Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2019

Trái Dừa Kỳ Lạ


Trong một gia đình dân Chàm nọ, chỉ có hai vợ chồng già ở với nhau trong túp lều nghèo nàn xiêu vẹo. Ông chồng rất ác nghiệt lại ưa làm biếng. Mọi việc cực nhọc đều do một tay bà vợ lo toan hết cả.

Một hôm, bà ta phải đi chặt cây trong rừng. Bà đã đốn được nhiều cây, tay đã mỏi và miệng thì khát khô, nhưng giữa những gốc cây già và đá tảng rêu mốc chẳng thấy chỗ nào có nước. Bà chán nản liệng cây rìu một xó, đi loanh quanh. Bỗng nhiên bà nhận thấy một giòng nước trong mát từ một hốc đá chảy ra, bà vội cúi xuống uống nước một cách khoan khoái dễ chịu. Sự mệt mỏi đã biến mất, bà vui vẻ chất cây lên xe, trở về nhà.

Ít lâu sau, người vợ già nua sinh hạ một đứa con dị hình. Mình đứa nhỏ sơ sinh giống như một trái dừa, hai đầu hơi nhỏ và dài ; nó không có chân tay, còn đầu thì dính liền với mình. Mắt và miệng, cũng như tai đều nhỏ và chìm, không rõ, không nổi bật như mặt mũi người ta.

Sau khi thằng nhỏ Trái Dừa ra đời được ít lâu thì cha nó chết.

Người vợ già nua cảm thấy mình cô đơn, buồn thảm. Bà nghĩ bụng giờ đây chẳng biết làm gì để sinh sống. Đứa con như vậy không thể làm việc thay thế, khi bà đã đuối sức. Nhưng niềm lo âu đó thực là sai lầm.

Bé Trái Dừa lớn lên rất mau lẹ, nhưng thân mình nó trước sau, sao vẫn cứ như một trái dừa ngộ nghĩnh. Được bảy tháng thì nó biết nói. Và lúc lên một tuổi, nó biết bò, nó lăn đi khắp các xó nhà, và bò ra chơi giữa rừng rậm. Lên bảy tuổi, nó biết chăn dê.

*

Ngày kia, Trái Dừa nói với mẹ nó dẫn vào kinh đô để giúp việc cho nhà vua. Nó nói: "Con sẽ ở chăn trâu cho Vua, để lấy tiền nuôi mẹ". Bà già cho là nó không thể làm nổi công việc khó khăn ấy, bà la rày nó: "Con nghĩ xem, ở nhà ta chỉ có ba con dê mà lúc giao cho con chăn giữ mẹ còn lo nó sẽ đi lạc mất. Đàn trâu của đức Vua có hàng ngàn con, làm sao canh giữ cho được, vì con không có chân tay..."

Thằng Trái Dừa không chịu cứ năn nỉ luôn miệng, nên mẹ nó đành phải xin cho nó được gặp mặt Vua.

Lúc bà già dẫn thằng Trái Dừa vào trong triều, và xin cho nó được ở chăn trâu, Vua nghe rồi mỉm cười, ngài phán:

"Bầy trâu của trẫm đông tới ba ngàn con. Hiện nay vẫn có ba chục quân lính chăn giữ mà vẫn còn lạc mất luôn luôn. Con bà làm sao có thể trông giữ mà khỏi lạc trâu?"

Suy nghĩ hồi lâu rồi sau nhà vua cũng ưng chịu cho Trái Dừa ở lại làm việc. Ngài nghĩ bụng sẽ được chứng kiến cảnh tượng vui mắt, khi thằng nhỏ Trái Dừa để trâu chạy tán loạn và ngài lại phải sai lính đi đuổi bắt trâu về.

Sớm hôm sau, quân hầu mở cửa hết mọi chuồng trâu, thả chúng ra.

Một tên lính để thằng nhỏ Trái Dừa trên lưng trâu rồi đuổi nó ra bãi cỏ rộng mênh mông. Bọn lính trở về ôm bụng cười nhạo thằng Trái Dừa.

*

Nhà vua sinh được ba nàng công chúa. Ngài bắt các nàng tập vào nội trợ và việc nhà cho thông thạo. Một cô lãnh việc đưa cơm nước cho Trái Dừa.

Lúc ra tới đồng cỏ, nàng công chúa chẳng thấy bóng anh mục tử đâu cả nhưng bầy trâu vẫn gặm cỏ và đi lại từng đàn có trật tự. Cô ta gọi lớn:

"Anh Trái Dừa ơi, anh ở đâu mà tôi kiếm tìm cùng khắp không ra" 

Nàng vừa kêu dứt lời thì Trái Dừa đã lăn tới đầu ngón chân, và lên tiếng đáp: "Tôi đây mà!".

Trái Dừa lăn lại gần mâm cơm ăn hết. Xong đâu đấy, nàng công chúa ra về.

Chiều đến, Trái Dừa nhảy lên lưng một con trâu, rồi lùa hết bầy trâu về chuồng. Trâu về vẫn còn đủ số, chẳng lạc con nào. Nhà vua lấy làm lạ lắm.

Sáng hôm sau, ngài trao cho Trái Dừa một con dao quắm và dặn nó hái về một mớ dây leo.

Buổi trưa hôm ấy, nàng công chúa đưa cơm nấp rình đàng xa, coi thử anh Trái Dừa làm cách nào để cắt dây leo và lùa trâu. Nàng phải kinh ngạc vì khung cảnh lạ mắt bất ngờ trong bãi cỏ thả trâu: Rất nhiều người, đàn ông đàn bà và thanh niên trai gái đang chia nhau kẻ thì giữ trâu người thì cắt cành dây leo, thật là vui vẻ nhộn nhịp. Bấy giờ nàng mới hiểu rõ là Trái Dừa có một quyền năng kỳ diệu.


Ngắm xem hồi lâu, nàng mới lên tiếng:

"Này anh Trái Dừa ơi, ở đâu ra mà ăn cơm".

Trái Dừa nghe gọi tên mình bèn tức tốc ra lệnh cho đám người làm giúp độn thổ hết, rồi chàng lăn gần tới bàn chân công chúa ăn cơm trưa.

Hôm đó, công chúa về trễ bị vua cha quở trách, nhưng nàng vẫn giữ kín những gì tai nghe mắt thấy khi nãy, nàng chỉ xin lỗi cha mà không tiết lộ sự lạ ở ngoài bãi cỏ.

Khi công chúa đi rồi, Trái Dừa lại cho đám người kia lên làm việc. Họ quấn dây leo vào sừng trâu và dắt từng con về chuồng. Khi có bóng người tiến lại gần, Trái Dừa bảo họ độn thổ ngay. Đàn trâu về chuồng trong vòng trật tự, và con nào con nấy đều mang về một mớ dây leo, để làm rào. Người ta lấy dây leo, chất thành đống ước độ ba chục xe chuyên chở mới hết.

Hôm sau, nàng công chúa đưa cơm lại ẩn núp gần bãi chăn trâu để xem sự gì sẽ xảy ra. Một cảnh lạ mắt khiến nàng sửng sốt: ngoài những người giúp việc, lại còn nhiều thú vật như voi, hổ, gấu, bò rừng, hươu, nai, và nhiều giống vật khác đang vây quanh thằng Trái Dừa. Cùng lúc đó nàng còn nghe âm nhạc văng vẳng từ trên cao, giúp vui thằng Trái Dừa. Vì muốn kiếm xem Trái Dừa ở chỗ nào, công chúa leo lên một cây lớn và cao để nhìn cho rõ thì thấy một người nhỏ xíu ở trong trái dừa chui ra, hắn lớn một cách mau lẹ. Đó là một chàng dáng vẻ chững chạc, khôi ngô, y phục chỉnh tề, lộng lẫy. Công chúa thấy những kẻ giúp việc chăn trâu và thú vật đều nhất tề cúi đầu chào chàng rất kính cẩn. Nàng cảm động, vội tụt xuống đất.

Chàng Trái Dừa như chợt nhớ ra là đã tới giờ ăn, nên vội ra lệnh cho người vật phải độn thổ hết. Chàng ta cũng thu mình lại, chui vào trái dừa.

Vừa nghe công chúa gọi tên mình, là Trái Dừa đã lăn tới bàn chân nàng. Công chúa nói:

"Anh kính mến, xin mời anh dùng cơm".

Trái Dừa nghe vậy vội hỏi nàng:

"Tại sao nàng gọi tôi là anh? Tôi chỉ là kẻ giúp việc của nhà vua. Hãy gọi tôi là Trái Dừa như trước được rồi".

Nàng công chúa e thẹn, ngập ngừng nói nhỏ:

"Trước kia em chưa hiểu rõ anh ; nhưng bây giờ em nhận thấy anh đã chăn giữ đàn trâu rất cẩn thận. Anh lại cắt được nhiều dây leo đem về cho cha em làm tường rào. Một tay anh giúp đỡ cha con em nhiều lắm. Em rất cảm kính nên từ nay em phải gọi anh là anh".

Ngày khác vua cha sai các cô lớn thay phiên nàng út để đưa cơm, nhưng chẳng cô nào nhận việc, vì họ rất ghét Trái Dừa. Cô út lại vẫn được sai đi như lệ thường. Cô tỏ ra có nhiều cảm tình với Trái Dừa, và chàng cũng nghĩ thầm sẽ lấy được nàng.

Một hôm, Trái Dừa kể rõ nỗi lòng mình cho mẹ chàng nghe. Bà buồn rầu phân trần: "Tại sao dám mơ ước điều đó? Con không có tay chân, thân hình của con thật xấu xí. Làm sao con có thể sánh đôi với nàng công chúa trẻ đẹp như vậy? Mẹ không thể đi hỏi nàng cho con được".

Chàng Trái Dừa cứ một mực nài nỉ mẹ đi hỏi cho kỳ được. Thế rồi ít lâu sau, bà mẹ cũng đành xin yết kiến vua để nói lại lời thỉnh cầu của Trái Dừa.

Nghe bà nói, nhà vua rất vui vẻ nói với mẹ của Trái Dừa:

"Tôi rất mến con trai của bà, nó đã giúp đỡ tôi nhiều việc nặng nề khó khăn, nên tôi bằng lòng muốn cho Trái Dừa làm rể. Giờ chỉ còn một việc đáng lo, là chẳng biết trong ba đứa con gái của trẫm đây, đứa nào sẽ ưng chịu làm vợ Trái Dừa".

Nhà vua cho gọi cả 3 cô con gái lại để hỏi ý: Cô lớn nhất và cô chị của nàng công chúa vẫn đem cơm cho Trái Dừa, khi nghe cha hỏi đều sợ hãi từ chối. Riêng nàng út thì vui vẻ nhận lời.

Đám cưới được sửa soạn rất công trình. Vua truyền cho quân lính lập giàn giữa rừng, giết hươu, nai, thỏ, công và các thứ chim để toàn dân cùng chung vui trong 3 ngày.

*

Sau khi lấy vợ, chàng Trái Dừa chui ra khỏi vỏ dừa mỗi buổi sáng. Chàng tâm sự với vợ không giấu giếm chuyện gì. Về nguyên nhân ẩn mình trong vỏ dừa chàng nói:

"Hồi trước, Chúa sơn lâm thấy một bà lão nghèo nàn đáng thương hại vào rừng nhặt cành cây khô, mệt lả và khát nước. Ngài hóa phép cho ngọn suối hiện ra để bà uống cho đỡ mệt. Nước suối ấy có sức mầu nhiệm khiến con bà sinh ra sẽ có một quyền năng tuyệt diệu".

Nàng công chúa không muốn cho chồng mình chui vào vỏ dừa nữa. Một đêm nàng rình lúc chàng ngủ say vội đem vỏ dừa giấu kỹ một nơi. Khi tỉnh dậy, chàng lạnh quá, mà tìm mãi không thấy vỏ dừa đâu. Công chúa vội đi lấy mền đắp cho chồng và đốt củi cho ấm.

Lúc đầu chàng nhớ cái lốt cũ, nhưng được dăm ngày sau, chàng thấy không cần tới vỏ dừa nữa. Vợ chàng thấy vậy, mới nhận là nàng đã giấu vỏ dừa đi, để hai chị không còn rầy la nàng về chuyện chồng xấu.

Nghe vợ nói như vậy, Trái Dừa không nhịn cười được, chàng âu yếm bảo nàng:

"Em nên biết rằng Chúa sơn lâm ngài cũng có lý do riêng khi bắt anh phải đội lốt như vậy. Bây giờ mất cái lốt đó, anh có thể mắc lỗi. Dù sao anh muốn em hãy bỏ qua, đừng buồn phiền vì những lời trách móc của các chị".

Chẳng bao lâu cả triều đình lẫn dân gian đều biết rằng chàng phò mã nay đã thoát bỏ cái trái dừa, và đó là một người khôi ngô, minh mẫn. Mọi người đều tỏ lòng hân hoan, mừng công chúa tốt bụng đã tìm được hạnh phúc. Riêng có hai người chị lại càng tỏ ra ác cảm với người em gái hơn trước.

Một hôm, chàng dắt vợ về thăm mẹ. Bà không thể tin rằng chàng trai tuấn tú như kia chính là thằng Trái Dừa. Bà nói:

"Có thật vị quan sang trọng này là con trai tôi chăng? Một đứa trẻ dị hình chẳng có tay chân gì cả, lúc trước nó vẫn chăn dê cho tôi mà giờ nó đẹp trai thế này sao?"

Người vợ trẻ nhất quyết nói với bà già, đó chính là Trái Dừa không sai. Rồi nàng kể lại những gì mắt thấy tai nghe, hồi nàng còn đem cơm cho Trái Dừa ngoài bãi chăn trâu cho bà tin chắc. Nói xong, nàng ôm chặt mẹ chồng và trao tặng bà một giỏ đầy bánh trái thật ngon.

*

Hai người chị độc ác giờ đây rất ghen ghét em gái út, và đều rắp tâm tìm dịp phá tan hạnh phúc của nàng.

*

Ít lâu sau, phò mã cảm thấy cuộc sống êm trôi trong cung điện thật buồn chán, bèn đóng một con tàu buôn để có dịp đi đây đi đó. Chàng cho vợ đi theo. Hai cô chị cũng xin đi cùng.

Trước khi xuống tàu ra khơi, chàng trao cho vợ một cái nhẫn (cà rá) có mặt bằng ngọc thạch. Chiếc nhẫn này còn có nhiều ích dụng kỳ lạ. Công chúa út rất quí tặng phẩm thân yêu ấy, nhưng không chú ý đến công dụng lớn của nó. Hai người chị thì biết rõ nên họ để tâm rình rập, chờ dịp làm hại em.

Khi tàu đã rời bến, công chúa út ra sau tàu trò chuyện vui vẻ với các chị. Một cô mượn chiếc nhẫn coi, họ chuyền tay nhau nô rỡn rồi giả lỡ tay cho chiếc nhẫn rớt xuống biển.

Nàng công chúa út thấy nhẫn bị rớt vội nhảy xuống nước vớt, nhưng nhẫn chẳng thấy mà người cũng mất dạng.

Một hồi lâu, hai cô chị mới kêu cứu. Phò mã cho trở mũi tàu lại mò nhưng không kiếm được gì. Chàng bỏ dở chuyến đi, buồn bã trở về.

*

Nàng công chúa út lặn ngụp ở dưới biển một lúc lâu thì tìm lại được chiếc nhẫn. Nàng nhờ phép màu của chiếc nhẫn, nên thu mình rất nhỏ, rồi chui vào một cái vỏ sò, ẩn trong đó cho khỏi bị chết đuối. Nàng cũng ăn rêu để sống.

Sau một thời gian dài, sóng đánh vỏ sò dạt vào bờ. Và hai vợ chồng già ở ven biển lượm được nàng, trong khi họ đi tìm cái ăn ở bãi cát.

Người vợ định lấy vỏ sò đem bán, nhưng rồi bà nghe thấy có tiếng rên rỉ trong vỏ sò, nên để lại không bán.

Từ đó, nàng công chúa đợi cho hai ông bà già kia đi khỏi, nàng chui ra lo nấu cơm, nấu nước, sẵn sàng cho họ. Một hôm bà già rình biết là nàng ở vỏ sò ra, nên bà đem giấu đi. Nàng công chúa đành phải hiện nguyên hình lớn như trước và ở lại với gia đình nghèo khó này.

Nàng nghe tin chồng mình không lấy vợ khác, nên càng nóng lòng tìm cách báo tin về nhà. Một hôm, công chúa nhờ ông già đi kiếm chỉ màu về cho nàng thêu may một ít áo cho ông đem về kinh bán sẽ được nhiều tiền. Chỉ sau ít ngày, nàng đã trao cho ông già rất nhiều đồ thêu tuyệt mỹ. Vì hàng đẹp giá cao nên không một thường dân nào đủ tiền mua, ông già phải đem vào kinh bán cho vua.

Khi ông già gặp và đưa cho vua coi hàng bán, ngài thấy đồ thêu may rất đẹp, lại giống đường kim mũi chỉ của con gái út mình, ngài vặn hỏi:

- Này ông già, hãy nói cho trẫm hay là ai thêu những áo này.

Ông già không biết nói sao, bèn trả lời vội vã:

- Tâu Đức Vua, áo này do con gái kẻ hạ thần này thêu.

Vua lại hỏi:

- Thực sự là con đẻ của ông đó sao?

Ông già kể lại gặp người con gái đó trong trường hợp nào. Nghe hết câu chuyện thì nhà vua biết rõ đó chính là con mình. Ngài sai người theo ông già để xem thực hư ra sao. Chàng phò mã cũng đi theo.

*

Tới nơi, phò mã không thể tin là vợ mình lại phiêu dạt tới miền bể xa xăm này. Chàng còn đang lưỡng lự nơi ngưỡng cửa túp lều thấp nhỏ thì nàng công chúa đã chạy ra đón chồng. Hai người đều cảm dộng, run rẩy hết cả thân mình, ôm nhau khóc ròng.

Họ cùng đưa nhau về thành, hai vợ chồng ông già cũng đi cùng.

Dọc đường, phò mã nghe vợ kể lại đầu đuôi sự tình, chàng hiểu mọi việc không may xảy ra đều do lòng ác nghiệt của hai người chị vợ.

Thấy sự thể như vậy, hai cô chị rất lo sợ, chỉ chờ mọi hình phạt sắp đến với họ. Nhưng nhờ sự can thiệp của em gái út, vợ chàng Trái Dừa, nên vua chỉ đe phạt hai chị bằng cách đuổi họ tới ở túp lều của hai vợ chồng già đã lượm được vỏ sò, cứu công chúa khỏi chết. Còn ông bà già được vua cấp cho nhà đất ở kinh thành để dưỡng lão.


Như Mỹ Diệu Liên kể  

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 42, ra ngày 1-4-1966)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>