Đã
hơn một tuần, dân chúng ở quận Tân Uyên xôn xao bàn tán rất nhiều về
giải thưởng 100 đồng của quan chủ quận sẽ trao tặng cho bất cứ ai đánh
bẩy được đôi chim cu lông trắng. Đối với giá sinh hoạt thời bấy giờ thì
số tiền 100 đồng đó quả là 1 gia tài kếch xù cho dân chúng. Vì vậy có
người chưa tin hẳn nên đến tận quận đường xem xét thực hư. Quả nhiên họ
đã thấy trước tư dinh của viện quận trưởng một tấm bảng bố cáo viết bằng
son đỏ chói:
BỐ CÁO
Quan chủ quận sẽ hậu thưởng một trăm đồng (100 đ) cho bất cứ ai đánh bẫy được đôi chim cu lông trắng trong suối Sâu
Ký tên
Covin
Tân Uyên ngày... tháng... năm 19...
Theo
một số người hiểu biết thì cách đây hơn một tuần, viên chủ quận cùng
gia đình đi cắm trại ở suối Sâu. Cô Tuyết Vân – con gái của quan chủ
quận – trông thấy một đôi chim màu trắng toát đang âu yếm rỉa lông cho
nhau trên một cành cây Mã tiền. Cô bèn chỉ cho cha xem và hỏi chim gì?
Viên chủ quận ngần người ra lúc lâu rồi mới buột miệng:
- "C' est la tourterelle"
Ông
ngạc nhiên là phải, bởi vì vốn là một người thích săn bắn, cho nên có
thể nói ông đã biết gần hết các loài chim chóc, muông thú trong rừng.
Riêng về loại chim cu thì ông lại càng biết rõ hơn loại nào hết vì ông
gặp rất thường mà săn được cũng nhiều. Giống cu đất có đôi cánh màu hơi
nâu đen với thân hình mảnh mai nhỏ bé, giống cu ngói có đôi cánh trắng
hơn điểm nhiều hoa với thân hình xinh x8án gọn gàng nhất là một vòng
cườm chung quanh cổ giống như một vòng hoa, loại này thường gáy rất hay.
Đến giống cu xanh có bộ lông tựa như lông két thịt ăn rất mềm và giống
cu gầm ghì to con, thịt nhiều mà ông đã từng nếm bao nhiêu lần rồi. Còn
loại khác thì chưa bao giờ ông nghe nói tới. Thế mà hôm nay đột nhiên
ông được thấy tận mắt một đôi chim lạ này. Mình mẩy nó trắng toát không
một chấm đen, thân hình xinh xắn trông y hệt loại chim cu ngói.
Ông
lấy vội cây súng săn hai nòng ra định nhắm bắn, nhưng chợt nghĩ lại như
vậy thì đôi chim không chết cũng bị thương, như vậy uổng quá, nên bắt
sống chúng thì hơn. Do đó ông rón rén đi lại gần hơn để quan sát cho
được thỏa mắt, nhưng đôi chim hiếm có kia đã nhút nhát bay về phía đầu
suối.
Món
tiền thưởng kếch sù của quan chủ quận đã lôi cuốn các tay bẫy cu không
ít. Họ đến suối Sâu hàng hai ba ngày để rình mò, chờ đợi và tìm kiếm.
Tiếng chim mồi của họ gáy vang cả khu suối nhưng dường như đôi chim kia
còn mải âu yếm bên nhau nên chẳng hề chú ý tới. Non một tháng trời trôi
qua, lòng kiên nhẫn của những kẻ bẫy cu đã nao núng không ít và dần dần
không ai còn nghĩ đến món tiền hấp dẫn kia nữa. Họ bình thản trở lại nếp
sống của ngày xưa cũ và coi như chuyện đôi chim trắng kia là một huyền
thoại.
Tuy
nhiên hãy còn người cuối cùng. Đó là Bảy Sâm. Bảy Sâm trạc ngoài 30
tuổi mà đã sống với rừng xanh hầu như trọn vẹn với số tuổi mình có. Vốn
tính chất phác nhưng lại không dễ tin như các bạn mình, Bảy Sâm cho rằng
nếu quan chủ quận không nhìn nhầm thì chắc chắn bên trong câu chuyện
nầy hãy còn có một điều bí ẩn gì đây mà anh ta không thể đoán ra. Tài
nghệ bẫy cu của Bảy Sâm được liệt vào hạng khá nhưng anh ta không như
các bạn vội vã mang đồ nghề ra thi thố. Bảy Sâm chú ý tới câu chuyện đôi
chim cu lông trắng không vì số tiền thưởng của quan chủ quận mà vì muốn
thỏa mãn sự tò mò của mình nhiều hơn. Thực vậy, trong lúc các bạn của
Bảy Sâm đã chán nản thì Bảy Sâm trong khi làm việc trong rừng cũng như
những lúc rỗi rảnh, đều chú ý và theo dõi những tiếng cu gáy "Cúc cu
cu... cu" từ trong rừng xa vọng lại.
Có
thấy Bảy Sâm kiên nhẫn rẽ lối đi nhanh về hướng có tiếng chim cu gáy
giữa rừng cây gai góc không một lối đi, chúng ta mới ngạc nhiên không
hiểu động cơ nào đã thúc đẩy Bảy Sâm mãnh liệt đến thế!
Nỗi
băn khoăn của Bảy Sâm kéo dài mãi cho đến một buổi chiều đi thăm rẫy ở
gần rừng cấm về. Bảy Sâm đang rửa tay bên suối Lạnh thì chợt nhìn thấy
đôi chim cu lông trắng mới vừa bay về đỗ xuống ngọn cây xanh. Một cảm
giác mạnh chạy từ xương sống xuống khiến Bảy Sâm sững sờ, đứng bất động,
nhìn chăm chú vào đôi chim. Đôi chim cu lông trắng vẫn vô tình âu yếm
rỉa lông cho nhau và tìm chỗ ngủ.
Bóng tối đã bao phủ cả cánh rừng, Bảy Sâm mới chịu lặng lẽ ra về. Anh ta lẩm bẩm:
- "Lạ thật! Trên đời nầy lại có chim cu lông trắng thực sao?!!"
Bảy Sâm lại thầm nghĩ:
-
"Nó ngủ ở suối Lạnh nầy mà mấy ông thợ rừng cứ đặt bẫy ở suối Sâu cách
đây hơn 8 cây số thì bảo sao chẳng thấy tăm dạng chúng đâu cả."
Trưa
hôm sau, Bảy Sâm trở lại chỗ cũ với đầy đủ đồ nghề. Bảy Sâm đã khôn
khéo đặt chiếc bẫy ở trên một nhánh cây "bằng lăng" cách cây xanh khoảng
ba chục thước rồi nằm phục trong một bụi cây bên bờ suối để chờ đợi từ
lúc nắng mới nhạt màu.
Gió
rừng chuyển động, hoàng hôn chợt xuống đúng lúc đôi chim trắng bay về,
chúng nhận ngay ra có một cái gì khác lạ sau khi nghe một loạt tiếng gáy
vang của con chim mồi. Con chim trống tuy chưa hiểu đối phương ý muốn
gì nhưng cũng gật gù gáy trả lời lại từng chập một. Rồi chừng như cho
rằng dù tiếng gáy kia có là những lời tha thiết gọi bạn, hay những lời
ong bướm để quyến rũ vợ người, mà cũng có thể là những lời thách thức
khiêu khích cùng mình so tài vũ dũng, con chim trống quyết ý phải đánh
đuổi "rắc rối viên" nầy đi nơi khác mới được. Nó vụt bay qua cây bằng
lăng để đến gần đối phương hơn hầu dọ dẫm và quan sát được kỹ tình hình.
Đối
phương của nó vẫn gáy lên vang lừng lại còn có phần kéo dài dư âm phía
sau ra chừng đắc chí lắm. Con chim trống cũng không chịu kém. Thế rồi
tiếng gáy đối đáp nhau càng lúc càng thu nhặt lại...
Giây
phút thách thức diễn ra khá lâu cho đến lúc máu nóng bừng cả mặt, con
chim trống đã bay thẳng lại chiếc lồng của con chim mồi để quyết sống
mái.
Bảy
Sâm chỉ chờ có thế! Một cái giật mạnh đánh "phập" kèm theo một tiếng
thở phào nhẹ nhõm đầy khoan khoái. Con chim trống vùng vẫy vô ích trong
cái bẫy chật hẹp trong khi con chim mái kinh hoàng vỗ cánh bay vút đi
xa...
Bảy
Sâm dọn đồ nghề xong, chỉ kịp ngắm bộ lông trắng toát của con chim quý
trong giây lát thì trời đã sụp tối. Chính đêm nay Bảy Sâm mới trằn trọc
hơn bao giờ, Bảy Sâm nghe rõ từng tiếng đập cánh mong tìm lối thoát của
con chim quý trong chiếc lồng mới lạ. Anh nghĩ đến cái đêm, cách đây hơn
hai chục năm, trước ngày anh cưới vợ. Đêm năm xưa ấy anh trằn trọc ghê
gớm nhưng rồi cũng thiếp đi được đôi chút khi trời gần sáng, còn đêm nay
thì hoàn toàn không. Anh nghe rõ tiếng vạc ăn đêm, tiếng dế kêu sương
và cuối cùng tiếng gà rừng gáy báo sáng. Anh hiểu lờ mờ rằng sở dĩ trong
đời anh có hai lần trằn trọc mà lần sau lại mãnh liệt hơn lần trước là
vì sau đêm năm xưa sẽ có "MỘT NGƯỜI" biết đến tên anh mà sau đêm hôm nay
sẽ có đến hàng trăm hàng ngàn người biết đến tên anh.
Hai
hôm nay rồi Bảy Sâm băn khoăn vô cùng vì nhiều nỗi: Con chim mái vì
hoảng sợ nên bay đi đâu mất không thấy về chỗ cây xanh cũ ; con chim mái
không gáy và không đá nhau nên không thể đánh bẫy bằng chim mồi được.
Bảy Sâm đã dùng đến lưới rập có cọng kèo dù đặt sẵn trên ngọn cây với
chiếc lồng có con chim trống bên cạnh. Kết quả của lối bẫy này thật là
mong manh. Và mối băn khoăn lớn nhất của Bảy Sâm là đã hai ngày nay rồi,
lúa và đậu xanh trong lồng con chim cu lông trắng vẫn còn nguyên vẹn.
Nó bỏ ăn, hết đập cánh tìm lối thoát lại buồn bã nhìn vọng về chân trời
xa. Lông cánh nó rụng nhiều khiến Bảy Sâm phải đem nó ra khỏi lồng, thổi
nhẹ để xem thì thấy đôi cánh nó đã bầm xanh nhiều chỗ.
Nhưng rồi như định mệnh xui khiến...
Chiều
nay con chim mái chừng như đã dịu bớt cơn kinh hoảng đã tìm về chỗ cũ,
nó nhìn thấy bạn nó kiệt sức, héo mòn, nên vội bay đến gần như để hỏi
han, an ủi chứ có ngờ đâu Bảy Sâm đã giật mạnh mối dây cho chiếc lưới
rập úp chụp xuống, một cọng kèo dù bật lên đã không may đánh trúng vào
cổ nó khiến nó giãy lên đành đạch rồi lịm dần trong chiếc lưới ác
nghiệt. Bên cạnh nó trong chiếc lồng phũ phàng con chim trống cũng vừa
gắng gượng nhìn bạn lần cuối rồi rũ cánh nằm bất động.
Bảy Sâm lặng người giây lát rồi buồn rầu cất bước đi.
Thế Hà
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 78, ra ngày 1-10-1967)