Cuối thu vàng lá đầy sân
Nằm nghe mùa để đầy sân lá vàng
Nằm nghe mùa để đầy sân lá vàng
T. D.T
Chúng tôi đi chậm trên xác những chiếc lá. Khu rừng, tạm cho là thế ở
một nơi mà ít ai lai vãng. Không phải có biển khu Quân sự hay Mine đâu,
mà tại vì ít có ai… điên như chúng tôi. Đây là rừng cao su, những gốc
cây thẳng tắp từng hàng đều đặn. Nhìn ngang nhìn dọc cũng thấy lối đi
giữa hai hàng cây ngay ngắn hun hút. Lối đi ở xa nên trông như hẹp lại,
gần chạm vào nhau. Cỏ mọc thấp đến mắt cá chân. Khu rừng từ xa nhìn như
là một bãi cỏ non được cắm ngay hàng thẳng lối những gốc cây. Đi trong
đó không thấy mặt trời hay một áng mây nào cả. Nơi đây chỉ có dân cạo mủ
đi làm việc, hay mùa hè vài người lượm hột cao su. Gần đó có con đường
đất đỏ bằng phẳng mát rười rượi, nên chẳng ai đi lang thang trong này,
trừ chúng tôi.
Hôm nay M. mặc một cái áo len hồng nhạt. Cô bé làm như trời lạnh lắm
vậy. Mùa đông chưa đến mà, lo gì, lạnh ta cứ việc đốt lá sưởi ấm như
ngày xưa. Nhưng coi chừng, có thể bị cháy rừng là nguy to! Tôi nghe
tiếng chim chuyền ríu rít trên cành cây thưa lá. Đi song song với con
đường đất đỏ là đến dòng suối, và quê hương ấu thời bên kia dòng suối.
Mặc dầu là buổi sáng, M. vẫn nói:
– Hôm nay lạnh quá.
– Lạnh à? Trời đẹp thế này…
– Đẹp nhưng lạnh.
Tôi nói:
– Người gì yếu như sên!
M. làm mặt giận, đá tung những chiếc lá khô.
– Ê, đừng làm vậy. Tội nghiệp lá.
– Anh N. nói gì? Hôm nay anh N lãng mạn dễ sợ.
Vừa nói M. bĩu môi, kéo dài câu nói nghe thật ngộ. Tôi tiếp:
– Nhưng còn thua M. một bậc phải không?
M. lắc đầu cười.
Nắng buổi sáng yếu, lọc qua đám lá già sắp rơi khiến không khí mát dễ
chịu. Thiên nhiên ngon như một… cái bánh ngọt! Mà ở đây, nơi nào cũng
mát mẻ dễ yêu cả. Chỉ nghe tiếng chim kêu trong lá, tiếng gió đùa cùng
lá. Tưởng như nghe cả tiếng các đóa hoa dại nô đùa với nhau. Thỉnh
thoảng một chiếc xe đạp chạy ngoài đường đất, tiếng động êm đềm, thân
thuộc như tiếng tre cọ vào nhau, tiếng ru con mỗi trưa. Không như tiếng
xe cộ ồn ào phun khói ở thành phố, dã man.
M. than mỏi chân, ngồi ngay xuống cỏ, lưng tựa vào thân cây. Mắt cô bé ngó bâng quơ. Bỗng M đưa tay chỉ:
– Có cái hoa gì đẹp quá, anh N!
Tôi nhìn và đứng phắt dậy, reo to:
– Lan đấy. May quá!
Trên một nhánh cây, bụi lan bám vắt vẻo. Lá xanh mướt cong dài, một
cành hoa dài màu trắng. Trên đó có những đóa hoa nho nhỏ, thật xinh xắn.
Trông toàn thể khóm lan, một vẻ gì thanh thoát, mảnh mai, toát ra từ
những chiếc lá dài và thưa, từ cành hoa trắng muốt. Hương thơm thoang
thoảng, tôi vừa nhận ra. Tôi đứng ngây người nhìn M giục:
– Lấy xuống đi anh N.
May là khóm lan ở một nhánh thấp, trèo lên chút xíu là thấy ngay. Tôi
gỡ nhẹ nhàng, phải làm khéo léo mới mong giữ được vẻ đẹp. Lan nhờ
“tính” tốt là sống dai, nên mang về nhà cũng không sợ héo. Lòng hồi hộp
lẫn sung sướng, cuối cùng tôi cũng mang được khóm lan xuống bình yên. M.
ngắm thích thú các đóa hoa trắng nhỏ, ở giữa màu vàng.
– Thơm quá!
Mang đến gần, hoa tung hương ngào ngạt. Mùi hương thật dễ chịu, thơm
gấp triệu lần các lọ nước hoa. Lẽ dĩ nhiên vì đây là hoa thật, hương
thật. Chúng tôi cười sung sướng. M. cầm khóm lan, thỉnh thoảng đưa lên
ngửi.
Gió vẫn đi qua trên cao, lá tiếp tục rơi xuống, đôi lúc bay như mưa.
Nhìn lên chỉ thấy màu nhàn nhạt của lá, những đường gân lá mờ mờ. Tôi
bắt một chiếc, viết vu vơ vào mặt lá vài câu. Tôi bỏ chiếc lá khô ấy vào
trong trang sách mang theo. Nhìn hình bìa, tôi nhớ ra đó là một quyển
thơ. M. cũng bắt chước, cô bé viết mấy câu thơ. Lá dưới đất đã nhiều
rồi, thế mà trên cành lá khác đang nhuộm vàng. Mùa thu không có nắng mà
lại làm lá phai màu, đời lá chấm hết. Dưới chân tôi lá xếp dày, và lá
dưới cùng bắt đầu mục rữa. Tôi muốn viết tên trên những chiếc lá. Dĩ
nhiên là tên hai người, một người con gái! Viết khắp các chiếc lá thu
này.
Cứ thế buổi sáng êm đềm trôi qua, chậm rãi. Thời gian lúc này sao mà
đáng yêu thế, nó đi thật chậm như muốn kéo dài buổi sáng ra. Tôi thở
thật khoan khoái. Dễ gì được một buổi sáng bằng vàng này. Tôi và M. ngồi
tựa lưng vào thân cây, đối diện nhau, nhìn thiên nhiên đang chuyển mùa.
Trong đó lá vàng sắp đi, lá đang rơi và nhựa sống vẫn rạt rào trong
thân cây sần sùi, mốc trắng.
Chúng tôi trở ra con đường đất đỏ. Đường dốc thoai thoải, hàng cây
rợp bóng trên đầu. Xa xa là dòng suối chảy quanh những ruộng lúa, rau
cải. Qua màu xanh các cành gòn, ổi, mít, thấp thoáng màu ngói đỏ. Làng
tôi bên đó, nơi mà ấu thời đầy đủ những hào hứng xảy ra. Thật không ngờ
hôm nay lại có dịp đến thăm lại với một cô bạn. Tôi và M. dừng chân,
ngồi trên bậc đá của một thân cầu bắc ngang qua suối. Trên cầu đất đỏ
chồng chất từ nhiều năm mất dấu xi-măng cũ, thế nên đi trên đó không
nghĩ là ở trên cầu. Cỏ mọc lúp xúp cạnh bậc đá, rêu xanh rì đã mọc lên
thật nhiều. Nước suối đục lờ lờ, chỗ mà khi bé tôi đã xuống tắm thỏa
thích. M. hỏi:
– Khi xưa anh N. học ở đâu?
– Đó. Sau rừng cao su bên đó.
Tôi chỉ tay lên trên, M. chỉ thấy trùng trùng những cây cao su. Tôi nói:
– Đi vô con đường mòn qua hết rừng cao su thì đến chợ, trường học gần đó.
M. le lưỡi:
– Xa quá vậy! Đi bộ à?
– Ừ. Vui lắm chứ. Đi trong đó M. không thích sao?
M. gật đầu. Kể ra thì thuở đó là những ngày không bao giờ còn tìm lại
được. Bởi thế nên mới quí báu. Nhưng mà, hiện tại cũng rất quí báu,
phải thế không M.?
– Thế nhà anh N. ở đâu?
– Bên kia suối, chỗ có mấy cây gòn. Căn nhà ngói màu đỏ cũ đấy.
– Hồi đó còn nhỏ chắc vui lắm, anh N. há!
– Dĩ nhiên. Hồi M. còn nhỏ vui không?
– Có. Nhiều lắm.
Sau đó tôi kể huyên thuyên về những ngày còn bé. Hồi đó, thuở đó… Ôi
chao sao mấy tiếng đó êm tai quá nhỉ! Tôi kể bắt quàng từ chuyện này
sang chuyện khác, khi bất chợt thấy một hình ảnh dẫn dắt. Nhìn dòng suối
nhớ khi trốn học xuống tắm, bắt cua. Có lần làm mất đôi dép trong bùn.
Buổi sáng lạnh đi học đến một khoảng trống, gom lá lên đốt. Nghe mùi lá
cháy ướp nồng hương lá, hương đất, đủ thứ cả, gây gây khứu giác. (Bây
giờ được nghe lại thấy lại màu khói lá chắc là cảm động lắm, trong một
sáng đông nào đó). Trông rừng cao su nhớ khi đi học chân trần chạy suốt
trong đó, mùa hè nghỉ học đi lượm hột cao su, đi tìm nấm. Vào những ngày
giáp tết, đi tìm mai tận trong các rừng cao su xa, hay tìm lan về chưng
tết! Tôi kể, say mê kể trong khi M. nghe và nhìn bâng quơ. Ai cũng vậy,
có những kỷ niệm thuở bé có viết thành sách dày cả ngàn trang cũng
không đủ!
Bây giờ màu nắng rực rỡ hơn, lọc qua tàn cây thành những đốm tròn
sáng. Những màu hoa nắng. Giống như khi nằm võng buổi trưa, dưới bóng
tre nhìn hoa nắng trải đầy trên người, dưới đất. Trưa nồng, nghe tiếng
ru con à ơi thật buồn. Thanh bình như bóng tre đơn sơ. Bóng tre đơn sơ
thì dễ tìm, nhưng thanh bình thì mỏi mắt chờ trông.
Tôi và M. tiếp tục đi trên đoạn đường êm mát, sang khu làng bên kia.
Chiều chúng tôi phải trở về thành phố rồi. Gió vẫn thổi mạnh không
ngừng, thẳng tay bứt lá ném bừa xuống đường. Lá rơi xao xác chung quanh,
thật đúng là mùa thu vàng. Gió se lạnh luồn vào người. Trên các cành
cao su, lá sắp hết. Như thế là mùa Thu sắp hết, tàn phai theo xác lá. Và
trong thân cây đang tiềm tàng dồi dào sinh lực, chờ tung ra những chiếc
lá màu xanh non mượt mà. Ừ, mùa thu sắp hết rồi đó. Cây cối thiên nhiên
nói cho ta biết điều đó.
M. hát nho nhỏ khúc Thu Vàng của Cung Tiến. Tôi huýt sáo phụ họa.
Khóm lan trên tay bay hương lác đác, sau đó M. hát khúc Hương xưa. Bài
hát làm lòng tôi chùng xuống. Không ngờ còn có ngày được trở về quê
hương giữa khi thu vàng tươi màu lá. Người ơi, một chiều nắng tơ
vàng hiền hòa hồn có mơ xa? Người ơi đường xa lắm con đường về làng dìu
mấy thuyền đò. Còn đó tiếng tre êm ru, còn đó bóng đa hẹn hò, còn đó
những đêm sao mờ hồn ta mênh mang nghe sáo vi vu. Người ơi, còn nhớ mãi
trưa nào, thời nào vàng bướm bên ao. Người ơi, còn nghe mãi tiếng ru êm
êm buồn trong ca dao…
Và lá vẫn rơi, gió vẫn thổi trong buổi sáng cuối thu, giao mùa. Chúng tôi miên man đi…
*
Tôi thức giấc, ánh nắng chiều sắp hết chói chang khiến giấc ngủ bị
cắt đứt. Giấc mơ đẹp quá làm tôi bàng hoàng. Tưởng như thật bây giờ mới
biết rõ ràng chỉ là mơ. Mơ và thật lẫn lộn vào nhau. Ước gì ta sống như
trong giấc mơ rất đỗi êm đềm nhỉ!
Quyển sách nằm dưới đất, khi nằm võng ngủ quên đánh rơi. Tôi mở ra,
không có chiếc lá nào trong đó cả. Trời ơi, phải chi quyển sách đó là
quyển thơ có kẹp mấy chiếc lá cuối thu nơi một bài thơ nào đó. Ước gì
nghe lại mùi hương tỏa ra từ khóm lan trắng. Ước gì ngửi được mùi lá
khô, lá đốt mỗi sáng. Chao ơi, những điều tầm thường hết sức mà vẫn còn
trong mơ ước. Như một chuyến đi mộng tưởng chẳng hạn. Đi, về nhìn thấy
cảnh cũ vẫn không thay đổi, của một ngày thanh bình xưa.
Có tiếng hát của lũ trẻ từ gốc cây trứng cá bên cạnh đưa lại. Chúng
chơi trò dạy học, đứa làm cô giáo đang dạy hát. Chúng hát bài Việt Nam
Việt Nam. Buổi chiều sắp hết, êm ả. Tiếng hát tan trong gió, mênh mang
như những chiều quê thả diều. Tôi có cảm tưởng cái ngày mơ ước đang có,
với tiếng hát lũ trẻ, trong chiều khu phố vắng tiếng xe. Một ngày khác
mọi ngày mà chúng ta mơ ước đang đến, có phải?
Tôi dõi mắt nhìn lên cành bàng. Một chút lạnh đã thổi qua thị trấn,
cây bàng trở nên đỏ hơn với những chiếc lá sắp rụng. Cây sao lề đường
cũng đang thay lá, gió thổi tạt lá khắp sân. Chẳng mấy chốc lá vương vãi
trên sân. Với lá với gió cùng nắng chiều vàng ửng, thiên nhiên gợi lại
chiều nào xa xưa, mất dấu, bằn bặt trong trí nhớ!
Một ngày giao mùa có lá khô trải đầy dưới chân, là một ngày chúng ta mơ ước từ lâu, phải không M.?
Duy Nguyên
(Tháng 10-72)
(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 38, ra ngày 20-11-1972)