Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

Những Ngày Mưa Lụt


Một tuần qua, trời Huế mưa dầm. Ngày cũng như đêm, buồn da diết. Tiếng mưa rì rào hòa lẫn với tiếng gió trong cây, tạo nên một âm thanh não nuột.

Đường lên Kim Long thưa thớt người. Thỉnh thoảng, vài chiếc buýt lặng lẽ lướt qua. Hai dãy nhà, suốt ngày đóng cửa kín mít. Mưa ướt, gió lạnh với cái im lặng của ngoại ô làm cho cái thị trấn này có vẻ buồn thảm.

Nhà tôi nằm ngay trên bờ sông Hương tả ngạn. Về mùa nắng thì gió mát nhưng đông đến thì buốt tận xương. Những ngọn gió như quất vào da thịt.

Phòng học của mấy chị em tôi được xây trên sông như một gian nhà nổi. Phòng này cách nhà ở một khoảng sân rộng. Mùa mưa, sách vở học được chuyển vào trong. Phòng này chỉ chứa truyện, tạp chí và sách vở cũ. Chỉ mình tôi thường ra đấy những lúc nhàn. Nhất là vào những ngày mưa như hôm nay.

Tôi thích ngồi lặng lẽ ngắm dòng sông. Những giọt mưa rơi xuống, bắn tung làm nhăn nheo mặt nước. Từng đợt sóng trắng xóa tới tấp đuổi nhau chạy vào bờ. Giữa lòng sông như có bọt trắng. Rồi nước xoáy mạnh. Từng lớp rều theo nước cuốn đi. Sau đó là củi từ phía thượng lưu trôi về. Nước đục ngầu và sóng gió mỗi lúc một lớn. Mực nước sông cao dần… cao dần, tôi thấy rõ.

Một đàn cò trắng từ đâu bay ngang qua, hướng về phía núi. Điệu này rồi có lụt to. Tôi định vào nhà báo tin cho mẹ tôi, nhưng vừa xây lui, người đã đứng đó từ bao giờ.

- Mẹ, con thấy cò bay lên và nước mau lớn quá.

Bà gật đầu, mỉm cười:

- Rồi sao nữa?

- Con sợ lụt mẹ à. Mấy người làm cá ngoài sông họ bảo năm nay nhãn sai thì nước to.

Mẹ tôi không trả lời. Bà nhìn trời đất với nhiều nét đăm chiêu lo lắng. Một lát bà bảo:

- Lạnh quá… Con ở đây lâu chưa? Vào thôi kẻo đau đấy.

Tôi nũng nịu gục đầu vào vai mẹ chưa chịu vào nhà.

Bấy giờ trên sông có nhiều chiếc “tròng” xuất hiện. Người ta lũ lượt đi vớt củi. Nhìn một chiếc ghe bé nhỏ, một thân hình ở trần trùng trục, ướt đẫm nước đang loay hoay với khúc củi giữa dòng, tôi hồi hộp lo sợ. Chiếc ghe xoay như chiếc lá. Nước tống mạnh và con người bất lực. Cứ thế, những ghe thuyền hoạt động trên sông.

Tôi ngồi yên một lát rồi vào nhà. Trời tối hẳn.

*

Tôi giật mình thức dậy vì có nhiều tiếng động chung quanh: tiếng người nói, tiếng gọi nhau ơi ới, tiếng đồ vật lịch kịch chạm nhau và cả tiếng mái chèo khuấy nước, bì bõm đâu đây rất gần.

Trí tôi chợt nhớ ra. Trời ơi, nước đã vào nhà sao? Tôi ngồi dậy bật đèn. Điện bị cắt. Chân tôi đang khua khua trên sàn để tìm dép thì có tiếng mẹ tôi:

- Dậy chưa Huê? Lụt rồi đó.

Ra khỏi phòng thì đèn đuốc sáng trưng. Đồ đạc đâu đã vào đấy.

Tiếng ba tôi mắng yêu:

- Gớm, ba mẹ dọn dẹp cả giờ mà con gái vẫn ngủ kỹ.

Mẹ tôi thêm:

- Ai chứ con tôi “ngoan” lắm. Nước ướt lưng, không gọi cũng không biết.

Tôi dụi mắt nhìn kỹ, mực nước đang lấp liếm vào nhà trong. Bỗng nhiên tôi hốt hoảng:

- Thôi, chết rồi…

- Cái gì thế?

Không trả lời ba, tôi xăm xăm bước ra phòng khách, phòng ăn. Ngang khoảng sân tôi đứng sựng lại. Phòng sách bị nước ngập hết rồi.

Sợ tôi lội xuống nước, ba tôi kềm lấy tay tôi, tưởng tôi còn mê ngủ. Nhưng tôi tỉnh lắm rồi. Tôi lo tủ sách bé bé của tôi bị nước cuốn… Khi được biết đồ đạc đã an toàn trên gác, tôi yên tâm. Ba mẹ thương con quá nhiều, lo lắng chu đáo cho tôi quá.


Đồng hồ điểm 4 giờ. Chung quanh nhà là nước hết. Tôi đi gọi lũ em dậy. Đứa nào cũng “ngủ say như chết” nhưng nghe nước lụt vào nhà thì tỉnh ngay.

Bữa cơm sáng được dọn ra lúc 5 giờ. Ba tôi luôn miệng nhắc:

- Ăn cho no, đứa nào cũng thế. Nhỡ có bão kèm theo, nấu không được đâu.

Lạnh lắm nhưng thấy chị ở lội sì sục dưới nước tôi cũng thèm.

- Mới 10 phút mà đã lên khỏa nền nhà rồi cậu ơi.

Ba tôi lo lắng bế từng đứa nhỏ lên gác. Tôi nằn nì ở lại dưới canh chừng để biết nước lên bao nhiêu nhưng mẹ tôi không chịu. Ngồi trên gác cao, tôi lo sợ vẩn vơ.

Trời sáng dần. Tôi thấy rõ dòng sông rộng mênh mông và nước chảy ồ ạt. Từng nóc nhà phía dưới, nước chấm mái tranh. Có nhà bị tung cả nóc. Những người đó đã đi đâu? Tôi đang nghĩ đến họ thì có tiếng chân chạy lên gác: Tiếng chị ở bị đứt quãng:

- Thưa cậu mợ… có hai chiếc ghe Hướng đạo chở người đến… xin ở nhà mình.

Ba tôi đi xuống đón họ. Tôi định chạy theo nhưng mẹ tôi giữ lại. Bà “bắt” tôi khuấy sữa cho em bé.

Mẹ tôi trở lên lấy quần áo xuống. Tôi biết họ đói và lạnh.

Những người mới đến vẫn ở dưới nhà cho đến trưa, lúc nước lút bộ ván mới lên gác.

Đến bữa cơm, thật là khổ. Bếp được nhóm giữa nhà. Khói lên ngun ngút. Mắt cay tưởng có thể mù. Và nước mắt ứa ra.

Bên ngoài mưa ào ào xen lẫn gió. Căn gác tưởng có thể sụp. Từng ngọn cây bị gió đánh, quét vào tường, vôi đổ bì bõm.

Bỗng nhiên, trên mái nhà của căn gác, một khoảng ngói bị chạy dài. Nước trút xuống lên đầu lên cổ những người đang trú ẩn nơi đây. Nhìn qua khoảng trống, bầu trời như có muôn ngàn đôi mắt bạo tàn đang chiếu đến từng nhà phá phách.

Thấy cảnh “màn trời chiếu đất” đến bên mình, lòng tôi se thắt. Ý nghĩ chết chóc lảng vảng đâu đây. Tôi nhắm mắt, ngả mình bên góc tủ. Mọi người nhốn nháo. Tiếng bàn tán xôn xao.

Tôi nghe tiếng mõ cấp cứu xa xa. Liệu gia đình tôi có dùng tiếng mõ ấy không? Bên cạnh tôi, mẹ tôi buồn thở dài não nuột.

Nhờ người đông, chỗ nhà bị bay ngói được vá víu tạm thời bằng những tấm khăn bàn không thấm nước.

*

Qua một đêm dài kinh hãi, cuộc sống chen chúc trên gác tù túng chật chội được giải quyết. Nước xuống dần dần và trời không còn gió lớn. Những người tỵ nạn được trở về mái nhà xưa để sửa sang lại.

Nhà tôi, sau ba ngày dọn dẹp, giờ đã sạch sẽ, bùn lầy được đẩy ra xa. Tuy nhiên, vết tích của mực nước vẫn còn để ngấn lại trên tường vôi trắng.

Mặt nước sông Hương sau trận lụt đã trở lại bình thường. Nhìn dòng sông lặng lờ chảy, ai có thể bảo trước đó đã càn quét nhà cửa, của cải của dân lành.

Một cơn tai biến đã qua. Trong mùa mưa lạnh này còn bao tai biến khác. Bên ngoài mưa… mưa mãi. Buồn cho mùa đông xứ Huế.


THƯƠNG VIỆT PHƯƠNG  


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 34, ra ngày 25-11-1965)



oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>