Thứ Tư, 22 tháng 5, 2024

Con Cò Trắng

Ngày xưa, có anh học trò rất thông minh, nhưng tính nết hơi gàn, lại nghèo xơ, nghèo xác. Theo nhiều người được biết thì anh ta không phải là kẻ bất tài, nhưng anh có một lối sống khác đời: không thích tiền tài, cũng không ham danh lợi. Anh vẫn bảo là cuộc sống phù du không có gì vĩnh viễn. Vì vậy, mặt đất làm mâm, đêm đêm anh hàn sĩ này cùng trăng sao mở tiệc, nay chỗ này, mai chỗ khác, màn trời, chiếu đất, sông núi, cỏ cây đâu cũng là bạn thiết, là quê hương. Anh không định cư ở một nơi nào. Hễ nơi đâu có cảnh đẹp, có người hiền là anh nán lại ít lâu, nơi bào xem cảnh cũng như người, không hợp ý thì anh dừng chân giây lát rồi lại đi ngay, không do dự.

Anh có biệt tài về nét bút, gặp những lúc đắc ý hài lòng thì trên vách đất anh cũng đề thơ, trên mảnh gỗ anh cũng phác vài hình ảnh đẹp. Nhưng bọn trọc phú cường hào biết tiếng anh, có cho võng đón, lọng mời, anh cũng không bao giờ viết, vẽ cho họ lấy một giòng. Túi áo luôn luôn lép xẹp và dạ dày cũng chẳng khác gì.

Một hôm kia, đến làng Vệ, anh gặp một cơn giông không tránh kịp nên bị cảm hàn. Một bác nông dân nghèo đưa anh về nhà chăm sóc tận tình. Bệnh cảm cúm quái ác đó kéo dài trót tháng.

Sau khi mạnh hẳn, anh hàn sĩ chào chủ nhà ra đi. Trước khi từ biệt anh nói:

- Cảm ơn bác đã có lòng dung dưỡng tôi trong bấy nhiêu ngày. Gia cảnh bác chả phải dư dật chi lắm, tôi biết điều đó... Tôi thật áy náy vì món nợ lớn này. hiềm nỗi tôi nghèo quá, không biết lấy gì để đền ơn bác... Nhưng...

Bác nông dân ôn tồn đáp:

- Cậu chớ bận tâm, cái chuyện giúp nhau là bổn phận của mọi người, có gì mà cậu thắc mắc, mà gọi là ơn với huệ. Tôi chỉ mong cậu được yên vui, và khi nào có dịp thì đừng quên ghé lại mái tranh này, tôi lấy làm vui lắm.

Hàn sĩ cười, nói:

- Giọng bác là giọng của người quân tử, nhưng tôi đây, tuy còn nhỏ cũng không phải hạng tiểu nhân. Cái việc tôi sắp làm cho bác đây nếu gọi là trả ơn thì quá đáng, vì nó không mang lại cho bác trinh nào. Nhưng chính vì tôi cảm kích tấm lòng cao quí của bác mà muốn lưu lại chút kỷ niệm, thế thôi. Xin bác đừng từ chối.

Bác nông dân lẳng lặng ngồi nghe. Hàn sĩ lấy trong cái túi lép xẹp ra một viên phấn trắng cầm ở tay, đưa ra cho bác nông dân xem, rồi tiếp:

- Đây, bác xem có gì quí giá đâu mà bác ngại! Tôi sẽ vẽ lên bức vách này một con cò...

"Đúng là tên học trò gàn!" bác nông dân nghĩ thầm, cũng cười theo, vui vẻ:

- Cậu cứ vẽ đi! Tôi tuy không có học hành nhưng cũng biết quí những gì thuộc về phần tri thức...

Hàn sĩ ta bước lại gần sát vách, vung tay phóng nét vài phút, đã thấy một con cò trắng như thật trên bức vách bằng đất sét nhão trộn rơm. Bác nông dân buột miệng khen:

- Cậu vẽ như thật ấy! Cậu mà vẽ chân dung thì khối tiền!

- Không! Tôi sống không có mục đích làm giàu, nếu tôi muốn làm giàu thì đâu đến nỗi thế này, hở bác? Nhưng mà, bác ạ! Con cò này không chỉ là một cái tranh đẹp in lên bức vách đâu. Sau khi tôi đi rồi, bác có thể bảo nó múa hát giúp vui cho lũ trẻ và tất cả mọi người vào những ngày lạnh lẽo, hay những đêm rảnh rỗi, sau khi mệt nhọc lao tác dưới nắng hạ, mưa đông.

- Cậu không đùa chứ?

- Trời ơi! Tôi đùa với bác làm gì? Nhưng bác nhớ một điều này: tôi không muốn bác bảo nó múa hát giúp vui cho những kẻ sâu dân, mọt nước, và đừng quên là tôi cũng không bằng lòng bác dùng tài nó vào mục đích trục lợi mua danh. Khi nào bác muốn thưởng thức tài nó, bác hãy vỗ tay ba cái và nói thế này: "Cò ơi! Hãy giúp chúng tôi được quên đi nhọc nhằn vài phút! Đời nông dân chả có gì vui!"

Nói xong, hàn sĩ chào bác nông dân, lên đường. Bác ta bán tín bán nghi, không biết đây là chân hay giả, bèn tụ tập láng giềng và lũ trẻ lại mà rằng:

- Cậu học trò mà tôi nuôi bệnh một tháng nay đã lành mạnh, từ biệt đi rồi, trước khi đi, cậu ta vẽ cho tôi con cò này và bảo là nó có thể múa hát giúp vui cho chúng ta...

- Nói dóc!

- Hoang đường như chuyện tây du ấy!

- Kể thì nét bút xem cũng khá, nhưng những lời huênh hoang của hắn làm sao ta có thể tín? Bác chứ tôi, tôi mắng cho mấy mắng...

- Không nên vội phê phán trước khi biết rõ sự thật - một bô lão nói, - cách tốt nhất là bác hãy làm y lời cậu ấy xem sao!

Mọi người đồng ý tức khắc. Bác nông dân đến gần cò, trang trọng cất lời:

- Cò ơi! Hãy giúp chúng tôi được quên đi nhọc nhằn vài phút! Đời nông dân chẳng có gì vui!

Nói xong, bác hồi hộp đứng chờ, mắt nhìn chăm chắm vào nét phấn trên vách đất. Mọi người quanh bác, từ già chí trẻ đều cũng hồi hộp, chăm chắm ngóng chờ.

Vài phút trôi qua, cò trắng vẫn im lìm bất động. Có tiếng cười khúc khích sau lưng bác nông dân, và một kẻ nào đó toan cất tiếng lên giễu bác, thì kỳ diệu làm sao, cò ta chớp mắt một cái rồi đôi chân dài di động, cái trước cái sau, từ bức vách bước ra. Mọi người nín thở đứng nhìn, kinh ngạc đến nỗi không kêu lên được một lời!

Cò vẫn đĩnh đạc, ung dung bước tới, ra đến giữa sân, nó vỗ cánh, cúi đầu nói như một tài tử lành nghề trên sân khấu:

- Kính thưa quí vị nông dân thân mến! Quí vị muốn Cò trình diễn gì đây?

Mọi người bối rối nhìn nhau, sau cùng bác nông dân tỉnh táo trước hết, trả lời:

- Cảm ơn Cò Quí! Chúng tôi quê mùa không biết chọn lựa thứ gì, vậy Cò Quí cứ tự do trình diễn.

Cò không do dự, nói:

- Vậy thì Cò xin được trình diễn tự do, mong quí vị được hài lòng vài phút, thế cũng là quí, đối với Cò rồi.

Và Cò Trắng bắt đầu. Mọi người say mê theo dõi, nó vừa múa vừa hát, thật đẹp, thật hay, thật truyền cảm. Lũ nhỏ há hốc miệng ra nhìn, người lớn quên cả giờ khắc trôi qua.

Thật là một điều kỳ diệu, hi hữu. Ai nấy đều hết sức hài lòng nhất là gia đình bác nông dân chất phác và tốt bụng.

Từ đó, đêm đêm, dân làng kéo nhau đến nhà bác để xem Cò Trắng múa hát giúp vui, lũ nhỏ thì khỏi nói, chúng là khách hàng thường trực.

Một anh có tiếng là lý tài, bàn với bác nông dân:

- Tôi mà như anh, tôi giàu ngay, anh khờ quá!

- Bác bảo tôi làm sao để giàu chứ?

- Thì có của báu đó sao không khai thác? Này nhé, cứ mỗi người xem bác lấy một quan vào cửa, chỉ một năm lại chả nhà ngói cây mít ấy ư?

Bác nông dân nhớ lời hàn sĩ dặn, lắc đầu quầy quậy:

- Không được đâu. Cậu ấy có dặn tôi là không được dùng nó trong mục đích trục lợi...

- Vẽ chuyện! Cậu ấy là tiên thánh nên muốn thế, còn chúng ta, chúng ta là phàm nhân, chúng ta theo acu65 ấy làm sao được chứ? Anh cứ nghe lời tôi, cậu ấy chả quở trách chi đâu.

Mặc dù gã ta hết lời thuyết phục, bác nông dân khăng khăng không nghe.

Cò vẫn giúp vui cho đám nông dân và bầy con nít.

*

Câu chuyện Con Cò Trắng nhà bác nông dân không bao lâu không cánh mà bay xa, xa tắp ra khỏi làng, lên tận huyện. Huyện quan, vốn là một kẻ hiếu sự, lấy làm thích thú, muốn được thưởng thức tài Cò.

Huyện quan liền ra lệnh đòi chủ nhân cò đến huyện đường. Bác nông dân phải gác việc ra đồng để lên hầu quan huyện.

Sau khi hiểu rõ ý muốn nhà quan, bác hết sức bối rối, gãi đầu gãi tai không sao trả lời dứt khoát: tuân lệnh quan thì trái ý hàn sĩ, mà nghe lời hàn sĩ thì quan sẽ không tha. Bác thật khổ tâm. Sau cùng, bác tìm cách trì hoãn, bác thưa:

- Bẩm Đại Quan, sá gì một con cò mọn mà chúng tôi dám trái lời quan, nhưng quả thực Cò Trắng ấy không thể nào đi xa trình diễn hầu quan được. Xin Đại Quan lượng xét...

- Không sao! Ta vốn có bụng liên tài. Nếu Cò không đến đây, ta sẽ đến nhà ngươi mà xem, có gì khó khăn đâu? Ngươi không phải lo!

- Ấy chết, xin Đại Quan không nên xông pha như thế, trời dạo này hay mưa bất chợt, Đại Quan...

- Chớ nhiều lời! Ta mà đã muốn đi xem Cò trắng của mi thì bão ta cũng đi chứ đừng nói chuyện mưa! Ta đi võng chứ ta có cuốc bộ kiểu mi đâu mà sợ ốm?

- Bẩm Đại Quan...

- Đừng nói nhiều lời! Ta muốn xem cò trình diễn là cò phải trình diễn ta xem! Không có lôi thôi chi cả! Cho mi lui. Ngày mai ta sẽ đến nhà mi!

Bác nông dân ủ rũ trở về, lòng buồn bã, bước chân nặng như có đá.

Vợ bác an ủi:

- Việc gì mà mình phải lo lắng cho tổn thọ? Dễ gì quan lớn hạ cố đến nhà một nông dân không chức phận? Biết chừng Ngài hài lòng, lại cất nhắc mình cũng nên...

Hôm sau, quả như lời hứa, Huyện Quan đến làng, vào nhà bác nông dân, ra lệnh bác gọi Cò múa hát. Bất đắc dĩ, bác ta phải tuân lời. Cò miễn cưỡng bước ra khỏi vách, không cúi đầu thi lễ với huyện quan, điệu múa có vẻ uể oải, giọng hát khàn đục, không chút hay ho, truyền cảm.

Huyện quan, thoạt tiên thích lắm, nhưng sau cùng có hơi phật ý, gắt bác nông dân:

- Ta xem ra mi có tà ý, dặn riêng cò trắng thế nào ấy, cho nên nó vô lễ với ta, có phải không? Theo ta được biết thì thường điệu múa của nó linh động, giọng hát thanh tao...

- Kính bẩm thượng quan, Ngài nhầm đấy, số là mấy hôm nay Cò Trắng không được khỏe trong mình...

- Cò thần mà cũng đau ốm hay sao?

- Bẩm Thượng quan, đá còn đổ mồ hôi nữa là cò! Chúng tôi sẽ cho nó nghỉ ít hôm, chờ khi nó thực khỏe, Thượng quan sẽ thấy nó múa hát đúng như lời đồn đãi. Bẩm, cả tháng nay, nó múa hát mãi mà làm gì không ốm?...

Huyện quan nghe xuôi tai bèn ra về, và hẹn trở lại vào giữa tháng, lại cấm vợ chồng bác ta không được cho cò múa hát giúp vui bạn bè, phải để dành cho mình thưởng thức.

Sau khi nhà quan đi khỏi, bác nông dân cầu nhầu không ngớt, vợ bác gạt đi:

- Sao anh lại cầu nhầu như thế? Nhờ tôi tỉnh trí nên mình khỏi bị tội phạm thượng, mình lại không mừng, lại còn nhăn nhó là nghĩa làm sao?

- Mình không hiểu gì cả, khi cậu học trò vẽ con cò này, cậu đã dặn tôi không được dùng nó trong mục đích trục lợi và cũng không bắt nó múa hát giúp bọn sâu dân mọt nước...

- Mình đã chắc đâu rằng ông ta là sâu dân mọt nước, kia chứ?

- Trời ơi! Mình thực là bụng đàn bà, dạ con nít! Không sâu dân mọt nước mà có những hành động cách đó, thái độ kiểu đó? Ngay cả con cò nó cũng không ưa, mình lại còn bênh lão ta ư? Tôi nghĩ đến nông nỗi khi cậu ấy biết tôi trái lời cậu, thì thật chả còn mặt mũi nào...

- Nhưng có phải lỗi mình đâu? Cứ hay mua việc...

Quả nhiên đêm ấy, đang còn trằn trọc chưa yên giấc, bác nông dân thấy hàn sĩ lừng lững bước vào nhà, giọng cậu buồn rầu, đôi mắt đầy trách móc:

- Tôi đã dặn bác, mà bác vẫn trái lời tôi! Đành phụ lòng nhau vậy, bác chớ trách tôi, bác nhé?

Nói đoạn, hàn sĩ quay ra, không thèm từ biệt, cũng không đợi cho bác nông dân có dịp phân trần.

Sáng hôm sau, bác nông dân dậy sớm, thì ra mình nằm mơ, nhưng trong lòng lấy làm phân vân, vội chạy ù ra xem bức vách, thì, trời ơi! Bức vách trống trơn, không dấu vết. Cò Trắng biến mất từ bao giờ!

Bác nông dân cúi đầu lẩm bẩm: "Lỗi tai ta đấy! Còn trách cứ ai!"


MINH QUÂN       
Sàigòn 25-3-1972    

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 178, ra ngày 1-6-1972)



Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>