Thứ Tư, 7 tháng 4, 2021

Nên Học Như Thế Nào?

 Các em thân mến,

Chị cứ thường nghe người ta kêu rêu rằng tuổi trẻ ngày nay hư hỏng, bê tha, vân vân... Trái lại, qua các thư của các em gửi về cho chị, chị thấy tuổi trẻ ngày nay thật là dễ thương, đầy óc cầu tiến và tinh thần phục thiện. Nhận xét của chị cũng có phần phiến diện các em nhỉ. Vì chị chỉ đọc thư các em, là những độc giả của Thiếu Nhi, thì đã vốn có tâm hồn trong sáng, hèn chi mà chị chả lạc quan, phải không các em. Thật là may mắn cho chị, được nhìn nhiều mầu hồng của cuộc đời, cảm tạ Thượng Đế. 

Các em của chị dễ thương và có óc cầu tiến, ham học, ham hỏi, tốt lắm. Rồi có em mới hỏi chị thế này: "Chị ơi! Em ham học cho biết đủ mọi thứ, mà má em lại không bằng lòng. Má nói: "Nếu con học nhiều thứ khác, thì con sẽ không còn thì giờ học chữ, và tới kỳ thi con sẽ rớt". Em nghĩ rằng ở đời có thể tự học, thi rớt thì ở nhà tự học, em muốn thành một người biết đủ mọi thứ, chị nghĩ sao?".

Chị nghĩ thế này nhé, má nói đúng đấy. Tự học thì quí thật nhưng khổ sở vất vả lắm, vì không có người hướng dẫn phải tự mò mẫm lấy. Muốn vào những lớp cao để có thầy hướng dẫn thì em phải có bằng cấp để xác định một cách cụ thể sức học của em. Vậy thì, việc chính của các em bây giờ là sự học ở nhà trường, các em đừng xao lãng, mà mất nhiều thời giờ vào những việc phụ.

Nhân đây, chị cũng muốn bàn thêm với các em về vấn đề, học như thế nào và có nên học tất cả mọi thứ không.

Chị nghĩ rằng: Các em rất nên học để biết sơ tất cả mọi thứ nếu có thì giờ. Nhưng các em phải học để biết rõ, biết tới nơi tới chốn một nghề, hay một công cuộc, một vấn đề, và suốt đời, em sẽ xả thân cho điều mà em đã mất công nghiên cứu học hỏi từ thuở trẻ đó. Mỗi người trong xã hội đều là từng con ốc nhỏ trong một guồng máy, con ốc tốt thì guồng máy sẽ chạy đều phải không các em. Đừng nên ôm đồm muốn học nhiều quá, nghiên cứu sơ qua cho biết thôi, chứ nghề nào em cũng học cho thật kỹ thì cả cuộc đời em cũng chưa học hết được các nghề, và tất nhiên là em không còn thời giờ đem những nghề đó ra thực hành để giúp đời. Có những nghề thích hợp, em học thấy say mê, người ta gọi là có khiếu, thì em nên theo đuổi. Nhưng đừng cố gắng học mãi điều mà mình không thích, không có khả năng, thí dụ không có khiếu về vẽ, thấy họa sĩ vẽ đẹp, em cứ tập mãi, dù tới mấy năm, em cũng chỉ vẽ được những tấm hình không có hồn. Trong một cuốn sách nào đó của ông Dale Carnegie, ông đã viết rằng khi xưa ông thích viết văn, nhưng không thành công. Không cố chấp, nhất định phải theo đuổi tới cùng, ông phân tích và thấy mình không có khiếu viết văn, ông chuyển sang ngành viết sách học làm người, thì ông đã giúp ích cho chúng ta xiết bao. May mà ông biết chuyển qua loại này. Vậy thì chúng ta phải biết phân chia thời giờ ra. Chúng ta chỉ sống có 70 năm (trung bình) mà chúng ta đã xài hết 15 năm rồi (độc giả T.N. lấy cỡ tuổi này là trung bình) vậy 55 năm còn lại ta phải sử dụng cho hợp lý. Ta phải học cho rành rẽ một nghề để nuôi sống bản thân và giúp ích cho xã hội và ta phải biết sơ qua nhiều vấn đề, để kiến thức được mở mang.

Điều cần là các em phải phân biệt cái chính và cái phụ. Nếu là sinh viên y khoa, thì việc chính của em là nghiên cứu về cơ thể con người, đừng thấy ông thợ hồ xây cái bếp đẹp quá bèn theo ông để học nghề của ông. Muốn giỏi như ông, em phải mất mấy năm. Vậy thì còn gì là thời giờ trong cuộc đời của em nữa!

Tóm lại, có nên học tất cả không? Có! Nhưng chỉ học một nghề chính rất kỹ càng, còn những điều phụ chỉ học sơ qua thôi. Trong thời gian này, việc chính của các em là bài học nhà trường, em chỉ nên chăm chú vào đó và học sơ các môn khác thôi. Các em gái của chị đừng bỏ cả ngày ra để làm món bánh hay thêu cái khăn mà lơ đãng bài vở, không lên lớp, học lại, sinh chán mà bỏ học, hỏng cả tương lai. Công việc đó em nên biết sơ qua, khi đã có gia đình, em sẽ thực tập, lúc ấy không đi học nữa, thì giờ dùng cả vào những việc nội trợ, em sẽ giỏi mấy hồi.

Vì nghĩ tới sự học là chính của các em, nên mặc dầu biết rằng mỗi sáng chủ nhật, các em tới tòa soạn rất có ích, làm cho các em vui vẻ yêu đời, nhưng các bác, các chú và chị thấy rằng tháng tư là tháng các em thi đệ nhị lục cá nguyệt, nên các em cần phải lo ôn tập bài vở, vì thế, tòa soạn quyết định đóng cửa thư viện và ngưng sinh hoạt sáng chủ nhật nguyên một tháng và sẽ mở cửa lại vào ngày 5-5-73, khi mà các em đã thi xong.

Trong thời gian thi cử, các em hãy lo làm thời khóa biểu cho hợp lý, đừng để giờ học quá nhiều, rồi theo được mấy bữa, sẽ nản chí mà bỏ luôn. Hãy phân chia giờ học giờ chơi cho minh bạch rồi cố gắng theo cho đúng. Sự theo đúng thời khóa biểu là một trắc nghiệm của các em, chứng tỏ các em có đủ tinh thần cương quyết chịu đựng khó khăn và gian khổ để khỏi gục ngã trong cuộc đời sau này không đấy nhé.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 84, ra ngày 8-4-1973)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>