Thứ Năm, 2 tháng 5, 2024

Tình Bạn Giữa Nguyễn Khuyến và Dương Khuê

  

Các em thân mến, 
 
Trên những số báo vừa qua, chúng tôi có nói đến bạn tri âm, bạn tri kỷ, nhắc đến truyện tích Trung Hoa.

Trong văn học Việt Nam, cũng có một mối tình bạn rất thấm thía và đậm đà, đấy là tình bạn giữa Nguyễn Khuyến và Dương Khuê.

Nguyễn Khuyến, người làng Yên Đổ tỉnh Hà Nam, Bắc Việt, sinh năm 1835 và mất năm 1909. Ông thi đỗ giải nguyên năm 1864 đời vua Tự Đức. Bảy năm sau, ông đỗ đầu khi thi Hội và thi Đình. Ông thi đỗ đầu cả ba kỳ, nên người đương thời thường hay gọi ông là Tam Nguyên Yên Đổ.

Ông làm quan đến chức Tổng đốc và thi văn ông rất phong phú.

Ông có người bạn thân là ông Dương Khuê người làng Vân Đình, tỉnh Hà Đông, sinh năm 1839 và mất năm 1898 thọ được 59 tuổi.

Dương Khuê nổi tiếng thông minh, văn hay. Đi thi, khoa đầu đỗ ngay Cử Nhân, khoa sau đỗ ngay Tiến Sĩ. Dương Khuê được vua Tự Đức bổ nhậm làm Tổng Đốc, Tham Tá Kinh lược và Binh bộ thượng thư.

Nguyễn Khuyến và Dương Khuê là đôi bạn gần như đồng tuổi, cùng thi đỗ một khoa, văn chương cùng nổi tiếng và cùng làm quan một thời mà nước nhà trải qua nhiều tai biến.

Nguyễn Khuyến đã yêu bạn rất tha thiết. Khi được biết Dương Khuê mất, ông có làm một bài thơ rất cảm động, để khóc bạn:

Bác Dương thôi đã thôi rồi,
Nước mây man mác, ngậm ngùi lòng ta!
Nhớ từ thuở đăng khoa (1) ngày trước, 
Lúc sớm khuya tôi bác cùng nhau,
Kính yêu từ trước đến sau.
Trong cơn gặp gỡ biết đâu duyên trời,
Cũng có lúc chơi nơi dặm khách,
Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo
Có khi từng gác cheo leo,
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoan (2);
Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp,
Chén quỳnh tương (3) ôm ấp bầu xuân;
Có khi bàn soạn câu văn,
Biết bao đông bích (4) điển phần (5) trước sau.
Buổi ly loạn cùng nhau cơ số;
Phận đẩu thăng(6) đâu có tham trời...
Tôi già bác cũng già rồi,
Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là!
Lãng đi lại tuổi già thêm nhác,
Gặp nhau ba năm trước một lần,
Cầm tay hỏi hết xa gần,
Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can.
Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,
Tôi lại đau trước bác mấy ngày.
Làm sao bác vội về ngay,
Chợt nghe tôi những chân tay rụng rời
Ai chả biết chán đời là phải,
Vội vàng chi đã mải lên tiên?
Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua!
Thơ muốn viết, đắn đo không viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa.
Giường kia treo đó hững hờ
Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn,
Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở, 
Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương,
Tuổi già giọt lệ như sương,
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!

Đọc hai câu đầu chúng ta thấy tất cả sự bàng hoàng của tác giả khi hay tin bạn mất. Ông đã hoàn toàn thất vọng, trông trời đất như rộng thêm ra, vắng vẻ đi, lòng ông đầy ngậm ngùi, cảm thương.
 
Bốn câu thơ kế gợi lại buổi gặp gỡ đầu tiên giữa hai người, rồi tình bạn nẩy ra từ sự kính mến lẫn nhau về tài đức.
 
Họ kính trọng nhau, yêu nhau và gần gũi bên nhau.
 
Họ rất sung sướng với mối tình bạn đẹp đẽ và cho rằng biết đâu đấy là do duyên trời đưa đến.
 
Rồi hai người có lúc cùng nhau dạo chơi nơi núi rừng, đèo suối xa xôi, cùng nhau vui thú trong tiếng hát của ca nhi.
 
Rồi cũng có lúc hai người cùng ngồi bên nhau uống rượu, chuyện trò, xướng họa thơ văn.
 
Hai người đã cùng sống trong thời loạn lạc, cùng gặp hoạn nạn như nhau, cùng có một chí hướng không ham danh lợi.
 
Thời gian trôi qua, tuổi càng lớn, sức người càng yếu, đi lại càng khó khăn, họ gặp nhau ít đi, còn có gì buồn hơn. Lần gặp nhau cuối cùng cách đấy ba năm, họ cầm lấy tay nhau hỏi thăm mọi chuyện. Tác giả đã rụng rời khi hay tin bạn mất, vì lần trước thấy bạn vẫn khỏe mạnh, vả lại bạn cũng nhỏ tuổi hơn mình mà mình đã đau trước bạn.
 
Nguyễn Khuyến cho rằng bạn đã chán đời và trách bạn không chờ mình.
 
Đọc bốn câu thơ:
 
Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua!
Thơ muốn viết, đắn đo không viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa.
 
Chúng ta thấy sự đau thương vô hạn của tác giả sau khi bạn mất, ông không còn uống rượu, làm thơ nữa vì đâu còn bạn hữu để cùng uống với mình, đọc và hiểu thơ của mình, hiểu được tâm sự mình, khác chi Bá Nha đập đàn khi Chung Tử Kỳ đã mất, vì sau đó còn ai nghe hiểu được tiếng đàn của mình, hiểu được lòng mình. Dương Khuê, người bạn thân đã mất, bây giờ Nguyễn Khuyến không còn ai tri kỷ nữa.

Các em thân mến,

Ông Cicéron có nói: Nếu rút tình bằng hữu khỏi đời sống, khác nào lấy mất mặt trời của trái đất, vì chúng ta không nhận được điều nào tốt hơn, hoan lạc hơn điều ấy.

Tình bạn thật đáng quí, phải không các em.


Thân mến                    
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG     

________________
(1) thi đậu (2) đàn hát (3) chén rượu ngon (4) thi cử, văn chương (5) chỗ đất cao trên mộ (6) ý nói làm quan bổng lộc ít ỏi.

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 72, ra ngày 7-1-1973)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>