Thứ Tư, 1 tháng 5, 2024

Một Trường Hợp Giáo Dục Phi Giáo Dục

 

Thư của một nhóm học sinh một trường ở Saigon.

Kính thưa chị
 
Chúng em một số học sinh các lớp 7 và 8 của trường... hôm nay chúng em viết thư này để kính trình chị một việc rất quan trọng đối với các học sinh chúng em.

... Khu chúng em được giữ kỷ luật bởi thầy giám thị... (chúng em không biết họ) từ tháng 9 năm 70 đến nay. Sau 2 năm chịu sự kiểm soát của thầy... chúng em nhận thấy nơi thầy có những điểm như sau:

Thầy... rất tàn ác với học sinh. Thầy rất bất lịch sự (chúng em không thể hiểu tại sao vị Hiệu trưởng lại dùng thầy). Em xin thí dụ: học sinh nào mang bánh kẹo lên lầu trong giờ chơi, nếu thầy bắt gặp, thầy sẽ tịch thu và mở ra ăn trước mặt tất cả các học sinh (thầy vừa ăn vừa cười rất khả ố). Đã thế lại thù vặt, thí dụ: nếu học sinh nào thấy chướng mắt trước hành động ấy, nếu xì xào với bạn, rủi thầy nghe thấy thì sau đó sẽ bị đòn bằng những tội hoàn toàn vô lý khác vào bất cứ lúc nào. Còn rất nhiều chuyện nhưng chúng em sẽ xin kể vào dịp hè, khi mà chúng em biết rằng sẽ hết bị trả thù vì chúng em đã đi trường khác.

Kính thưa chị, chúng em nghĩ rằng chị sẽ không tin, nhưng chúng em xin lấy danh dự và tư cách của một số học sinh mà nói rằng những điều trên đã xẩy ra thực. Chị có thể trắc nghiệm bằng cách đăng lên báo... và các học sinh khác sẽ trả lời chị.

... Chúng em kính xin chị nghĩ cách nào cho Thầy... biết mà thay đổi tính nết chứ chúng em sợ bị trả thù lắm...

Trả lời:

Các em ơi, đọc kỹ thư các em chị buồn quá. Chị đã đọc lại mấy lần, và phân tách kỹ lưỡng, thấy giọng văn lễ phép của các em, chị nghĩ rằng các em đã nói thật. Chị rất tiếc rằng đang lúc tuổi các em còn quá non nớt mà các em đã phải nhìn thấy khía cạnh xấu xa của cuộc đời, để cho tâm hồn bị thui chột đi, thật là đáng buồn.

Sự việc xẩy ra, các em cũng có một phần lỗi. Các em đi học không nên ăn quà vặt rồi có thể xả rác bừa bãi dơ dáy nhà trường. Nhất là vấn đề ăn uống nên cẩn thận, bệnh thường do sự ăn uống bậy bạ mà sinh ra. Cho nên, nếu thầy giám thị cấm các em ăn uống bậy bạ, chị hoàn toàn hoan nghênh.

Nhưng ở đây, nếu các em nói thật, trong khi thầy cấm các em, thầy lại ăn nhồm nhoàm ngay trước mặt, thật chị không tưởng tượng nổi. "Giáo dục là nêu gương" chị thấy câu đó rất có lý. Sở dĩ ngày xưa các cụ kính trọng thầy đến trên cả cha mẹ, chính là nhờ nơi bậc thầy xưa có đời sống gương mẫu vô cùng.

Nghĩ đến đây, chị rất đau lòng nhớ tới mấy hàng chữ các em thiết tha dặn dò chị giấu tên, để thầy khỏi biết mà trả thù các em. Không, các em, chị giấu tên thầy và các em chính là vì không muốn thầy trò sứt mẻ thêm chứ nếu nghĩ tới thầy có thể trả thù thì đau lòng vô cùng. Tội nghiệp các em bé bỏng, các em đã không được đứng dưới bóng mát của bậc thầy gương mẫu, để phải nghĩ cách đối phó như vậy thật đáng thương biết mấy.

Đến đây, chị xin thay các em của chị mà nói với thầy... mấy lời.

Kính thưa ông...

Tôi chỉ xin đại diện mấy em nhỏ mà thưa với ông mấy điều. Xin ông hãy vì lương tâm của một người đứng trong hàng ngũ giáo dục, và để xứng đáng với sự tin cậy của phụ huynh các em, mà dành cho chúng tôi một vài phút suy nghĩ.

Chắc đọc qua mấy hàng trên, ông cũng đã có một ý niệm nào đó, nếu ông khách quan nhận định. Tôi chỉ thiết tha xin ông hãy thận trọng và dùng đến tình người hơn trong nhiệm vụ giáo dục. Nếu làm nghề khác, mà tư cách ta kém thì chỉ có ta thiệt thòi, vì sẽ bị cô lập, không ai giao thiệp với, và ta sẽ thất bại trong cô đơn. Còn làm nhà giáo dục, nếu tư cách ta không xứng đáng, ta đã phụ lòng tin của cha mẹ các em, làm thui chột các mầm non và làm hại cho quốc gia sau này. Muốn các em nên người, trước nhất người hướng dẫn các em phải là NGƯỜI. Xin ông nghĩ tới tương lai tổ quốc mà thay đổi cách xử sự.

Đến đây, chúng tôi cũng kính gửi tới vị hiệu trưởng trường nói trên.

Kính thưa ngài,

Nếu chuyện này mà tới được tai ngài, tôi tin rằng ngài cũng đau lòng. Vì khi dự định thực hiện một cơ sở giáo dục, ngài đã ấp ủ nguyện vọng dẫn dắt các thiếu niên trở thành người có giáo dục, hữu ích cho quốc gia sau này. Cho nên chúng tôi chỉ còn thiết tha cầu xin Thượng đế ban cho ngài có thì giờ hơn để có thể thấy được phần nào sự kiện xẩy ra ngay trong tầm tay của ngài. Xin ngài hiểu cho rằng các em có thể đi trường khác khi hết niên khóa, điều đó không thiệt hại cho ngài gì cả vì với nạn trường thiếu hiện nay, học sinh sẽ ào ạt xin thế chỗ. Nhưng sự tai hại đã xẩy ra cho các em nhỏ đáng thương kia, đã in vào tâm hồn non nớt của chúng sự bất kính đối với người lớn, với bậc thầy không xứng đáng, và do đó, sự giáo dục sẽ không mang lại kết quả mà mọi người mong đợi. Xin ngài nghĩ tới sứ mạng thiêng liêng mà lưu ý cho.

Các em thương mến,

Chị ước ao sẽ nhận được những dòng chữ đầy tươi mát trong thư tới của các em. Và chị cũng xin các em đừng quá bi quan. Chị đã được biết rất nhiều bậc thầy đáng kính mặc dầu trong hoàn cảnh khó khăn chung cho đất nước hiện nay, vẫn nhiệt thành, bằng đủ mọi cách, tìm đủ mọi phương tiện để giáo dục các em và nhìn lại dĩ vãng, từng năm từng năm học, trong đời học sinh của chị, trên bục gỗ, có biết bao nhiêu bậc thầy mà tên xứng đáng ghi vào bảng vàng.


Chị Đ.P.K.      

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 36, ra ngày 30-4-1972)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>