Thứ Năm, 7 tháng 11, 2019

Thời Trung Học



Cho tới giờ tôi vẫn không hiểu tại sao tôi chẳng ưa thích chút nào những năm học trung học, mặc dù tôi đã phải trầy trật, rớt lên rớt xuống, cố công thi đậu cho bằng được vào trường trung học công lập để cha mẹ khỏi phải đóng học phí, nếu lỡ thi trượt phải học trường tư, huống hồ gì đó lại là ngôi trường có bề ngoài bề thế uy nghi cổ kính, còn danh tiếng thì lẫy lừng nhất nhì thủ đô, và quy tụ toàn những vị giáo sư ưu tú, có uy tín... Nghĩa là chỉ toàn thấy tinh hoa, một khi hưởng đặc ân được ngồi học dưới mái trường đó.

Vốn tính khó chịu và không thích a dua, tôi chỉ tin vào nhận xét của chính mình, và bỏ ngoài tai những lời tán dương, ca tụng  trường của bất cứ ai. Vì vậy, dù đã đọc qua những vần thơ áng văn hay trong đặc san xuân của trường,  vô số những ý nghĩ, cảm xúc  tốt đẹp của những bậc đàn chị ghi lại trong lưu bút, trên các trang báo in, trên những websites nói về trường, tôi vẫn một mực dửng dưng không có chút tình cảm về ngôi trường thời trung học! 

Có lẽ tôi muốn viết những giòng hồi tưởng này để tìm ra nguyên nhân của sự thờ ơ, vô tình, chớ không tới nỗi ác cảm,  của tôi đối với trường/những tháng năm trung học chăng?

Cô giáo dạy Việt văn lớp đệ thất của tôi tên là AT, người Huế. Ăn nói nhỏ nhẹ, dễ thương nhưng vẫn nghiêm nghị, và rất thích màu kem, tôi thường ví cô như một bông hoa ngọc lan, mặc dù cô lái xe hơi đi dạy, tưởng chừng không được nữ tính cho lắm. 

Nhưng năm đệ thất tôi ấn tượng nhất với cô giáo tên U dạy môn Công Dân Giáo Dục. Giờ Công Dân Giáo Dục rất là thích, vì chỉ việc say sưa, mê man ngồi nghe cô kể hết chuyện này tới chuyện khác. Ngày xưa đâu đã có internet, nhưng phải công nhận một điều cô là một pho sách sống, một cuốn tự điển, và hơn cả thế nữa, là một thư viện biết đi. Cho tới giờ này, tôi vẫn còn nhớ như in những lời cô giảng dạy, thông qua truyện kể,  về lòng trắc ẩn, nhân đạo chúng ta nên có đối với ngay cả súc vật, vì có những kẻ chỉ để phục vụ cho khẩu vị của mình, đã nuôi gà trong ống tre khiến gà ốm nhách vì chỉ được phát triển theo chiều cao, lúc lại nung ngói thật nóng rồi đặt bồ câu lên nướng sống trên đôi chân, để máu dồn hết xuống phía dưới rồi chỉ chặt lấy cặp chân ấy mà ăn cho bổ..... không màng tới việc dù là súc vật, chúng cũng biết đau đớn, buồn bã như ta.

Có vài kỷ niệm nho nhỏ vui vui  vào năm tôi học đệ thất. Dùng phương pháp trực quan sinh động, thày (cô) giáo dạy vạn vật đã yêu cầu bài nào thức nấy, học sinh phải mang "hiện vật" tới lớp để quan sát,  giúp cho việc học thêm dễ dàng. Tới hôm học đến loài nhuyễn thể, lũ bạn cùng lớp rủ tôi cùng đi vạch lá tìm sâu, để  bắt ốc sên trong sân trường. Xui xẻo làm sao mà tôi đã lần mò tới phạm vi nhà (trong trường) của cô tổng giám thị nên bị chó rượt theo cắn phập vào bắp chân. Hôm sau tôi được nghỉ học để theo cô tổng giám thị đi xích lô tới Viện Pasteur chích ngừa bịnh dại. Nhìn ngó một lát, bác sĩ nói rằng chẳng sao, không phải chích mũi nào! Thật là hú vía!

Một, hay nói đúng hơn là hai trong một, kỷ niệm khác khiến tôi tin rằng người ta  có lý do khi nói "học tài thi phận". Vào kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt (học kỳ 1 theo cách gọi bây giờ) môn Công Dân Giáo Dục năm đệ thất, bài vở rất nhiều nên đầu óc tôi cứ bấn loạn hết cả lên.  Tôi nhớ mình đã phải nào học chữ, nào học hình (luật đi đường) lung tung nên khi tới giờ thi, đầu óc tôi đã thành một mớ bòng bong. Tôi cứ vẽ bừa hết tròn rồi vuông những bảng hiệu giao thông, tới khi vẽ bảng "gần tới đường xe lửa" thì đã chán vẽ vuông, tròn tôi quay ra vẽ đại hình tam giác để thay đổi!  Còn giờ thi Nhạc lý cũng vậy, ở trên bục cô xướng âm nốt gì thì dưới đây học sinh phải ghi ngay nốt đó vào khuông nhạc. Tôi chỉ có thể chăm chú ghi những nốt đầu. Càng về sau hình như cô đọc càng nhanh khiến tôi bị áp lực nên mất hết bình tĩnh, thế là tôi cứ ghi bừa (xin thề có Trời, Phật, Chúa... chứng giám là tôi nói thật 100%). Nhưng ôi cha mạ ơi! Khi nghe kết quả hai môn thi nớ, tôi không thể nào tin nổi là mình đều đứng đầu lớp!

Năm lớp 10 tôi chọn ban Văn, Sinh ngữ. Trong niên học này chúng tôi phải học thêm sinh ngữ 2 là Pháp văn. Đầu năm có một bạn nữ sinh rất xinh xắn, da trắng bóc, môi đỏ như son ở trường trung học dưới Tân An mới chuyển lên, tên là Hoàng Thị Ngọc Quang. Cha mẹ bạn nghe nói đều là bác sĩ. Môn nào bạn cũng đứng nhứt lớp, toán, Anh văn, sử địa, lý hóa... cũng rất giỏi, hát cũng rất hay, (tên cũng rất đẹp nữa), nhưng tôi ấn tượng nhất là khi tới giờ Pháp văn, cô giáo người Pháp luôn luôn gọi Ngọc Quang đứng lên đọc bài học thuộc lòng tiếng Pháp, có lẽ để làm mẫu. Cả lớp đang cười đùa giỡn hớt bỗng im phăng phắc để nghe tiếng của bạn hay như tiếng hót của một loài chim quí nhất, cứ véo von, líu lo, ríu rít  nghe lịm cả người. Hầu như tất cả các bạn khác trong lớp tôi đều ganh ghét Ngọc Quang, vì cho rằng họ là học sinh thủ đô nhưng lại bị làm bẽ mặt  bởi dân trường tỉnh, và đã có những lối xử sự không đẹp. Có lần tôi còn nghe hai bạn nọ nói bâng quơ,  Elle a un bec, (Cô nàng có một cái mỏ) khi Ngọc Quang đi ngang qua họ. Số là NQ có hơi hô chút xíu nhưng tôi thấy bạn ấy vẫn dịu dàng, xinh đẹp như thường. Tỏa bao nhiêu ánh hào quang dĩ nhiên là rất thú vị rồi, nhưng bị ganh tị thì vô cùng đau khổ. Điều này phải lên tới đại học tôi mới phải nếm trải. Niên học lớp 10 được nửa năm thì tới ngày 30/4/1975, Ngọc Quang theo gia đình đi Mỹ. Nghe nói về sau bạn ấy cũng thành một bác sĩ rồi. Trong đời tôi đã nhiều phen phải tôn người khác làm thần tượng, và Ngọc Quang là một.

Tôi luôn luôn ghét môn Toán (và cả Lý, Hóa nữa). Có lẽ đây chính là thủ phạm gây ra mối ác cảm của tôi đối với bảy năm trung học!  Đã ghét môn nào thì không thể là học sinh giỏi của môn đó được. Mà hễ học dở thì sẽ quay sang nghịch phá. Năm lớp 9 tụi tôi học toán với thày H, phải nói là nên sửa lại câu nói của người xưa thành, "nhất học trò, nhì ba mới tới quỷ ma"!  mới đúng. Tụi tôi nghịch phá tới nỗi thày H  nào la lối, nào xé tập, nào vò đầu bứt tóc, nào nén giận giảng lại bài.. vv và vv,  hoài hủy tới độ phát chán và rốt cuộc thày chỉ còn cách lắc đầu chịu thua. 

Năm lên lớp 11 tôi học Toán với thày V. Thày V viết chữ rất bay bướm, rất đẹp. Chỉ sau một hồi giảng bài bằng phấn trắng của thày, cả một bầy rồng bay phượng múa trên bảng đen đã hiện ra trước mắt chúng tôi!! Chữ Việt nào thày cũng cố biến thành chữ tiếng Anh hết, ví dụ như môn Giải tích thì thày phát âm thành , giải tích khờ!. Hay nguyên tắc khờ., hoặc phân phát thờ.....(Hi hi) Thày V tròn quay và đi rất nhanh nên lũ bạn tôi đặt biệt hiệu cho thày là Hột Mít Lăn. Tuy đã chia ban rồi, (tôi chọn học ban văn, sinh ngữ) nhưng chương trình toán lớp 11 đối với tôi vẫn vô cùng khó nuốt. Có lần tôi phải lên bảng trả bài, không nhớ thày đã phải mớm bao nhiêu lần nhưng đầu óc tôi vẫn không chịu hiểu mô tê gì ráo, khiến thày phải kêu lên, giời ơi sao mà chậm hiểu thế, sao mà dốt thế!... Thế là tôi òa khóc nức nở ngay trước mặt bá quan văn võ (ý tôi là trước mặt cả lớp) khiến thày cuống cuồng như gà mắc đẻ, vội chữa thành, ôi bé Lan học giỏi nhất, bé Lan thông minh nhất, thôi bé Lan đừng khóc nữa nhá, bé Lan được 9 điểm này!  khiến cả lớp phá lên cười ầm ầm. Khi về lại chỗ ngồi, tụi bạn tôi xúm lại nói , Thày xạo quá, nhưng công nhận nước mắt công hiệu thật!

Phân tích (khờ) tới cuối bài rồi mà  tôi vẫn chẳng hiểu sao tôi  không thương trường trung học bằng trường tiểu học hay đại học của tôi. (Đã nói là tôi rất dở môn Tâm lý học mà). Đành kết luận là những năm tháng học trung học rơi vào tuổi mới lớn, mà ai cũng biết rằng cái tuổi người lớn chưa thành người lớn, con nít thì không còn là con nít nữa, nên dở dở ương ương rất khó chịu. Dù sao đi nữa thì tôi cũng muốn mượn những giòng chữ này để tỏ lòng biết ơn  dù muộn màng tới tất cả các thày cô trung học của tôi, kèm theo lời xin lỗi cũng muộn màng không kém, rằng, tụi em chỉ nghịch phá vậy thôi chớ không cố ý làm thày cô buồn lòng, (Nhứt học trò, nhì ba mới tới quỉ ma mà, thưa thày thưa cô), và mong thày cô tha thứ lỗi lầm, tụi em hứa sẽ không bao giờ tái phạm! Hi hi.

Chiều nay bơ vơ bên mái trường
Về đây tìm lại phút mến thương
Trường vắng bóng dáng bao hàng soan mơ màng
Mộng hoa niên chôn trong mái trường xưa...
(Mái trường xưa, Phạm Mạnh Cương)


Trần Thị Phương Lan   
(Bút nhóm Hoa Nắng)   
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>