Thứ Năm, 18 tháng 4, 2019

Cuối Cùng Một Hồi Chuông


Người quản già chậm chạp lê bước trong khoảng sân um tùm cỏ dại. Những cọng cỏ vàng úa như nắng chiều mệt mỏi vươn mình bên ngôi giáo đường hoang tàn đổ nát. Bóng người quản già chơ vơ cằn cỗi như một nhánh cây khô biết di động. Đi hết khoảng sân, người quản già dừng lại trước thềm giáo đường, ngập ngừng, rồi bàn tay khẳng khiu đặt lên khoảng tường loang lổ vết tích đạn bom. Nơi đó từng viên gạch như toát ra ngàn tiếng khóc ngậm ngùi trên những ngón ve vuốt âm thầm. Như những buổi chiều khác, người quản già thường ngồi đây cô đơn hồi tưởng những ngày thanh bình đã qua trong ký ức. Ngày đó ngôi giáo đường rộn rã tiếng kinh cầu gắn liền với cuộc đời người quản già chăm chỉ như những tảng rêu êm đềm phủ lên ngôi giáo đường cổ kính. Nơi đây tiếng chuông là niềm vui, lời cầu nguyện là hơi thở. Nhớ những buổi sáng lúc trăng còn ngơ ngẩn trên tháp chuông cao vút, người quản già đã choàng dậy kéo những hồi chuông báo thức. Tiếng chuông rộn ràng đổ dài trong không gian ướt đẫm hơi sương đưa bước chân mọi người về miền giáo đường còn say ngủ. Rồi lời cầu nguyện và tiếng hát êm đềm cất lên an ủi hồn người. Đôi khi tiếng chuông mênh mang nhỏ những giọt buồn rầu đưa tiễn một linh hồn vừa ra đi, thăm thẳm. Với người quản già đó là hình ảnh quen thuộc không thể thiếu vắng.

Nhưng một chiều, bom đạn như một tảng mây đen úp chụp xuống ngôi làng. Từng cụm khói ngùn ngụt bốc cao thiêu hủy đời sống dấu yêu hiền hòa. Tất cả là tàn phá, là tang thương làm chết sững những giọt lệ trong khóe mắt. Ngôi giáo đường cũng chịu chung số phận. Cây thập tự bị chặt đứt một cánh tay ngơ ngác trên đỉnh giáo đường. Vị linh mục khả kính chết gục trên bàn thờ, máu loang lổ dưới chân tượng Chúa cụt đầu xiêu vẹo. Ngay sau đó, mọi người lần lượt bỏ đi chỉ còn lại người quản già ngơ ngẩn bên ngôi giáo đường đổ nát câm nín. Và trên tầng tháp, những quả chuông cũng ngủ yên suốt bốn mùa không còn rung lên những âm thanh mời gọi, hy vọng. Đêm đêm, trăng treo chênh vênh trên đỉnh tháp dãi ánh sáng ngậm  ngùi. Giáo đường mang một vẻ cổ quái đe dọa như con thú khổng lồ bị thương mà cánh tay là tháp chuông tuyệt vọng với lên trời cao. Vài con dơi tìm mồi lượn chập chờn trên tầng tháp, lạnh lùng.

Trên vùng đất chết người quản già chấp nhận ở lại để sống với tiếc nuối nhớ thương. Ý tưởng bỏ đi chưa bao giờ thành hình khi từng vuông đất, viên gạch chuyên chở muôn ngàn kỷ niệm. Người quản già hy vọng sẽ có ngày cuộc sống cũ hồi sinh, ngôi giáo đường sẽ được trùng tu lại. Nhưng rồi ngày tháng lạnh lùng qua đi. Ngôi giáo đường tàn tạ đổ nát thêm. Mọi người không trở về. Thỉnh thoảng có một người về thăm, dừng lại, lắc đầu rồi bỏ đi vội vàng. Người quản già tuyệt vọng ngồi đếm những giọt thời gian bao quanh u uất, mỗi giây phút đi qua hắt hiu như tiếng thở dài của quãng đời già nua cô độc. Bây giờ mắt đã mờ, chân đã run, lòng đã đầy tâm sự nhưng không có ai để trút bớt. Người quản già chỉ còn biết kể lể với chính cái bóng gầy yếu của mình hay vuốt ve những viên gạch vô tri in đầy dấu tích để nuối tiếc một thời êm đềm đã qua.

Những đêm không trăng, đom đóm bay sụt sùi trong không gian, người quản già thường chồm dậy theo giấc ngủ ngắn ngủi nhiều mộng mị. Bước ra sân, ngắm ngôi giáo đường lờ mờ trong màn tối lòng người quản già quặn đau. Thèm đến xót xa tiếng cầu kinh hay hồi chuông quen thuộc ngày xưa. Nhưng tất cả dường như đã chết, đã lặng câm như cuộc đời người quản già bị bỏ quên trên vùng đất kỷ niệm.

Người quản già lê những bước chân buồn rầu về phía giáo đường. Sương đêm thấm qua áo rùng mình. Bóng người quản già ẩn hiện như loài ma quái. Đốt một ngọn bạch lạp, ánh sáng lóe lên chập chờn trong ngôi giáo đường hoang lạnh, vài con dơi sợ hãi đập cánh tạo nên những âm thanh quái đản. Người quản già đặt ngọn bạch lạp lên bàn thờ. Tượng Chúa cụt đầu lung linh chiếc bóng huyền ảo trên bức tưởng loang lổ vết đạn. Người quản già quì xuống gục đầu câm lặng. Một đốm lửa không đủ sưởi ấm ngôi giáo đường hoang lạnh, cũng như không đủ chiếu sáng được niềm tin trong tâm hồn người quản già nua, cô độc. Những lúc gần đây người quản già thường nghĩ tới cái chết. Nỗi chết chợt biến thành nỗi xót xa đè nặng trong giấc mộng chập chờn. Nhiều lần người quản già mơ thấy mình nằm chết giữa hai hàng bạch lạp mệt lả. Thoang thoảng lời cầu kinh hiu hắt. Và một hồi chuông rộn rã quanh thân, rồi tiếng chuông chợt nhỏ những giọt u trầm lan man trên thân xác tàn phai, tàn phai.

Người quản già trở về lối cũ. Miền giáo đường còn rớt lại một chút nắng.

*

Đôi mắt chàng thanh niên ngừng lại trên tầng cổ tháp. Buổi chiều đong đưa những sợi nắng buồn phiền trên đám rêu xanh câm lặng. Chàng thanh niên hít hơi thuốc mơ màng hồi tưởng một chỗ đứng trong kỷ niệm đã xa tít tắp. Ấu thời với những lần đùa nghịch dưới chân tháp thân quen hay leo trèo đuổi bắt những con chim ngày xưa bây giờ tưởng chừng đã chìm vào tiền kiếp rất xa xôi. Không còn gì. Ngôi giáo đường đổ nát. Tháp chuông đổ nát. Bạn bè tan tác. Về chốn cũ hy vọng gặp lại giây phút êm đềm ngày cũ nhưng nào thấy gì ngoài cái bóng u uẩn của mình đổ dài trên miền giáo đường hoang tàn, đổ nát. Chàng thanh niên ngồi xuống vạch mơ hồ lên mặt đất, những đường nét quằn quại đan vào nhau như nét tàn phá của thời gian hay vết nhăn của kỷ niệm. Ở đó chứa đựng những phân lượng muộn phiền của nơi chốn dấu yêu đã khuất chìm, bèo bọt. Hồn rưng rưng. Mắt ngút ngàn tưởng nhớ. Con chim mộng bé bỏng ngày xưa đã mệt mỏi sau một cuộc hành trình vào cuộc đời thăm thẳm, bây giờ trở về tổ ấm để ngẩn ngơ, để nhận thêm nỗi mất mát khôn cùng. Chàng thanh niên định đứng dậy bỏ đi, nhưng hình như có một ràng buộc mơ hồ níu chặt đôi chân. Nghe như buổi chiều chết dần trên tầng tháp. Những chiếc lá khô đuổi nhau xao xác trên nóc giáo đường. Âm vang mòn mỏi, quạnh hiu.

Người quản già hấp háy đôi mắt già nua. Có bóng người. Không thể lầm. Niềm vui ùa tràn vào cõi lòng mong mỏi làm hấp tấp bước chân. Người quản già cố gây ra một tiếng động nhưng chàng thanh niên vẫn gục mặt mơ màng. Giữa khung cảnh chết có hai bóng người cũng chết sững. Một lúc sau chàng thanh niên ngẩng mặt kêu lên mừng rỡ, tiếng kêu như một người vừa trở về từ cõi chết! Người quản già nheo mắt cố gắng tìm tòi trong ký ức một hình ảnh quen thuộc nhưng chỉ thấy mơ hồ, thoáng hiện rồi mất hút trong đầu óc già nua tê cứng. Chàng thanh niên đứng dậy cầm tay người quản già hỏi một cách say mê. Qua giây phút bàng hoàng người quản già bắt đầu nói miên man. Nói để bù lại những tháng năm lặng câm của một thời bị bỏ quên tàn tạ. Những câu chuyện ngắt quãng không thứ tự nhưng chuyên chở vô vàn nhớ thương.

Chàng thanh niên ngậm ngùi nhắc lại những kỷ niệm êm đềm dưới tổ ấm giáo đường ngày xưa. Ở đó có ánh mắt ngây thơ, có đôi chân tung tăng đi đếm niềm vui bé dại. Giọng chàng thanh niên trầm ấm "Ngày xưa, mỗi lần nhìn con chim trên đỉnh tháp cháu thường mơ ước khi lớn sẽ chắp cánh bay vào đời. Đến khi mệt mỏi cháu sẽ khép nép tìm về dưới tổ ấm giáo đường để nghe những hồi chuông êm ái an ủi lòng mình. Nhưng bây giờ những con chim kia đã ra đi mù tăm, chỉ có cháu tìm về đếm nỗi buồn trên tầng tháp cũ". Người quản già vuốt mái tóc bạc buồn rầu: "Ở đây vẫn còn con chim già nua, cô độc. Và nó biết mình sắp chết". Chàng thanh niên cảm động nhìn sâu vào đôi mắt lặng lờ của người quản già. Ở đó toát ra niềm kiên nhẫn, xót xa vô bờ. Tưởng tượng suốt quãng đời gia nua cô đơn trên vùng đất hoang tàn để ôm hình bóng thân yêu đã qua mà rùng mình kính phục. Ở đây chờ chết. Với người thanh niên đó là tiếng kêu bàng hoàng rúng động. Nhưng ngược lại người quản già đã thản nhiên chấp nhận. Cái chết như một giấc ngủ dài bên những ước mơ không bao giờ thành sự thật. Chàng thanh niên ngập ngừng, muốn nói thật nhiều nhưng nghe chừng ngôn ngữ rớt vào khoảng không im lặng. Người quản già ân cần giữ chàng thanh niên ngủ lại một đêm...

Người quản già trở về lối cũ. Chàng thanh niên theo sau. Miền giáo đường còn rớt lại một chút nắng.

Gần về sáng, người quản già giật mình choàng dậy. Giấc mộng váng vất trong trí tưởng. Tiếng hát nào bay bay trên đỉnh giáo đường ngày hội lớn. Hồi chuông nào thánh thót ngân dài trong sương đêm? Cơn mộng như một nỗi ám ảnh và thèm khát không cùng. Người quản già chong mắt co ro. Chàng thanh niên vẫn say ngủ, đôi môi hé cười dưới ngọn đèn dầu lù mù. Người quản già đọc được nỗi mênh mang trên gương mặt hiền hòa của chàng thanh niên, dù dấu vết thời gian chưa cày sâu nhưng cũng đủ hiện hình nỗi ưu tư, man mác. Hình như nét ngây thơ chưa mất hẳn trên gương mặt muộn phiền đó.

Muốn đánh thức chàng thanh niên để kể chuyện vu vơ nhưng rồi người quản già ngập ngừng đẩy cửa bước ra ngoài. Mưa đêm gõ nhịp buồn tênh, từng cơn gió lạnh đuổi nhau hun hút trên tầng tháp. Người quản già rùng mình kéo cao cổ áo. Nỗi ám ảnh hiện ra, day dứt. Tại sao không có một hồi chuông? Một hồi chuông đánh thức sự chuyển mình của trời đất? Nếu có chắc hẳn chàng thanh niên sẽ tỉnh giấc kinh ngạc và ngỡ rằng đã gặp lại tiếng chuông êm đềm ngày xưa. Người quản già ôm nỗi khát khao bước về phía tháp chuông. Bóng người quản già chập chờn trong mưa đêm lạnh lẽo.

Người quản già ngước mắt. Tháp chuông hun hút cao ôm những quả chuông lờ mờ trong màn tối. Mưa nhỏ những giọt thầm lặng trên thân xác gầy yếu của người quản già. Dường như bất chấp thời tiết, người quản già loay hoay tìm một sợi dây để kéo một hồi chuông, nhưng dây đã đứt từ lâu. Người quản già ngồi dưới chân tháp tuyệt vọng. Mơ hồ có tiếng chuông vang vọng trong hồn. Tiếng chuông như lời mời gọi thiết tha, nỗi thèm khát khôn cùng đưa người quản già trèo dần lên tầng tháp.

Người quản già ngồi chênh vênh trên đỉnh tháp đưa cánh tay mệt nhoài đánh thức những quả chuông đang say ngủ. Tháp chuông im lìm bỗng trở mình rung lên hồi chuông rộn rã, hy vọng. Người quản già nhoài người ra phía trước say mê kéo. Âm thanh hồi chuông rót vào hồn người quản già ngọt ngào, mê đắm. Sau cùng bàn tay gầy guộc nắm vào khoảng không. Người quản già thấy mình chơi vơi hụt hẫng trong không gian. Mơ hồ có tiếng chuông vang vọng trong hồn.


THẢO TRÂM     

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 222, ra ngày 1-5-1974)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>