Thời gian qua mau. Tuổi thơ ấu lùi dần. Đã mười năm qua rồi, nhưng tôi còn nhớ rõ cái ngày đi học đầu tiên. Ngày ấy tôi còn nhỏ tí ti, bốn năm tuổi gì đó mà tôi đã biết vui mừng, lo âu trước cái ngày trọng đại ấy, ngày lần đầu bước đến cổng trường.
Hình ảnh thằng bé con ôm vở trên tay, lạ lùng, ngơ ngác trong sân trường hiện rõ trong trí tôi. Ngày ấy tôi ôm cuốn vở với một tâm hồn nô nức, vui mừng và hãnh diện chứ không sợ sệt, la khóc như bao đứa trẻ khác mà tôi vẫn thấy bây giờ. Có lẽ bởi vì đầu óc non nớt của tôi lúc ấy luôn luôn nghĩ đến trường học như mọi người ngoan đạo mơ đến thiên đường. Những người lớn như cha mẹ, chú tôi vẫn thường bảo: "Đi học sẽ được sung sướng, sẽ biết được nhiều điều, nhiều thứ ; những người không đi học sẽ cực khổ..." Những lời ca tụng về việc đi học của người lớn nhiều lắm in sâu vào đầu óc tôi lúc bấy giờ. Lại thêm mỗi lần đi học về, ông anh họ học lớp năm (lớp một mới) của tôi đem khoe nay biết đọc cái này, nay cộng cái kia làm tôi thích thú, ham muốn có lẽ hơn cả bánh kẹo. Tôi chèo chẹo đòi mẹ cho tôi đi học.
Ngày đi học đầu tiên, tôi vui mừng nô nức, tuy không được thơ mộng như của Thanh Tịnh. Tôi không nhỡ rõ tôi đi học mùa nào, có "đầy sương thu và gió lạnh" chăng? Tôi chỉ nhớ rằng chú tôi chở đi, tôi không được "mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng..." Ngồi trên chiếc xe đạp cọc cạch chú tôi chở đến trường vào buổi sáng, tôi không nhớ rõ cảnh vật hai bên đường lúc ấy ra sao? Nhưng chắc rằng tất cả đều tươi vui đón chào tôi và lòng tôi lúc ấy trong sáng, hãnh diện như vầng Thái Dương đỏ hồng vừa nhô lên ở phương Đông...
... Cái cổng trường đồ sộ, sân trường vắng lặng, ngôi trường to lớn ngói đỏ chóe đập vào mắt tôi, gây trong lòng tôi một ý tưởng nghiêm trang, một cái gì vĩ đại, thiêng liêng của học đường.
... Vào đến hành lang, đứng trước lớp mẫu giáo tôi mở mắt to trô trố nhìn ông thầy, nhìn lớp học lố nhố học sinh. Còn chú tôi bước vào lớp, nói chuyện với thầy giáo, hai người nói chuyện gì tôi chẳng biết, có lẽ không ngoài việc tôi xin học. Chỉ biết một lát chú tôi bước ra dẫn tôi về, nói rằng tôi còn nhỏ quá ông thầy không nhận. Tôi tiu nghỉu buồn bã: mình không được đi học. Sự ham thích đi học trong lòng tôi, đã biến thành nỗi ấm ức, nghèn nghẹn.
Rơm rớm nước mắt, tôi trở về bệu bạo đòi mẹ tôi dẫn đi. Chiều lòng tôi, mẹ tôi cũng dẫn đi một lần nữa, nhưng chẳng được gì.
Thế rồi sau đó mẹ tôi phải dẫn tôi đến học tại nhà một ông giáo. Lớp học tại nhà riêng của ông, chỉ có khoảng mấy chục học trò nhỏ như tôi. Tôi còn nhớ rõ: ông thầy giáo dạy A, B, C... lần đầu ấy tên Tùng. Ông đã già rồi, người ốm, nhỏ nhắn. Thực ra ông cũng chẳng phải là một nhà giáo chuyên nghiệp ; ông chỉ dạy ở nhà thế thôi chứ không có dạy ở một trường nào. Ngoài những giờ dạy cho chúng tôi ông cũng làm mọi chuyện như mọi người dân quê bình thường. Trong lớp, lúc nào ông cũng cầm cái roi trên tay. Cái roi bằng tre, nhỏ và vót tròn, quất vào không khí nghe vun vút, rờn rợn. Nội chỉ nghe cái tiếng "vun vút, rờn rợn" ấy chúng tôi đủ khiếp vía.
Lũ chúng tôi ngồi trên những cái ghế thấp chung quanh một cái bàn dài. – hay nói đúng hơn là một tấm phản hình chữ nhật gác ngang qua hai cái đà. Ông thầy của chúng tôi viết những chữ, những câu ngắn vào vở chúng tôi rồi đọc cho chúng tôi đọc theo. Vào lớp học chỉ có đọc và đọc, chúng tôi tha hồ gào thét cho sướng mồm. Nếu đứa nào không đọc theo thầy thì lãnh roi vào mông thấm thía. Tuy nhiên cái không khí ồn ào của lớp học vẫn làm cho bọn tôi thích thú lắm.
Ngoài cái roi "xinh xắn" trên tay ông thầy chúng tôi còn đặt ra một hình phạt rất ư là độc đáo mà có lẽ chỉ ở thôn quê mới có: đó là quì trên gai mít. Thường những khi không thuộc bài chúng tôi mới bị cái hình phạt nầy. Quì trước hiên, hai tay giang thẳng ngang, hai đầu gối "được" lót hai miếng vỏ mít đầy gai nhọn. Các bạn hãy thử tưởng tượng nó đau đớn và tức tối đến chừng nào chứ! Hể làm bạn với nó chừng nửa giờ thì lưu lại một "kỷ niệm" khó phai: hai đầu gối tím bầm, lồi lõm theo hình dấu gai mít suốt cả ngày chưa tan hết. Thế mà trong suốt thời gian học, tôi đã "anh dũng" chịu đựng như thế nầy mấy lần nên đến bây giờ vẫn nhớ hoài. Chắc hồi đó tôi oán thầy giáo lắm, nhưng bây giờ nhắc lại kỷ niệm xưa tôi không phải để oán mà để cảm thấy vui vui...
Đã mười năm rồi, và bây giờ tôi đã xa cách nghìn trùng nơi ấy. Hình ảnh của thằng bé con đi học lần đầu đầy ấm ức, hình ảnh của cái thời tập đọc A, B, C... với ông giáo già đã in sâu vào trí óc tôi, có lẽ chẳng bao giờ tôi quên được./.
LÊ LỄ
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 82, ra ngày 25-3-1973)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.