt văn nhất, còn toán...? Mình lo sợ quá.

Đến giờ toán thầy Minh bước vào tay ôm xấp bài thi, tất cả đều im lặng đợi chờ. Thầy cười, nụ cười thật tươi trên gương mặt đen sáng rồi khen ngợi : các em xứng đáng là dân ban B, thầy rất sung sướng và hãnh diện, không riêng cho thầy mà cho cả các em, thầy mong rằng các em sẽ tấn tới hơn nữa ; người có điểm kém nhất là 10, 50 em Hoàng Huynh Bảo... Rồi thầy gọi tiếp số điểm từ nhỏ đến lớn rồi đến nhỏ Lan, đến thằng Vũ, đến nhỏ Liên với số điểm 18 và một tờ cuối 19 điểm ; mình run lên khi giọng thầy thật ngọt : Lê Hoàng Hồ Hải. Hơn 80 con mắt vây bủa, mình ngượng ngập đi lên ; có lẽ không bao giờ mình quên giây phút đó : em hãy xứng đáng hơn. Thầy nói như thế và đôi mắt thầy nhìn mình thật ấm, mình bị giao động mạnh, sự giao động đó không giống như của thầy Lý Hóa hay cô Việt văn, nó làm mình bối rối và loáng thoáng trong hồn lời nhỏ bạn hôm nào : Thầy Minh chưa vợ.

Kết quả kỳ thi này mình và nhỏ Liên hạng nhất, kể thì hơi buồn nhưng nhỏ Liên hạng nhất cũng đúng vì nhỏ giỏi, giỏi hơn cả mình nghĩ. Hôm nọ ngồi tán gẫu, nhỏ nói: ... Toán thầy Minh cho phần đông Liên làm rồi vì có trong sách Pháp, với lại hồi học trường cũ mỗi bài toán cho ra phải chứng minh tất cả 4-5 kiểu do đó toán đối với Liên trôi chảy lắm... Nghe nhỏ nói mình lo sợ, mà quả thật như vậy dạo này Liên làm toán nhanh và hoàn toàn lắm ; nhỏ Lý nói: nó bắt đầu dở 12 thành công lực ra đó, coi chừng nghe Hải!

Dạo này mình coi sách nhiều quá, nhiều hơn cả Liên nữa. Vừa coi xong "Chiến Tranh và Hòa Bình" mình lại lang thang Lê Lợi mua mấy quyển truyện dịch, không hiểu sao mình lại thích truyện dịch, thích đến nỗi bỏ quên cả những cuốn sách khoa học nho nhỏ trong kẹt tủ mấy tuần liền không mó tới, mấy nhỏ khó tính xì xầm: bày đặt hoài, làm như ta đây hay lắm... Mình mặc kệ, thích thì đọc ai làm gì được. Ừ, mà biết đâu mình chẳng làm bộ, như lúc đọc cả chục trang mà không nhớ ý nào là sao?

Không hiểu sao độ rày má la mình quá chừng, la đến độ một chút nhỏ nhặt cũng la: hôm bữa làm bể cái ly má la hoài, đến lúc anh Huy về má còn nói đánh cho mình một trận, xui xẻo làm sao lúc đó ổng đang tức bực cái chi nên mình bị một trận đòn chí tử. Hồi trước má đâu có thế, mà anh Huy cũng tàn tệ đánh mình không chút nương tay...

Buồn ơi là buồn!

Song song với những việc vớ vẩn đó là mình xao lãng việc học, có lẽ tại nhỏ Liên nổi quá, gì nó cũng trước cả. Khảo bài trước, nộp bài trước, trả bài ra cũng trước. Thầy Minh chắc cũng thương nó trước mình, tháng này nhỏ Liên hạng nhất, mình rơi xuống hạng 3. Thầy Minh ngạc nhiên - thầy là Giáo Sư hướng dẫn - và hỏi nguyên do, mình cười gượng: lười! Thầy buồn: em nói vậy là hỗn nhưng không sao, tôi chỉ cần em ý thức tầm quan trọng của sự học là đủ... Và thầy đi lên. Mình bàng hoàng, mình không hiểu sao lại nói dại như thế, có lẽ tại thầy luôn khen Liên thông minh, Liên học giỏi, Liên vui vẻ, nhanh nhẹn còn mình thì: Ồ! Bài toán dễ thế mà Hải không làm được à... trong thời gian mà "thầy thương nhỏ Hải ghê" chắp cánh bay đi. Gì thì cũng tại mình cả, tại mình lười, lười với tất cả mọi môn. Thầy! Em sẽ làm cho thầy hài lòng... kỳ thi đệ nhị đang vội vã tới.

THÁNG THỨ BẢY + THÁNG THỨ TÁM

Tất cả những dự định đều trôi bay, mình vẫn sao lãng việc học, vẫn đọc sách và kết quả kỳ thi đệ nhị mình hạng năm, thua nhỏ Liên đã đành lại thua cả nhỏ Lan, thằng Vũ, thằng Thông, nhỏ Tuyết, buồn nhất là môn toán mình có 17 trong khi chúng nó 19-20. Mình lo sợ và cố gắng học lại nhưng hình ảnh nhỏ Liên, nhỏ Tuyết, lời khuyên bảo của thầy Minh mà mình cho là thương hại, sự khó tính của má quay vù vù chung quanh, lấp hết cả những đạo hàm, những con số, những bài thơ bất hủ và đưa xa tầm tay những danh vọng ngày xưa.

Bây giờ lớp học không có gì hấp dẫn nữa, mình đến chỉ để ngồi đọc truyện xem sách, xem trong giờ Việt văn, giờ Lý Hóa và cả giờ thầy Minh nữa, thầy không nói nhưng đôi mắt thầy thật phiền khi bắt gặp. Còn gì nữa đâu khi mình đã mang ý tưởng bất cần dù đã vài lần "được" ăn "trứng" vì xem sách.

Buồn quá tới nhà nhỏ Hà rủ vô nghĩa địa chơi, nhỏ trợn mắt: Mày có khùng không?! Mình ngao ngán: tao chẳng khùng gì hết, ngoài đời không ai hiểu mình thì vô nghĩa địa tâm sự cho người chết nghe còn sướng hơn - Cái gì mà không hiểu, sao mày bi quan quá vậy, thảo nào độ này thấy cô nàng buồn rười rượi hỏi cái gì cũng không chịu nói, bây giờ thì nói đi, chúng mình bạn thân mí nhau có gì tao giải quyết hộ cho. Mình lắc đầu không nói. Nhỏ cười: không cần mày nói tao cũng biết - Mình ngạc nhiên - có gì đâu: Liên nói rồi mày nói vì vô tình hay cố ý tao không biết - Nhỏ đổi giọng nghiêm trang: tao nói thật đấy nhé, nếu có gì không phải mày đừng buồn, tao nhận thấy mày không đủ bình tĩnh và hay có mặc cảm trước một biến đổi lớn lao, môi trường biến đổi đang có là Liên với thầy Minh. Nói về Liên trước thì Liên trước mắt mày như một cái búa giáng xuống đầu làm choáng váng: LIÊN HOÀN TOÀN! Cái toàn vẹn đó làm mày có mặc cảm thua kém và mày nhất định làm mọi cách để bằng Liên vì mày từ xưa phải nói rằng chưa một lần đi sau, thế nên đầu tiên mày đọc sách, thứ hai mày bỏ nhiều thì giờ để đến các thư viện hay các phòng triển lãm, mày làm như vậy để làm gì? Đành rằng kiến thức sẽ được mở mang nhưng chuyện gì cũng tương đối thôi, vả lại tụi mình còn bé quá mà Hải? Rồi từ những việc trên mày dễ mệt mỏi, mất sáng suốt - kính 4,5 diop còn gì - và từ chỗ mất ánh sáng suốt đó mày có những nhận định sai lầm. Thí dụ: khi học Pháp văn hay lúc làm toán mày lại nghĩ: mình học bao nhiêu cũng thua Liên: Pháp văn với nó như ABC, toán với nó lại quá thông thường, mình làm đến mấy cũng thua nó thì làm chi nữa cho phí công. Các môn kia cũng vậy, mày có ý tưởng như thế về Liên, thì mày cũng có ý tưởng cho nhỏ khác như vậy nếu nó xuất sắc hơn mày một môn nào đó.

Còn thầy Minh, tao không biết tình cảm của mày dành cho thầy Minh ra sao nhưng Giáo sư nào lại không thương học trò ngoan lại giỏi, mà tao thấy thầy đâu ghét bỏ gì mày, chung qui cũng tại mày mặc cảm thua kém, ngu dốt. Ngoài ra ở chung quanh còn biết bao nhiêu đứa khác, mày sơ hở là nó cướp ngôi ngay, như vậy mày sa sút là phải còn kêu ca gì nữa. Bây giờ mày nghe tao đi, mày hãy coi con Liên như những đứa khác không có kí lô nào hết, nó hơn mình cái này thì mình hơn nó cái khác phải không Hải?

Mình cúi đầu bẻ ngón tay: mày đoán sai nhiều đúng ít - Hà trề môi im lặng. Mình không nói gì, mà biết nói gì bi giờ vì nghe xong mình thấy nhẹ người đi nhiều.

Ở chơi với Hà một giờ nữa rồi mình về, lúc về nhỏ Hà khen mình đẹp người lớn. Mình ngượng ngùng chối từ nhưng thầm nhủ: mày không biết đấy thôi, tao đã lớn rất nhiều trong giờ thầy Minh.

*

Phượng lại đổ khắp sân trường, hôm lãnh phần thưởng vui nhất là lúc gặp thầy Minh, thầy nói chuyện với mình thật nhiều, nhiều hơn cả Liên nữa. Thầy nói đủ chuyện: chuyện quá khứ của thầy, chuyện hiện tại, chuyện tương lai cho thầy và cho mình. Thầy nói thầy thông cảm mình rất nhiều và chúc mình tiến mãi mãi. Mình thương thầy quá, vậy là thêm một người nữa hiểu mình - MÌNH MUỐN HƠN LIÊN - Nhưng chắc có một điều thầy không thể hiểu được: những lúc mình trầm tư ôm chồng sách toán một cách say sưa...


PHƯƠNG THỦY       
Cho một vì sao nửa sáng  
 nửa tối ở Bà Hạt        

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 26, ra ngày 20-5-1972)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>