Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2019

Như Một Giấc Mơ


Bố tôi gác hai cái nạng qua một bên, ngồi trên tấm phản trước hiên nhà. Trong ánh sáng mờ, điếu thuốc trên tay bố tôi rực đỏ lên từng hồi. Chiều xuống êm đềm. Bóng tối chiếm dần khoảng sân. Giậu bìm bìm tím nhạt xiêu đổ ở một góc sân, chập chùng theo bóng lá. Gió hạ hiu hiu, tôi thấy hình như có mang theo mùi lúa non. Có tiếng lục đục ở dưới nhà, chắc mẹ tôi đang rửa chén. Bên ngoài, thôn xóm đã im lìm. Vài tiếng chó sủa vu vơ vang lên lẻ loi. Đêm ngày ở đây đều bình thản và trầm lặng như thế. Tôi nhìn vẩn vơ ra ngoài. Qua màn lá lưa thưa của hàng dừa, ở tít đàng xa chấm đèn xanh đỏ của chiếc máy bay đang di chuyển câm lặng. Ánh đèn chớp sáng liên hồi, bay xa dần rồi mất hút. Đêm ở đây bình an. Đêm an lành, đêm ở đây thật êm ả của đêm hạ. Đêm ở đây êm tĩnh làm tôi cảm thấy thiếu cái gì. Đêm ở đây làm tôi nhớ đến làng quê tôi. Thị trấn Đông Hà, một miền quê hương nghèo nàn. Đêm ở đó không bình an. Đêm nghe tiếng đại bác rít qua thành phố. Đêm với ánh hỏa châu bập bùng. Ở đó tôi không được giấc ngủ an lành, chỉ chực thức giấc vì tiếng đại bác, tiếng phản lực rít trong đêm. Đêm ở đó lo âu, phập phồng. Ở đó tôi không nghe được tiếng gà gáy, tiếng chó sủa vu vơ, chỉ có tiếng súng lẻ tẻ, tiếng đạn oanh kích. Dư âm đó còn vang vọng trong óc tôi. Những thứ mà ở đây không có được. Đêm ở đây quá thanh bình. Tuy vậy, ở đó tôi cũng sống qua một thời thơ ấu. Tôi cũng chôn nhiều kỷ niệm nồng nàn ở đó. Làng quê tôi có lẽ giờ không còn nữa. Thành phố Đông Hà giờ tiêu điều, tan nát. Thị trấn bị oanh kích. Tôi đã rời xa làng quê tôi.

Bố tôi rít mạnh điếu thuốc rồi ném ra ngoài. Ánh lửa tạo thành một đường cong đỏ rực rồi tắt lịm. Bố tôi nhìn ra ngoài trời, mắt mơ màng. Đêm chùng xuống mịt mùng. Bố tôi nói:

- Vào lấy cây đờn cho bố, con.

Tôi xuống tấm phản, chạy vào nhà lấy cây Tây ban cầm cũ kỹ đem cho bố tôi. Bố tôi so dây lại. Tiếng đàn dạo nhẹ vang trong hiên buồn. Bố tôi bắt đầu gẩy những khúc nhạc tiền chiến. Âm thanh chập chùng mênh mang vang trong đêm hạ, như kéo bố tôi về những kỷ niệm của ngày chinh chiến. Đó là những ngày oai hùng còn mang kiếp sống của người trai đã lỡ sinh giữa thời ly loạn.

Nhưng bây giờ bố tôi đã từ giã kiếp sống người hùng, để trở thành người nghệ sĩ của gia đình. Vì sau một trận đánh ở Hạ Lào, bố tôi phải ca bài "NGÀY TRỞ VỀ" của Phạm Duy. Từ đó bố tôi về sống với gia đình. Nhưng hổ thì mãi nhớ rừng già cô tịch, nhớ tới thời oanh liệt của ngày xưa. Đấy là bố tôi. Bố tôi không thích sống với gia đình. Bố tôi thích sống giữa núi rừng. Bố tôi họ Nguyễn. Có lẽ bố tôi mang một ít huyết thống của Nguyễn Công Trứ. Có lẽ bố tôi chưa thỏa chí tung hoành, hay là con người hoài niệm. Nên chiều chiều, khi giậu bìm bìm đã xiêu đổ nhập nhòa, thì bố tôi ngồi ôm đàn, thả hồn theo khúc nhạc ngày xưa để thương nhớ một đời sôi nổi.

Nhưng tôi nhớ nhất hình ảnh của bố tôi ở hai năm trước. Bây giờ tôi vẫn thấy hình ảnh đó thoáng qua bố tôi, mỗi lần tôi mở cánh cửa thời gian. Đi ngược vào để nhìn lại bức họa ngày xưa, tôi vẫn còn cảm thấy mênh mang nuối tiếc khi nhớ tới thời oanh liệt của bố tôi. Ở trên cuộc đời mọi vật đều không vĩnh cửu. Đó là lời bố tôi. Nhà văn Nguyễn Tuân đã chứng minh qua tác phẩm "Vang bóng một thời". Và cái hình ảnh của bố tôi ở hai năm trước, giờ đây cũng chỉ là vang bóng! "Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu" (1).

Đó là một buổi chiều nắng quái còn xiên xắt trên ngọn tre. Thị trấn Đông Hà nóng hừng hực vì gió Lào. Tôi ngồi mải mê rải thóc cho đàn gà tre. Những chú gà tre nhỏ con nhưng chúng hăng lắm, đá nhau mãi. Tôi chợt nhớ tới câu ca dao "Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau". Đó là những chú gà trống. Còn những chú gà con thì khác hẳn. Chúng nhí nhảnh với tiếng kêu non nớt thật dễ thương! Lúc đó thì bố tôi về, bố tôi lái xe về. Tôi trông bố tôi nai nịt gọn gàng. Chắc bố tôi sắp đi hành quân. Bộ áo rằn ri với chiếc mũ rừng có đính hai mai. Tôi thấy bố tôi kiêu hùng lạ. Bố tôi dắt tay tôi vào nhà. Gặp me tôi, bố tôi cho me biết tin là bố tôi phải đi hành quân Hạ Lào. Bố tôi đã có sự vụ lệnh. Mẹ tôi sửng sốt rồi sụt sùi khóc. Riêng bố tôi vẫn kiêu hùng! Người đã dỗ me tôi bằng những lời thật thắm thiết. Lúc ấy tôi mới học lớp nhất trường làng. Tuổi nhỏ lòng còn vui với bạn bè và vô tư một cách hồn nhiên. Tôi chưa biết buồn là gì! Nếu có chỉ là nỗi buồn vớ vẩn, khi nhìn sợi khói lam chiều đang lên ở xa xa. Nên lúc bố tôi nói, me tôi khóc, tôi vẫn thản nhiên nhìn chiếc xe có gắn súng của bố tôi, lòng không chút gợn buồn. Bố tôi hôn me tôi, hôn tôi rồi bảo tôi:

- Ở nhà với me ngoan nhé! Bố đi mai mốt bố về.

Tôi gặng hỏi:

- Mai mốt là chừng nào hở bố?

Bố tôi ngập ngừng:

- Mai mốt là chừng... một tháng bố về liền!

Bố tôi ra đi. Chiếc xe vọt mạnh như con ngựa bất kham. Me tôi đứng ngẩn ngơ nhìn theo. Con đường quốc lộ dài ngút mắt. Chiếc xe của bố tôi nhỏ dần sau lớp bụi mờ, bỏ lại một cánh đồng mênh mông. Hình ảnh còn lại khơi vào trí óc tôi cảnh dặm trường xa cách. Bấy giờ trùng dương bật mở làm tôi buồn mênh mang. Lần đầu tiên tôi có cái buồn chính đáng.

Từ đó me tôi sống trong khắc khoải, sầu muộn. Những trận đánh khủng khiếp bên kia giới tuyến, được me tôi thâu thập với nét lo âu hằn trên khuôn mặt. Me tôi đi lễ Phật luôn, người cũng cầu nguyện cho bố tôi hằng đêm. Me tôi đã xin đấng tối cao phù hộ bố tôi.

Còn tôi, ở lớp tôi "nổi" hẳn lên. Thầy tôi, bạn bè tôi đều biết bố tôi hành quân Hạ Lào. Tôi hãnh diện. Bạn bè nhìn tôi bằng con mắt khâm phục. Chúng bắt tôi kể chuyện của bố tôi. Tôi kể lại những trận đánh của bố tôi. Chúng nó kháo nhau, kể lại cho nhau. Ở trường tôi khoái chết được. Bố cúng nó cũng có đi lính, nhưng là lính ngồi văn phòng, lính kiểng, không kiêu hùng bằng bố tôi được. Tôi có quyền kiêu hãnh. Vì tôi quá đặc biệt nên được thầy giáo kêu lên đọc bài nhiều hơn. Tôi cố gắng học bài, cố làm toán. Lên bảng tôi làm ro ro. Mỗi lần tôi làm được toán hay học thuộc bài, thầy giáo xoa đầu tôi nói với cả lớp "Mấy trò coi trò Chương này, ba trò Chương đi hành quân Hạ Lào, trò Chương ở nhà một mình mà vẫn học giỏi như thường. Các em nên bắt chước trò Chương" Mỗi lần như vậy tôi sung sướng muốn chết đi được. Tôi học bài thuộc làu làu. Như vậy để khỏi hổ danh bố tôi. Vả lại để lúc bố tôi về tôi sẽ khoe bố tôi. Để chứng tỏ rằng trong thời gian bố đi hành quân gian khổ, con của bố vẫn học giỏi như thường. Con của bố không lêu lổng mà vẫn ngoan như thường. 

Những trận đánh bên kia giới tuyến vẫn tiếp diễn. Bố tôi mãi tung hoành giữa nơi núi rừng. Chí tang bồng nung nấu, điều mà bố tôi hằng mơ ước. Bây giờ mơ ước của bố tôi đã thành tựu. Bố tôi đã đi theo cơn mê viễn xứ. Còn người ở lại: me tôi, vẫn mơ tưởng đến ngày về của kẻ đi chinh chiến. Cuộc sống như vậy kéo dài một tháng. Tôi vẫn hân hoan đến trường, lòng kiêu hãnh vì bố tôi. Nhưng một đôi khi, ngồi một mình, tôi chợt thấy thiếu vắng một tình thương đậm đà. Và mỗi lần nhìn bóng quân xa chạy ngang nhà, lòng thương bố tôi chợt trào ra cuồn cuộn.

Nhưng một hôm từ trường về, tôi ngạc nhiên khi thấy me tôi khóc. Me tôi nói bố tôi bị mất tích. Me tôi vừa được người ta báo tin. Tiểu đoàn của bố tôi được rút về vì đụng quá nặng. Sau khi rút quân, kiểm điểm quân số người ta thấy vắng bố tôi. Tôi hoang mang. Ở tuổi nhỏ, tôi chưa có những suy nghĩ sâu sắc. Tôi tưởng bố tôi "chì" thế, sao mất tích được. Tôi ôm mối hoài nghi, thắc mắc ấy trong lòng. Me tôi nói ngày mai tôi được nghỉ học, để theo me lên hậu cứ của quân đoàn hỏi cho ra lẽ.

Ngày lên quân đoàn là một ngày buồn đối với tôi. Cảnh chuyển quân rộn rịp ở hậu cứ hiện ra trước mắt tôi. Những chiếc thiết giáp xa gầm gừ. Những đoàn "công voa" chuyển quân đi rầm rộ. Lòng tôi nao nức. Giá có bố tôi ở đây, tôi phải vòi bố tôi dẫn tới coi mấy khẩu súng đại bác mới được. Me tôi dẫn tôi đi về phía dãy nhà làm việc. Tiếng đánh máy lóc cóc. Tiếng giấy sột soạt. Tôi đứng ngẩng nhìn cảnh làm việc ở văn phòng. Me tôi lại hỏi người sĩ quan ở bàn giấy về chuyện bố tôi. Ông ta hỏi số quân, tiểu đoàn của bố tôi và ghi vào một quyển sổ. Ông ta chỉ qua phòng bên cạnh. Bước qua, ở bên này trống trơn. Tôi thấy có dán giấy tờ đầy trên tường. Tôi gọi me tôi:

- Me ơi! Lại đây coi nè.

Trên tấm giấy ghi những sĩ quan đi hành quân, me tôi dò xem tên bố tôi. Bảng danh sách dài hai trang. Me tôi chợt la lên:

- Đây rồi! Chương, con đọc cho me.

Tôi nhìn theo ngón tay, đọc:

- Nguyễn Đình Thi, số quân... mất tích ngày... Hạ Lào.

Tôi đọc xong, me tôi ôm ngực tránh tiếng thét kinh hoàng. Me tôi đã khóc. Tôi không tin như thế, tôi đọc lại lần nữa. Vẫn thế! Bố tôi mất tích rồi! Tôi chợt bật khóc rấm rức. Một cái gì đã mất trên tờ danh sách. Người sĩ quan lúc nãy đứng sau lưng tôi từ bao giờ, cất giọng trầm trầm:

- Vì rút quân trong khi bị oanh kích nên chúng tôi không thể kiểm điểm quân số ngay được. Tôi xin chia buồn cùng bà!

Không khí chùng xuống, quánh đặc. Người sĩ quan đứng tần ngần. Me tôi cám ơn ông ta rồi ra về. Trong nước mắt đầm đìa, me tôi thầm lặng không nói gì. Một vết thương đã hằn trên mình me tôi. Trên đường về, lòng tôi còn đang bị xâm chiếm bởi cái cảm giác ngao ngán và nhớ thương. Những cánh đồng lúa như dàn trải ra trước mắt tôi. Vài ba cánh cò đang lượn la đà trên một đầm nước nhỏ. Quang cảnh đồng lúa thật bao la. Tôi mang máng nghe tỏa từ quãng mênh mông đó một tiếng gọi gì buồn bã. Tiếng gọi mà tôi không hiểu của chính mình hay của núi rừng muộn màng của miền Hạ Lào. Buổi chiều xuống nhanh. Tôi nhìn những hàng cây đứng bơ vơ hơn trước. Hoàng hôn buông xuống nhập nhòa. Bóng tối mau chiếm lấy sân. Ở trong cái lạnh lẽo bốc lên, tôi mơ hồ nghe tiếng lách cách của cây súng bố tôi. 

Bà con láng giềng xúm lại chia buồn. Trong nỗi buồn me tôi cầu nguyện. Trong tuyệt vọng còn có hy vọng. Dù hy vọng mỏng manh nhưng me tôi vẫn giữ lấy. Đó là ngày về của bố tôi. Bây giờ hình ảnh bố tôi bỗng trở nên xa xôi trong cái trí non nớt của tôi. Tôi mường tượng tới khuôn mặt dắn dỏi của bố tôi mà lòng thương nhớ vô vàn. Bây giờ tôi rất sợ bóng tối. Những đêm tịch liêu nối tiếp. Trời vẫn mênh mông xa thẳm như chứa đựng cả nỗi buồn của tôi. Một tình thương mất đi, vừa khơi lũng xuống ngày tháng tôi sống. Tôi mơ tưởng đến một ngày nào hòa bình sẽ trở về trên quê hương điêu tàn. Tôi hy vọng bố tôi sẽ trở về sống cuộc đời mãi mãi bình yên trên làng quê đầm ấm.

Cái hy vọng mỏng manh mà me tôi còn giữ là ngày về của bố tôi. Ngày về của bố tôi có thật! Không còn ở trong giấc mơ nữa. Một buổi chiều bố tôi về! Một buổi chiều như bao buổi chiều khác. Tôi sắp sửa hòa mình với cái vui của bạn bè trên những cánh đồng lúa chín, để quên đi nỗi sầu của mình, thì bố tôi về. Bố tôi trở về thật đột ngột. Tôi mừng tưởng chết đi được. Me tôi sửng sốt. Sau một tháng dài đằng đẵng me tôi lại nở nụ cười rướm nước mắt.

Ngày đi bố tôi can trường như Triệu Tử Long. Ngày về của bố tôi thật bi tráng. Bố tôi chống nạng đi từ ngõ vào. Người hùng từ mặt trận trở về. Tôi chạy lại ôm bố tôi. Bố tôi nở nụ cười hồn hậu, ôm tôi vào lòng. Tôi rưng rưng nhìn chân bố tôi. Bố có còn tung hoành không bố? Hình ảnh kiêu hùng của bố còn không bố? Bố tôi hôn me tôi. Bố tôi vẫn còn nụ cười hiền hòa, người vẫn hiên ngang như thuở nào!

Bố tôi nói với tôi:

- Từ nay bố sẽ sống mãi với con! Bố không còn đi hành quân nữa. Bố sẽ nuôi gà với con! Chịu không con?

Tôi khoái quá:

- Dạ chịu! Bố có nuôi bồ câu không bố?

- Có con ạ! Bố sẽ nuôi bồ câu cho hòa bình mau trở về trên quê hương.

Bố tôi quay sang me:

- Me nó này, làm bữa khao tôi chớ. Tôi về rồi mà!

Bố tôi cười rổn rảng. Me tôi giấu nỗi vui mừng và xuống nhà dưới làm cơm. Hôm đó nắng êm và nhẹ như một buổi nắng thu miền Bắc. Bố tôi sau những ngày vượt Trường Sơn, băng núi vượt đèo, qua những miền núi rừng để tìm về quê hương, bố tôi đã bị hư mất một bên chân.

Từ đó bố tôi sống mãi bên tôi. Ngày ngày bố tôi chống nạng đi chăm sóc đàn gà. Bố tôi cũng bắt đầu trồng hoa, trồng cây ăn trái, vui thú điền viên để chứng tỏ đã dứt khoát những ngày gian khổ. Me tôi thì vui vẻ trở lại, tiếp tục làm một người đàn bà đảm đang. Còn tôi, tôi vẫn còn trong tuổi học trò, hồn nhiên và vô tư, sống  giữa hai tình thương nồng nàn. Tuổi học trò tôi như con diều no gió bay phất phới trên làng quê nghèo xác xơ.

Bây giờ, gia đình tôi phải lánh nạn ở đây, một làng quê miền duyên hải cát trắng. Mùa hè năm ngoái có lẽ làng quê tôi tiêu điều. Thị trấn Đông Hà miền địa đầu giới tuyến. Tôi còn nhớ khi tôi rời khỏi căn nhà yêu dấu thì làng quê tôi đang chìm trong khói lửa mịt mù. Bố tôi còn nhớ mãi thời chinh chiến đã qua. Có những câu hát tiền chiến vẫn còn theo đuổi bố tôi mãi mãi: "Qua thiên sơn kìa ai tiễn rượu vừa tàn. Vui ca xang rồi đi tiến binh ngoài ngàn. Người đi ngoài vạn lý quan san. Người đứng chờ trong bóng cô đơn..."

----------------
(1) Thơ Thế Lữ.


ĐOÀN THỤY   
(Nha Trang 02-6-73)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 95, ra ngày 24-6-1973)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>