Thứ Hai, 9 tháng 10, 2017

Những Ngày Đi Bán Báo Thiếu Nhi


Y hẹn như lúc chia tay tại tòa soạn hồi đầu tuần, chiều hôm đó bác Văn Việt "mò" tới tôi. Lần này bác đến sớm hơn thường lệ nghĩa là đồng hồ vừa chỉ đúng 14g00 giữa lúc tôi còn đang "say sưa trong giấc điệp" bỗng hốt hoảng choàng dậy vì tiếng còi xe Honda Tin... tin... Tin... tin dồn dập ngay ngoài cửa.

Sau vài phút nghỉ ngơi, trà nước, thuốc lá, bác Văn Việt vào đề ngay.

- Vì chủ nhật vừa rồi đã hẹn có chuyện cần gặp anh nên hôm nay tôi tới để bàn với anh về vụ Thiếu Nhi đây.

Vốn dĩ quen ngủ trưa từ lâu dù nhiều lần muốn bỏ nhưng không được, nay phần còn ngái ngủ vì chưa "đã" giấc, phần chẳng hiểu "nếp tẻ" gì cả thành thử tôi ngỡ ngàng:

- Chuyện gì thế anh?

- Chắc anh cũng rõ là hiện nay tờ TN lỗ quá trời. Có lẽ vì bận nên anh ít tới tòa soạn, tôi được anh chị Nhật Tiến cho biết về tình trạng báo Thiếu Nhi : Mỗi kỳ ấn hành tổng số bán được chỉ bằng một phần năm thành thử trung bình hàng tuần tòa soạn lỗ một trăm ngàn đồng.

- Vâng tôi có nghe nói là báo TN không chạy nhưng đâu ngờ lỗ nặng đến thế. Tôi cứ đinh ninh rằng tòa soạn đã gửi thư ngỏ tới Quý vị giáo chức và phụ huynh các em thiếu nhi trên toàn quốc để trình bày rõ mục đích chủ trương đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ (bằng cách mua báo) thì hẳn là con số độc giả phải gia tăng chứ sao lại sụt được nhỉ.

- Công việc đó đang xúc tiến nên phải chờ một thời gian lâu mới biết kết quả, hiện tại thì các nhà phát hành thông báo là vì ảnh hưởng thời cuộc nên số báo gửi đi được trả về nhiều hơn trước, nhất là mấy tỉnh vừa gặp chiến nạn.

- Vậy thì tòa soạn đã tìm giải pháp cứu vãn nào chưa?

- Có chứ anh. Nếu tình trạng này kéo dài, chắc chắn TN sẽ phải in bớt số lượng, và trong tương lai có thể trở thành bán nguyệt san hoặc nguyệt san không chừng... cùng lắm mới đành phải đóng cửa.

- Chà! "Kẹt" ghê nhỉ. Đang từ tuần san mà tụt xuống bán nguyệt san hoặc nguyệt san thì tờ báo còn gì để mà đăng nữa đây. Lúc ấy hẳn là T.N sẽ có nhiều thay đổi về hình thức lẫn nội dung mất thôi.

- Chính vì điểm ấy nên tôi bàn với anh thế này. Anh và tôi chịu hy sinh một thời gian thử xem có hy vọng đỡ được phần nào lỗ lã cho TN không. Tôi đề nghị là chúng ta sẽ đích thân đem báo tới quảng cáo tại các trường. Sau này các em học sinh đã quen với tờ TN rồi, lúc đó tôi sẽ tìm cách gửi báo thường xuyên, anh nghĩ sao?

Tôi nêu lên vấn đề cần thiết là phải có người đi giới thiệu từng trường vì ngay tại Saigon này, nhiều em học sinh vẫn chưa đọc tới T.N, vì thế, anh chị Nhật Tiến đã nhờ sự tiếp tay của chúng ta. Đáng lẽ tôi tới gặp anh từ lâu nhưng vì anh mới xuất viện và còn trong thời kỳ dưỡng bệnh nên cứ chần chừ mãi đến bây giờ.

- Có thể là ở giai đoạn này tờ T.N còn mới lạ, nhưng hy vọng rằng trong tương lai, T.N sẽ thu hút được nhiều cảm tình của mọi giới. Dù sao thì với anh, tôi cũng nhận lời đi kiếm thêm độc giả cho T.N, xin anh đừng ngại... Vậy bao giờ chúng ta khởi sự?

- Tùy ở anh, nhưng nếu sớm được ngày nào hay ngày ấy.

- Vậy thì kể từ mai tôi sẽ bắt tay vào việc ngay. Xin anh cho tôi danh sách các trường tôi sẽ phụ trách.

- Tạm thời anh cứ tới các trường gần khu vực này đã, khi nào tiện, chúng ta sẽ đi tới các trường xa xa hơn anh ạ.

Thế là bác Văn Việt mở cặp lấy ra một xấp báo T.N gồm mấy số 60, 61, 62, 63, 64 và 65 đã đóng dấu "kính biếu" kèm theo hai loại "Bức thư ngỏ" kính gửi Quí vị phụ huynh học sinh và quí vị Giáo chức trên toàn quốc.

- Đây, tôi xin gửi anh một ít báo mới nhất để làm phương tiện giới thiệu.

- Anh cứ yên chí, tôi sẽ gặp lại anh sau khi hoàn tất công tác.


ĐI "MÓC NỐI"

Sáng hôm sau, "lên khung bộ đồ đại trào, cà vát cẩn thận" tôi cắp theo một ít báo để đi "móc nối" (1). Tôi cũng cần thưa ngay với quý vị độc giả T.N là công việc "móc nối" này hoàn toàn không có gì là phạm pháp đâu nhé, vì ngoài tờ chứng nhận của tòa soạn, tôi còn bản "phô-tô-cóp-py" giấy giới thiệu của Bộ Quốc Gia Giáo Dục cho phép tòa soạn cử người tới các trường Trung Tiểu học trên toán quốc để quảng cáo đàng hoàng. Hai giấy đó tôi giữ thật cẩn thận và chỉ lấy ra khi cần, xong lại cho vào bao thơ ngay kẻo lỡ mà thất lạc thì hỏng bét. Để bảo đảm hơn nữa, tôi dùng hai, ba cái "át-tát" ghim chặt bao thư vào phía trong bìa cứng, bên ngoài còn chằng thêm mấy "sợi thung" cho chắc ăn, bởi lẽ các cụ nhà ta đã dạy rằng "cẩn tắc vô áy náy" mà lỵ.

Trường được tôi chiếu cố trước nhất là Trung Tiểu học Mai Khôi Chí hòa.

Vừa bước vào văn phòng và may mắn gặp lúc vắng khách, tôi ngỏ ý xin yết kiến bà hiệu trưởng. Một trong mấy nhân viên đang cặm cụi ghi chép liền mời tôi sang phòng bên. Lát sau bà hiệu trưởng tới, tôi trình giấy phép của Bộ Quốc Gia Giáo Dục cùng tờ chứng nhận của tòa soạn rồi nêu rõ mục đích của mình:

- Thưa bà, đại diện cho tuần báo Thiếu Nhi, hôm nay chúng tôi đến đây, trước hết là để xin kính biếu bà mấy số báo mới nhất với ước mong được bà thẩm định giá trị bài vở về phương diện giải trí và giáo dục, sau nữa xin bà vui lòng cho phép chúng tôi gửi bán hàng tuần một số báo tại trường...

Rất vui vẻ, bà hiệu trưởng cho biết:

- Vì hết sức quan tâm tới phần đức dục của các em học sinh nên tôi cũng đã đọc qua một số báo dành cho trẻ em trong đó có tờ T.N của các ông. Chúng tôi nhận thấy tờ báo này khá với nhiều bài vở hữu ích, đã vậy, lại còn in đẹp nữa... Vâng, ông có thể gửi bán ở đây được lắm, tuy nhiên tôi sẽ giới thiệu ông với Dì giám học, người chuyên phụ trách về sách báo thư viện nhà trường, vì chúng tôi đã phân chia nhiệm vụ rõ rệt...

Qua lời giới thiệu của bà hiệu trưởng, Dì Giám học hỏi tôi những chi tiết về giá cả, ngày và cách thức nhận cũng như trả lại báo xong, tôi kiếu từ ra về vì còn phải đi nơi khác.

Liền trong mấy ngày, tôi tới các trường Nhân Văn, Tiến Đức, Nhân chủ, Nam hòa, Văn Đức, Sao Mai, Thánh Tâm (đường Tô Hiến Thành), Thánh Mẫu, Tân Việt học đường, Thượng Hiền, Nguyễn Công Trứ, Tiền Giang v.v... Nơi nào tôi cũng "sao y chánh bản" những lời đã trình bày ở trường Mai Khôi kèm theo một số báo biếu.

Điều làm tôi hứng khởi nhất là chỉ trừ một vài địa điểm từ chối không nhận cho gửi bán TN với lý do thiếu người phụ trách còn ngoài ra tất cả quý vị hiệu trưởng, giám học, tổng giám thị đều vui vẻ chấp thuận cho TN được phép gửi bán thường xuyên tại trường.

Để các em học sinh kịp thời có báo mới đọc, kể từ mỗi tuần lễ sau đó, tôi dành hai buổi chở theo hàng chồng báo TN trên chiếc mô-bi-lét cọc cạch tới từng nơi để "móc nối" để giao rồi thu về số báo chưa bán hết. Tất nhiên, tôi vẫn liên lạc với những trường nào chưa có "ý kiến của vị hiệu trưởng" hầu thu xếp với bác Văn Việt.


ĐI BÁN BÁO

Thấy số báo gửi tới trường trong vài kỳ đầu chưa được "chạy" lắm nghĩa là nhận 50 số chỉ bán được 4, 5 số (có nơi chẳng được số nào), nhiều vị phụ trách đã ngỏ ý tiếc cho chúng tôi "mất công vất vả mà chả có kết quả":

- Nếu có thể được, tòa soạn nên cử người tới giới thiệu tận các lớp thì chắc là "khá" hơn, chứ chỉ để ở văn phòng thế này làm sao các em biết mà mua.

Ý kiến này quả thực rất chính đáng vì hai lý do. Trước hết, một số trường muốn tránh bị hiểu lầm là thiên vị TN trong khi nhiều báo khác cũng gửi bán tại đây lại không được giúp đỡ tận tình. Thứ nữa "sự hiện diện của chính các nhân viên tòa soạn có lẽ sẽ thu được nhiều cảm tình của các em học sinh hơn" (lời của một vị giám học nói với chúng tôi). Vì thế, lần nữa, bác Văn Việt lại đề nghị:

- Đây là dịp thuận tiện để chúng ta tiếp xúc thẳng với các em học sinh thì mới biết được mức hấp dẫn của TN ra sao. Thôi thì anh và tôi chịu khó tới bán thử tại mỗi trường một lần.

Sau nhiều dịp bàn luận, chúng tôi chọn trường Nhân Chủ làm địa điểm thí nghiệm, vì từ cụ Giám học cho tới quý vị giáo sư đều hết lòng giúp đỡ chúng tôi bằng cách mời mấy em đại diện học sinh các lớp sáng và chiều tới để hướng dẫn chúng tôi đến từng lớp một.

Sáng hôm đó, bác Văn Việt và tôi, mỗi người ôm theo năm chục tờ báo Thiếu Nhi số mới nhất, chia nhau vào từng lớp. Đợi em đại diện trình bày với giáo sư rồi giới thiệu với các bạn học xong, tôi mới bước vào chào giáo sư và... "xuất ngôn" liền:

- Chào các em! Chúng tôi đại diện tuần báo TN, hôm nay được quí vị Hiệu trưởng, Giám học và Giáo sư của các em đây cho phép tới tiếp xúc thẳng với các em để giới thiệu tờ báo này (vừa nói, tôi vừa cầm một tờ giơ cao lên cho các em thấy)... Đây là một tờ báo giải trí và giáo dục đã được bộ QGGD chấp nhận cho đem đến các trường Trung, Tiểu học trên toàn quốc để quảng cáo... Ngoài phần trình bày đẹp đẽ, bài vở dồi dào, các em còn có dịp tìm hiểu hàng tuần những để tài về văn chương, khoa học, nghệ thuật, lịch sử, địa lý, vạn vật, danh nhân thê giới v.v... Nếu là các em trai thì đã có trang giải trí Tin Tin (phóng tác) truyện tranh VN (của họa sĩ Nguyễn Tài) và ở mặt bìa sau là truyện Donalt của Walt Disney... Phần dành cho các em gái là trang giữa với các mục thêu thùa, làm bánh, giải đáp thắc mắc v.v... và v.v... Báo này ở ngoài sạp bán 50đ một tờ, nhưng hôm nay, đặc biệt trong buổi sơ ngộ chúng tôi chỉ bán với giá 40đ (2) gọi là để giới thiệu. Mong rằng các em sẽ hết lòng ủng hộ... Em nào muốn mua xin cứ ngồi tại chỗ và giơ tay lên, chúng tôi sẽ đến tận bàn.

Thường thường sau câu mở đầu rất chi là "dài dòng văn tự" ấy, các em nhao nhao lên bàn tán. Có em xin tôi "cho cháu mượn coi thử đã, bác!" tôi cũng chiều ý. Cầm tờ báo trên tay, hai ba em xúm lại cùng xem rồi nhìn nhau dò hỏi. Hầu như ở lớp nào cũng vậy, hễ có một em mua trước thì các em khác mới ùa theo.

- Mua không mầy?

- Mầy có mua thì tao mới mua.

- Ờ... ờ... báo này mua được, mua đi.

- Nhưng tao không đủ tiền, mầy cho tao vay nhé v.v...

Quyết định rồi các em giơ tay:

- Bác bán cho cháu một tờ!

- Cháu, một tờ đi bác!

- Cháu có sẵn tiền lẻ mà, bác!

Thế là tôi phải xê dịch lung tung trong lớp để tới tận bàn các em vừa trao báo vừa thu tiền. Có em đưa cả giấy năm trăm ra để tôi trả lại.

Nhắc đến mục thối tiền này, tôi không nhịn cười khi nghĩ đến biện pháp "làm việc mau lẹ" của bác Văn Việt như sau: Để tranh thủ thời giờ vì tại mỗi lớp chúng tôi chỉ dám làm phiền quí vị giáo sư năm bảy phút là củng, bác Văn Việt đã lo đổi sẵn hơn một ngàn tiền lẻ gồm loại 20đ, 10đ và 5đ đựng trong hai bọc ny lông : bác giữ một còn bọc thứ hai tôi giữ, ấy là chưa kể mỗi người còn thêm một bọc tiền giấy nữa. Nếu bỏ tất cả tiền vào túi quần "nó" phồng lên coi "kỳ" quá thành thử ai nấy hai tay ôm chồng báo còn nắm theo bọc tiền, nên mỗi khi di chuyển âm thanh "lẻng xẻng" phát ra ầm ĩ, chẳng khác gì mấy bà buôn bán ngoài chợ kiếm tiền lẻ trong bịch vải đeo bên mình ra trả cho khách hàng vậy.

Trung bình tại mỗi lớp, chúng tôi cũng bán được hai chục tờ vì tương đối các em có sẵn tiền. Trước khi sang phòng bên, tôi không quên nhắc vài câu:

- Đại diện tuần báo TN, tôi xin cảm ơn các em với ước mong rằng các em sẽ tìm được những trang báo giải trí lành mạnh và trở thành độc giả thường xuyên của chúng tôi... kể từ tuần tới, em nào muốn mua báo TN, xin liên lạc với vị phụ trách X vào giờ ra chơi vì chúng tôi có gửi bán thường xuyên ở đây. Cám ơn các em.


"BÁC CÓ PHẢI LÀ BÁC ĐINH GÔ KHÔNG BÁC?"

Sau lần trắc nghiệm kể trên, số báo gửi bán ở đó tăng lên dần dần. Phấn khởi, bác Văn Việt và tôi tiếp tục giới thiệu TN tại các trường khác như Nghĩa Hòa, Tân Việt, Khuông Việt, Tân Sơn Hòa, Trường Quốc Gia Mỹ Nghệ (Gia Định), Chi Lăng, Phú Mỹ, Hiếu Nghĩa, Lữ Gia, Quốc Toản, Đồng Nai, Cần Tiến, Minh Tâm, Xóm Củi v.v...

Vì đã được nhà trường chấp thuận và thông báo trước nên khi chúng tôi tới, các em đều vui vẻ và chiếu cố TN tận tình. Có lắm bận chúng tôi phải lên xuống hai ba tầng lầu để lấy thêm báo mà vẫn không đủ đến nỗi ngay chiều hôm đó hoặc sáng hôm sau, bác Văn Việt phải "lóp ngóp cái thân già" đưa thêm xuống trường một số báo gửi bán cho các em chưa kịp mua.

Suốt thời gian đi kiếm thêm độc giả cho TN, tôi đã gặp vài ba trường hợp đặc biệt sau đây tại mấy trường khác nhàu (nhưng không nhớ rõ trường nào).

Một em học sinh nhìn tôi ngập ngừng muốn nhờ điều gì rồi lại thôi. Chờ mãi cho tới khi tôi tới gần em mới hỏi:

- Thưa bác bác có bằng lòng bán chịu không bác?

- Em hỏi bán chịu là bán như thế nào?

- Dạ, cháu chỉ có 35đ thiếu mất 5đ. Vậy bác bán chịu cho cháu, mai bác trở lại đây cháu trả nốt, nhé...

Một em khác chạy theo chúng tôi xuống văn phòng, dặn với:

- Tiếc quá, cháu không đủ tiền (vừa nói em vừa xòe bàn tay cho tôi thấy hai đồng 10đ). Mai bác đến đây sớm vào khoảng bảy rưỡi, tám giờ thì cháu mới mua được vì mỗi ngày má cháu chỉ cho hai chục uống nước thôi.

Một em khác nữa không có tiền (hay đã hết tiền rồi cũng nên) nhờ biết địa chỉ của tôi mới yêu cầu:

- Bác bán cho cháu một tờ, chốc nữa tan học cháu sẽ đến tận nhà bác trả tiền.

Với những "ca" đặc biệt này, chúng tôi đều thỏa thuận bán ngay bằng số tiền các em sẵn có, chứ không "chờ đến mai trở lại lấy nốt, vì thấy cần nâng đỡ các em ham học hỏi tìm hiểu qua sách báo lành mạnh, và cũng muốn đo thử mức độ thật thà ngay thẳng của các em học sinh ra sao. Quả nhiên đến tối, em đó đạp xe tới trả tiền đầy đủ khiến tôi hết sức cảm động. (Sau này có dịp gặp lại, em cho biết vẫn mua báo TN đều đặn từ đó đến nay (6-73).

Nhiều lần trong khi bán báo, chúng tôi được các em hỏi những vấn đề liên quan tới bài vở, nhân viên tòa soạn, chẳng hạn:

- Cháu muốn viết bài gửi đăng báo mà chả biết có được đăng không nữa.

- Thì em cứ gửi tới, hễ hay là được đăng liền.

- Ai chọn lựa  bài thế bác?

- Chú Nhật Tiến.

- À, bác ơi, chị Mai Loan, chị Đỗ Phương Khanh và cô Nhật Tiến, ba người ấy là một phải không bác?

- Để khi nào ghé tòa soạn tôi hỏi kỹ lại đã, vì chính tôi cũng không rõ có đúng như vậy không.

- Bác nói dối, bác mà không biết thì còn ai biết.

- Tôi cũng chẳng hiểu là tôi có nói dối không nữa.

Vui nhất là một lần nọ, mấy em cứ nhìn tôi xì xào to nhỏ mãi rồi mới hỏi:

- Bác ơi bác, bác có phải là bác Đinh Gô không bác?

Giật mình đến thót một cái, tôi vừa nực cười vừa tự nhủ: "Chết chửa, mình "đẹp giai" hồi nào đâu mà các em này lại tưởng mình là nhân vật ồn ào, ầm ĩ nhất trong trang Siêu Thị Hoa Hồng nhỉ? Hẳn là còn lâu lắm mình mới "bảnh" bằng Đinh Gô, nhưng nếu bây giờ cứ nhận bừa đi nhỡ bác Đinh Gô thứ thiệt 100% biết được sẽ đưa ra tòa về tội "đạo danh" thì chết, nghĩ thế, tôi phải chối bai bải:

- Ấy... ấy... Tôi không phả là bác Đinh Gô đâu nhé!

- Vậy chú Bách Khoa có phải là bác không?

- Đâu có.

- Hay bác là bác Trường Kỳ?

- Trật nốt.

- Vậy thì nhất định bác phải là bác Vịt Mò, đúng không bác?

Tôi ngó lại tìm bác Văn Việt nhưng bác lại đang bận tiếp chuyện vị giám học ngoài hàng hiên nên tôi phải cải chính:

- Các em đoán sai hết rồi.

- Vậy bác có viết bài trên báo TN không đã?

- Có chứ, nếu em nào nói trúng tôi sẽ tặng một tờ TN ngay.

Lần lượt các em nêu lên tên: Bình Electronic, Vi Vi, Vương Nghiêm, Lê Xuân Nho, Thu An, Trần Ngọc Kính, Trương Phú Thơ, Tế Xuyên, Yếu Phu v.v... đều bị tôi lắc đầu nguầy nguậy. Giữa lúc các em tiếp tục nhắc đến một số tác giả khác và có lẽ sắp sửa đến lượt tôi thì may quá, vị giám học bước vào nhắc nhở các em nên tìm mua các loại sách báo lành mạnh, bổ ích, mà đọc, vì thế các em quên luôn.

Lúc ra về ngang sân trường, tôi nhìn vào kính chiếu hậu chiếc xe của bác Văn Việt xem hôm nay mặt mũi mình có dấu vết đặc biệt nào không, nhưng chẳng thấy gì cả. May ơi là may.


"TĂNG GIÁ MỘT VÀI CHỤC ĂN NHẰM GÌ?

Liên tiếp trong mấy tháng trời, hàng tuần bác Văn Việt và tôi (sau này còn thêm cả bác Văn Trung và Huy Yên nữa) tới các trường để giới thiệu TN rồi gửi bán luôn cho tiện, nhờ đó tòa soạn bớt được một phần nhỏ thiếu hụt (mỗi kỳ chúng tôi bán được vào khoảng 500 cho tới 600 tờ).

Vào dịp hè, các trường đóng cửa, bác Văn Việt và tôi xoay ra bán báo bộ bằng cách gửi tại các hiệu sách như Nguyễn Bá Tòng, Đa Minh, Fatima, Nguyễn Đình Tụng, Ái Thơ, Cứu Thế tùng thư, Xây Dựng, Hưng Thịnh, Đoàn Văn, Duyên Dáng, Xuân Thu, Hội quán Dục Anh v.v...

Phải thành thực nhận rằng báo TN đã được các em học sinh biết đến phần lớn nhờ ở sự ủng hộ nhiệt thành của quý vị Linh mục, Soeur, Hiệu trưởng, Giám đốc, Tổng giám thị cùng Giáo sư đã hướng dẫn các em học sinh lựa chọn sách báo đã đọc.

Chúng tôi từng chứng kiến cô giáo nọ chẳng ngần ngại cho học trò của mình muốn mua báo TN được vay tiền rồi trả lại sau ( vì hôm đó chúng tôi tới bất ngờ lại hơi muộn) kết quả là cô đã phải ứng trước hơn một ngàn trả cho gần bốn chục tờ báo, một con số kỷ lục chưa bao giờ chúng tôi đạt được. Một giáo sư khác vui vẻ mua báo TN và trả tiền ngay (dù chúng tôi có nhã ý biếu vị đó một tờ) với mục đích "để các em thấy là không phải tờ báo này chỉ có các em mới đọc mà ngay người lớn cũng coi nữa". Chính một vị giáo sư khác nữa (xin giấu tên) hàng tuần nhận của chúng tôi một số báo rồi chở xuống tận trường bán vốn lại cho học trò của mình, nghĩa là chúng tôi để cho giáo sư bốn mươi đồng một tờ thì giáo  sư cũng bán lại cho các em giá đó chứ không lấy một xu lời. vì theo lời giáo sư thì ở vùng dưới ấy phương tiện giải trí cho các thiếu nhi hầu như không có.

Nếu TN đã được nhiều vị trong ban Giám đốc và Giáo sư tận tình giúp đỡ, thì ngược lại cũng có vị tỏ ra hết sức thờ ơ, lạnh nhạt gần như hất hủi. Theo các quý vị này thì "nhà trường không phải là chỗ bán báo con nít" "học sinh có thân thì tự lo lấy chẳng việc gì mà phải tận tâm về sách báo giải trí cho các em cho mệt, vì khuyến khích và hướng dẫn mãi mà các em cứ mua những cuốn truyện tranh bậy bạ bán đầy ngoài hè phố thì cũng đành chịu, nếu gia đình không kiểm soát kỹ" hoặc đòi hỏi chúng tôi phải cho nhà trường hưởng bốn, năm chục phần trăm như sách giáo khoa mới nhận, mặc dù chúng tôi đã dành hai mươi phần trăm tặng quỹ hiệu đoàn theo thông lệ.

Nhưng buồn nhất là phải nghe những ý kiến sau đây: "Nếu muốn bán chạy tờ báo, các ông cần chen vào một vài tiểu thuyết tình tứ, thơ mộng, ướt át một chút hoặc chuyện ma quái khủng khiếp thì mới hấp dẫn chứ chỉ biết giáo dục không thôi là thiếu thực tế." hoặc "Lúc này ai cũng lo sinh kế hơi sức đâu mà nghĩ tới báo với bổ, nhất là tờ báo của các ông bán giá năm chục là quá đắt (!). Các ông cứ in đại khái rồi bán thật rẻ năm mười đồng là sẽ đắt như tôm tươi ngay".

Viết đến đây, tôi lại nhớ tới vị phụ huynh học sinh ở gần nhà tôi. Tuy chỉ là một quân nhân bình thường với đồng lương ít ỏi không đủ chi tiêu trong gia đình, vậy mà hàng tuần ông vẫn mua báo TN bất kể giá cả đã tăng (sáu mươi đồng một số). Ông không nề hà cho biết: "Dù rằng báo TN có tăng lên một hai chục tôi vẫn mua. Ăn nhằm gì chuyện đó miễn là tụi nhỏ nhà tôi có sách báo giải trí bổ ích để đọc".


Saigon ngày 15-7-73
ĐẶNG HOÀNG    

------------------- 
(1) Danh từ của bác Văn Việt dùng chỉ việc đi giới thiệu T.N với các trường.

(2) Giá tiền này có thể là 45đ hay 40đ tùy theo quyết định của ban giám đốc nhà trường.


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 106107, ra ngày 7 và 14-9-1973)
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>