Thứ Hai, 18 tháng 11, 2019

Như Ngọn Cỏ Đầu Hè


1.

Bố tôi đã giả tôi thành con trai năm tôi hai tuổi. Mẹ tôi đã sản xuất ra năm bà con gái trơn trụi, tôi là đứa út ít nhất trong đám bỗng nhiên trở thành cậu con trai út trong gia đình, có bốn bà chị thùy mị, đoan trang nhất nước. Dòng máu của một đứa con trai cũng bắt đầu xâm nhập vô mình tôi từ đó. Tôi nhập bọn với lũ con trai mà leo trèo, phá phách, đánh nhau... thật tỉnh. Mẹ tôi cưng tôi lắm, cụ coi tôi như đứa con trai chính cống, sắm đồ chơi cho tôi đầy nhà, từ góc sân, xó bếp đâu đâu cũng vung vãi xe tăng, tầu hỏa, phi cơ ; búp bê, đồ bầy hàng cũng có. Và lạ một điều là khi tôi đến tuổi đi học, lại học trường của con trai mới chết chứ. Trong khai sinh của tôi đến hàng nam hay nữ thì lại nhòe đi (?) đọc không ra chữ gì, tôi với cái tên Trần Nguyễn Hoàng Du lọt qua cặp mắt xanh nghiêm khắc, khó khăn của cá ma soeurs một cách dễ dàng. Đến năm học đến lớp ba tôi mới mặc đồ của con gái và... đổi trường. Càng lớn lên, tính tình ngang tàng, nghịch ngợm của tôi càng bành trướng. Mấy bà chị yêu quí gương mẫu của tôi càng thêm bực mình vì tôi. Lên đến bậc trung học, thỉnh thoảng tôi lại đánh bộ quần tây xanh, áo sơ mi trắng, mớ tóc dài cũn cỡn đến vai, tôi chỉ việc quấn lên, đội một chiếc nón lưỡi trai là xong. Tôi trêu tức chị tôi bằng cách thọc tay vào túi quần, mặt vác lên huýt gió ỏm tỏi. Dáng dấp tôi là của một thằng con trai cao lỏng khỏng, trừ mái tóc và gương mặt ra. Mẹ tôi thường cười bảo:

- Cái "thằng" này mai mốt tao cho làm thợ gỡ bóng đèn là ăn chắc.

Bà Khanh chị cả tôi thì cứ luôn mồm:

- Con người gì như "lại cái". Cái "ngữ" này chả làm ăn gì được đâu. Bố mẹ cứ nuông nó đi, riết là hỏng...

Phần ba chị tôi còn lại, lâu lâu lại chạy hơ hải xuống mách:

- Mẹ coi cái "thằng" Du kìa, nó làm tài khôn sửa cái đèn học của con. Nó tháo tung ra chả biết để làm cái quái gì, mà bi giờ... cắm vô nó không cháy nữa, rồi làm sao con học bài thi đây.

Hay:

- Giời ơi, cái bàn là... chết thật. "Thằng" Du nó sửa thế nào mà hư rồi bố ơi, không có nóng nữa.

Hoặc:

- Bố mẹ ơi lên mà coi, bàn học của chị Hân "thằng" Du nó lôi ra cưa, đục, đẽo gì ầm cả buổi trưa này!

Và mẹ tôi vẫn với câu điệp khúc:

- Em nó bé biết cái gì...


2.

Lần đầu tiên tôi có cảm tưởng tôi là con trai thực thụ 100% vào một buổi sáng bố tôi sai ra pharmacien mua thuốc sốt rét cho cụ. Tôi với bộ quần áo con trai trên người, thong thả vô tiệm mua rồi tong tong trở ra chẳng cần... lấy tiền thừa. Con bé của nhà thuốc Tây cỡ bằng tôi có bổn phận thâu ngân yểu điệu chạy theo tôi mấp máy đôi môi gọi giọng sặc mùi Bắc kỳ di cư:

- "Anh" ơi... ơ hơ cậu này...

Tôi quay lại, dáng điệu của một cậu con trai mới lớn bối rối trước "giai nhân", đưa tay gãi gãi đầu nhưng tóc đã bị quấn lên nên vội sờ tai.

- "Anh" quên lấy tiền thừa.

Tôi không hiểu sao lại thế, mọi ngày miệng tôi lanh lắm mờ. Chỉ biết cười, bỏ tiền vào túi quần, vụng về thế nào mà nắm tiền vung vãi nhào xuống đất. Người đẹp Pharmacien loay hoay khom lưng xuống nhặt hộ cho - tôi lại càng nghệch hơn, khẽ gật đầu chào rồi cắm đầu đi mặc cho nàng ta ngúng nguẩy bước vô. Về nhà, tôi vội thay quần áo, rồi lăn ra ghế ngồi cười một mình, thỉnh thoảng cũng vậy. Bà Khanh ngạc nhiên, vội vàng tuyên bố:

- "Lại cái" nhà mình lại thêm cái máu "tốc kê" trong người rồi Hân, Thuyên, Yên ạ. Coi chừng đấy.

Bà Yên ló đầu xuống coi rồi chạy tọt lên báo cáo:

- "Thằng" Du nó đang ngồi cười mỉm chi cọp với "người vô hình" mấy chị ạ.

Tôi để mặc, không cần phân bua gì cả. Mặc chị tôi trêu ghẹo, hết đặt ra giả thuyết này nọ về tôi, riết mỏi miệng, mấy "bả" cũng dứt.


3.

Tôi vẫn còn cái máu lí lắc mà cả nhà không ai chịu nổi là: trêu ghẹo "thiên hạ" cho đến khóc mới thôi. (Bà Thuyên bị một lần nên ức tôi lắm) Tên con trai mới vô học lớp tôi năm ngày, hắn có vẻ phá lắm, tôi chưa được biết tên hắn và cũng chẳng để ý hắn làm chi. Một ngày tôi và con bé Hoàng cãi nhau ầm cả lên về một bài văn của Nguyễn văn Vĩnh, rồi... tôi giận nó, giờ ra chơi leo lên bàn trên ngồi không thèm ngồi chung ghế với nó, tên con trai ấy chợt quay qua nhìn tôi, tôi chụp được hắn, ngồi trêu hắn đến khóc. Tôi ngạc nhiên và thích thú khi giọt nước thủy tinh từ khóe mắt hắn rơi xuống. Mặt hắn đỏ lên. Ai bảo con trai là không biết khóc nhỉ! Minh, tên hắn, quơ lấy quyển sách cuộn tròn lại ngượng ngùng đi xuống lầu. Ranh Hoàng bỗng nhiên phá lên cười ngất. Cả nhỏ Thúy Hồng nữa. Nhỏ Hoàng nheo mắt nhìn tôi cười cười, tôi muôn đời nhớ cái nheo mắt làm hòa ấy:

- Tao giận mày hết nổi. Mày "con gái" mà phá quá, tên Minh ấy hắn không "mỉa" mày thì thôi.

Đến nhỏ Thúy Hồng:

- Tên ấy "để ý" mày mà mày cho hắn một cú như vậy thì bố "anh" đám đụng tới "em".

Tôi không hiểu nhỏ Thúy Hồng nói gì, 15 tuổi rồi lúc ấy sao tôi ngu quá đi mất. Tôi bắt đầu thân hắn từ đó, hắn có vẻ vô tư, khá dễ thương... tôi cảm thấy thương hắn (?). Tôi và Minh trở thành bạn. Máu nghịch ngợm của tôi đụng độ ngay hắn. Những cuộc phá phách ấy xuất hiện lai rai trong các giáo sư đều do tôi hay Minh cầm đầu: một vị giáo sư bực tức xé ngay tấm bảng có viết chữ thật to: "Xe bán. Hỏi tại văn phòng nơi đây" treo lủng lẳng trước xe. Giáo sư leo lên xe, định phóng nhanh khỏi đám học trò đang xúm quanh bỗng... gãi lia lịa. Đám học trò ồ lên: "mắt mèo". Bà giáo sư Pháp văn to con rú lên khi với tay mở hộp phấn: một con thằn lằn từ trong nhảy phóc lên. Một bà giáo sư an vị xuống ghế trong văn phòng, thò tay vào túi xách lấy bánh mì ra ăn, hét lên khi một con rắn đen trắng nằm vắt ngang ổ bánh, đuôi run lẩy bẩy. Và đã có lần tôi hùng hổ cùng nhỏ Hoàng đi ngang lớp P 1 (lớp toàn con trai) để hỏi tội tên Chiêu vì hắn đã dám phát ngôn câu "Anh chị coi hạnh phúc quá" khi thấy Minh nắm cánh tay tôi lôi xuống cầu thang mà Hoàng đã giải thích từng chữ cho tôi nghe và kêu tôi sang trị tội tên Chiêu. Tôi xắn tay áo, đứng chống nạnh, gác chân lên ghế hỏi tội Chiêu. Hắn bối rối xin lỗi tôi vì "vui miệng nên nói chơi" và... yên thắm từ đó.


4.

Tôi chợt khám phá ra là mình lại có thêm dòng máu "lãng mạn" trong người, tôi không hiểu chữ này ra làm sao nữa, chỉ biết ngồi ngoan ngoãn trước mặt bốn bà chị, nghe bà Khanh chẩu môi phê bình:

- Mi "lãng mạn" vừa vừa đấy Du ạ. Á à mà năm nay Du cũng 15 tuổi. Lớn rồi đấy...

Cái trò này được xảy ra khi tôi cho bốn chị tôi xem cái lá thư mà cái thằng ở cạnh nhà tôi, chiều nào cũng xách cái tây ban cầm ra đàn hết bài Diễm xưa, Mộ khúc, Hương xưa... mà bà Thuyên thối mồm nói rằng "Nó đàn cho Du nghe đấy" ném cho tôi trong lúc tôi say mê, chống tay ngồi nghe hắn đàn (chứ hắn hát như mèo). Chiều hôm sau, đang lúc trời mưa bà Yên phóng lên đưa thêm một bức thư của cái thằng ăn mày bên kia, mà nó đã cột vào viên đá, ném xuống sân trúng chân bà Yên làm bà Yên chửi om lên. Bà Khanh gọi đó là bức "thư tình", nhưng tôi không thích và thề sẽ không cười với "thằng ăn mày đó nữa". Trong mình tôi đã có đến ba dòng máu, tôi khiếp quá, nhiều như thế làm sao mình tôi chứa cho hết (?). Và tôi tưởng tượng đến ngày nào đó, tôi đang vui chơi bỗng lăn đùng ra vì đứt gân máu. Tôi sẽ chết... tôi muốn run lên và ngồi khóc một mình. Vừa khóc tôi vừa nhớ lại Minh, hắn cũng khóc nhưng tại sao không giống như tôi. Tôi khóc nhiều như thế còn hắn chỉ độc một giọt. Tôi phục hắn lăn ra. Ngày mai tôi sẽ nói cho hắn biết, chắc hắn khoái lắm. Tôi nín khe từ hồi nào chả biết, trời lại mưa to, tự nhiên tôi lại thấy buồn buồn. Cái buồn vô duyên cớ sau trận mưa nước mắt, tôi tắt đèn, leo lên salon nằm, tôi thấy giống bà Yên quá mà bà Khanh đã nói rằng "tuổi con bé Yên là cái tuổi mơ mộng". Dám tôi cũng đang mơ mộng lắm đấy. Tôi nghĩ đến toàn là chuyện vớ vẩn không đâu. Chán tôi lại nghĩ đến Minh, rồi cái thằng ăn mày bên kia, rồi đến con bé Hoàng... Có tiếng bà Hân và ánh đèn chóa lên, thấy tôi vùng vằng, bà ấy cười vội tắt, vừa đi xuống lầu đã oang oang lên:

- Rồi, Du nó cũng giống con Yên rồi, nàng đang nằm bó gối mơ mộng và lại sợ ánh sáng nữa... bớ chị Khanh.

Và có tiếng cười nho nhỏ vang lên.

Tôi ngủ thiếp đi giữa những cơn buồn nhè nhẹ đang bao phủ tôi...

Tôi cảm thấy tôi lớn rồi sau cái sinh nhật thứ 15. 15 tuổi rồi chứ ít ỏi gì. Tôi cũng bớt ngu đi. Trưa này buồn lạ. Có mấy đám mây đen thui đang che khuất cửa sổ, tôi gõ nhẹ cây bút lên bàn và nhớ lại gương mặt hí hửng của tôi khi nói cho Minh biết tôi phục hắn khóc ít, hắn đã đỏ mặt và kêu lên:

- Trời ơi, rồi bi giờ Du định trêu tôi hoài đấy hở? Cho tôi xin đi. Du khôn quá.

Tôi cười khoái chí. Hắn nói đúng, tôi đã khôn rồi, chứ không còn ngu ngốc nữa. Mai đi học, tôi phải nói cho nhỏ Hoàng biết rằng:

- Kể từ nay, ta sẽ không còn ngu nữa, để mi khỏi làm chị hai ta. Kỳ ghê Hoàng ơi, sao dạo này ta hay buồn quá đi, tại sao mi hở?


TRẦN NGUYỄN GIAO THỦY   
(trong Mùa Mưa)                

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 14, ra ngày 20-11-1971)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>