Thứ Tư, 4 tháng 10, 2017

Trăng và Huyền Thoại


Ngày xưa khi chưa khám phá ra trăng, mỗi dân tộc có một huyền thoại về trăng để giải thích những hiện tượng họ thường thấy.

Riêng với Á Đông, Trăng không những là nguồn cảm hứng cho thi nhân, văn sĩ mà nó còn biểu tượng cho cái gì trọn vẹn nhất, đẹp đẽ nhất, do đó nó có cả một chuỗi huyền thoại dính liền.

Người Á Đông ngoài quan niệm cho trăng là một vì sao tên là Thái âm tinh ứng với văn học trong tử vi. Người nào có sao này thì thông minh, khôi ngô tuấn tú, nhất là khi nó cư ở cung Tý và Hợi. Ngoài ra Trăng còn được coi như là một thế giới khác, thế giới thần tiên do khí Thái âm kết tụ và do một vị thần cai quản đó là Thái âm thần nữ. Vị thần này ngự ở Cung Quảng Hàn rất sang trọng làm toàn bằng ngọc lưu ly trong suốt như pha lê. Thần dân của Thái âm thần nữ gồm có các tiên nữ và một số linh vật như Thiềm Thừ, Ngọc Thố và Thằng Cuội.


THIỀM THỪ

Thiềm Thừ là một loại cóc lớn có sừng trên đỉnh đầu, bụng trắng có chữ bát đỏ như son. Tiền thân của Thiềm Thừ là nàng Hằng Nga, vợ của vua Hậu Nghệ xứ Hữu Cung. Hậu Nghệ có tài bắn cung bách phát bách trúng. Một hôm lên chơi vườn Lãng Uyển, Hậu Nghệ được Tây Vương Mẫu cho một liều thuốc trường sinh. Nhưng vì phải đi dẹp giặc chưa kịp uống. Hằng Nga ở nhà lấy trộm uống rồi bay lên mặt trăng xin Thái âm thần nữ che chở. Thấy tình cảnh đáng thương, thần mặt trăng mới biến nàng thành một con cóc và giấu ở trong cung Quảng hàn cho đến bây giờ.


NGỌC THỐ

Ngọc Thố là con thỏ bằng ngọc thơm, trường sinh bất tử. Chuyện kể rằng, vào một thời kỳ trần gian bị hạn hán, cây cối xơ xác, hồ khe khô cạn, các loài vật đói khát ăn thịt lẫn nhau. Riêng loài thỏ tự biết mình yếu đuối nên nằm trong hang nhịn đói chờ chết. Nhưng một hôm cơn đói quá sức thúc bách chúng phải ra khỏi hang kiếm mồi. Trên con đường đi, bụng đói trời lại quá rét nên đành dừng lại bên một đống lửa. Con nào nước mắt cũng ràn rụa vì thấy hoàn cảnh quá bi đát. Một con thỏ bỗng nẩy ra ý tự thiêu để làm mồi cho đồng loại khỏi chết đói. Thế là chú ta nhẩy ngay vào đống lửa hy sinh. Vừa lúc đó đức Phật đi ngang qua, cảm động vì sự hy sinh cao cả của nó liền lấy nắm xương còn lại hóa phép thành một chú thỏ bằng ngọc thơm tho. Và đem lên Cung Trăng cho uống thuốc trường sinh bất tử.


THẰNG CUỘI

Ngoài hai con vật trên, ngày nay mỗi khi nhìn lên bóng trăng người ta còn thấy như có người ngồi dưới một gốc cây. Đó là thằng Cuội. Hắn là một người chuyên môn nói dối, lừa phỉnh mọi người. Một hôm hắn đánh lừa được một vị ẩn sĩ và vị này cho hắn một cây đa thần. Đây là cây đa có thể chữa được mọi bệnh tật nhưng phải trồng ở hướng đông nhất là chăm sóc tưới bón hàng ngày, tránh các đồ uế tạp. Đem cây đa về, cuội cũng dặn vợ con đúng như lời lão ẩn sĩ. Thế nhưng một hôm vì mải mê công việc, vợ Cuội quên không tưới cây đến khi thấy chồng về chị ta vội vàng tè ngay vào gốc để đánh lừa chồng rằng ở nhà có săn sóc đàng hoàng, không ngờ, trái với lời ẩn sĩ đã dậy, cây đa từ từ nhổ gốc bay lên trời. Cuội thấy vậy, vội lấy cuốc móc vào gốc cây kéo xuống, nhưng cây cứ bay và lôi luôn  chú Cuội lên trời.

Ngày nay, mỗi khi trăng sáng, nhìn lên bóng trăng người ta còn thấy Cuội ngồi ở dưới gốc đa nhìn xuống trần thế như luyến tiếc cõi tục hay như ngạo mạn cõi đời ô trọc hoặc như thách thức với những lời chế nhạo của đám thiếu nhi:

Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên.


HUY YÊN sưu tầm  


(Trích tuần báo Thiếu nhi số 106, đặc biệt Trung Thu, ra ngày 7-9-1973)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>