Thứ Ba, 2 tháng 4, 2019

Thằng Tư


Trên chiếc xe bus đi từ nhà đến trường, tôi thường gặp nó. Nó luôn luôn đứng chờ xe ở trạm Bàn cờ với điệu bộ trông ngóng, dưới chân, xấp báo của nó luôn luôn được xếp ngay ngắn và để kề cận chân cột thanh sắt.

Nhác trông thấy chiếc xe từ xa, nó vội vã ôm xấp báo, tỏ vẻ nóng nảy. Tiếng còi của bác soát vé nổi lên, chiếc xe bus cồng kềnh to lớn từ từ chậm lại, gầm gừ như thúc dục. Nó thoăn thoắt leo lên, đảo mắt quanh một vòng và đến nép vào trong góc xe, láo liên nhìn hết người này sang người khác như một kẻ phạm tội sợ bị lộ tẩy. Hình ảnh nó trở nên quen thuộc đối với tôi và đã chiếm một chỗ đứng không phải nhỏ trong đời sống của tôi. Lần nào cũng vậy, xe gần đến trạm Bàn Cờ, tôi đều trông ngóng nó, xem nó như một người bạn đường thân thiết, tuy rằng nó đối với tôi không thân gì cho lắm, hẳn nó đối xử như những người khác mà thôi. Tôi có cảm tưởng dại dột, chẳng may nếu vắng nó một hôm, hẳn tôi sẽ buồn lắm, một nỗi buồn vô duyên cớ, và chắc là cả buổi chiều hôm đó, ngồi trong lớp, tôi sẽ chẳng học thêm được gì cả.

Tôi chẳng hiểu sao một thằng bé tầm thường như nó lại gợi sự chú ý của tôi ngay cả lúc đầu, có lẽ tôi căn cứ sự nghèo khổ của nó trên đầu tóc rối bời, trên quần áo rách nát của nó mà người ta có thể lầm tưởng là một miếng giẻ rách nếu nó đừng khoác lên thân người.

Nhưng nó là ai?

Nó là một đứa bé trạc độ chừng mười hai, mười ba tuổi, một lứa tuổi mà người ta cho rằng đầy sung sướng nhất trong cuộc đời. Thế nhưng, đối với nó thì chắc hẳn chẳng sung sướng gì mà trước mặt nó chỉ là một con đường tối đen sâu thăm thẳm. Mỗi lần gặp nó lòng tôi phải bùi ngùi xót thương dùm cho nó: Trước mặt tôi là một thằng bé đen đủi, thân hình bám đầy đất cát, được che đậy bởi một chiếc áo tơi cáu bẩn, được vá víu nhiều chỗ bằng những đường kim vụng về, và chiếc quần đùi cụt ngủn, đen đủi, nhăn nhúm ống cao ống thấp phủ trên đôi chân khẳng khiu với làn da co dúm và sạm nắng.

Tôi thương hại dùm cho nó, tôi muốn kết bạn với nó, nó sẽ là em tôi, tôi sẽ là chị nó. Tôi sẵn sàng che chở bao bọc cho nó, sẽ cố gắng kiếm cho nó một nghề nào thích hợp hơn đối với khả năng và tình trạng sức khỏe của nó. Phải, tôi thương nó ghê lắm, lắm lúc tôi cũng phải ngạc nhiên tự hỏi tại sao lại đi yêu thương một thằng bé nghèo nàn đen đủi như thế trong khi chung quanh tôi có những đứa bé em bạn gái luôn luôn tỏ ra quý mến tôi. Những đứa bé ấy lại sạch sẽ, trông khôi ngô hơn nó nhiều lắm. Chúng thường hay reo hò hớn hở khi thấy tôi đến chơi với chị chúng. Chúng khệ nệ ôm những tờ sách báo nhi đồng cho tôi xem, cho tôi từng viên kẹo một mà chúng có. Chúng chẳng làm tôi phật lòng bao giờ cả thế mà tôi không thương chúng mà lại đi thương một thằng bé vô học, bẩn thỉu, kém chúng xa về mọi mặt.

Tôi thường nuôi ý định có dịp nào sẽ làm quen với nó và sẽ thổ lộ tình cảm của tôi đối với nó. Nhưng khốn nỗi, nó lại không đưa ra... một dịp nào để tôi dễ dàng làm quen với nó cả, thôi thì tôi đành làm quen với nó trước vậy: Tôi nhìn nó với ánh mắt trìu mến, đôi mắt nó dừng lại nhìn tôi, bốn mắt nhìn nhau, nhưng không ai nói câu nào. Tôi hơi đỏ mặt thẹn thùng, cố tạo ra một nụ cười thiện cảm, nhưng nó vẫn im lặng, không nói gì cả.

Nói thật ra thì hẳn là nó phải có một thái độ gì đối với nụ cười thiện cảm mà tôi trao cho nó: nó trừng mắt nhìn tôi. Tôi ngạc nhiên, tủi hờn quay đi nơi khác tránh cặp mắt dữ tợn của nó. Và một lát sau, nó cũng quay đi, nhìn xuống mặt đường đang nhễ nhại dưới ánh nắng mặt trời.

Sau chuyến làm quen thất bại ấy tôi buồn lắm, luôn luôn cố tìm đủ mọi cách để "thuyết phục" nó. Và buổi trưa hôm ấy:

- Cho chị một tờ Dân-đen đi em...

Nó cau mày nhìn tôi, hơi khó chịu nhưng rồi cũng nhanh nhẹn cúi xuống lựa ra tờ báo. Tôi cầm lấy, đưa cho nó tờ 50 bạc. Nó nhìn đăm đăm vào tờ giấy bạc trong giây lát rồi bảo:

- Không có tiền thối.

Tôi mỉm cười:

- Thôi thì cầm lấy, mai thối lại cũng được...

Nó lắc đầu không nhận. Tôi khăng khăng bắt nó phải cầm tờ giấy bạc. Tôi dúi vào tay nó, nó trả ; nhét vào túi áo nó, nó rút ra, quăng trả lại, sừng sộ:

- Đã bảo không lấy mà lại.

Nó nói hơi lớn nên nhiều người tò mò quay lại nhìn. Tôi thẹn chín người:

- Thì cứ cầm lấy, mai trả cũng không sao cơ mà.

Nó ngập ngừng, sau cùng buông một câu để "giải quyết vấn đề":

- Thôi thì... trả báo đây.

Bây giờ thì giận lắm, tôi quăng mạnh tờ báo xuống sàn xe, hầm hầm trở về chỗ ngồi. Nó không phản ứng gì, chỉ lẳng lặng cúi xuống nhặt tờ báo, vuốt lại cho thẳng, rồi đứng đăm chiêu, như không có chuyện gì xảy ra cả. Tôi bắt đầu cảm thấy niềm hối hận đang len vào trong lòng...

Đến một hôm tôi vẫn gặp nó, nhưng khác hơn mọi hôm một điều là tôi cần muốn biết tên nó, thì lại được một thằng bạn nó vô tình tiết lộ cho tôi biết, đó là điềm may đầu tiên đến với tôi.

Hôm đó xe vừa ngừng, nó đã ôm xấp báo nhảy phóc lên. Xe từ từ chuyển bánh thì trong ngõ hẻm gần đấy, một thằng bé chạy ra, nhìn dáo dác, chợt bắt gặp nó qua cửa kính hậu, thằng bé reo lên:

- A Tư, chờ tao chút mậy...

Tư? A, tên nó là Tư, một cái tên bình dân, không cao xa, không kiêu kỳ nhưng đối với tôi sao mà nó hay, nó đẹp lạ.

Thằng bé phóng theo, đu lên thành xe một hồi rồi mới chịu chui vào bằng lối cửa sổ. Thằng bé trạc bằng tuổi nó, trên tay lủng lẳng một hộp đánh giày và "đặc biệt" là quần áo, đầu tóc đều trông "sạch sẽ" tợ như nó cả.

Thằng bé cười hềnh hệch:

- ... thấy tao đu chì không Tư?

Tôi cau mày, khó chịu vì tiếng xưng hô tục tĩu của thằng bé. Tôi cầu mong Thượng đế cho tôi đừng nghe thấy những câu chửi cộc cằn thô lỗ ấy thoát ra từ miệng nó. Và tôi được toại nguyện, suốt trong cuộc đối thoại với thằng bạn, nó không làm tôi thất vọng bao giờ cả...

Câu chuyện cứ thế tiếp diễn, trưa nào tôi cũng gặp nó. Nó thì vẫn thoăn thoắt leo lên nép vào một góc, láo liên... Tôi vẫn thương nó, mến nó, nhưng khổ nỗi với bản tính con gái tôi không thể nào mở miệng ra để thổ lộ tâm tình của tôi đối với nó được. Lắm lúc nghĩ lại tôi giận ghê lắm, tôi tự giận tôi tại sao tôi lại nhát đến thế, tôi tự giận tôi tại sao không biết mở miệng để tôi làm quen với nó, tôi cần nói nhiều với nó lắm kia mà?

Cho đến hôm thứ tư trung tuần tháng trước, tôi ngồi trên xe, chờ đợi nó. Nhưng tôi ngạc nhiên biết bao, nó không còn đứng chờ xe bên thanh cột sắt nữa. Ủa, nó đâu rồi? Trời ơi, Tư đâu rồi? Một nỗi lo sợ âp vào tâm tôi. Trong đầu tôi quay cuồng với bao nhiêu câu hỏi: Nó bệnh chăng? Bị tai nạn chăng? Hay "giải nghệ" rồi chăng? Tôi không thể nào giải đáp được...

Thứ năm... rồi thứ sáu... rồi thứ bảy tôi cũng không gặp nó. Lòng tôi tan nát, chẳng thiết ăn uống chi cả, ra vào cứ thờ thẫn như người mất hồn, khiến ba mẹ tôi, lẫn anh chị em tôi và cả thầy cô, bạn học đều ngạc nhiên vì sự đổi tính nết đột ngột của tôi. Có ai hiểu cho nỗi lòng tôi đâu.

Trưa thứ hai, tôi vẫn xách cặp đi học như thường lệ, nó vẫn bặt vô âm tín, nhưng thế vào là thằng bạn nó. Thằng bé đón xe, xe ngừng "chê" không thèm lên, đến khi xe chạy mới lò dò chạy theo, đu lên, nhảy qua cửa sổ vẫn "gớm" như độ nào. Thằng bé ngoảnh qua ngoảnh lại nhìn tất cả mọi người trong xe, rồi thọc tay vào túi, lôi ra điếu thuốc lá lẻ đã gãy vụn, chậm rãi châm lửa hút, rít một hơi dài rồi cong môi thổi từng gợn khói dật dờ bay. Thằng bé này là đầu mối sau cùng giúp tôi hiểu ra về sự vắng mặt của nó trong mấy ngày nay. Tôi không thể nào thẹn thùng nữa, phải can đảm hỏi cho ra lẽ mới được. Tôi gọi:

- Này em...

Đang mơ màng vì khói thuốc, nghe gọi, thằng bé giật mình:

- Gì?

- Thằng kia đâu rồi? Tôi hỏi.

- Thằng nào?

- Thằng bé bán báo đó.

- Thằng Tư ấy hả?

- Ừ.

- Nó bị "cớm" "tôm" rồi.

Tôi bàng hoàng, chân tay rụng rời, đầu óc hoa lên. Trời ơi, tin được chăng, tôi nghe lầm chăng. Sao? Sao? Nó bị bắt à? Hở? Tư bị bắt sao? Tôi không tin... "Nó bị cớm tôm rồi" câu trả lời của thằng bé như nghìn mũi dao xoáy vào tim tôi. Tôi há hốc miệng, lắp bắp:

- Tư... bị bắt sao?

- Ừa, nó bị "tôm" đầu hôm thứ ba thứ tư gì đó thằng bé thản nhiên trả lời.

- Sao nó bị bắt?

- Nó móc túi.

- Sao nó móc túi?

- Nghe đâu bà già nó mắc bịnh suyễn nặng lắm, nó hổng có tiền chạy thuốc nên tính nước liều đi móc túi, nhưng chưa... rành nghề nên bị "tôm" ngay.

- Bây giờ nó ở đâu?

- Ai mà biết được nà. Nghe thầy Hai làm trong ty cảnh sát ở đầu ngõ thì đâu hồi sáng nay nó "được" xe chở dô trại gì... hóa... hóa ở Thủ Đức á.

- Trại giáo hóa?

- Phải đa.

Tôi hỏi gặng:

- Em có biết nhà nó đâu không?

Không trả lời vội, thằng bé dò hỏi:

- Chị quen nó hả?

Tôi đáp lững lờ:

- Ừa.

- Thú thực chị nghe, tui thề trên đầu cha tui đàng hoàng à, tui hổng biết nhà nó ở đâu hết á. Nhà nó dí tôi ở cùng ngõ nhưng nhà nó xa hơn, vô tuốt miệt trỏng lận, khó đi lắm chị à, bởi vậy tui ngại quá, hổng kịp vô thăm nó thì nó bị bắt rồi.

- Vậy hả?

Rồi tôi im lặng, suốt quãng đường còn lại tôi với thằng bé không ai nói thêm một câu nào. Thằng bé thì mải vui bên ngoài, còn tôi, tôi nghĩ đến nó. Trời ơi, nó bị bắt rồi. Tư ơi, tội nghiệp "em" quá, phải chi "chị" biết "em" sớm hơn thì đâu có nông nỗi nầy ; "em" đâu có phải cùng quẫn mà hành động rồ dại như thế. Tư ơi, bây giờ biết "em" ở đâu, chắc "chị em" mình phải xa nhau vĩnh viễn quá Tư à...

Thương cho nó, tôi lại giận mọi người, tôi giận thằng bạn nó, sao "ngại" làm chi để bây giờ không biết nhà nó ở đâu cả, giận "lão" cảnh sát nào đã không hiểu cho hoàn cảnh đau khổ của nó mà tha cho nó lần đầu...

Từng giọt nước mắt chảy dài trên gò má... Tôi khóc... Khóc thương cho số phận đen bạc của nó...

- Kia cô, đến trạm Thảo-cầm-viên rồi, cô xuống chớ?

Tiếng người soát vé đánh thức tôi khỏi cơn mê sảng, vội vàng lau nhanh đôi hàng lệ, tôi riu ríu bước xuống như kẻ mất hồn... ánh nắng ban trưa làm chói lòa đôi mắt ướt lệ của tôi.

Tiếng guốc tôi vang đều trên vỉa hè... Tôi lầm lũi đi... Con đường Thống Nhất hôm nay sao nắng gắt lạ.


THÙY (Pétrus-Ký)     

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 66, ra ngày 1-4-1967)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>