Thứ Hai, 12 tháng 4, 2021

Chiếc Trống Vô Giá


Trên con đường dẫn vào làng An Thái, một gã đàn ông lầm lũi bước. Đó là một người khoảng hai mươi đến ba mươi tuổi với mái tóc mọc hỗn độn, mốc thếch như lâu ngày không gội. Gương mặt gã xương xương, hai hàng lông mày rậm ẩn dưới là một cặp mắt tinh anh. Cứ nhìn bộ bà ba nâu bạc màu sương gió bị bám đầy bụi đường của gã người ta cũng biết gã từ xa lại. Nhưng gã là ai? Nào ai biết! Người ta chỉ thấy một chiều nhạt nắng như hôm nay, gã đến đây, bước vào chiếc quán lá xiêu vẹo ở đầu làng, gã kêu nước uống. Và khi bát nước chè xanh được mang lại, gã vừa thổi vừa húp xùm xụp. Có lẽ vì thấy người lạ, mọi người trong quán đều đưa cặp mắt ngạc nhiên ra quan sát gã. Nhưng gã vẫn thản nhiên ngồi uống nước như chẳng có việc gì xảy ra. Lát sau, gã rời khỏi chỗ ngồi, trả tiền nước và bước ra khỏi quán. Song chỉ được vài bước, gã bỗng quay lại:

- Nầy cô hàng! Trong làng nầy có ai tên là Tư Đờn không?

- Không, ở đây chẳng có ai mang tên ấy cả.

- Cô thử nhớ lại xem, ông phú hộ Tư Đờn ấy mà! Người là bác tôi đấy!

- Có lẽ ông nhầm rồi vì ở đây chỉ có ông Trần Sanh phú hộ ở cuối làng thôi.

Gã đưa tay vỗ vỗ vào trán ra vẻ ân hận:

- Cám ơn cô. Có lẽ tôi nhầm thật.

Rồi gã đi thẳng về cuối làng mất hút. Bẵng đi mấy hôm, nay người ta lại thấy gã tái hiện trong làng. Nhưng gã là ai?...

Xin thưa ngay, gã là một tên cướp cạn hay đúng hơn, một tên trộm. Không ai biết tên gã là gì, ngay chính gã cũng thế. Gã chỉ nhớ mang máng rằng cha gã cũng là một tên trộm khét tiếng, mẹ gã là một người đàn bà đáng thương bị cha gã bắt ép về làm vợ. Gã lớn lên trong cái không khí bất lương của gia đình, nên dù muốn dù không, gã cũng phải đi theo con đường mà định mệnh đã dành riêng cho gã. Qua mười năm lăn lóc trong "nghề", với những mánh khóe độc đáo của người cha trước ngày hấp hối đã truyền cho, gã đã trở thành một tên anh chị "lành nghề".

Thêm vào đó, gã còn có tài vẽ rất đẹp và sắc sảo. Nhưng điểm đặc biệt nhất đã tách hẳn gã ra khỏi những tên trộm tầm thường là gã chỉ lấy trộm ở những nhà giàu có về tiền của nhưng nghèo đức hạnh.

Hôm nay, gã về làng An Thái không phải để tìm người bác như gã đã bảo, mà để tìm những nhà giàu có để hành nghề. Còn cái tên Tư Đờn chỉ là một cái tên bịa đặt để dễ bề dò kiếm đấy thôi, chứ thật ra Tư Đờn có hay không gã cũng chẳng cần biết đến...

*

Đêm ba mươi trời tối đen như mực. Dạ thần đưa chiếc lưới đen ngòm nuốt trọn cả làng An Thái vào trong. Con đường làng rộng rãi, đầy cát trắng mà bây giờ cũng chỉ thấy mờ mờ. Hai hàng cây bên đường như đồng lõa với bóng đêm, đứng bất động trong những dáng hình kỳ dị. Bầu trời đen kịt không có lấy một vì sao. Đâu đây, tiếng dế giun rền rĩ một điệu nhạc buồn thảm của đêm trường, làm cho làng An Thái đã yên lặng, càng tĩnh mịch thêm. Vạn vật như say ngủ cả vì giờ đây đêm đã về khuya...

Thế mà ở cuối làng vẫn còn ánh đèn le lói sáng. Đó là căn nhà ông phú hộ giàu có nhất làng, chính ánh sáng từ nơi nầy tỏa ra.

Ông phú hộ có tất cả ba người con: hai trai, một gái. Cũng như mẹ, chúng rất thương người và thông minh vượt bực. Riêng ông phú hộ thì khác hẳn, tuy tiền của muôn vạn nhưng ông rất keo kiệt. Mặt khác ông đối xử tàn tệ với kẻ ăn, người ở trong nhà và thường cho những người nghèo trong làng vay với số tiền lời cắt cổ. Đối với mọi người thì thế, nhưng về phương diện đồ cổ thì ông dám xài cả vạn bạc. Ông rất sành về thứ nầy và chỉ có một thú duy nhất đó thôi. Bởi thế chẳng bao lâu, gia đình ông đã có khá nhiều đồ cổ quý giá.

Tối nay, trước khi đi ngủ ông còn tâm sự với vợ:

- Mình ạ! Đồ cổ nhà ta thì chẳng thiếu một thứ gì. Nhưng tôi ước mong có một thứ nào quý giá hơn, dù bạc vạn tôi cũng quyết mua cho bằng được.

Nhưng cả hai ông bà đâu có ngờ rằng, sau tấm vách còn có một tên trộm đang rình và nghe được. Đó là gã đàn ông ban chiều. Gã rón rén băng qua rào đi về, không thèm rình nữa. Vừa đi, gã vừa lẩm bẩm:

- Ta đã có cách rồi. Hỡi tên phú hộ bất lương ơi! Ta sẽ dành cho mi một bài học đích đáng đây!...

Sáng hôm sau tay dao, tay xách một bọc khá lớn không biết đựng gì bên trong, gã tiến vào rừng. Trong nắng sớm, khu rừng thưa linh động hẳn lên. Những thân cây còn ướt đẫm sương đêm, giờ đây lấp lánh dưới ánh mặt trời như có dát kim tuyến. Vài bông hoa dại ngát hương nghiêng mình trước làn gió ban mai. Chim chóc ríu rít hót ca như chào đón bình minh đã về...

Trước cảnh ấy gã vẫn cắm cúi bước. Đôi chân gã thoăn thoắt trên mặt cỏ xanh non, mắt như dán chặt vào những thân cây ở hai bên con đường mòn khúc khuỷu. Gã đi như thế đã lâu lắm, dáng điệu thật vội vã. Mãi cho đến lúc mặt trời đã lên đến đỉnh đầu, mồ hôi thấm ướt cả chiếc áo nâu bạc phếch mà gã vẫn còn lầm lũi bước. Lạ quá! Gã vào rừng làm gì vậy? Đốn củi chăng? Vô lý quá!... Vì nếu thế thì tại sao từ sớm đến giờ gã chưa chịu ra tay? Hay là gã đi tìm thuốc trường sinh? Thậm vô lý! Đời nầy làm gì có thuốc trường sinh mà gã phải tìm. Nhưng gã đến đây để làm gì kia chứ? Chỉ có Trời mới mong hiểu nổi...

Dưới kia, gã vẫn tiếp tục đếm những bước chân mệt mỏi. Đường đi mỗi lúc một khó khăn, những bụi gai, nhánh mây che kín cả lối đi. Gã phải vừa đi vừa khoa lưỡi dao rừng để dọn đường. Bỗng gã mừng rỡ rú lên. Đây rồi!...

Theo tiếng kêu, khuôn mặt buồn não của gã rạng rỡ hẳn lên, cặp mắt sáng rực nhìn lên một thân cây: Ồ! Một tổ ong rừng.

Nguyên loại ong nầy rất dữ, chúng mà đuổi ai thì đốt bằng được mới thôi. Chúng đốt đau lắm, chỉ trong chốc lát là nơi đốt sưng vù lên ngay và nhức nhối rất khó chịu. Vì thế chẳng mấy ai dám động đến chúng cả. Thế mà gã tìm nó để làm gì? Người đàn ông nầy đến lạ lùng và kỳ dị...

Về phần gã thì đặt chiếc bọc vải xuống cỏ và mở ra. Gã trải ra một tờ giấy to lớn đã cũ, rồi lôi từ trong chiếc bọc ra một gói hồ bôi đều lên mặt giấy. Xong gã cầm giấy bằng tay trái, tay phải bám vào thân cây và thoăn thoắt leo lên. Đoạn gã nhẹ nhàng bao mảnh giấy lên chung quanh tổ ong, rồi lấy dao đẽo cả cành mang xuống đất.

Đến nơi, gã đặt tổ ong rừng lên thảm cỏ, dùng dao chặt bỏ những phần chung quanh.

Xong xuôi, gã bọc lại và xách đi. Trên đường về, gã chậm rãi bước như một khách nhàn du, miệng luôn luôn mỉm cười chừng như có điều gì thích thú lắm...

Mãi đến xế trưa gã mới về đến đầu làng. Sau khi ghé vào một quán cơm dùng bữa qua loa xong, gã lại hấp tấp ra chợ. Tại đây, gã hỏi mua hai tờ giấy trắng cỡ lớn và một hộp màu cùng một ít hồ dán. Đoạn gã thong thả theo con đê tiến về mạn tả của làng An Thái. Ở đây chỉ thấy toàn cây, trông chẳng khác gì một con rừng nhỏ. Gả bước dưới những tàn cây phủ dày bịt bên trên con đường mòn, che gần hết ánh nắng mặt trời. Đến một ngôi miếu cổ rêu phong ẩn mình dưới một thân cổ thụ khổng lồ, gã ngừng lại. Gã đưa cánh tay đen sạm ra để mở hé cánh cửa mọt, rồi sau khi lách mình chun vào, gã khép kín lại. Xong xuôi, gã đặt cái bọc lên trên chiếc bàn Thổ Thần rồi lần bước đến chiếc trống thủng treo trên một chiếc giá gỗ mục nát. Tiếng gã cất lên:

- May quá, chiếc trống tuy bể nhưng vẫn còn tốt chán. Mình bắt tay vào việc là vừa!

Nói xong gã tháo chiếc trống xuống, đưa lai áo lên chùi bụi. Đoạn gã ngồi bệt xuống sàn miếu chùi kỹ những mảnh gỗ của trống. Đến lúc nước gỗ đã bóng ngời, gã mới khoan khoái đứng dậy và tiến lại chiếc bàn Thổ Thần để soạn đồ nghề ra. Trước tiên, gã đặt tổ ong rừng vào trong thân trống (chiếc tổ mới vừa vặn làm sao!) gã vừa lẩm bẩm như thế vừa bôi hồ vào giấy trắng và dán bịt hai mặt trống lại. Xong gã mở hộp màu ra, và với chiếc cọ gã bắt đầu tô điểm cho chiếc trống. Trông gã lúc nấy giờ không khác gì một họa sĩ yêu nghề, chăm chú vào từng nét vẽ. Với tài vẽ sẵn có của gã, chiếc trống bấy giờ rực rỡ hẳn lên với hình vua Đường Minh Hoàng đang say sưa nhìn tiên nữ trong vũ khúc Nghê Thường...

Mãi cho đến lúc nắng xuyên qua mái ngói bể đã nhạt dần, gã mới làm xong. Gã thở phào nhẹ nhõm như vừa trút được một gánh nặng. Gã vứt co vươn vai đứng dậy và cẩn thận đặt chiếc trống lên trên chiếc bàn Thổ Thần. Rồi gã lùi lại tựa lưng vào cửa miếu, mắt ngắm nghía công trình vừa hoàn tất...

*

Gia đình ông phú hộ đang dùng bữa trong nhà. Bỗng nghe có tiếng léo nhéo như rao hàng, ông bỏ đũa và lắng nghe. Xong ông quay lại hỏi vợ:

- Nầy! Mình có nghe thấy gì không?

- Tôi nghe có tiếng "mua chuối anh ơi" gì đó!

- Chắc mình nghe lầm rồi! Tôi thì nghe "ai mua trống chao ôi không", cái tên trống gì mà lạ lùng vậy? Đâu mình để tôi ra thử xem sao!

Rời khỏi chiếc bàn ăn, phú hộ Trần Sanh bước ra sân. Ông thấy một người đàn ông đang bưng một chiếc trống xinh xắn, miệng rao hàng. Nghe tên trống là lạ ông kêu to:

- Nầy cậu! Cậu bán trống gì thế?

Mừng rỡ, tên trộm liếng thoắng:

- Thưa, chiếc trống "chao ôi" ạ!

- Chiếc trống "chao ôi"? - Ông phú hộ ngạc nhiên hỏi vặn - Nhưng tai sao nó có cái tên lạ lùng thế nầy ở cậu?

- Ai biết đâu! Tôi chỉ biết đây là vật gia bảo của dòng họ nhà tôi. Nhưng ngày nay lâm vào cảnh túng thiếu, bất đắc dĩ cha tôi mới sai tôi đi bán để lấy tiền về trang trải nợ nần.

- Thế cậu định bán với giá bao nhiêu đấy?

Gã ăn trộm chậm rãi đáp:

- Thưa năm vạn.

- Năm vạn? Chiếc trống tuy đẹp thật, nhưng có ai chịu bỏ ra năm vạn để mua lấy một vật vô tích sự như thế đâu cậu!

Gã trộm vẫn bình thản giải thích:

- Ông không biết đấy chứ, đây đâu có phải là một vật vô tích sự. Ông biết không, chính chiếc trống nầy là vật chí bảo trên thế gian...

Ông phú hộ có vẻ sốt ruột, ngắt lời:

- Thì cậu kể phứt ra cho rồi, cứ nói dông dài mãi.

- Thế thì tôi nói đây. Chiếc trống nầy khi đánh lên, hình ảnh các tiên nữ sẽ uốn éo theo vũ điệu Nghê Thường mà trước kia vua Đường bên Tàu đã mộng thấy. Vì cái công dụng ấy, tôi thiết tưởng rằng với cái giá năm vạn kia hãy còn rẻ mạt.

Ông phú hộ thích thú:

- Đâu cậu đánh cho tôi xem thử!

Tên trộm hơi giật mình nhưng cố giữ vẻ mặt bình tĩnh, gã bịa:

- Đâu có dễ dàng như vậy thưa ông. Ông phải biết rằng đây là một bảo vật linh thiêng. Chỉ vào ngày rằm Trung Thu dưới không khí trang nghiêm thì nó mới hiệu nghiệm chứ!

Ông phú hộ tâm sự:

- Thú thật với cậu, tôi rất mong mua được một bảo vật như thế. Nghe cậu nói tôi cũng thích mua lắm, nhưng ngặt một nỗi là sợ lầm phải thứ giả...

Đoạn ông tiếp với giọng tiếc rẻ:

- Phải chi có bằng chứng chắc chắn tôi sẽ mua chiếc trống nầy với giá năm vạn...

Tên trộm bối rối không biết tính sao. Nhưng bỗng gã sực nhớ ra những con ong. Sung sướng gã nhảy cỡn lên. Ông phú hộ ngạc nhiên:

- Cậu làm sao thế?

- Ồ, chẳng có gì cả, thưa ông: Tôi đã tìm ra bằng cớ để chứng tỏ đây là một vật có giá trị rồi.

Ông phú hộ Trần Sanh cũng mừng rỡ:

- Đâu, cậu cho tôi xem đi.

Tên trộm láu lỉnh bảo ông cúi xuống rồi kê sát mặt trống vào tai người phú hộ:

- Ông nghe thấy gì không?

- Tôi chỉ nghe tiếng rè rè!

- Đó... đó! Chính là máy móc trong chiếc trống đó ông ạ! Cứ gần đến ngày rằm Trung Thu là máy móc chuyển động dần và đến đúng rằm, sau khi đánh trống, những hình vẽ sẽ nhảy múa theo điệu nhạc đó ông ạ. À! Mà hôm nay mấy mình rồi, thưa ông?

- Mười hai mình rồi.

Tên trộm vờ vò đầu bứt tai:

- Thảo nào. Gớm!... Mãi lo bán trống có mấy hôm mà đã quên khuấy cả ngày tháng.

Riêng ông phú hộ thì tin quá, ông hí hửng vì sắp mua được của quí: "mua được một chiếc trống hiếm có như thế nầy, mình phải mở tiệc ăn mừng mới được". Rồi không mặc cả, ông trao tiền cho tên trộm và ôm chiếc trống vào nhà. Vừa bước đi, ông vừa định bụng sẽ viết giấy mời tất cả bà con lối xóm đến dự tiệc vui với ông vào đêm rằm sắp tới...

Chưa vào đến cửa, ông đã cất tiếng gọi:

- Nầy má nó ơi! Ra đây mà xem vật quý...

*

Đêm Trung Thu đã về, cái đêm mà ông phú hộ Trần Sanh hằng mong đợi đã đến. Trong chiếc phòng khách, bà con lối xóm của ông được mời, đã tề tựu đông đủ cả. Chờ mọi người nhắp xong chén trà, ông phú hộ trang trọng đứng lên:

- Thưa quý bạn: hôm nay tôi mời quý bạn đến đây trước là chung vui, sau là xin kể hầu quý bạn một truyện cổ Trung Hoa...

- Một truyện cổ tích?

- Truyện gì thế?...

Ông phú hộ tươi cười, ra hiệu cho mọi người yên lặng. Đoạn ông đằng hắng để lấy giọng:

- Xưa kia, lúc nhà Đường cai trị Trung Hoa, có một vị vua là Đường Minh Hoàng trị vì. Trong một đêm Trung Thu, ngài mộng thấy mình lạc vào cung Quảng, được mục kích một vũ điệu Nghê Thường do bầy tiên nữ nhảy múa...

Ông phú hộ ngừng lại để nhắp một ngụm trà. Thấy mọi người ngạc nhiên, ông thích chí:

- Hẳn quý bạn không hiểu tôi nhắc tích đó làm gì, phải không? Tôi xin trả lời ngay là để xin hỏi quý bạn một điều...

- Điều gì thế?

- Xin ông nói ngay cho...

Đợi mọi người im tiếng hẳn, bấy giờ ông phú hộ mới hỏi:

- Thưa các bạn, ngoài Đường Minh Hoàng ra, ai còn được diễm phúc chứng kiến tận mắt về vũ điệu Nghê Thường nữa?

Thấy mọi người phân vân, ông đáp hộ:

- Chính chúng ta đấy, các bạn ạ!

Nhiều tiếng ồ kinh ngạc vang lên:

- Chính chúng ta?

Không đáp, ông quát gia nhân đóng cửa phòng lại và thắp thêm đèn cho tăng thêm phần ấm cúng, trang nghiêm. Đoạn, ông sai hai tên gia nhân còn lại vào lấy trống. Lát sau, chúng cẩn thận đem chiếc trống ra. Ông phú hộ hân hoan:

- Thưa các bạn! Đây là chiếc trống quý nhất trên đời mà tôi vừa may mắn mua được. Nó có một công dụng là mỗi lúc đánh lên, các hình vẽ sẽ quay cuồng theo điệu nhạc Nghê Thường...

Rồi không ngần ngại, ông bịa thêm:

- Các bạn biết không, tôi đã phải nài nỉ hằng nửa ngày trời mới mua được với giá mười vạn đấy!... Và hôm nay, tôi không dám riêng hưởng một mình nên mới mời các bạn đến đây cùng vui. Nào! Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau thưởng thức những bất ngờ lý thú của nó trước tiên...

Nói xong, ông cầm chiếc dùi trống đưa lên. Một "bất ngờ lý thú" đã đến với mọi người thật! Số là khi chiếc dùi trống vừa giáng mạnh xuống mặt trống, thay vì tiếng "bồồng!..." quen thuộc người ta lại nghe thấy một tiếng "bụp" khô khan...

Liền theo đó, từ mặt trống thủng, một đàn ong đen kịt túa ra như nước vỡ bờ. Người nhận lãnh đầu tiên là ông phú hộ, bị hàng chục con ong bu chích lung tung. Thôi thì lúc bấy giờ mới hỗn độn làm sao! Mạnh ai nấy chạy. Người ta chen lấn nhau mà chạy, ghế bàn nghiêng ngửa, rượu thịt ngổn ngang, chén dĩa vỡ loảng xoảng. Thôi thì khỏi nói, đằng này "chao ôi" đằng nọ "châu ơi" ỏm tỏi, tiếng gào khóc vang rân... Người ta chỉ còn nước chạy quanh phòng mà chịu trận vì cửa đã bị đóng kín trong lúc đàn ong được mặc sức tung hoành. 


Mãi cho đến lúc phá được cửa, thì mặt mũi ai nấy cũng sưng vù, trông phát khiếp luôn!

Phú hộ Trần Sanh tức giận lồng lộn, mặt mũi sưng vù trông thật thảm hại. Chưa bao giờ ông cảm thấy nhục nhã như lúc nầy! Đã mất tiền lại còn bị một vố quá đau. Giá mà có mặt tên bán trống ở đây, khỏi nói ta cũng biết ông sẽ làm những gì rồi. Nhưng tức thật, gã đã cao bay tự lúc nào rồi!

Không biết làm gì hơn, phú hộ Trần Sanh đành hậm hực ra về. Đến nơi, ông nặng nề gieo mình lên trưởng kỷ, nét mặt cau có. Vợ ông thì ủ rũ bên cạnh, mai mỉa:

- Ông đã thấy chưa... chiếc trống quý thiệt mà!... Hừ! sao không đem tiền của mà giúp cho những gia đình nghèo khó có phải hơn không? Ác lai ác báo đấy ông ạ, đã bao lần tôi bảo thế mà ông có chịu nghe đâu. Bây giờ sáng mắt ông ra chưa, hở?...

Ông phú hộ ân hận:

- Bây giờ thì tôi sẽ tởn tới già. Bắt đầu từ hôm nay tôi sẽ cố theo những lời bà đã khuyên. Mãi đến lúc nầy tôi mới thấy câu "đi đêm hoài sẽ có lúc gặp ma, ở ác mãi cũng có ngày ác báo" của mình là đúng.

Nói đến đây phú hộ Trần Sanh chợt thấy vợ dùng tay xoa xoa chỗ đau, ông liền khôi hài:

- Mà cũng đáng lắm mình ạ! Quả không hổ danh là chiếc trống "chao ôi"...

Hai ông bà cùng bật cười, bao nhiêu buồn nản đều tiêu tan đâu mất. Bây giờ phú hộ Trần Sanh không còn oán ghét tên bán trống nữa mà trái lại. Ông thầm cám ơn hắn đã cảm hóa ông qua sự trung gian của chiếc trống báo đời kia. Với ý nghĩ ấy, ông buột miệng:

- Nè mình! Dưới mắt tôi thì chiếc trống ấy quả là một bảo vật vô giá, chính nó đã thức tỉnh tôi về với đường ngay...

Và ông mơ màng tiếp:

- ... Ngày mai, ngày mai chúng ta sẽ bắt đầu một quãng đời mới mình ạ!


HUYẾT PHƯỢNG TÂM     
(Viết theo một truyện cổ tích)   

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 43, ra ngày 15-4-1966)




oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>