Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2019

Tấn Kịch Hạ Màn


Nói cho công bình thì chuyện chả có gì đáng kể, chỉ là chuyện tầm phơ thế thôi mà lại hóa thành to chuyện, nghĩ có ức lòng chưa? Bác Hòa bên cạnh nhà này vẫn liệt loại chuyện tầm phơ này vào thứ chuyện "đòn dưới đất, cất lên lưng" đấy, thưa quí vị!

Nguyên do thế này, em Bé vẫn được mẹ nuông nhất nhà út mà lại! cho nên Bé ta cũng hơi quá trớn đi một tị, đôi khi. Đôi khi thôi vì mẹ ưa nổi nóng bất ngờ, nếu thấy bà nuông chìu mà làm quá đi thì bà lại dùng giải pháp quân sự thẳng thừng. Ấy, thế mới khổ! Con nít con nôi nào đã biết thế nào là vừa, là đủ, là nên dừng lại! Cứ thấy Bụt hiền toan xỏ chân vào mũi là thường!

Nhà tôi, điều xáo trộn này xảy ra như cơm bữa. Nhất là mỗi buổi trưa sau giờ cơm. Ba xách tờ báo lên gác. Anh Hùng cũng lên theo, đi nghỉ trưa, tôi sắp sửa phụ với chị bếp dọn dẹp. Mẹ tôi mở tủ lấy cái kính, tay cầm cuốn sách, miệng nói một câu quen thuộc:

- Đi ngủ, bay!

Nói xong, chả để ý coi lũ nhỏ có làm theo không, đã vào phòng. Cỡ mười lăm phút, mẹ tôi bỗng nhớ lại thì quay sang trái, quay sang phải đều không thấy hai đứa nhỏ nhất đâu. Thế là bà cáu liền. Bà quát liền:

- Hai đứa nhỏ đâu? Lại kiếm chuyện nữa hở? Không sợ bị đòn hở? Đã dặn làm sao?

Từ nhà dưới Bé thò đầu lên, phụng phịu:

- Con đi tiểu mà!

Minh tiếp liền:

- Con dò lại bài mà!

- Không phải giờ học bài dò bài gì hết. Đi ngủ! Còn con kia, đi tiểu gì mà cả 15 phút chưa rồi! Lên mau!

Hai đứa vùng vằng, nhưng vẫn phải riu ríu làm theo lời mẹ. Vào đến phòng, đứa tranh cái gối gác, đứa tranh cái chăn đơn lại cãi nhau chí chóe, khiến mẹ phải buông cuốn sách ra:

- Im! Vào đây ngủ hay vào để cãi? Muốn đòn không?

Im được năm phút rồi thì:

- Trả cuốn sách cho tao! Tao xí trước.

- Không! Của người ta mà giành, mẹ mua chung cho cả nhà chớ không mua riêng cho ai hết. Đừng làm trời...

- Cái gì vậy, hở? Tụi bay có ưng đòn không? (mẹ kêu với ra ngoài) Đứa nào đem cho mẹ cái roi coi! Tụi bay làm tao điên luôn! Giờ này không phải giờ đọc sách, nhớ không!

Minh:

- Mẹ cho con đọc một chút!

- Nhiều chuyện, con nít bày đặt...

Bé gan hơn anh:

- Chớ mẹ đọc đó sao?

Mẹ hơi ngần ngừ:

- Mẹ lớn rồi. Với lại mẹ đọc một chút rồi mẹ ngủ liền, còn tụi con đọc rồi mê luôn, không ngủ...

- Không đâu mẹ ơi! Đọc dễ ngủ hơn. Tội con mà!

Mẹ quên cả chuyện không có đứa nào đem cái roi vào cả vì mẹ đã xiêu lòng trước lời nài nỉ của hai đứa. Ba mẹ con đều chăm chú vào sách. Thình lình Bé ngừng đọc, hỏi:

- Mẹ ơi! Cười rộ là gì hở mẹ?

- Cười rộ là cười to lên đó, mà thôi, ngủ đi, đọc hoài.

- Mẹ cũng chưa ngủ mà!

Mẹ thở phào một cái dáng chừng bực bội nhưng cố nén. Hai phút sau:

- Mẹ ơi! Thủ cấp là gì mẹ?

- Cái gì? Thủ cấp? Là cái đầu người ta bị cắt ra (nhân dịp đó, mẹ nói luôn với Minh) Con thấy em con chịu khó chưa! Cái gì nó đọc không biết là hỏi liền. Còn con...

- Con cũng đọc sách mà...

- Thì đọc chớ sao, mà nhìn thấy cái hình minh họa rồi thôi, mẹ biết quá, đừng cãi...

Đang nói thao thao mẹ chợt nhớ ngừng lại, gặng hỏi Bé:

- Mà này, con đọc cuốn gì mà có chuyện thủ cấp trong đó? Ai mua cho con? Nó là cuốn gì?

Bé hoảng vội vàng giấu cuốn sách nhưng đã muộn. Mẹ ngồi lên, nhoài tới một chút là vớ ngay được cuốn "Sa Tăng hỗn chiến với chú Thoòng". Giọng mẹ giận dữ:

- Ai mua cho con cuốn này? Ai mua?

- Con không mua, con Hồng cho con mượn. Nó nói coi thử coi, hay lắm!

- Con Hồng?

- Dạ, con Hồng bạn học con đó mẹ... Mẹ đừng la con, nó nói mẹ nó không la nó đâu, mẹ nó cho nó đọc, mẹ ơi!

Và Bé nhoẻn cười cái thứ cười nịnh, cười lấy lòng chính quyền ấy mà đoạn xích lại gần mẹ một chút, vùi đầu vào ngực mẹ, ỏn ẻn ra cái điều ta đây, con út đây, dễ yêu lắm đây!

Đúng lúc đó, con Hà can thiệp vào. Con bé này học tận trên Thủ Đức và là đứa "đuya" nhất được ba khen là có kỷ luật, giống ông. Nói cho rõ ra thì nó về từ lúc câu chuyện bắt đầu, nhưng nó còn nhẩn nha lục thức ăn dưới chạn và trong tủ lạnh nên chưa có thì giờ tỏ cái oai quyền làm chị ra. Nó can thiệp như thế này đây:

- Mẹ vậy là yếu rồi! Cầm cán cân công lý mà không vững vàng như vậy đó là yếu rồi. Phải công bình mới được...

- Đúng đó, phải là thằng Minh hay tụi lớn là ăn roi rồi...

Mẹ có vẻ ngượng quá. Mẹ không bao giờ muốn cho lũ con biết là mẹ "yếu", mẹ mà yếu hở, còn khuya! Mẹ bắt đầu cáu rồi đây này. Chỉ tại ba hay để cho lũ con thảo luận dân chủ nên chúng lấp lởn phê bình, phê bát nọ kia. Mẹ tức quá, song mẹ chưa kiếm ra cớ chính đáng để thị oai thì may đâu, mẹ vừa chợt nhớ ra: mẹ đã bảo đưa roi mà chả ai đưa cho mẹ. Tức thì cơn giận bùng lên như vôi sống sôi sục khi vào nước, mẹ la:

- Đừng vội, con ơi! Tao sắp phết cho lớn nhỏ mỗi người năm roi bây giờ đây chứ! Tao bảo đưa cái roi mà từ nãy giờ không đứa nào đưa hết, tại sao vậy, hở, hở?

Con Hà hơi chùn lại:

- Con vừa về, đang thay áo, làm sao đưa được? Với lại mẹ bảo mấy người kia chứ có bảo con đâu.

- Đừng lắm chuyện, tao bảo đưa cái roi đây! Tao không giỡn với tụi bay. Làm sao bay dám kết luận là tao thiên vị con Bé?

- Thì...

- Không có thì với mà chi hết, đưa cái roi đây!

Lần này, chị Cả thấy dằng dai bất lợi, chị biết là mẹ vốn hay giận lây (cũng đôi khi mẹ bỏ qua một lỗi cho đứa nào rồi, nhưng đứa khác làm mẹ giận vì một lỗi mới, mẹ lại lôi lỗi cũ ra, phạt luôn. Cái lối trừng phạt kiểu dây chuyền này không được đàn con tán thành chút nào). Vì vậy, cái roi bị bụi phủ một lượt mỏng trên nóc tủ được đem lại tận tay mẹ.


Câu chuyện kết thúc ra sao? Các bạn hẳn tò mò hỏi. Thôi! Cho tôi được yên thân! Nói ra nó mất cả vui. Đầu năm đầu tháng mà kể chuyện bị phạt ra, dù chỉ bị bắt nằm xuống và nhịp nhịp vài cái thị oai chứ không bị đánh đòn nghe cũng kỳ kỳ làm sao ấy, ngượng chết đi!

Vả lại mục đích tôi không phải là kể vụ trên tôi định kể vụ này cơ. Số là một bữa nọ, Bé ta thấy mẹ cứ ngồi cặm cụi đóng mấy cuốn vở ở bàn lớn phòng khách. Kể thì cũng đã quá giờ đi ngủ của lũ nhỏ dưới 10 tuổi rồi (mẹ ra lệnh đứa dưới 10 tuổi phải đi ngủ lúc 9 giờ) nhưng con Bé nó ghê lắm: nó thấy mẹ còn ngồi là nó cũng ngồi. Lúc trước thì nó bảo là nó đợi mẹ cùng đi ngủ chớ ngủ trước bỏ mẹ một mình tội, với lại... mẹ sợ ông già (chả biết ông già nào?)

Bây giờ thì nó biết đã hết cái tuổi nói hươu nói vượn như thế rồi, nên nó cứ ngồi, mặt nặng mày nề, chốc chốc lại giục mẹ:

- Mẹ! Đi ngủ! Mẹ, đi ngủ!

Ban đầu mẹ mải say sưa xâu chỉ, may, đóng nên mẹ không để ý, song chỉ mấy phút sau nghe đồng hồ đổ, mẹ chợt nhớ, kêu lên:

- Con Bé này, hay chưa! Đến giờ thì cứ đi ngủ, mẹ còn bận tay, có muốn đòn không?

- Không phải mới lên ba đâu mà còn làm nũng!

- Bây lớn mà tối nào cũng sờ vú mẹ!

- Tại me cưng nó quá mà! Rồi nó hư cho mà xem!

Ba bốn đứa cùng một loạt tấn công em út. Nó đỏ mặt lên, vừa vặn lúc ba cũng buông tờ báo, chen vào:

- Tại mẹ mày hết, để nó ngủ riêng đã sao? Sắm cái giường nhỏ kê gần đó cho nó ngủ cho quen, cứ ôm ôm lấy rồi khi nó làm nũng lại la lên...

Mẹ buông cuốn vở đóng dở dang, lột kính ra khỏi mắt, gằn giọng:

- Cái gì vậy? Hay chưa? Mấy người này! Nó ngủ với tôi thì can gì đến ai? Cái giường tôi rộng, nó ngủ với tôi thì có sao không? Tự nhiên mà bày đặt mua thêm cái giường nhỏ cho chật nhà. Ai có phần nấy, việc gì ra việc nấy: nó làm nũng thì trị tội làm nũng, chớ ăn thua gì việc ngủ riêng, chung?

Xem chừng lý luận vững vàng rồi, mẹ xây qua con út, ra lệnh:

- Vô phòng tắm đánh răng rồi đi ngủ đi! Mẹ muốn ngủ lúc nào mẹ ngủ sau, phải bỏ thói giục mẹ đi ngủ một lần, không thì có ngày... Đừng thấy tao thương...

Cô út vùng vằng một cách yếu ớt, đứng lên, hai chân dẫm mạnh xuống nền nhà làm chị Thu cười váng lên:

- Coi chừng lủng gạch giờ...

- Ý cha! Vô ngủ một mình rồi làm sao sờ vú? Buồn quá đi...

Thế có ác không? Có dễ giận không? Người ta đã chín bỏ làm mười, đã chịu tuân kỷ luật vào đánh răng một mình mà còn trêu tức, chịu sao cho nổi? Thế là Bé ta ngừng lại ngang cửa phòng tắm, òa lên khóc: hu, hu, hu...

- Cái gì mà khóc? Con này thật là quá sức. Con đã nói mẹ cưng nó quá mà...

Thật là thừa gió lớn bẻ măng con, thật là chế dầu vào lửa đỏ, thật là... Mẹ vừa cầm lại cái kim, chưa may được mũi nào, mẹ tức thì đứng lên. Lần này khác hẳn thông lệ không có réo gọi "Đưa tao cái roi" mà mẹ đi phăng phăng tựa như con tàu rẽ sóng đến trước tủ lấy cái roi, đoạn mẹ quát to làm đứa nào cũng giật mình:

- Con Bé kia! Lại đây! Lại đây!

Bé hơi run song còn chần chờ nhìn ba cầu cứu. Ba lại không tế nhị gì cả, lên tiếng bênh:

- Thì mợ đi ngủ với con cho rồi, làm gì mà...

Thôi, thế là hết! Không mong hàn gắn, hòa giải được nữa. Đổ vỡ cả rồi. Bé bị trận đòn nên thân, không chỉ vì một lỗi này mà còn vì cả chục lỗi nữa, những lỗi cũ kỹ, dễ chừng đã mốc meo từ lâu...

Đánh xong, mẹ bắt Bé vòng tay đứng lại, xin lỗi và không được khóc, đoạn mới cho đi rửa mặt. Bé ta ức quá, chỉ nín trước mặt mẹ thôi, vào phòng tắm lại khóc lên ti tỉ, dai dẳng. Ba thấy phải can thiệp thực sự:

- Thôi! Đứa nào coi dỗ em rồi dắt nó lên gác ngủ với ba. Mẹ mày... con mới bằng con muỗi mắt mà giở giọng kỷ luật ra. Tao đã nói trên 12 tuổi tao mới đánh.

Bé thôi khóc lắng nghe ba (nói cho đúng, nó chỉ con khóc chừng chừng để mẹ hối hận gọi đến lau nước mắt như lệ thường, nhưng lần này Bé ngạc nhiên không thấy mẹ tỏ ra hối hận gì cả, tình hình có vẻ căng thẳng quá). Rồi ba dứt lời nó lại khóc. Phần ba, ba cũng tưởng nói thế để mẹ dỗ nó, nào ngờ mẹ lại tỏ ra không cần ngủ với con út.

- Tốt lắm! Đi lên lầu ngủ với ba đi! Tao càng được khỏe thân!

Bé đứng lặng một giây, song nó vốn là đứa khá cứng cổ, mẹ đã đuổi nó thì nó sẽ ngủ với ba, sợ gì? Ngủ với ba càng thích: có giường nệm này, có nhạc này, nó cũng muốn cho mẹ biết nó không phải đứa hèn, bám theo đuôi mẹ chứ!

Thế là Bé ta đánh răng, rửa ráy, thay quần áo rồi lầm lỳ ôm gối đầu, gối gác lên lầu, không quên đem theo cái chăn đơn. Ba giảng hòa:

- Thôi, mẹ mày năn nỉ nó đi cho rồi, chớ nó lên ngủ với ba thì buồn rồi khóc cho coi!

Bé tuy giả vờ cương quyết song lòng đã hơi nao núng, chỉ chực mẹ kêu một tiếng là tháo lui liền. Nào ngờ mẹ điềm nhiên, buông một câu rắn hơn đá tắm dưới sương đêm:

- Đừng lo, để coi ai khóc!

Thế là thôi, khó mà làm hòa với mẹ như trước nay. Mọi người lục tục về phòng. Đèn tắt biến. Nhưng không khí có vẻ ngột ngạt khó thở. Đồng hồ vẫn đều đặn lên tiếng mỗi 15 phút cho đến 12 giờ đêm. Mẹ không ngủ được, mẹ vặn đèn lên đọc sách. Bên này, Thu đoán biết nguyên do, nhưng không dám hỏi han gì. Rồi mẹ lại tắt đèn... Rồi mẹ lại mở đèn, ra phòng khách làm gì đó, nhưng mẹ rất sẽ sàng, không khua động gì cả.

Đột nhiên, trong vắng lặng của đêm sâu có tiếng lịch kịch, tiếng mở cửa phòng trên lầu rồi đèn cầu thang bật sáng và chao ơi một bóng người nhỏ bé đi xuống. Tức thì có tiếng mẹ gắt lên song dịu dàng:

- Đứa nào đó? Giờ này còn xuống làm gì nữa?

- Thưa mẹ, em Bé...

Thu phóng tót ra đón em và đỡ lời. Mẹ còn vờ:

- Con Bé ư? Nó ngủ với ba mà!

- Thưa mẹ, Bé đi tiểu!

- Trên lầu có phòng tắm sao không đi?

- Thưa mẹ... đèn phòng tắm hư, tối quá...

Giọng Bé thật biết điều, thật dễ thương, mẹ không thể làm gan được nữa, tuy nhiên mẹ vẫn còn làm vẻ lạnh:

- Vậy thì Thu dắt em vào phòng cho nó đi tiểu rồi...

Mẹ nói đến đó thì Bé và chị đã đến cửa phòng mẹ và mẹ cũng vừa đi ra. Thật đúng lúc, , Thu du Bé đến cạnh mẹ, mẹ không cưỡng nổi, mở rộng vòng tay và Bé lao mình đến.


Thu cười rất tươi, thầm nghĩ: Thế là vở kịch kết thúc có hậu rồi, tốt! Chị cả quay về phòng mình, cười trong bóng tối, tự lấy làm hãnh diện về vai trò trung gian, gạch nối rất đáng giá của mình!

Chứ sao! Vì người chị biết rằng trong bao lâu Bé còn nằm thao thức trên lầu thì mẹ còn trăn trở dưới này, không chợp mắt!

Còn phòng bên! Bé thủ thỉ với mẹ rằng Bé đã đi tiểu đến ba lần trong phòng tắm trên lầu, và tại trên đó bẩn quá, nên Bé phải xuống đây. Bé luồn cổ tay tròn trĩnh, mát rợi vào cổ mẹ, hít, hít không ngừng lên tóc mẹ và thêm: "Tóc mẹ thơm, tóc mẹ thơm".


MINH QUÂN    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 82, ra ngày 25-3-1973)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>