Thứ Tư, 3 tháng 4, 2019

Bươm Bướm


Từ một nàng tiên...

Và, Astar bỗng kinh hoàng thấy mình nhỏ dần, 
nhỏ dần mãi... Đôi tay của nàng đột nhiên biến mất. 
Thay vào đó là một cặp cánh mỏng manh vừa 
thành hình...

Astar là tên một nàng tiên trong đám hầu cận của nữ thần Tình Ái và Sắc Đẹp, Vénus. Nàng trội hẳn hơn các bạn về đủ mọi mặt, Nhan sắc, Đức hạnh và trong cách cư xử với mọi người, nhất nhất Astar đều tỏ ra là một tiên nữ gương mẫu.

Khổ nỗi vì nàng hơn họ nhiều quá, nên thường bị cả đám bạn xấu bụng ghen ghét tị nạnh. Họ luôn tìm cách ngấm ngầm hại nàng, dựng đứng những chuyện động trời để hòng bêu xấu và "hạ giá" nàng trước mặt nữ thần.

Thần Vénus có một cậu quí tử tên Cupidon mà Bà hết lòng thương yêu. Lại là Nữ thần của Tình Ái nên Bà cần được yêu hơn ai hết. Thế nên, không những Vénus giữ độc quyền quí yêu Cupidon thôi, Bà còn muốn Cupidon không được san sẻ tình yêu cho một ai khác không phải là Bà. Vì thế Bà không bao giờ để Cupidon được giáp mặt các tiên nữ của mình ; đàng khác Bà cũng cấm ngặt các cô không được đỏng đảnh lai vãng gần cung Cupidon ở.

Một buổi sáng đẹp trời mùa xuân, Nữ thần Vénus gọi các tiên nữ của mình đến và truyền lệnh: "Các ngươi hãy ra đồng tìm hái hoa tươi rồi kết chuỗi cho ta. Ai kết được một vòng hoa đẹp nhất, có nhiều thứ hoa quí lạ và đem dâng ta sớm, ta sẽ ban cho một phần thưởng xứng đáng."

Thế là các cô hớn hở túa ra đồng tìm hoa. Astar, lần nữa, lại chứng tỏ là một tiên nữ xuất sắc hơn các bạn bội phần: Nàng là người sớm nhất đem một vòng hoa tuyệt đẹp về dâng cho Nữ thần, khiến Bà vô cùng thỏa mãn.

Đám tiên nữ bạn về thấy vậy, lòng ghen tức lại nổi lên. Rồi cả bọn kéo đến tâu với thần Vénus:

- Thưa Nữ thần, Astar sở dĩ có được vòng hoa đẹp lại mau chóng thế vậy là nhờ có hoàng tử Cupidon phụ giúp. Ít lâu nay Astar đã lén lút gặp Hoàng tử thường ngày, và chúng con thấy hình như Hoàng tử đã quyến luyến Astar nhiều rồi đó, thưa Nữ thần...

Chỉ nghe đến đó là vị thần Tình Ái đã nổi lôi đình: "Con này to gan cả mật thực! Dám đi ăn cắp cả Tình yêu của ta!" Và không kịp suy nghĩ bà hét triệu Astar tới.

Astar bỡ ngỡ bước vào. Nàng đứng lặng không dám hé môi trước cặp mắt phừng phừng lửa giận của thần Vénus.

Và, Astar bỗng kinh hoàng thấy mình nhỏ dần, nhỏ dần mãi... Đôi tay của nàng đột nhiên biến mất. Thay vào đó là một cặp cánh mỏng manh vừa thành hình...

Nữ thần Vénus đã phạt Astar hóa thành con Bướm! Nhưng sau đó Vénus đã trang điểm cho đôi cánh bướm những màu sắc lộng lẫy, đẹp như vòng hoa Astar đã dâng mình, để thưởng công cho nàng. (*)

Nếu bạn muốn hiểu theo thần thoại La Mã thì loài Bướm ra đời từ buổi đó. Đến nay thì, nhờ trời, con cháu chút chít của Astar đã lan tràn khắp mặt địa cầu. Ở đâu có một bóng cây, có một ngọn cỏ thì bướm có mặt ở đấy. Từ non một phân chiều ngang đến những cặp cánh dang rộng 30 phân tây, thuộc nhiều loại Bướm ngày, Bướm đêm với đủ hình thể và màu sắc mà không một tay nào ở thế gian pha chế được. Giữa rừng hương sắc lộng lẫy đó, các nhà côn trùng học đã phải bù đầu nhiều năm mới chỉ liệt kê được chừng 125.000 gia phả nhà Bướm. Cũng may giòng giống Astar đều hiền hòa cả, nếu không muốn nói thêm là có ích vì Bướm luôn mang cái ĐẸP đến trang điểm cho thiên nhiên tươi mát quanh ta.

Từ đầu Xuân, Bướm rời các "tổ ấm mùa đông" về đón Xuân giữa trăm hoa. Rồi Bướm tản mát dần để tránh những trận mưa rào nặng hạt mùa hè...


Đời bướm vắn, nhưng nhiều thay đổi.

"Con chạy lại nong dòm kỹ thì thấy nó cựa quậy và lạ quá...

- ...

- Nó đã rụng hết lông đen, và bây giờ nó vàng mướt đẹp lắm.

- Tao đã bảo mà. Nó là tiên, nó lộn kiếp. Biết đâu nó lại sẽ không hóa ra một hoàng tử".

"NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐẺ"
Sách Hồng của Bình Nguyên Lộc

Trên là xen đối thoại giữa một cung nữ, Cẩm Nhung, và Hoàng hậu Ái Mỹ khi cung nữ này khám phá ra sự thay đổi kỳ diệu nơi con tằm sau giấc ngủ "ăn mốt". "Nó" không là hoàng tử hoàng tôn nào cả, sẽ là một giống Bướm nếu nàng Cẩm Nhung nào đó đừng tưởng bở: Nàng đã nhúng chiếc kén vào chảo nước sôi với một hy vọng sẽ "giải thoát cho một hoàng tử đẹp trai khỏi ách đọa đày", rồi nàng sẽ... phỗng tay trên thiên hạ...

Kết quả nàng "chỉ thấy một con bọ dị hợm, chết queo vì phỏng nước sôi! Quả nàng đã "giải thoát" cho một kiếp sống đau khổ, ấy là kiếp tơ tằm.

Để truyền sinh nòi giống, tất nhiên loài Bướm không thể cứ được "hóa phép" một cách đơn giản và ngon lành như trong thần thoại La-mã. Cũng như con cháu Evà, dòng dõi Astar từ khi có mặt ở đời đã phải đương đầu với mọi hiểm nguy để mà tranh sống. Trên đường từ miền nam trở về cố hương vào đầu xuân, Bướm mẹ rải rác "gửi" trứng vào các loại cây riêng, để khi con sâu non thoát ra từ chiếc trứng sẽ vừa có sẵn lộc non của cây để xực. Như những đứa bị bỏ đói lâu ngày, chúng ăn dữ thần, ăn "chẳng thà hư bụng mình hơn là phí của trời cho". Nhưng tuổi này cũng là giai đoạn nguy hiểm nhất cho sự sống còn của loài Bướm. Hiện tại chúng chỉ là những con sâu không hơn không kém. Thân xác không lấy chi làm mỹ miều cho lắm thế mà tên chúng lại đứng đầu trong bảng thực đơn của rất nhiều thứ bợm nhậu. Một bữa điểm tâm cho gia đình vành khuyên hoặc sáo sậu, hay bữa cơm chiều của một chú nhện, cũng là chúng cả!

Sống trong tình trạng nghẹt thở đó từ mười ngày đến hai tuần lễ, sâu lại đã qua một tuổi. Và cuộc sống ẩn dật khởi đầu. Những lộc non ăn vào từ mấy ngày qua, một phần giúp sâu lớn lên, phần khác biến thành một dung dịch nước dẻo có tên là Fibroin, sau này sẽ thành tơ chứa trong hai tuyến riêng biệt ở bụng. Lớn đầy tuổi thì sâu bắt đầu nhả tơ ra qua một tuyến rất nhỏ ở môi dưới, bền cứng lại khi gặp khí trời. Sâu sẽ tự quay mình, tiến, thối để dệt tơ thành một chiếc kén, xong tự nhốt mình trong đó. Màu sáp ong phớt xanh, điểm vàng óng ánh, kén là một tuyệt phẩm của bất kỳ một giống bướm nào. Riêng kén tằm được kéo sợi dệt thành lụa là một sản phẩm rất quí trong ngành dệt của nước ta.


Khi một nhà triết học nằm mơ...

Lòng cụ già rối bời như mớ tơ vò: "Ta vừa mộng hóa Bướm hay chính Bướm đã biến thành cái TA đang ngồi đây?"


Từ đây Sâu đã có thể chắc mẩm về tuổi thọ của mình được. Căn nhà mới có thể chịu đựng nắng mưa bão táp dễ dàng, và nhất là tránh thoát khỏi những cái miệng háu ăn của loài nhện, loài chim. Sâu lộn đầu xuống, và yên trí ngủ vùi...

Nhắc đến ngủ lại chợt nhớ tới câu chuyện Trang Sinh đời Xuân Thu bên Tàu. Trang Sinh cũng ngủ vùi vào một đêm nào đó, được thiếp vào một giấc mộng kể là khá đẹp vậy: Họ Trang mơ thấy mình hóa thành con bướm (trắng) bay bổng nhởn nhơ nhàn hạ giữa ngàn hoa. Bướm "Họ" Trang đi về cái thế giới nào trong mộng thì không biết, nhưng khi tỉnh giấc mơ hoa thì họ Trang thấy rõ ràng là mình đang ngồi trước án thư, đêm vẫn chưa tàn. Có lẽ tiếc vì giấc mộng đẹp, cộng với đức tính trời cho riêng những nhà triết (là hay lẩn thẩn thắc mắc cả những cái lẩm cẩm nhất đời) lòng cụ già họ Trang bèn rối như một mối tơ vò: "Ta vừa mộng hóa Bướm hay chính Bướm đã biến thành cái ta đang ngồi đây???"

Sâu thì không thế. Nếu phải thắc mắc rắc rối như cụ già họ Trang thì Sâu đến phải nổ tung cái đầu nhỏ bé này ra mất! Sâu quên hết sự đời để ngủ một giấc quan trọng. Sâu không ăn, không nhìn, không ngửi nữa. Hơi thở cũng chậm xuống nhiều, và cử động duy nhứt là những cái giựt mình thưa thớt.

Nhưng thân thể sâu vẫn âm thầm biến đổi, những biến đổi lớn lao sau cùng của một đời Bướm, vì sâu sắp thoát xác thành con Bướm, thành "người lớn". Những cặp chân giả sẽ rụng hết, lông mình cũng biến mất, cặp cánh non đang thành hình, Sâu sẽ đắc đạo sau một tuần, 12 ngày hoặc vài tuần khổ tu.

Một cánh Bướm non sẽ cắn kén vươn ra dưới ánh nắng hạ. Cánh Bướm chưa dang rộng được và thân mình có lẽ còn to quá khổ. Ít lâu sau cứng lại, nhựa sống từ mình chuyển qua các mạch máu ra tận đầu cánh... Bướm lớn mau trong khi cánh chớp lia lịa...

Bây giờ Bướm đã sẵn sàng để tung đôi cánh nhung muôn màu, đầu hướng về phương Bắc...


Bướm về miền Nam

Những cuộc di cư vĩ đại, có định kỳ lũ lượt kéo về miền Nam.

Chúng đi tìm tổ ấm.

Non một trăm cây số phía Nam, thành phố Cựu-kim-sơn (Hoa kỳ) tại một vùng tên Pacific Grove có những cây cổ thụ đã biến thành những "biệt thự mùa đông" của hàng ngàn vạn cánh bướm. Từ 60 năm qua những khách trú mùa đông này không hề để trống "nhà" một năm nào cả. Bướm về đó hầu như chỉ để ngủ, và ngủ suốt ba tháng trời (những ngày nắng đẹp, không nhở nhơ thì phí của...). Với những "cây bướm" đặc biệt đó, vùng Pacific Grove đã thu hút được rất đông du khách. Ban đầu họ thường lấy đá liệng vào cây để được nhìn một hoạt cảnh thật ngoạn mục: Cả ngàn cả vạn mảnh màu sắc bay lên tua tủa, lượn lờ quanh cây... Sau, nhà cầm quyền địa phương phải cấm ngặt, có sẵn luật hẳn hoi để giữ một nguồn lợi cho thị dân (thuế nhập thị của du khách phải đóng v.v...). Nếu Bướm cứ bị phá giấc ngủ mãi thì chúng sẽ kéo nhau bỏ đi, du khách còn đến đấy làm chi nữa...

Bướm kết đoàn kéo về Nam từ cuối hạ sang thu. Thế hệ này là con cháu của lớp đã di cư từ mùa thu năm ngoái, vì trên đường về Bắc, Cha mẹ Ông bà nội ngoại của chúng đã chết dần chết mòn sau khi đẻ trứng rải rác dọc đường. Chỉ một số rất ít về tới miền Bắc (Bắc Hoa kỳ, đến biên giới Gia Nã Đại...) để nhìn lại quê hương vào mấy tháng xuân rồi "an giấc" luôn ở quê nhà.

Bây giờ con cháu họ đang trên đường về Nam, từng đàn, từng lũ vào những ngày nắng ấm. Có lớp đã trải qua một đoạn đường dài hơn 3.500 cây số từ Gia Nã Đại xuống tới những "Cây Bướm" ở Pacific Grove thuộc tiểu bang California. Chúng lại ngủ ở đó suốt mùa đông ; và khi xuân đến, rời cây, đẻ trứng trên đường về. Ông bà bướm nào khỏe lắm về tới quê thì đôi cánh đã tơi tả, hương sắc đã phai tàn rồi.

Đến ngày nay có những thắc mắc chưa một nhà côn trùng học nào giải thích được: Làm sao bướm tìm thấy những "Căn nhà mùa đông" cũ của Ông Cha, vì "Các cụ" đã "xanh mồ" trước khi chúng trẩy về Nam? Nhiều tài liệu lại cho biết, trong năm, Bướm đã họp đàn kéo về một phương và đúng vào một mùa nhất định.

Ai, cái gì, đã bảo cho Bướm bay đúng hướng và đúng ngày giờ? Tất cả còn nằm trong bí mật của thiên nhiên rộng lớn quanh ta.

Vậy, bài này cũng hết lý do để mà kéo dài thêm nữa.

------------
(*) Kể theo tài liệu của anh Trọng Đức.


Hà Tĩnh    

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 27, ra ngày 25-4-1965)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>