Thứ Ba, 14 tháng 5, 2024

Gần Mực Thì Đen Gần Đèn Thì Rạng


 
  (Phỏng dịch theo truyện "The boy that nobody wanted" 
của Gwendolen L. Sherman đăng trong tạp chí Reader's Digest).
 
Khi Ban Đôn lên 5 tuổi, một hôm nó lượm được một bao quẹt, tinh nghịch nó quẹt lửa châm vào áo một con bạn gái khiến con bé bị phỏng nặng rồi chết.

Vài năm sau, nó lại nhặt được một khẩu súng lục trên bàn, nó cầm ra vườn hoa cạnh nhà, gặp một thằng bạn học cùng lớp mà bố thằng nhỏ là chủ nhiệm một tờ báo lớn của tỉnh nó ở. Khi thằng bạn cố giành khẩu súng khỏi tay Ban Đôn để xem thì khẩu súng cướp cò, viên đạn trúng bụng thằng bé khiến nó chết ngay lập tức.

Lần đầu, khi tôi, (lời nữ tác giả) gặp thằng Ban Đôn, lúc đó nó sống chung với gia đình, nhưng không được dậy dỗ cẩn thận, bố nó là một tay chuyên sống về cờ bạc, mẹ nó thì đã chết nên mọi người chung quanh đều cho rằng thằng bé rồi sau sẽ trở nên hư hỏng vì nó đã giết chết hai mạng người khi chưa đầy 8 tuổi.
 
Cha thằng Ban Đôn phải ngồi tù vì con dại cái mang, còn thằng bé được đưa ra Tòa Án Thiếu Nhi để quyết định tình trạng của nó, thời gian nầy tôi đang làm việc tại đây.

Bác sĩ sau khi khám bệnh nó bảo rằng nó ở tình trạng bình thường, có thể theo đuổi việc học được, trông nó thông minh lanh lẹ hơn những đứa trẻ khác cùng lứa tuổi.

Tôi nghĩ rằng giá có một gia đình nào chịu nhận nuôi và dậy dỗ Ban Đôn tử tế thì nó có thể trở nên một đứa bé khá được, nhưng chắc chắn rằng không ai muốn rước một thằng bé mà chưa đầy 8 tuổi đã giết chết hai mạng người, nghĩ vậy tôi đã toan nói với Tòa Án Thiếu Nhi là không có hy vọng gia đình nào chịu nuôi Ban Đôn, bỗng tôi sực nhớ đến gia đình chị Huy Lợi, một bạn thân của tôi. Cách đây hai năm, chị Huy Lợi có đến nhờ tôi để xin một đứa bé làm con nuôi. Vợ chồng chị là một trại chủ, yêu mến trẻ con vì không có con, nhưng chị không được thỏa mãn vì cả hai anh chị đều 45 tuổi, theo luật định thì Tòa Án Thiếu Nhi không được cho một người nào quá 40 tuổi nhận con nuôi. Do đó chắc chắn là anh chị Huy Lợi rất vui lòng nhận thằng Ban Đôn và tôi quyết định giao nó cho anh chị Huy Lợi nuôi.

Tôi hồi hộp khi lái xe vào trong sân trại của chị Huy Lợi, tôi nhẩm cầu nguyện cho công việc của tôi thành công. Lúc này vào tháng 7, đang vụ mùa nên tất cả gia nhân đều đang làm việc ngoài đồng. Trại của chị Huy Lợi với ngôi nhà lớn, cây mọc bao quanh, một bãi cỏ trước nhà và một chuồng bò, chắc là sẽ hợp với thằng Ban Đôn. Anh chị Huy Lợi vui vẻ đón tiếp tôi: "Chào chị Mỹ Lan, chị mạnh giỏi chớ, mời chị vào chơi trong nhà, dùng tạm trà đá và ăn trưa với chúng tôi" chị Huy Lợi vồn vã mời. Chúng tôi bước vào trong nhà, ngồi xuống quanh chiếc bàn ăn kê giữa nhà, anh chị Huy Lợi ngắm nhìn thằng Ban Đôn háu đói đang nhai ngồm ngoàm. Tôi nói với họ thằng Ban Đôn là đứa trẻ thành thị, nếu anh chị có gia súc chắc là nó thích xem lắm.

"Anh hãy dắt thằng bé ra chuồng bò xem bò" chị Huy Lợi nói với chồng như vậy.

Khi chỉ còn mình tôi với chị, chị hỏi tôi: "Có phải nó là thằng Ban Đôn không? Tôi đã thấy hình nó đăng trên báo, và nó đã làm một việc khủng khiếp phải không?" Tôi nói với chị lý do tôi tới thăm và tôi tin chắc rằng, sau vài tháng người ta sẽ quên dần việc làm của thằng bé, nó là một thằng bé bình thường, thông minh và sẽ trở nên một đứa bé ngoan như những đứa trẻ khác nếu như được dậy dỗ cẩn thận và nhất là có được tình yêu thương của một người mẹ. Nghe xong, chị nói: "Chị hãy ngồi chơi đây chờ tôi một tí để tôi chạy đi hỏi ý kiến nhà tôi đã".

Thấm thoát thằng Ban Đôn đã ở với anh chị Huy Lợi được 10 năm, 5 năm đầu thì hơi nhiều rắc rối, bố thằng bé bị chết vì khẩu súng của thằng Ban Đôn khi biết tin hiện nó đang sống với anh chị Huy Lợi, vì vẫn còn thù ghét thằng bé đã giết hại con và vì sẵn có tờ báo trong tay nên ông ta viết những bài báo nói xấu thằng bé. Chị Huy Lợi liền tự lái xe đến gặp ông ta, tôi không biết rõ chị nói với ông ta ra sao, nhưng từ sau buổi gặp gỡ đó thì không có sự gì xẩy ra nữa và Ban Đôn vẫn ở với anh chị Huy Lợi. Lúc đầu thì những người hàng xóm không cho con cái họ sang chơi với thằng Ban Đôn, sau anh chị Huy Lợi phải dắt thằng bé đến từng nhà chơi, rồi dần dần họ hiểu thằng Ban Đôn không phải là một đứa bé hư hỏng như họ tưởng nên họ bắt đầu mời thằng bé đến chơi.

Trong thời gian này tôi thường đến thăm vợ chồng Huy Lợi đều đặn và thấy thằng bé thay đổi hẳn, từ một đứa bé lúc nào cũng sợ sệt vì mặc cảm tội lỗi đã trở nên vui vẻ. Ở trường họ nó là một đứa trẻ xuất sắc nhất lớp và đậu bằng Trung học với hạng ưu.

Khi Ban Đôn 19 tuổi, cha nó xin với Tòa Án Thiếu Nhi cho nó trở về chung sống, nhưng Tòa quyết định là việc đó tùy ý thằng Ban Đôn. Sau khi mãn hạn tù, cha nó nhờ buôn may bán đắt nên trở nên giầu có, ông ta đã mua được một nhà hàng ăn lớn và lại cưới vợ lần nữa. Một năm hai lần ông đến thăm thằng Ban Đôn và thường viết thư cùng gửi cho nó những món quà đắt tiền. Lúc này thằng Ban Đôn đã trưởng thành và nhập ngũ. Trong thời gian ở quân ngũ, hằng tháng nó vẫn gửi tiền đều đặn về cho chị Huy Lợi. Trước khi được giải ngũ vào năm 1945, nó đã được ban thưởng 4 huy chương.

Một buổi sáng, chị Huy lợi điện thoại mời tôi đến ăn cơm, chị còn cho biết thêm rằng có cả cha thằng Ban Đôn cũng đến nữa.

Cha nó đến thăm anh chị Huy Lợi bằng 1 chiếc xe hơi lộng lẫy mà ông ta dự tính cho thằng Ban Đôn. Bây giờ thì ông ta đã tậu thêm được 2 nhà hàng ăn nữa và định dẫn dắt thằng bé theo nghề của ông.

Ban Đôn đã 22 tuổi, nó sẽ tự quyết định là sẽ ở lại với anh chị Huy Lợi hay là trở về sống chung với cha nó, tôi ngắm nó suốt 1 tiếng đồng hồ để cố tìm hiểu quyết định của nó. Nó yêu anh chị Huy Lợi lắm nhưng hình như nó có vẻ vui vẻ khi được gặp bố. Trước bữa ăn nó đi ra ngoài 1 lát, khi trở lại tôi thấy đôi mắt nó có vẻ tư lự: "Con không thấy có những con bò ở ngoài chuồng?" nó hỏi, "và ở đó cũng không còn dụng cụ nữa?"

Chị Huy Lợi đáp: "Chúng ta đã bán cả bò và dụng cụ rồi, và chúng ta dự tính sẽ bán luôn cả nông trại nữa, và..."

- "Tại sao vậy mẹ?" Ban Đôn hỏi ngắt lời chị Huy Lợi, rồi nó chợt nhận ra bố mẹ nuôi nó trong lúc này đã già và lưng đã còng vì làm việc vất vả.

"Nhưng bố mẹ đã quen sống ở đây rồi, bố mẹ chắc không thích khi phải sống ở thành thị. Con..." nó ngừng lại và nhìn bố đẻ nó ngồi ở đầu bàn, rồi nói tiếp: "Con nghĩ như vậy, và..." nó lại ngập ngừng và nhìn bố nó một lần nữa "và... con muốn ở lại đây với bố mẹ nuôi của con, con sẽ vay tiền để sắm dụng cụ mới, con luôn luôn thích sống ở đây hơn".

Nghe xong quyết định của nó, bố nó mỉm cười nói: "Ban Đôn con, ta hiểu rõ tình cảm sâu đậm của con đối với ông bà Huy Lợi, bố mẹ nuôi của con. Ta sẽ cho con mượn tiền để mua bất cứ thứ gì con cần". Chị Huy Lợi đứng dậy, ngảnh mặt đi để giấu hai hàng nước mắt đang lăn trên gò má vì cảm động. "Con không cần phải mượn tiền" chị nói, "Ta hãy còn giữ tất cả số tiền hàng tháng con gửi về trong thời gian con còn trong quân đội. Ta giữ để dành cho con, con yêu quý!"


VĂN VIỆT     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 38, ra ngày 14-5-1972)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>