Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2019

Vầng Trán Búp Bê


"Loan ơi, Trinh ơi, tao phải về quê bất ngờ chịu tang bà ngoại. Có lẽ ít nhất là một tuần mới ra được. Tao gửi bài Hình Học, tới thứ ba này giờ ông S. góp giùm tao. Chừng nào tao về sẽ để dành cho tụi bay thật nhiều trái cây: xoài này, khóm này, mãng cầu này. Đã thèm rỏ rãi ra chưa? Chắc nhỏ Trinh mới nghe thấy thế, mắt đã sáng lên như đèn pha ô-tô rồi. Còn nhỏ Loan giờ hồn. Tới giờ "cú móm" mà bay phá như tuần trước thì khi tao về tao cho bay móm luôn. Tội nghiệp ba "móm" của tao quá hà!

Guốt bay      
VÂN          

Lá thư do Vân nhờ thằng Tín đem vào lớp học sáng hôm nay, chắc giờ này đã đến tay tụi nó. Vân rùng mình nghĩ đến hai giờ học đầu. Cả lớp chắc đang nghẹt thở vì sự truy bài khắt khe của ông giáo sư vạn vật. Nhưng gió hai bên cánh đồng lùa qua cửa kính xe hơi khiến Vân có cảm giác chắc chắn là mình đã thoát ra khỏi cái bầu không khí nặng nề đó. Bây giờ, những khuôn mặt lo âu, những cặp mắt lấm lét, những cái miệng xinh xắn lén lút lẩm nhẩm bài học và tấm bảng đen đặt ngay ngắn trên tường một cách buồn nản, nói chung tất cả lớp học đều như mất hút ở lại đằng sau mỗi lúc một xa theo tốc độ vun vút của chiếc xe đang chồm chồm nuốt nghiến ngấu con đường đã bắt đầu chói lòa ánh nắng. Tâm hồn của Vân bỗng nhẹ nhàng thư thái hẳn lên. Những lúc này Vân muốn được nghe một bản nhạc hùng hay ít nhất cũng muốn được cất lời lên ca một vài câu gì đó trong một bài hát vui tươi. Ước muốn nhỏ bé quá, nhưng cũng không thể thực hiện ngay lúc đó được. Bởi vì xe vẫn đang vun vút chạy và má Vân thì đang ngồi đăm chiêu ở ghế bên cạnh. Chừng đó Vân mới nhận ra rằng bà ngoại của Vân đã mất và trong hoàn cảnh ấy, biểu lộ một vẻ mặt vui tươi là mắc cái tội bất hiếu, bất mục. Nhớ tới đó, Vân bèn vội vàng ngồi ngay ngắn lại, giơ tay vuốt những sợi tóc lòa xòa ở bên má và Vân cố gợi lại hình ảnh của bà hồi Vân còn ở quê nhà. Nhưng hình ảnh hiện ra ở trong óc Vân mờ nhạt quá. Kỷ niệm giữa Vân và bà thật là ít ỏi. Vân theo ba, má lên tỉnh từ hồi Vân học lớp nhì. Năm nay Vân đã là nữ sinh đệ Tứ. Sáu năm liền trôi qua trong bầu không khí sinh hoạt ồn ào ở tỉnh đã làm tan loãng hết mọi kỷ niệm êm đềm ngày xưa. Hơn nữa, ngày Vân còn nhỏ ham chơi, suốt ngày, Vân chỉ gặp bà có hai lần vào hai bữa cơm. Bà dáng người mảnh khảnh và cao. Mái tóc bạc. Nước da đen, nhăn nhúm. Tuy bà đã già nhưng vẫn còn ham công việc.

Rất ít khi bà có thì giờ rỗi ngồi kể cho Vân nghe chuyện cổ tích hay nói chuyện đồng quê. Vân chỉ nhớ bóng dáng của bà thường hay lui cui ngoài chuồng gà, trong kho thóc hay ngồi cặm cụi khâu ở thềm đất. Bà ít khi mắng Vân và Vân cũng chẳng hay làm bà phiền lòng. Những kỷ niệm buồn tẻ ấy không tạo thành những tiếng động nhỏ trong tâm hồn phẳng lặng của Vân. Vì thế khi thấy má khóc lúc được tin bà mất, Vân thấy thương má hơn là thương bà. Hình như má buồn và ân hận lắm. Hình như má cũng lâu lắm chưa về quê. Khi bà mất, má không ở bên cạnh. Hồi năm ngoái, khi nghe tin ở quê không yên ổn, má có nhắn người mời bà ra tỉnh ở, nhưng bà không đi. Má cũng không về đón. Mặc dầu má biết rằng có về bà cũng chẳng chịu rời làng cũ mà má cũng đã ân hận là đã không đích thân về mời bà một lần. Cho nên khi bà mất, má khóc ghê lắm. Và mặc dù là năm thi của Vân, má cũng bắt Vân về chịu tang ở ngay quê nhà.

Vân và má xuống xe ở Phan Thiết thì phải chuyển đồ sang thuyền. Đường xá mất an ninh ở từng khúc cho nên xe không chạy thẳng một mạch được như ngày xưa. Thuyền đi bốn giờ thì ghé vào cửa Vạn. Ở cửa Vạn lại phải lên xe Lambretta đi một quãng mười bốn cây số nữa mới về đến nhà. Khung cảnh ngày xưa trước mắt Vân bây giờ khác hẳn đi. Nhà cửa tiêu điều. Dân cư thưa thớt. Vết tích của chiến tranh còn in rõ trên những ngôi nhà đổ nát, những bức tường loang lổ vết đạn và những hố bị đạn cầy lõm xuống thành những vũng xám vừa đen vừa rộng.

Bao nhiêu ý nghĩ của Vân về quê ngoại từ lúc ra đi, đến bây giờ hoàn toàn thay đổi hết. Những vườn cây xanh đầy bóng mát, những quả chín chĩu nặng trong từng khóm lá, những bóng các cô thôn nữ quay nước bên bờ giếng và tiếng hò văng vẳng từ đâu đó vọng về xen lẫn với những tiếng võng kẽo kẹt buổi trưa, tất cả chỉ còn là những hình ảnh được vẽ vời trong tiểu thuyết. Không, quê hương Việt Nam bây giờ đau khổ lắm. Đêm đêm tiếng súng ầm ĩ vọng về. Những trái hỏa châu từ một đồn bót đâu đó bắn lên nom đẹp một cách nghiêm trang và chết chóc. Vườn tược thiếu người trông nom nên tiêu điều hẳn đi. Những mái tranh ủ dột ngày mưa, ngày nắng càng thêm xơ xác, tiều tụy. Những người còn ở lại trong làng thì chỉ toàn là đàn bà và con trẻ. Đàn ông, trai tráng không theo bên này thì cũng đã qua bên kia. Một vài ngày lại có tin một người ngã xuống. Mỗi tháng lại có tin xe cộ trúng mìn trên khúc đường đi Phú Hy, Phú Hiệp. Vào nhà nào cũng thấy bầy bàn thờ và những vành khăn trắng. Người chết còn trẻ lắm. Những vầng trán phẳng, những cặp mắt đen hiền từ, những nụ cười phảng phất trên những tấm ảnh trong khuôn kính sau bát hương tất cả chẳng chứng tỏ gì là người chết đã trải qua những trận chiến đấu kinh hoàng trước khi nhắm mắt.

Trước những sự thay đổi gần như hoàn toàn khác hết với các ý nghĩ của Vân, Vân bỗng so sánh cuộc sống nhởn nhơ, vô tư của mình với cuộc sống ở đây. Đột nhiên Vân có cảm giác như mình vừa ở một cái hộp bé nhỏ chui ra, ngước mắt nhìn lên bầu trời. Quê hương đã đến thế rồi ư? Mười mấy năm khói lửa đã thật sự mang đến những cái kết quả cụ thể là như thế rồi sao? Ồ, ngày trước Vân vẫn thường nghe nói đến chiến tranh mà chẳng có ý niệm gì về chiến tranh. Đọc báo thấy người chết mà Vân chẳng có ý niệm về những con số vài trăm sau mỗi trận đánh.

Nhưng bây giờ Vân tưởng tượng mỗi nhân mạng là có một cái bàn thờ, mỗi bàn thờ hẳn lại có một người vợ trẻ, những đứa con côi. Chỉ cần nghĩ như thế, Vân cũng không thể nào chịu đựng nổi cái cảnh kinh hoàng bỗng nổ tung ra trong đầu óc bé nhỏ của Vân rồi.

*

Hôm đưa đám tang bà xong thì má ốm. Dì Thảo giữ má lại không cho về. Người má nóng rực. Nước da của má xanh rờn. Vân phải lên cửa Vạn đánh dây thép về cho ba hay là sẽ về trễ vài ngày. Lúc về, ở trên xe Lambretta, Vân ngồi đối diện với một em bé. Nó chừng lên bẩy. Nước da trắng ngần. Cặp mắt thật to và đen lay láy. Mái tóc Nhật bản, cắt ngắn mấp mé vành tai khiến khuôn mặt của nó càng bầu bĩnh dễ thương. Vân ngắm nó không chán mắt. Mà cô bé cũng tò mò. Vừa tò mò lại vừa hay mắc cỡ. Mỗi lần Vân nhìn thì nó quay đi. Còn khi Vân giả vờ lơ đãng nhìn ra những bụi ruối dại bên đường nó lại giương cặp mắt trong suốt như nước hồ thu, ngơ ngác như cặp mắt nai rừng lên ngắm Vân từ sợi dây chuyền Vân đeo ở cổ, đến bộ quần áo Vân đang mặc, và ngay cả đôi xăng đan mà Vân đang đi cũng làm cho cô bé đến tò mò phải nhìn nữa. Vân không có em gái. Trong nhà có ba anh em thì Vân là út. Vân được chiều chuộng, nhưng Vân lại chỉ thích có một đứa em để chiều chuộng mà thôi. Ngày xưa Vân vẫn thường ước mơ một hình ảnh em gái ngây thơ và bụ bẫm. Thì cô bé ngồi đối diện với Vân lúc này chẳng khác như một nhân vật đã đi từ ý nghĩ của Vân để ra thành con người bằng xương bằng thịt. Những ý nghĩ đó khiến Vân bất giác nhoẻn một nụ cười. Con bé bẽn lẽn quay đi, nép đầu vào vai bà cụ già ngồi ở bên cạnh. Bây giờ Vân mới có dịp ngắm đến bà cụ. Mái tóc cụ bạc phơ, khuôn mặt cằn cỗi nhăn nheo. Tất cả nguồn sinh lực còn lại của cụ chỉ còn dồn vào đôi mắt vẩn đục lờ đờ, thỉnh thoảng lại ngước nhìn cháu gái biểu lộ một nguồn chan chứa thân yêu. Bỗng nhiên Vân nghĩ đến bà ngoại bây giờ đã nằm yên trong mộ cỏ. Và chỉ ở giây phút đó, Vân mới lại tìm thấy cái ý nghĩa cao quí của tình bà cháu mà đã từ lâu Vân không tìm lại được.

Chiếc xe bỗng ngừng ở một chặng đường. Một hai người trên xe đòi xuống. Những sọt chuối sọt dừa được rỡ ra. Chỗ ngồi của Vân không bị vướng víu và Vân cảm thấy thoải mái hơn trước rất nhiều. Nhưng bỗng Vân giật thót người lại. Hình ảnh trước mắt Vân hiện ra làm Vân kinh hoảng. Sọt chuối được lôi đi rồi và bây giờ Vân nhận ra cô búp bê xinh xắn của Vân chỉ có một chân. Bàn chân bên này của cô bé đi một chiếc dép nhật. Bàn chân bên kia vắng bóng, chỉ còn thấy chiếc gấu quần hờ hững, buông thõng xuống thấp và lắc lư theo nhịp xóc nẩy của chiếc xe trên lộ đá. Nhưng chính sự thản nhiên không chứa chất mặc cảm của cô bé, lại làm cho Vân xúc động nhiều hơn nữa. Vân xót xa nhìn mái tóc mềm mại, vầng trán phẳng, cặp mắt trong như nước hồ thu và đen láy, vô tội như cặp mắt nai của nó một lần nữa. Cặp mắt tò mò nhìn xuống của Vân làm cô bé cũng cúi xuống nhìn theo. Hai luồng mắt cùng đi xuống và dừng lại một cách ngỡ ngàng. Vân bối rối ngẩng đầu lên thật nhanh và cố nở một nụ cười thật duyên dáng. Cô bé bỗng nhoẻn miệng đáp lại. Vân thấy lòng nhẹ như vừa cất xong được một gánh nặng trong lòng. Lần này thì Vân muốn kéo cô bé vào lòng, hôn lên vầng trán mịn màng và thơ ngây đó để rồi nói với nó rằng:

- Em có biết không? Tâm hồn trong sáng của em mới là ngọc quí. Em hãy vì sự hãnh diện đó mà quên đi sự thiệt thòi mà em phải chịu đựng.

Chuyến xe ngừng lại ở chặng cuối cùng. Tất cả mọi người lục tục đi xuống. Vân thấy bà cụ già đứng dậy, và bây giờ Vân mới nom thấy cái nạng gỗ nằm ngang ở dưới sạp do bà cụ cúi xuống cầm lên trao cho cô bé. Thản nhiên như thái độ của một kẻ chấp nhận sự thiệt thòi của mình, cô bé đón lấy, chập chững lết ra cửa xe. Vân vội vàng xuống trước và giơ hai cánh tay ra đón. Cô bé mở to mắt ra ngạc nhiên nhìn Vân rồi bỗng nhiên nó xòe tay ra ôm lấy cổ Vân. Vân bế bổng nó xuống. Trước khi đặt xuống mặt đường, Vân ghì nó thật chặt. Gò má của Vân ép sát vào mái tóc Nhật bản mềm mại. Vân muốn nói:

- Chị yêu em. Chị yêu em vô cùng.

Nhưng sự cảm động làm Vân không muốn cất tiếng. Hai người dìu nhau đứng sát vào vệ đường. Vân hỏi:

- Em tên là gì?

Cô bé đáp:

- Dạ, Thu.

- Nhà Thu có xa đây không?

- Gần.

Vân chỉ về phía bà cụ lúc đó đang soạn đồ ở cạnh xe:

- Bà của Thu đấy phải không?

- Vâng.

- Ba, má Thu đâu?

- Ba Thu đi trận. Má Thu chết rồi.

Nói rồi Thu cúi xuống ngó chiếc nạng gỗ và chỉ về mạn Phú Hiệp:

- Mìn ở trên đó đấy chị. Em sợ quá!

Vân bỗng xiết chặt bàn tay xinh xắn của Thu không nói. Nhưng Thu vẫn tiếp:

- Bữa nọ, em đòi theo má đi Phú Hiệp buôn mãng cầu. Em thích coi hái trái cây còn nguyên quả trong vườn. Khi về thì xe bị nạn. Má em chết. Còn em thì chỉ đau chân thôi.

Vân bỗng ôm chầm lấy vai của Thu và vỗ về:

- Đừng nghĩ tới nữa. Bây giờ hết rồi. Bây giờ yên rồi.

Mắt Thu đen lay láy hướng về con đường nhựa chạy dài hun hút dưới ánh nắng và Thu nói tiếp:

- Chưa hết đâu. Chưa yên đâu. Em vẫn sợ quá chị ơi. Trong nhà thương chỗ em nằm có đứa mù cả hai mắt. Bây giờ nó đi Huê Kỳ rồi. Có người nhận nó làm con nuôi. Cũng có một bà xin cho em qua đó, nhưng em còn bà ngoại. Bà ngoại em đó, chị!

Vân nắm chặt bàn tay của Thu hơn nữa, rồi ngước mắt lên nhìn. Bây giờ bà ngoại của Thu đang lễ mễ xách một giỏ đầy đồ vật. Vân vội vàng chạy ra đỡ giùm. Vân nói:

- Ngoại để con xách, con đưa ngoại với Thu về nhà.

Thu mỉm cười:

- Nhà em gần đây lắm chị ơi! Chỗ cánh cửa gỗ mục có phên đó.

Nói rồi Thu thoăn thoắt đi trước. Vân theo sau. Bà của Thu đi sau chót phàn nàn:

- Thật làm phiền cô quá.

Vân mỉm cười:

- Có gì đâu, thưa ngoại. Ngoại già rồi, ngoại đi tay không nghỉ cho đỡ mệt.

Tới đầu chỗ rẽ, bà cụ nói:

- Thu về trước, bà ghé vô xóm đòi cái xoong nấu canh rồi bà ra, nghe cháu.

Thu quay lại nhìn bà rồi mỉm miệng cười. Nụ cười hồn nhiên chan chứa niềm yêu thương và yên ổn. Vân bỗng so sánh cái tuổi búp bê của Thu với những giòng suối trong vắt, phẳng lặng, so sánh tâm hồn tươi sáng, vô tư của Thu với những hạt ngọc lóng lánh muôn màu. Chỉ với những linh hồn trong tuổi ngọc như thế, Thu mới có thể chịu đựng sự đau đớn của Thu một cách hồn nhiên như chấp nhận không oán trách, không thèm hỏi những nguyên do nào đã làm Thu thiệt thòi đến như vậy. Bất giác Vân nghĩ đến mình, đến bạn bè, và cuộc sống nhởn nhơ ở đô thảnh. Đất nước mình bây giờ như chia xẻ thành những cái ô ngăn cách. Ô này chứa những tiếng thở dài. Ô kia chứa nước mắt. Và những ô khác nữa chứa đựng sự ích kỷ, đến độ rửng rưng chẳng nhìn thấy ai ngoài những ham muốn của chính mình. Đêm hôm qua nằm trằn trọc ở ngoài hiên, Vân lại nghe thấy súng nổ. Tiếng động cơ máy bay chuyển vận nặng nề ngang bầu trời. Và rả rích suốt đêm, tiếng bom rơi còn nặng nề hơn nữa trên không phận gần Phú Hiệp. Vân bỗng nghĩ đến những ánh nến leo lét trên những chiếc bàn thờ và những chiếc mấn trắng đã ngả mầu nâu ngà ngà đang ở rải rác đâu đó trong những mái tranh tiêu điều hiu quạnh. Những hình ảnh ấy làm cho Vân bỗng thấy tuổi trẻ của mình như già đi, và tâm hồn tươi sáng của mình bỗng nhiên u tối lạ. Vân muốn nói điều đó với Loan và Trinh và muốn cả hai đứa có mặt ngay ở đó để chia sẻ với Vân những ý nghĩ đang xáo trộn trong đầu óc Vân. Nhưng trước mặt Vân bây giờ vẫn chỉ có bé Thu đang cúi xuống rót một ly nước lọc trong vắt ở cái chai thủy tinh ra và giơ lên ngang mặt mời Thu uống cho đỡ khát. Lúc Vân giơ tay đón lấy thì Thu mỉm cười. Mắt Thu vẫn sáng, gò má của Thu ửng hồng. Tất cả khuôn mặt của Thu như bừng sáng lên cái ánh sáng của tuổi thơ trong trắng và hồn nhiên. Sự trong trắng và hồn nhiên có thể so sánh với những hạt kim cương lóng lánh mà không có một bóng tối nào có thể làm cho lu mờ đi được.


NHẬT TIẾN    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 38, ra ngày 14-5-1972)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>