Thứ Bảy, 3 tháng 4, 2021

Vào Đời

 

 Vào lớp học, Dũng kề tai tôi nói nhỏ:

- Một lát giờ chơi tôi có chuyện nói với anh.
 
Tôi khẽ gật đầu nhưng không biết chuyện gì. Ngồi học một giờ tôi có cảm tưởng như một ngày. Nhưng giờ chơi cũng đến. Tất cả ùa ra sân. Tôi nắm tay Dũng đến một gốc cây hỏi:
 
- Sao, chuyện gì thế?
 
- Tôi phải rời học đường.
 
Tôi ngạc nhiên:
 
- Sao vậy?
 
Bằng một giọng buồn anh đáp:
 
- Vì gia cảnh tôi phải đi làm để giúp gia đình.
 
- Buồn nhỉ! Thế làm ở đâu?
 
- Ở tiệm sách Thanh Xuân, đường...
 
- Lương bao nhiêu?
 
- Tám trăm. Cũng đỡ phần nào cho gia đình. Ngày đi làm đêm đi học.
 
Tiếng chuông vào lớp lại reo lên.
 
Chúng tôi cùng vào lớp. Ngồi học mà óc tôi nghĩ đến Dũng.
 
Tôi và Dũng là đôi bạn thân từ ngày vào học Đệ thất đến nay. Sau khi đậu Trung học đệ nhất cấp, tôi và Dũng cùng chọn ban C. Thế mà nay phải xa cách. Tôi biết nhà Dũng nghèo lắm. Cha anh mất đã lâu. Anh còn một mẹ già và ba đứa em. Mẹ anh bán hàng rong để nuôi anh ăn học. Nhưng nay vì hoàn cảnh gia đình, anh phải dấn thân vào đời với số tuổi mười bảy. Nghĩ cũng buồn. Việc anh nghỉ học giúp gia đình cũng đáng quí, nhưng sự học ấy không bị gián đoạn theo lời anh tâm sự "ngày đi làm đêm đi học". Thế là từ nay tôi đơn độc chẳng còn Dũng bên cạnh.

Mấy tuần nay, tiệm sách Thanh Xuân được sự có mặt của một anh bán sách còn trẻ. Lúc nào anh cũng niềm nở với khách hàng. Anh bán sách đó là Dũng. 

Sáng nay được nghỉ hai giờ, chẳng biết đi đâu. Tôi sực nhớ đến Dũng nên rủ hai người bạn: Tuấn và Tùng đến thăm anh. Đến nơi chúng tôi thấy anh chạy tới, chạy lui lấy sách này sách nọ cho khách. Mồ hôi đẫm áo nhưng nụ cười vẫn nở trên miệng anh. Tôi nhìn anh và so sánh với tôi. Nếu là tôi thì chắc tôi phát cáu lên mất. Thấy khách đông, chúng tôi chỉ đứng bên ngoài xem các tạp chí. Một lát thưa khách, Dũng nhìn ra và kêu:

- Ủa! Các bạn đến chơi. Sao không vào?

Tôi mỉm cười:

- Thấy anh bận, chúng tôi không vào làm rộn.

- Bây giờ thưa khách, các bạn vào chơi chứ?

- Dĩ nhiên.

Chúng tôi cùng vào. Anh hỏi:

- Các bạn vẫn mạnh và học như thường chứ?

- Vâng. Anh bán có dễ chịu không?

- Cũng đỡ. Ban đầu thì khó nhưng sau quen dần.

Mỉm cười, anh tiếp:

- Hôm đầu mới vào tôi báo hại một ông khách đợi nửa giờ. Nguyên ông ta vào hỏi quyển Les lettres de mon Moulin. Tôi quên hỏi ông ta đó là loại sách gì. Tôi chạy đi kiếm ở chỗ sách Pháp. Chẳng thấy, tôi hỏi chị đứng kế. Chị ta bảo tôi ra hỏi sách đó thuộc loại gì. Tôi ra hỏi. Thì ra loại song ngữ. Báo hại hôm đó ông khách đứng mỏi cẳng. Về sau, nếu có ai hỏi mua sách, tôi cũng hỏi thuộc loại nào để dễ kiếm. Bây giờ kể lại, tôi vẫn còn buồn cười cho thái độ lúng túng hôm đó.

Tuấn nhìn quanh rồi hạ thấp giọng hỏi:

- Ông chủ đây có khó không?

- Không. Ổng dễ lắm. Tôi đi học, nếu có thiếu sách ông ta cho mượn, miễn đừng biên bậy và làm rách.

Tùng buột miệng:

- Đỡ quá.

- Do đó tôi cố gắng làm việc để khỏi phụ lòng ông ta.

Đến đây, khách vào đông. Chúng tôi từ giã:

- Thôi chúng tôi về nhé!

Tiễn chúng tôi ra cửa, anh nói:

- Cám ơn các bạn có lòng đến thăm tôi. Cho tôi gởi lời thăm các bạn kia nhé. Hôm nào rảnh các bạn lại chơi.

- Chào anh.

- Gút bai.

- Gút bai.

Tôi quay lại định vẫy tay anh, nhưng bóng anh đã khuất sau mấy người khách hàng...
 

Trúc-Giang            
(Bút nhóm Nắng Việt)    

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 42, ra ngày 1-4-1966)

____________ 
(1) Good bye : Từ giã.


Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>