Thứ Ba, 24 tháng 10, 2017

Giã Từ


1.

Lâu quá rồi tôi không gặp Thiên Kim, cô bạn cùng lớp năm ngoái. Hai đứa tôi đều thi đậu. Kim dọn nhà ở chỗ khác, mà không cho tôi hay biết. Lá thư tôi gửi thăm sức khỏe Kim bị trả lại. Kim không học ở trường tôi nữa và không đứa nào biết Kim ở đâu.

Trong lớp tôi, Kim thân nhất với tôi, hai đứa đều nhỏ nhắn, tôi học sớm nên thua Kim một tuổi. Kim hiền lành dễ thương, chúng tôi thường đi chung với nhau, bọn nó không ngần ngại kêu chúng tôi là cặp Kim Hạnh. Thay vì gọi là Thúy Hạnh chúng lại gọi tôi là Kim Hạnh và gọi Thiên Kim là Hạnh Kim. Chúng nó lại hát "cớ sao buồn, Hạnh Kim?" để chọc phá. Bây giờ Kim đi rồi, tôi chỉ còn lại một mình nhỏ nhất lớp. Lúc này đám bạn trong lớp lạ lắm kia, chúng nó hay xầm xì nói chuyện riêng ra vẻ bí mật, không bao giờ tôi được nghe hết, toàn là:

- Hạnh mà biết gì!

- Con nít một cây. Vị thành niên.

- Mineure Hạnh!

Cả bọn cười phá lên. Tên Kim Hạnh không còn nữa, bây giờ là Mineure Hạnh dài dòng và bọn nó lại gọi tắt là Minh Hạnh.

Tôi tức mình nhưng vốn hiền lành, nhút nhát tôi không phản đối gì. Gặp Kim xem, Kim cãi tay đôi lại liền. Không có Kim, bọn nó tha hồ ăn hiếp.

- Hạnh, mày nhỏ chừng này nè, cao bây dai đây, ốm teo chừng này nè!

- Học quá coi chừng còn xác ve đấy.

Tôi chỉ cười và chỉ biết cười.

Đám bạn trong lớp đã biết diện rồi. Trên mi mắt chị Vân đã phủ lên một lớp mỏng màu đen, tóc con Phương đánh rối và xịt keo, móng chân Ngọc đánh màu hồng nhạt. Áo dài may bằng thứ hàng đắt tiền hơn, tóc chải công phu hơn, quần áo ủi thật thẳng nếp. Ra đường đứa nào đứa nấy rất là yểu điệu, e lệ thục nữ ai ngờ trong lớp thì phá như quỷ, nói oang oang và cười hô hố...

Tôi ít khi nói chuyện bởi tôi không có gì để nói cho hợp ý những đứa bạn đó. Tôi chỉ chơi với một số người ít trang điểm hơn để thấy thoải mái dễ chịu. Bọn tôi trầm lặng hơn và bị nhóm người sôi động trơ trẽn gán là làm duyên ngầm. Mặc kệ tất cả, không có Kim, cách hay nhất để được an toàn là làm hòa tất cả và làm ngơ không hề hay biết những gì bọn nó bàn tán nói xấu.

Sáng hôm nay, cũng như mọi hôm khác, tôi dậy thật sớm, học lại bài vở, dọn ăn sáng cho gia đình rồi xách cặp đi học.

Trời cuối thu chưa lạnh lẽo gì, buổi sáng nhiều mây xám hồng từng dãy vắt ngang. Đường còn thưa người qua lại. Không khí trong lành, tôi hít một hơi dài cho khỏe người và thấy đi bộ hơn cây số chẳng gì là vất vả. Tôi vốn yếu đuối nhưng mỗi ngày mỗi đi bộ quen dần, con đường dường như ngắn lại và bước chân thêm dài ra, những bước chân chắc chắn, khỏe khoắn, nhịp nhàng. Tôi đếm những bước từ trụ đèn này sang trụ đèn khác. Mà nhớ ngày xưa còn bé. Ngày xưa, ba dẫn đi học, mặc ba dắt không phải để ý xe cộ, lâu lâu tôi lại vuột tay ra để bắt con bướm ép vào tập làm kỷ niệm hay hái một bông ở hàng rào giắt trên tóc. Một hôm trong lúc cúi xuống ngắt một hoa mắc cỡ trên lối cỏ mềm ướt hơi sương, tôi nhìn thấy một con dế trống đang nhảy từng bước trên cỏ, quýnh quá tôi kêu ba bắt giùm. Tôi còn mường tượng dáng ba lom khom trên đám cỏ, nắng dọi trên cỏ lấp lánh, trên những giọt mồ hôi của ba. Con dế nhanh nhẹn quá, ba bị vấy dơ một ống quần. Không sao cả. Ba tôi tìm một cái lon đem dế về cho cu Minh.

... Tôi đi sát giữa đám cỏ hoang, những cọng cỏ dài đâm vào chân  ray rứt, đưa tôi qua những đoạn đường lúc nào không hay. Trường đây rồi, nhưng tôi lại đi chậm lại trước cửa trường. Hôm nào cũng vậy, tôi đứng trước cửa trường mãi cho đến khi gần vào giờ học như đứng đợi ai. Thật vậy, tôi đợi Kim, ái khanh đợi Kim đây Kim ạ.

Ngôi trường này Kim không còn đi tới ngày ngày nữa.

Năm cuối cùng của bậc trung học, Kim bỏ rơi Hạnh rồi sao? Không một lời từ giã, những ngày tháng vô tư đã cất giữ kín và những kỷ niệm trở nên quý giá vô cùng. Còn lại dư âm, hay chẳng còn gì hết Kim ơi! Hay là Kim đã bỏ dở việc học để bước xuống cuộc đời. Tháng năm làm phai mờ những kỷ niệm rực rỡ, còn hay mất là do lòng mình, chắc là còn hở Kim?

Một viên phấn tinh nghịch ném xuống đất sát chân tôi. Có tiếng cười phá trên kia. Tôi nhìn lên trên dãy lầu, cả bọn Ngọc đứng trên đó. Ngọc nhìn tôi mỉm cười. Ngọc thùy mị nhất, không có những cử chỉ lố lăng.

- Hạnh, Hạnh lên lớp đi.

Ngọc chưa dứt lời bỗng chị Vân cười ré:

- Ấy, để cô nàng chờ chàng chứ!

Con Trang đưa tay lên miệng làm loa:

- Mỏi chân không, ta bắc cho cái ghế.

Giả vờ không nghe cũng không xong, tôi đành đi vào lớp. Con Phượng nhại giọng Huế chận đường tôi:

- Gặp người trong mộng rồi hỉ?

- Gì cơ?

- Vờ vịt mãi, có chuyện gì vui kể nghe mi! Đi.

- Chuyện gì? Tôi chờ Thiên Kim mà.

- Hay là chờ chị của Kim, ca sĩ Thiên Hương.

Nghe lao xao như tiếng vỡ trong hồn, nghe rung cảm như những giọt nước mắt nóng ấm đầy ăm ắp trong mi, tôi thấy mình không khô khan nữa. tôi muốn ôm tất cả những người bạn trong lớp từng người một để chúng tôi biết mình đang sống những ngày trong trắng, đẹp đẽ của đời học sinh với tà áo trắng hiền ngoan và với ngôn từ thanh cao, trong sáng. Những Vân, những Ngọc, những Trang Phương ơi, nay mai sẽ có đứa bước xuống cuộc đời mà những giây phút bây giờ sẽ trở thành những kỷ niệm đẹp nhất, thường được tưởng đến nhiều nhất bởi muốn quay về sống lại mà không được. Những người bạn tinh nghịch của tôi ơi, các bạn đáng thương hơn là đáng ghét.

Thầy bước vào lớp, tôi đứng dậy chào như cái máy. Tư tưởng của tôi còn đi hoang trên mấy tàng cây điệp ngoài kia. Tôi nghĩ vẩn vơ, tôi không nhớ rõ lời nào của thầy giảng. Tôi chỉ nhớ hôm nay thầy giảng hay lắm, giọng thầy trầm ấm hùng hồn như triết thuyết của Bergson, say sưa đến độ lôi cuốn những tâm hồn đi lạc vào mê lộ, một bến mê tình cảm và muốn nổi loạn. Tất cả đều chú ý nghe, hòa mình trong lời giảng và thấy thích thú. Nhưng chỉ được trong giờ khắc thầy giảng, đến lúc thầy đọc cho viết, tiếng thầy lại mơ hồ xa vắng như nhạc đệm, không biểu hiệu cho một cái gì hình dung được. Tay viết đều theo lời thầy nhưng đầu óc vẫn suy tư theo luồng liên tưởng trước kia. Thầy hỏi một câu trong bài, không một ai đáp, tất cả đều im lặng. Tôi nhìn lại những dòng chữ vừa viết mang những lỗi chính tả tôi không ngờ, tôi bàng hoàng như chợt tỉnh trong lúc thầy nói băn khoăn "môn học có trừu tượng lắm không?"

Thầy giảng không gì là khó hiểu, môn triết không quá trừu tượng nhưng chúng tôi vừa mới lớn.


2.

Những hàng cây me đổ dài hai bên đường gieo trong lòng tôi những mến thương. Tôi thích những buổi đi học Sinh ngữ nhất. tôi thích khúc đường dẫn vào trường, rất đẹp và rất yên tĩnh bởi gần đó là một bịnh viện lớn. Trời trên kia, qua những cành lá me giao nhau khít khao, xanh dìu dịu hay xám tim tím, ngày một sáng hay một chiều có nắng vàng soi bóng hay mây mù thấp che rợp vang tiếng chim kêu chíp chíp hay ríu rít như nói chuyện, giáo đường xa xa cao ngất tháp chuông trong dáng cũ quen thuộc với tiếng chuông ngân đều đặn lúc sáu giờ rồi đổ dồn trong khoảnh khắc như tiếng ru êm ái. Bước sang thu còn vất vưởng tiếng ve du dương nhất trước khi tàn mùa hạ và cuối con đường, một cây phượng gie ra những bông đỏ thắm hơn bao giờ cho ngày kế tiếp rụng rơi. Khi những trái me rơi lộp độp khô khan xuống mặt đường kéo theo những chiếc lá me nhuốm vàng rơi xuống trên mái tóc vàng buông thả, mỗi cơn gió nhè nhẹ xao xác những chiếc lá khô, khi hàng cây từng chặp nhỏ lác đác từng loạt nước mưa đọng lại trên lá sau cơn mưa rào của mùa mưa kéo dài đã năm tháng ròng rã mà chưa dứt để bước vào mùa nắng, cùng tiếng nhạc ở những quán nước trổi lên dìu dặt, tôi đứng lại bên một thân cây me vỏ nhám xù xì khô nứt nẻ và lấy tay phủi vào từng giọt nước mưa kết hạt long lanh trên tóc, gỡ từng lá me mắc trong mái tóc lòa xòa quấn quít bên cổ, mơn man trên mặt, trên tay, mùi tóc nồng ấm như hơi thở thoát ra một chút hương thanh thoát khác hẳn với mùi đất ẩm. Tôi đứng lặng vuốt tay trên thân cây nhám, những chỗ lồi gợn lên trong lòng tôi nỗi cảm xúc, bồi hồi, thương nhớ và những chỗ lõm sâu vào chùng xuống hồn tôi một sự nuối tiếc một cái gì đã thoáng rời xa. Mơ hồ quá, tôi không nhận diện được rõ ràng nhưng tôi có cảm tưởng mình đang đổi khác.

Những bước chân người qua lại, những đôi mắt tò mò hay phớt tỉnh, những tiếng nói chuyện xì xào, con đường ở trước mặt nằm dài uể oải với xe chạy chậm chạp thong thả tránh nhau, không một tiếng kêu gần bịnh viện, nơi con đường rẽ ngang một bên dẫn vào bịnh viện và một bên ngang qua viện văn hóa. Có tiếng huýt gió khe khẽ, lớp người học khóa giờ trước đã ra nói cười vui vẻ. Tôi vẫn đứng yên lặng, hai tay thu lại ôm chồng sách vở. Vào lớp học? Không, tôi muốn đứng đây nhìn con đường, cỏ cây, và đám người qua lại.

Một toán con trai từ thư viện của trường bước ra, tôi quay mặt về hướng khác nhưng những lời phê bình vẫn lọt vào tai tôi:

- Có nàng nào đứng thơ mộng dưới tàng cây me kìa?

Tôi đứng yên, họ đang nói về tôi đấy.

- Tóc dài đẹp quá, không biết bộ mặt có xinh không?

- Hay là như quỷ ấy!

- Mặc áo dài kín quá, tao không biết trắng hay đen.

Một giọng quen thuộc hình như của ai:

- Thôi đi các ngài, không chừng học cùng khóa đấy.

- Sợ gì, cô bé ươm mơ có nghe thấy gì!

Tiếng chân bước lại gần hơn dù cố nhẹ nhàng.

Tôi quay phắt lại, nhất định phải dạn dĩ nhìn thẳng vào họ. Quả nhiên bọn họ dừng lại, hơi ngạc nhiên vì thái độ bất ngờ của tôi. Và tôi cũng ngạc nhiên không kém, trong đám đó lại có Khánh, người bạn trai duy nhất mà tôi thấy đứng đắn trong lớp. Chúng tôi nói chuyện thân mật trong những phút gặp nhau ngoài lớp. Khánh không khi nào tỏ ra khiếm nhã, đôi khi Khánh cũng có nhìn tôi, hơi lâu nhưng rồi cũng lễ phép nhìn nơi khác. Khánh có một tâm hồn nghệ sĩ, trầm lặng và kín đáo. Tôi không biết Khánh là tay đàn trong ban nhạc, và do tình cờ Kim đưa cho chương trình nhạc trẻ của chị Thiên Hương, tôi mới biết Khánh kéo violon rất giỏi mặc dầu Khánh rất trẻ, học bằng lớp với tôi. Bọn Khánh đâm ngượng, một vài người bấm tay nhau nói nhỏ, thì thầm, tôi đoán qua bờ môi nhếch nhẹ của họ tiếng "khá lắm". Khánh đứng im. Có vẻ lúng túng. Vì biết tôi nghe được những gì. Thấy tôi cũng đứng im, Khánh nói nhỏ:

- Xin lỗi Hạnh.

Tôi im lặng một chút, rồi nói bâng quơ:

- Đâu có chi!

Khánh cười:

- Hạnh chưa vào học à, còn Kim đâu?

Tôi ngạc nhiên nhìn Khánh:

- Kim? Kim nghỉ học lâu rồi!

- Chắc có lẽ Kim bận dạy học, nghe chị Hương nói!

- Thế hả?

Ngày xưa Kim vẫn thường nói về ước mơ của Kim "nếu không còn là học trò, Kim sẽ là cô giáo". Có thể nói là Kim vào đời không? Kim muốn nhìn lại thuở nhỏ của mình một cách êm đềm và trong sáng nhất hay Kim muốn rõ cái thực trạng bạc bẽo hay được ưu đãi của nghề gõ đầu trẻ?

Còn tôi? Tôi cúi nhìn hai vạt áo trắng bay theo gió mà tự hỏi bao giờ tôi sẽ giã từ...


NHÃ UYÊN       


(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 23, ra ngày 5-4-1972)

Mái nhà yêu dấu


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>