Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2024

Hà Bá Cưới Vợ

 Trên lề đường quan lộ, dưới bóng cội thông, có hai nông phu một gà một trẻ đang ngồi nghỉ mát, đôi mắt họ cùng đăm chiêu nhìn thửa ruộng mênh mông nhuộm khắp một màu vàng khô đét. Bác nông phu già thở dài chép miệng than:

- Nghĩ giận cho lão Viên Bôn, cũng vì lão tiếc một đứa con gái mà làm cho cả thành Nghiệp Đô năm nay phải chịu cảnh đồng khô cỏ cháy, khốn đốn như thế nầy...

Người nông phu trẻ tuổi ngắt lời:

- Thưa bác, theo ý của cháu thì nên thương hại cho bác Viên Bôn hơn là trách, đáng trách là thần Hà Bá, một vị thần nhân mà lại còn ham mê sắc dục và quấy nhiễu dân lành thì có lẽ trời không dung tội...

- Ý chết, cháu đừng xúc phạm đến thần không nên...

Hai người đang lý luận với nhau, bỗng nhiên không ai bảo ai, họ đều im lặng vì đàng kia có một người đang cỡi ngựa, diện mạo oai nghiêm, mắt sáng, rầu dài, trán rộng, ăn mặc rất sang, có một thanh niên mang gói theo hầu ra chiều cung kính lắm.
 

Hai người khách đi đến cội thông liền dừng chơn lại, hai bác nông phu còn đang trố mắt nhìn khách lạ, thì ông khách từ từ xuống ngựa bước lại bóng mát chỗ hai người ngồi, bấy giờ họ mới đứng dậy vái chào, ông khách đáp lễ lại và hỏi thăm:

- Xin lỗi nhị vị, chúng tôi ở xa, nhơn đi qua đây chúng tôi rất lấy làm ngạc nhiên vì thành Nghiệp Đô nầy trông có vẻ kiên cố và rộng lớn, cớ sao chúng tôi lại nhận thấy cảnh tiêu điều đất trống nhà thưa, dân cư xơ xác như vầy nên có lòng thắc mắc, vậy nhị vị là người bản xứ tất hiểu việc nhiều, dám xin cho chúng tôi được rõ nguyên do phỏng được cùng chăng?

Hỏi xong người ấy bảo thanh niên theo hầu mở gói lấy bình nước Mai-quế-hương rót ra mời hai bác nông phu cùng uống giải khát. Sau khi thấm giọng, bác nông phu già lễ phép thưa:

- Quí khách là người ở xa nên không biết cũng phải... Nguyên vì cách đây bảy năm, thành nầy bị nạn lụt, mùa màng hư hại rất nhiều, sau đó mới biết là thần Hà Bá (thần sông) dưới sông Chương Hà ra oai để cho dân chúng biết quyền phép của thần và buộc cứ mỗi năm, dân trong thành phải thay phiên nhau mà dâng cho thần một người con gái để làm vợ và một lễ kỳ yên thật to, thì thần sẽ phù hộ cho được mùa, dân chúng bình an, bằng không thì phải bị tai nạn cả thành... Phần tiền cúng là của nhân dân đóng góp, còn người con gái làm vợ cho thần thì về phiên nhà nào nấy chịu, nếu có tiền thì mua con gái khác thế, còn như nghèo thì phải đem con gái trong gia đình nộp cho thần, bởi thế nhiều nhà có con gái sợ đến phiên mình phải nộp con nên trốn đi xứ khác rất nhiều thành ra dân cư thưa thớt như quí khách đã thấy.

Ông khách hỏi:

- Làm thế nào mà biết thần Hà Bá đòi như vậy?

- Thưa đó là nhờ các đồng nhân (đồng cốt tự xưng là thần thánh nhập vào mình mà nói ra).

- Còn ai đứng ra coi việc cúng tế?

- Thưa cũng do những người ấy hợp cùng các hào trưởng mà lo việc cúng tế và tu bổ miễu thờ.

Câu chuyện đến đây thì anh nông phu trẻ tuổi nói xen vào:

- Thưa quí khách, theo thiển ý của tôi thì nước lụt và nắng hạn chẳng qua là lệ thường trong thế gian ; còn việc nầy có lẽ do bọn đồng cốt mưu rập với các hào trưởng mà bày ra để chia lợi cùng nhau, họ góp của dân mỗi năm hàng trăm vạn quan tiền, lại còn dùng thủ đoạn bắt chẹt những nhà có con gái mà ăn hối lộ nữa, anh em chúng tôi hết sức bực tức song vì cổ ngắn miệng nhỏ nên khó kêu cho thấu sự lợi dụng của bọn người hào trưởng trong thành nầy.

Uống thêm ngụm nước, anh nói tiếp:

- Như hồi năm vừa qua, nhà của bác Viên Bôn có một đứa con gái sắp gả chồng, bỗng dưng họ đến bảo là tới phiên nhà bác ấy dâng người cho Hà Bá. Vì nhà nghèo nên bác hứa chịu, đến ngày cúng kỳ yên thì gia đình bác đã trốn đi mất, sang năm nay lại có nạn hạn hán nầy, bọn đồng cốt được dịp lại bắt chẹt dân chúng gắt gao hơn nữa... Cảm thương cho nhà ông ngư phủ họ Trần, cha góa con côi mà lại bị Hà Bá đòi cưới cô con gái của ông, chỉ còn một tuần nhựt nữa (10 ngày) thì con phải lìa cha, kẻ dương gian, người âm phủ, nghĩ có tức chết được không!

Ông khách gật đầu có vẻ suy nghĩ và nói:

- Cậu nói có lý, Hà Bá là thần sông, có lẽ nào lại cưới vợ bằng người sống được... À rồi công cuộc đưa dâu như thế nào?

Anh nông phu đáp:

- Thưa quí khách, đến ngày kỳ yên thì làm lễ cúng tế ở miễu thờ bên bờ sông, đoạn họ sắp một chiếc thuyền nhỏ đan bằng cỏ, tế xong đưa cô dâu xuống thuyền ấy mà thả ra giòng sông, được một quãng thì thuyền cỏ đắm, cô dâu cũng chìm theo luôn.

- Tội nghiệp thay - ông khách nói - Chúng tôi đây là bạn của quan thái thú mới đến trấn nhậm thành nầy, để tôi vào dinh cậy người xin hộ với Hà Bá mà bãi việc nộp con gái, để giúp cho nhân dân được khỏi nạn buôn thần bán thánh của nhóm hào trưởng nầy đi.

Nói xong ông khách liền từ giã lên ngựa hướng về dinh quan Thái thú.

Tùng... Beeng... Tùng...

Bên bờ sông Chương Hà, rộn rịp dân chúng tụ tập dự lễ kỳ yên cúng thần Hà Bá... Ba hồi chiêng trống nổi lên, mọi người nhao nhao bàn tán:

- Lễ kỳ yên năm nay lại được quan thái thú đến làm chủ hôn lễ đưa dâu thì chắc thần bằng lòng lắm.

Đàng xa, dưới gốc cây liễu có hai người đang khẽ bàn riêng với nhau, một người nói:

- ... Bác hãy xem kỹ lại đi, chứ cháu quyết rằng chính ông khách hôm nọ là quan tân Thái thú, giả dạng để dọ tình dân chúng đó.

Người kia đáp:

- Có thể... vì bác cũng nhận ra chú lính thị vệ đứng đầu hàng bên trái kia, gương mặt rất giống anh thanh niên mang gói hôm trước lắm.

- Nếu quả như vậy, ta hãy chờ xem ngài xử sự ra làm sao.

Tùng... Beeng... Tùng...

Cuộc lễ bắt đầu - mọi người nhận thấy một bà đồng già, áo quần sặc sỡ đi trước, dáng điệu tự đắc đầy kiêu ngạo, tiếp đến chừng hai mươi người đệ tử cầm khăn đỏ múa may một vũ điệu trông thật là quái gở, kế đó là tam lão đứng đầu trong nhóm hào trưởng ra dâng hương. Khấn nguyện xong, bỗng nghe quan thái thú truyền lệnh:

- Phiền bà đồng dắt cô dâu ra đây cho ta xem mặt.

Bà đồng sai đệ tử dẫn cô con gái của ông chài đến quì trước bàn án, nước mắt dàn dụa. Quan Thái thú xem rồi nói:

- Các ông hào trưởng tệ lắm, ai đời Hà Bá là một vị quí thần, sao các ông lại chọn một cô dâu xấu xí như vậy, thôi cho cô nầy về đi và ta cậy bà đồng một việc, bà cảm phiền xuống sông nói với thần rằng ta sẽ chọn một cô gái khác đẹp hơn, cho xứng đáng làm vợ thần rồi sáng mai sẽ đem đến nộp.

Đoạn quan Thái thú vẩy tay, liền có hai chú lính thị vệ bước lại ôm bà đồng liệng tỏm xuống sông, bà ấy chới với một lúc rồi chìm mất. Dân chúng đứng xem ai cũng kinh hồn mất vía.

Quan Thái thú điềm nhiên ngồi đợi một hồi, không thấy bà đồng nổi lên bèn nói:

- Bà đồng đã già lụm cụm nên đi lâu quá mà chưa về, vậy các đệ tử hãy đi thúc dục bà ấy hộ ta một phen nào!
 

Nói xong ngài bảo các đệ tử nắm tay nhau rồi sai lính đẩy ngã xuống giòng sông mất dạng. Đợi một lúc quan lại nói:

- Sai đám đồng cốt đi, không nên trò trống gì cả... có lẽ đàn bà ăn nói chẳng thông nên Hà Bá không chịu, vậy phiền tam lão hãy xuống nói hộ cho ta có thể được việc hơn!

Ba ông già run rẩy toan từ chối, quan Thái thú quát to:

- Đi mau xem thế nào về trả lời cho ta biết!

Thế là ba ông già lại được đưa xuống sông theo các bà đồng... Chờ một hồi lâu quan phàn nàn:

- Tam lão già nua cũng chẳng làm xong việc, vậy phải phiền đến các hào trưởng một phen!

Bọn Hào trưởng mặt xanh tợ chàm, run như cầy sấy cùng nhau quì lạy van xin, Quan thái thú nói:

- Thế thì đợi chốc nữa xem sao.

Thời gian nặng nề, im lặng chừng một khắc, bỗng quan thái thú trỏ ra sông cất tiếng nghiêm trang bảo:

- Kìa các ngươi hãy xem, mặt nước mênh mông cuộn chảy, nào có ai thấy Hà Bá ở đâu không? Bấy lâu nay các ngươi đã lợi dụng quyền thế để giết hại bao nhiêu gái thơ vô tội, thì giờ đây các ngươi phải đền mạng chớ sao.

Nhóm hào trưởng kêu oan:

- Kính thưa đại quan, xưa nay chúng tôi bị bọn đồng cốt lừa gạt, chứ thiệt tình không có âm mưu chi hết, xin đại quan xuống đức dung thứ cho chúng tôi nhờ.

Thái thú nói:

- Hôm nay bọn đồng cốt đã chết rồi, vậy kể từ đây nếu ai còn nói Hà Bá đòi cưới vợ, thì bắt người ấy xuống thủy cung mà làm mai mối cho thần, còn các ngươi thu bao nhiêu tiền bạc của dân thì phải kê khai tài sản đặng ta phân trả lại cho dân.

Bọn hào trưởng vâng dạ... Thế là đám kỳ yên bế mạc, dân chúng hớn hở ra về trong bầu không khí cởi mở vui tươi.

Ít lâu sau quan Thái thú xem xét địa thế, sai dân đào thêm nhiều ngòi rạch cho nước sông Chương Hà rút bớt đi, giúp cho miền gần sông không bị lụt mà các vùng xa được có ngòi chảy vào lấy nước làm mùa trồng trọt, khỏi lo nạn hạn hán như ngày xưa. Những gia đình lánh nạn thần Hà Bá cũng lận lượt tựu về, chẳng bao lâu thành Nghiệp Đô trở nên phong phú và thịnh vượng.


NGUYỄN MINH LUÂN       

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 17, ra ngày 25-5-1964)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>