Lũ
trẻ đã chán, không chạy theo lão Thân nữa. Bây giờ chỉ còn một mình lão
khệnh khạng đi. Bước chân lão xiêu vẹo. Chiếc gậy – đúng hơn, một thanh
tre dài – như run rẩy dưới sức nặng từ bàn tay lão đè lên. Đôi mắt lão
như bốc lửa, nóng rực. Lão không nhìn thấy ai được rõ ràng. Lão chỉ mơ
hồ thấy dáng thím Hai ngồi bên gánh mì, dáng thằng Út chạy qua chạy lại,
dáng chú Ba đang hì hục đẩy xe nước mía ra đường… Nhưng thật rõ, lão
nhận ra thật rõ những tia nắng sớm đậu trên các ngọn cây. Gần nửa chai
rượu đế làm cho lão bần thần cả người, lão cảm thấy bất cần tất cả – từ
tiếng phàn nàn của nhà kế bên đến những câu nhạo báng, trêu chọc của lũ
trẻ ranh mãnh. Thế mà, lão vẫn thấy tha thiết mến yêu những tia nắng
vàng buổi sáng vô cùng. Có lẽ chỉ có buổi sáng mới làm cho lão nhẹ nhàng, vui vẻ và thấy yên ổn hơn lúc nào hết.
Lão khề khà dừng chân bên gánh mì của thím Hai:
- Bán đắt không thím?
Thím Hai không ngừng tay, cũng không nhìn lão, đáp:
- Dạ gần hết rồi bác.
Thằng Út ngồi kế bên giúp mẹ chợt la lên:
- Ông ơi, ông say rồi! Mặt ông đỏ quá!
Lão Thân cười, gật gù:
- Ừ, say thật. Không sao… Buổi sáng uống rượu, khỏi ăn gì mất công…
Rồi tỉnh bơ, lão chống gậy đi nữa. Nắng bây giờ chiếu vào đôi mắt nhập nhèm, làm lão bớt say. Lão ngâm ư ử trong miệng ; chẳng ai nghe gì nhưng cũng đoán được là lão đang ngâm hai câu thơ “ruột” của lão, hai câu thơ mà khi có rượu vào lão mới chịu ngâm.
Ra đến đầu ngõ, lão Thân lại tìm vào quán cà phê ngồi. Không ai để ý đến lão. Những người trong xóm này đã quen tính lão rồi. Lão vào, nhưng chỉ ngồi đó, chẳng bao giờ gọi ăn gọi uống. Gặp ai cùng lứa tuổi, lão vu vơ bàn chuyện. Gặp người nhỏ hơn, lão chỉ nói vài câu có lệ. Lão chỉ thích vào quán cà phê này để họa may có ai mang theo tờ báo, hay bà chủ quán vặn “ra-dô”, cho lão nghe ngóng tin tức. Lão chăm chú khi nghe những tin chiến sự ở nơi này nơi nọ, lão dò tin ở làng lão, tỉnh lão. Còn chuyện chính trị, lão cố hiểu mà không hiểu nổi, rắc rối quá. Lão chỉ tha thiết theo dõi những con số… bao nhiêu người chết, bao nhiêu người bị thương, làng nào cháy, tỉnh nào bị tấn công… ; nhắn tin cha mẹ, tìm con, tìm em, tìm bác… Lão mong mỏi có một hôm nào đó nghe được có ai ngoài làng lão nhắn tin vào, hay sung sướng nhất, là nghe tin đứa con trai của lão, nó bây giờ cũng đã mười bảy, mười tám tuổi rồi.
Nhiều lúc ngồi lão cố tưởng tượng nét mặt của con lão nhưng không ra. Đứa con duy nhất lão cho ở lại xứ với bác của nó, vì nó dễ thương, hiền hậu, mà lão lại không có tiền nuôi. Lão và vợ lão vào Sài Gòn buôn bán. Làm ăn thua lỗ, lão lại ốm đau mãi, vợ lão xoay qua làm nghề nuôi trẻ. Căn nhà của lão, hẹp và dơ bẩn, chứa trên năm đứa con nít, lúc nào cũng la khóc, đánh đập nhau. Tính tình của vợ lão càng ngày càng hung tợn, bà đánh lũ trẻ không nương tay. Là con của những người dân lao động, chúng bị bỏ lăn lóc và chịu đòn của vợ lão luôn luôn.
Vợ lão lìa đời. Căn nhà trả lại cho chủ cũ sửa sang vì lão không có nghề nghiệp, tiền bạc gì cả. Lão trở thành một kẻ vô gia cư. Đầu tiên lão ngủ ở trước các hiên nhà. Nhưng sau này, thím Hai thương xót, dành cho lão gian buồng hẹp sau bếp để lão trú ngụ. Ban ngày lão đi lang thang trong xóm. Ai cho đồng nào thì lão uống rượu hết đồng nấy. Buổi tối lão về nhà thím Hai, ngủ một giấc. Cứ vất vưởng như thế, lão bị mọi người cho là thừa thãi và chẳng để ý đến. Chỉ có thím Hai là thương xót lão, và thằng Út con của thím là thân thiết với lão. Nó hay đi mua rượu cho lão uống, và hay ngồi bên lão, bắt lão kể chuyện. Lão chẳng biết kể chi hết, mà lão chỉ nói cho nó nghe niềm mơ ước tha thiết nhất của lão: yên lành mau mau để lão về nhà tìm con lão.
- Ông ơi!
Lão Thân nhìn ra cửa. Thằng Út đứng ở đó, dáng nhỏ bé dễ thương. Nó chạy vào quán, đưa cho lão đồng bạc năm:
- Má cháu gửi ông uống cà phê.
- Thím Hai đã bán xong chưa?
- Dạ rồi ông. Má cháu bảo ông uống cà phê hay ăn gì đi kẻo đói.
Lão Thân cảm động, xoa đầu thằng Út:
- Thôi, ông không đói.
- Vậy để cháu đi mua cho ông gói xôi.
- Ông không ăn đâu!
Thằng Út mở to mắt nhìn lão. Nó cố đoán xem lão thích ăn cái gì. Rồi nó “à “ lên:
- Ông ơi! Ông còn rượu ở nhà không?
- Ông mới uống hết hồi nãy.
- Vậy cháu đi mua thêm cho ông.
Lão Thân đúng ý, cười to:
- Ừ, giỏi đa, “thằng chó con”!
Thằng Út chạy đi, một lát sau nó mang đến một ly rượu. Lão Thân đứng dậy, đi ra với nó.
- Đi về nhà uống thích hơn.
Thằng Út ngoan ngoãn đi lẽo đẽo sau lưng lão, tay cầm ly rượu. Hai ông cháu rẽ vào đường hẻm nhỏ xíu. Nhà thằng Út hẹp và tối như ban đêm. Căn buồng đàng sau dành cho lão Thân lại còn tối hơn. Bước vào chỉ nghe tiếng muỗi vo ve và thấy lờ mờ chiếc giường xiêu vẹo. Lão Thân đến ngồi trên chiếc giường đó. Thằng Út leo lên ngồi bên cạnh. Lão Thân tu một hơi cạn ly rượu. Đầu óc lão lại lâng lâng. Mắt lão nóng bức. Thằng Út nói:
- Ông ngâm thơ đi, ông!
Lão Thân “khà” một cái khoái chí, hứng dâng lên và tuôn ra theo câu thơ:
- “Có rượu Trung Sơn…ư… cho lũ tớ….
Tỉnh… ư… ra hỏi đã …ư… thái bình… à… chưa…”
Thằng Út kêu lên:
- Sao ông cứ ngâm hai câu đó hoài vậy ông?
- Ừ! Tại ông thích thế.
- Ông không thích câu khác hở ông?
Lão Thân đưa tay vuốt chòm râu bạc, cười nhẹ:
- Những câu khác không hay bằng hai câu này.
Thằng Út vỗ tay:
- À, cháu biết rồi!
- Cái gì?
- Câu thơ nào có “rượu” là ông thích phải không?
Lão Thân tát yêu thằng Út một cái:
- Thằng ranh con! Nói tầm bậy nà. Hay là tự nó hay chứ đợi gì có rượu!
- Thế rượu Trung Sơn là rượu gì hở ông? Có quán nào là quán Trung Sơn không ông?
- Tầm bậy nữa, cháu còn nhỏ chẳng biết rượu Trung Sơn đâu.
- Thế ông có uống rồi hở? Rượu Trung Sơn ngon lắm hở ông?
Lão Thân co cả hai chân lên giường, ngồi như một ông đồ xưa. Thằng Út lại xích gần theo. Lão Thân giải thích:
- Rượu Trung Sơn là “thiên nhật tửu”, nấu ở đất Trung Sơn bên Tàu lận mà. Rượu đó uống vô thì say luôn một ngàn ngày, quên hết mọi chuyện, khi hết say rồi thì thấy mọi chuyện đều thay đổi.
- À… , nghĩa là… thí dụ như đang có đánh nhau, uống rượu vào say một ngàn ngày, khi tỉnh dậy… thấy hết đánh nhau hở ông?
- Giỏi đa! Thằng… nói đúng quá!
- Rượu hay thật, vậy nó có ngon hơn rượu đế hạng nhất không ông?
Lão Thân ngơ ngẩn:
- Tầm bậy nà! Ông… đâu có biết.
- Ủa! – Tới lượt thằng Út ngơ ngác – Vậy… sao ông rành thế?
Lão Thân bật cười:
- Có đâu mà uống! Ông cũng chưa thấy, chưa biết rượu đó nữa. Coi trong sách họ giảng sao thì mình hiểu vậy chứ!
- Ngộ há ông! Vậy ông có thích rượu đó không?
- Rượu Trung Sơn ấy à? Thích lắm chứ! Ông ước có ai mang cho ông một ít rượu đó để ông uống thử coi…
Đôi mắt lão mơ màng, lão nói nhỏ lại:
- Say đến ngàn ngày, tỉnh ra... hỏi đã thái bình chưa… Sướng há, “thằng chó con”!
- Dạ, sướng thiệt đó ông!
Thằng Út hay phụ họa vào với lão cho vui, chứ nó ít hiểu chuyện gì. Nó chỉ thấy lão Thân là một người có nhiều chuyện giấu trong lòng, mà nó là đứa được nghe những chuyện đó nhiều hơn mọi người. Nó chỉ thấy lão Thân không phải là một lão già say ngu ngơ như ai cũng tưởng. Nó hiểu lão Thân không “tầm thường” đâu. Bằng cớ là lão thuộc thơ, ngâm thơ, và cả giảng nghĩa thơ nữa. Nó mới học tới lớp bốn, chưa hiểu nhiều chuyện xa xôi. Nó chỉ mới biết say mê những đứa bằng tuổi nó được “truyền hình” – nó đi coi “ké” mà! – miệng chúng nói làu làu “Dạ thưa cô em xin dự thi với đề tài câu hỏi thường thức lớp bốn”.
Đối với nó, thuộc câu hỏi thường thức lớp bốn đã là một điều khó khăn rồi. Nó học rất kém, mặc dầu nó chẳng lười biếng gì cho lắm. Vậy mà lão Thân lại thuộc thơ như nằm lòng. Lão đã già mà nhớ dai vậy, thì chắc không phải là “tầm thường”. Lão biết cả chuyện rượu Trung Sơn bên Tàu, vậy là lão tài lắm. Nó thấy thương lão như thương ông ruột của nó. Bao nhiêu tình thương mất mát nhiều ở nó. Nó chỉ còn bà mẹ. Tự nhiên nó ao ước giá có rượu Trung Sơn, nó sẽ xin tiền má nó đi mua ngay cho lão uống. Lão uống rồi, say ngàn ngày… Khi lão tỉnh ra, nó sẽ hỏi lão trong khi say đó lão thấy gì, lão nghe gì… Chắc phải lạ lùng và thú vị lắm.
Bỗng nhiên Thằng Út nghe một tiếng thở dài. Nó ngẩng nhìn lão Thân. Căn buồng tối mờ mờ, nhưng nó cũng nhận ra đôi mắt của lão sáng long lanh. Lão quay người, ôm nó vào trong đôi cánh tay.
- Út à!
- Dạ?
- Cháu đi học, đi ra ngoài đường, ngoài chợ, có nghe “họ” nói cái gì không?
- Nói chuyện gì hở ông?
- Thì… họ có nói bao giờ hết đánh nhau không?
- Cháu đâu có nghe gì!
Như nhận ra sự lẩm cẩm của mình, lão Thân lại cúi đầu thở dài. Lão sống ở đây, trong khu xóm nhỏ bé, như một người mù. Lão chẳng biết những chuyện gì đang xảy ra, ngoài những tin tức nghe lỏm được. Chỉ có một điều lão biết rõ ràng nhất: đó là chiến tranh vẫn còn. Lão chờ đợi, lão trông mong ngày bình yên. Lão nghĩ đến quê lão, làng lão, con lão… luôn luôn trong đầu. Chẳng ai bàn chuyện gì với lão. Thư từ chưa đến tay lão một lần. Cuộc sống của lão cô độc, nhạt nhẽo quá! Đến nỗi bây giờ lão đâm ra vớ vẩn hỏi cả thằng bé con như thằng Út. Mà nó có biết gì hơn lão đâu! Nó hồn nhiên, hồn nhiên ngay đến những lúc chạy loạn, trốn hỏa tiễn… Nó chỉ thích nghe kể chuyện – bất cứ chuyện gì, thích đi coi “ké” truyền hình để rồi ước mơ được đi dự thi với đề tài câu hỏi thường thức lớp bốn, và nó chỉ thích đi mua rượu cho lão uống – cái thói quen thật dễ thương của thằng bé. Giá mà thằng con của lão đang ở bên lão như thằng Út nhỉ! Lão thấy nhớ con của lão quá chừng!
Có tiếng thím Hai gọi trước cửa. Thằng Út rời lão, chạy ra ngoài. Lão Thân cũng cảm thấy mi mắt nặng trĩu, có lẽ vì uống rượu khá nhiều. Lão ngả người nằm xuống giường. Ở nhà ngoài vang lên tiếng dọn dẹp bàn ghế, tiếng cất gánh, tiếng dựng chổi… Và một chốc sau, lão nghe tiếng vo gạo sột soạt của thằng Út ở sau hè.
*
Lão mới nhắm mắt được một chút, chợt nghe tiếng thằng Út reo to trước nhà:
- Ông ơi! Ông ơi! Có thơ của ông!
Lão ngồi bật dậy. Cái gì? Thơ của lão! Ai gửi cho lão? Thằng Út chạy vào buồng. Nó giơ tay lên: một phong thư. Lão vẫn trố mắt nhìn. Thằng Út kêu lên:
- Ông phát thơ đến bỏ thơ ở nhà cũ của ông. Thằng con bà chủ nhà đưa lại cho cháu.
Lão vẫn ngạc nhiên:
- Mà của ai đó?
Thằng Út đọc ở góc trái đầu phong bì:
- Người gởi: Trần Văn Tiên, Quảng Trị.
Lão Thân bỗng run lập cập. Giọng lão xúc động:
- Thằng Tiên… thằng Tiên hả?
- Ai vậy ông?
- Thằng Tiên… Cháu không nhớ sao? Thằng con của ông…
Thằng Út cũng la lên, vui lây. Lão Thân giật cái thư, tay run run cầm đưa ngang lên tầm mắt nhập nhèm. Hàng chữ mờ mờ trước mắt lão. Lão nhớ rằng mình đã làm mất cặp kính từ hồi nào. Lão chẳng thấy chữ gì rõ ràng. Lão chỉ thấy những hàng chữ mực xanh thân yêu của thằng con lão. Ngắm đã, lão đưa cái thư cho thằng Út:
- Đâu cháu đọc giùm ông, coi nó viết cái gì đó.
Rồi trong khi thằng Út xé phong bì, lão cứ lẩm bẩm:
- Chao ơi! Thằng Tiên… thằng con của tôi…
- “Kính thưa ba má,
“Con xin ba má tha tội cho con, vì mấy năm nay con không viết thư thăm ba má. Con thật có lỗi với ba má biết bao nhiêu. Nhưng để con sẽ nói lý do sau. Điều trước hết con muốn biết là ba má ở trong Sài Gòn có bình an và mạnh khỏe không. Ba giờ còn đi làm không? Còn má nhận nuôi con nít có khá không?...”
Lão Thân ngắt lời:
- Tội nghiệp thằng con tôi! Nó vẫn không hay biết gì. Nó đâu có biết má nó chết, ba nó ăn nhờ ở tạm như vầy. Khổ chưa! Mấy năm rồi chứ!... Đâu, đọc tiếp coi Út!
- “Kính thưa ba má, về phần con cũng rắc rối lắm! Sở dĩ mấy lâu nay con không có tin gì cho ba má là bởi vì ngoài xứ mình đánh nhau liên miên. Nhà của bác cháy rụi cả. Bác đem các anh các chị và con di tản vào Quảng Nam, rồi Quảng Ngãi. Ở đâu cũng không yên. Con phải lo lắng việc nhà cửa với bác, phần phải chạy nay đây mai đó nên con không liên lạc được gì với ba má. Nhiều lúc con cầm viết lên sắp viết thì phải buông xuống mà chạy tránh đạn. Khổ lắm ba má ạ.”
- Tội nghiệp con tôi chưa!
- “Chạy mãi mà cũng không yên, bác lại quyết định về lại làng. Ngày về chẳng còn thấy gì hết ba má ơi! Làng ta thành bình địa cả rồi! Bác với tụi con lo dựng lại nhà cửa. Xong rồi con lại phải tìm việc đi làm giúp bác. Không lúc nào con rảnh rang. Con thương bác lắm nên con gắng làm thật nhiều để đỡ cho bác gánh nặng. Nhiều khi con quên bẵng ba má ở trong đó. Con thật có lỗi vô cùng. Xin ba má đừng trách con, vì sống ở ngoài này mãi rồi con người mất đi sự bình thường. Có người sau trận chiến trở nên ngớ ngẩn, không khóc không cười gì được, cứ lặng lẽ như một cái bóng cả ngày. Con của ba má không đến nỗi như vậy, nhưng cũng đã hơi đãng trí rồi. Con vẫn mạnh khỏe và dẻo dai lắm, vì con làm việc tay chân nhiều nên ít ốm đau, con tin để ba má mừng….”
- Ai mà trách thằng con có hiếu như vậy được phải không Út? – Lão Thân nói trong khi mắt vẫn nhìn lá thư chăm chú.
- Dạ, anh ấy viết thư hay ghê há ông!
- Tao thương nó quá!!!... Đọc tiếp đi con!
- “Chết! Con thật đãng trí vô cùng. Có một cái tin thật vui, thật quan trọng mà con quên không nói, giờ mới nhớ ra. Thưa ba má, tin vui lắm! Con tình nguyện vào quân đội, họ chấp thuận rồi. Con sắp vào Sài Gòn để trình diện và học tập. Và, vui lắm ba má ơi, con vô thăm ba má…”
- Hả? Cái gì?... Nó vô đây?
- Dạ, anh ấy vô thăm ông – Thằng Út hân hoan.
Lão Thân mừng ríu cả lưỡi. Thằng con lão sắp vào thăm lão? Trời ơi! Vui quá! Bất ngờ quá!
- Rồi làm sao nữa, Út?
- “Con sợ đường sá trong Sài Gòn lắm! Có khó tìm nhà không hở ba má? Mà chẳng sao, con là con trai mà, con sắp đi lính rồi, con sợ làm chi? Con sẽ hỏi người ta chỉ đường vậy. Con tưởng tượng khi gặp lại ba má, mừng biết bao nhiêu! Ngày xa ba má, con còn bé chút xíu. Bây giờ con khá lớn, ba má lại đã già. Con thương ba má ghê! Chắc chắn ngày mồng một tháng hai con sẽ đến Sài Gòn. Ba má nhớ chờ con ba má nhé! Thôi vài hàng vắn tắt thăm ba má, con mong ngày vô Sài Gòn lắm! Lúc gặp ba má, con sẽ kể chuyện ngoài này cho ba má nghe thiệt nhiều. Để con sẽ ghé chỗ nào bán rượu ngon mua cho ba một chai và mua cho má ít gói mè xửng. Ngoài này tan tành hết nhưng con nhất định tìm vài thứ quà xứ mình đem vô ba má. Cầu xin ba má mạnh giỏi luôn con mừng. Con của ba má. Tiên”.
- Hết rồi hả con?
- Dạ hết rồi ông.
Lão Thân cầm lấy lá thư, bàn tay vuốt ve trên trang giấy như đang vuốt ve đứa con yêu của lão. Chao ôi! Lão mừng quá! Đứa con cưng đáng thương của lão sắp vào đây. Lão sắp được gặp mặt nó. Lão chưa hết xúc động đã nghe thằng Út la lên:
- Í, ông ơi! Hôm nay ngày mồng một tháng hai ông ơi!
Trời ơi! Lão nghe tim lão đập thật nhanh, thật mạnh… Sự việc bất ngờ quá! Lão lặng người. Mồng một tháng hai! Ngày con lão vào đây với lão. Ngày hôm nay ư??? Lão nhìn quanh căn buồng. Lão nhìn thằng Út. Lão nhìn bàn tay lão, nhìn lá thư của con lão… Lão không biết nói gì. Thằng Út nhìn lão, đợi chờ… Chưa bao giờ, kể từ sau khi vợ bác chết tới nay, lão xúc động mạnh mẽ như vậy. Gặp lại con trai lão! Gặp ngay hôm nay! Lá thư thương mến của con lão! Gương mặt của nó, hình hài của nó… Hôm nay lão sẽ thấy lại nó sao? Trời còn thương lão ư???
Lão bần thần gọi:
- Út ơi!
- Dạ, chi ông?
Lão trở nên ngớ ngẩn như say rượu:
- Làm sao? Làm sao hả Út?
Thằng Út buồn cười quá! Nó lắc đầu:
- Làm cái gì hở ông?
Hai ông cháu ngó nhau. Rồi bỗng cả hai cùng rộ lên cười. Lão Thân siết vai thằng Út, cười khoái trá. Tiếng cười của lão nghe hân hoan hơn bao giờ hết, nghe ròn rã vang dội cả căn nhà.
Và thằng Út đã nghĩ ra phải làm gì. Nó bảo:
- Cháu biết rồi ông ơi! Làm gì ông biết không?
- Cái gì? Mày nói cho ông nghe coi.
- Mua món nhậu về đãi anh Tiên.
Lão Thân vỗ tay “đét” một cái, thích thú:
- Ừ, giỏi đa! Mua món nhậu! Mua cái gì?
- Cháu mua đậu phọng chà, đậu phọng da cá, khô mực, khô cá…
- Cả rượu nữa chứ!
- Dạ. Ủa, mà anh ấy có uống rượu không ông?
- Chẳng biết nữa, nhưng đã có ông uống mà!
Lão Thân giở tấm chiếu lên: một gói giấy nhỏ bên dưới. Lão cẩn thận mở ra. Thằng Út thấy những đồng bạc lẻ trong đó: tiền của lão để dành khi có ai cho. Lão tẩn mẩn đếm từng đồng, rồi trao cả cho thằng Út:
- Đây, cháu giữ lấy, chút nữa ra mua dùm ông nghen!
- Đi bây giờ nghen ông! Kẻo anh ấy vô bất ngờ đó.
- Ừ đi bây giờ đi.
Thằng Út nhanh nhẹn chạy ra. Nó còn cố ngoái lại:
- Mua cá khô, mực khô, đậu phọng há ông!
- Ừ, nhớ cả rượu nhé!
Thằng Út ráng nói đùa thêm:
- Rượu Trung Sơn hở ông?
- Ấy đừng! Ông chả thích rượu ấy nữa.
Bóng thằng Út khuất dần. Lão Thân quay vào, nói một mình:
- Uống rượu Trung Sơn, say ngàn ngày, làm sao gặp con, hở???
*
Lũ trẻ vây quanh người phát điện tín, lúc ấy đang càu nhàu:
- Sao lại không có tên này? Thế nghĩa là sao?
Thằng Út rẽ đám đông, lại gần người ấy. Một đứa trẻ bảo nó:
- Mày về kêu ông già Thân ra nhận điện tín. Của ổng kìa!
- Cái gì? Điện tín hở?
Thằng Út nói với người nhân viên bưu điện:
- Ông chờ chút nhé ông.
Rồi nó chạy vào nhà, gọi lão Thân. Lão đang ngồi trong buồng, trước “tiệc rượu” của lão. Đó là cái ghế đẩu thấp mượn của thím Hai, trên có bày một đĩa đậu phọng, một đĩa khô mực và một chai rượu. Lão đã ngồi như thế từ nãy, sau khi cùng thằng Út dọn dẹp bớt những vật thừa thãi và bày “tiệc” chờ con của lão. Nghe nói có điện tín, lão vội vã đi ra với thằng Út. Lão đến trước căn nhà của vợ chồng lão trước kia. Lão hỏi người phát điện tín:
- Của tôi hả ông?
- Ông là Trần văn Thân phải không?
- Phải.
- Ông ký tên để nhận điện tín.
Lão Thân hí hoáy ký tên. Người nhân viên bưu điện, sau khi trao bức điện tín cho lão rồi, leo lên xe đạp, càu nhàu:
- Tụi trẻ nít ấm ớ, thiệt ghét!
Lão Thân cầm bức điện tín trên tay, thắc mắc:
- Của ai vậy kìa?.. Đâu Út mày đọc coi thử.
Thằng Út lật ngang, lật dọc bức điện tín, tìm tên người gửi. Trước giờ có khi nào nó đọc loại này đâu! Có, có chứ! Có độc một lần thôi, cái bức điện tín duy nhất trong thời ấu thơ của nó, mang đau thương đến cho nó, cho mẹ nó. Mà lần đó nó cũng chưa đọc kịp, mẹ nó đã giật lấy đọc trước, đọc vội vã, để rồi mẹ nó vật người, chết lịm. Bức điện tín báo tin ba nó tử trận!... Nó vẫn chưa bao giờ cầm lại bức điện tín quái ác đó để đọc xem những chữ trong ấy ghê gớm đến đâu, mà hiện giờ vẫn còn nằm trong lư hương trên bàn thờ ba nó. Và nó cũng chưa bao giờ nhận, hay đọc một bức điện tín nào khác nữa. Nó vẫn có cái ám ảnh là tất cả mọi bức điện tín đều ghê sợ. Thế nên, cầm bức điện tín gửi cho lão Thân trên tay, nó lại nghĩ đến điều ám ảnh đó. Tự nhiên nó nghe người nó ghê ghê…
Rốt cuộc, nó đã tìm thấy dòng chữ nó muốn tìm. Nó đọc:
- Trần Tùy, số…đường… Quảng Trị.
- Là bác thằng Tiên! – Lão Thân kêu lên.
Thằng Út lật vào trong. Những chữ đánh máy có dấu kỳ lạ khó coi, khó hiểu. Nó mò mẫm một lát mới đọc được từng chữ:
- “Thằng… Tiên… trúng… đạn… chết. Tôi… đã… chôn”
Gai ốc bỗng nổi lên khắp người thằng Út. Nó nghe lão Thân hỏi nó, giọng kinh hoàng:
- Cái gì??? Mày đọc… cái gì vậy Út?.. Mày…
Thằng Út quay lại. Nó toan nói, thì lão Thân đã lầm lũi đi thật nhanh vào ngõ hẻm tối. Nó tựa lưng vào một thân cây, bàn tay cầm bức điện tín như sắp buông rơi. Nó không dám đi theo lão Thân. Nó nghe đầu tê tê, và mũi cay lạ lùng.
“Cái gì???”, câu nói của lão Thân như vang, như đập trong màng tai nó. Con của lão Thân đã chết? Con lão bị trúng đạn chết, đã chôn! Thật thế ư? Và… thật nhanh, thật rõ ràng, mâm “tiệc” của lão Thân hiện ra trong đầu nó. Khô mực, đậu phọng, chính nó đi mua mà! Chai rượu cũng chính nó chọn mà! Khô mực có thơm không? Đậu phọng có dòn không? Rượu có ngon không? Mà anh ấy chết rồi!!!
Từ buổi trưa, hai ông cháu lui cui dọn từng cọng rác, quét từng mạng nhện, sắp xếp để căn buồng gọn ghẽ lại. Chính nó đã chống cánh cửa sổ lên cho căn buồng khỏi tối tăm như trước. Lão Thân vừa dọn giường, vừa ngâm thơ vui. Tin mừng đến bất ngờ quá, khiến lão không biết làm gì. Lão hỏi thằng Út quáng cả lên: “Bàn đâu? dọn làm sao? Cháu đi đón ngoài ngõ nhé! Ông ngồi chờ, khi nó vô ông “hù” nó nhé! Chắc nó tìm tới nhà cũ của ông há! Nó sẽ ngạc nhiên lắm há! Rồi ông nói rằng má nó chết làm sao, chắc nó sẽ khóc nhỉ! Tối cháu vô trong này nói chuyện với ông, với nó nghen! Mai cháu bắt anh cháu dẫn nó đi xi-nê nghen!”
Út đã “cúp cua” một buổi để phụ giúp lão, má nó cũng không rầy. Má nó cũng vui lắm, hứa mai sẽ đãi anh ấy một bữa mì. Suốt buổi chiều lão Thân cứ đi vào, đi ra, nóng cả ruột. “Chẳng biết nó đi bằng gì nhỉ? Tới đây mấy giờ? Nó tìm nhà có được không? Khéo nó lại lạc đường! Út mày đi ra chỗ nhà cũ của ông đứng chờ coi có ai tới hỏi thì đúng là nó!” Và thằng Út đã đi ra, nó đã gặp người phát điện tín…
Tia nắng chót còn cố vương trên cành cây, đậu một chút xuống mái tóc bụi bặm của thằng Út. Bức điện tín màu xanh thúc thủ giữa mấy ngón tay hờ hững của thằng bé, thật vô duyên. Cùng trong một ngày, một lá thư và một bức điện tín mang hai tin vui – buồn đến cho lão Thân. Thằng Út muốn quăng nó đi, nhưng mấy ngón tay của nó vẫn giữ lại. Nó thấy nghẹn ngào ở cổ làm sao!
Nó thất thểu đi về nhà. Ngõ hẻm tối sầm. Nhà của nó cũng tối sầm. Chung quanh nó lạnh lẽo kỳ lạ. Nó nhìn những sợi khói mỏng trên bát nhang giữa bàn thờ của ba nó đang vươn lên. Gương mặt ba nó buồn buồn. Khắp cả nhà đều buồn buồn. Nó muốn đá hất cái ghế, cái chổi cho cái không khí ghê ghê này tan đi. Nhưng nó sợ, nó sợ làm rộn lão Thân. Tự nhiên nó e dè sợ sệt như ngày đầu tiên đi học. Ngày đó nó sợ thầy giáo. Bây giờ nó sợ gặp lão Thân, nó lại chẳng dám bước vào buồng. Không nghe một tiếng động nào, nó nhè nhẹ dón chân vào.
Trên chiếc giường cũ nát, trước “tiệc rượu”, lão Thân ngồi gục đầu như một pho tượng đồng đen. Mặt lão giấu sau đôi bàn tay khô đét. Không một tiếng khóc. Không một lời nói. “Tiệc rượu” vẫn nguyên vẹn và trang nghiêm đợi chờ. Thằng Út đứng tần ngần một phút, và nó lại quay lưng rón rén đi ra. Nhưng tiếng lão Thân gọi giật nó lại:
- Út ơi!
- Dạ, chi ông?
- Lại đây, con!
Thằng Út tiến lại phía lão. Lão nhoài người ôm siết thằng bé trong tay. Mắt lão ngó đăm đăm vào khoảng không. Tiếng nói như thoát ra khỏi cổ họng một cách khó khăn:
- Chút cháu đem mấy thứ kia ra ngoài, để chai rượu lại cho ông thôi.
- Dạ!
- Ông uống, rồi ông lại ngâm thơ cho mày nghe…
Sau khi nốc hết chai rượu, lão Thân nằm vật ra giường, thở dài. Thằng Út hết chịu đựng nổi, nước mắt nó tuôn ra. Nó khóc dùm cho lão. Căn buồng tối om, lão không hề biết nó khóc. Khề khà, lão lại ngân nga câu thơ buồn:
-“Có rượu… ư… Trung Sơn… cho lũ… tớ… ư…
Tỉnh… ra…ư… hỏi đã… thái bình… ư… chưa?”
Giọng lão kéo dài ra, chua xót. Thằng Út thấy thương lão vô cùng…
NGUYỄN THỊ MỸ THANH