Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

Một Thoáng Ưu Tư


Ôi quê hương ơi đẹp tươi đứng trong trời đất. Ta yêu quê ta thì đâu có bao giờ mất. Yêu giống nòi…”

- Ối giời! Hát với hỏng! Cứ như là phèng la với trống múa lân.

Cu Huy cụt hứng. Đôi bàn tay đang hý hoáy với chiếc xe đạp của nó cũng ngừng lại theo nhịp điệu bài hát bị tắc tịt nửa chừng. Huy căm tức nhìn sang bên kia bờ giậu. Con bé Diễm, tác giả của câu nói vô duyên vừa rồi đang phơi áo quần trên hai hàng dây thép. Nét mặt con bé thản nhiên pha lẫn một chút đanh đá làm Huy thấy lòng càng “sôi sục”. Hủy bỏ tấm giẻ lau xuống đất, lừ đừ đứng lên tiến đến gần bờ giậu. Hai bàn tay chống vào cạnh sườn tạo cho mình một vẻ “oai phong”, Huy hất hàm:

- Việc gì đến đằng í đấy?

Con bé Diễm cũng ngừng tay, nó nhướng mắt:

- Gì?

Huy gằn giọng:

- Tớ hát mặc tớ. Đằng í can gì mà phê bình?

Con bé Diễm xì một tiếng:

- Tớ có mồm thì tớ nói chứ! Cấm à?

Huy nghe mặt mình nóng lên trước vẻ vênh váo của con bé. Nó nuốt nước bọt:

- Đằng í nói gì thì nói. Nhưng tớ đang hát, đằng í…

Con bé Diễm cất lời:

- Thế đằng í hát hay lắm đấy à?

Ức quá, Huy hét:

- Tớ hát không hay. Nhưng tớ hát là quyền tự do của tớ. Đằng í là con gái ấy chứ, con trai như tớ mà phát ngôn như thế xem…

Con bé Diễm chu chéo:

- Thế… thế đằng í làm gì tớ nào? Đằng í có quyền tự do hát, tớ cũng có quyền tự do khen chê. Đằng í làm tàng hở? Bắt nạt hở… hở?

Huy ngẩn người. Nó không ngờ con bé lại lý luận “bỏ cả sách vở” như thế. Huy định tìm những câu nói thật xác đáng, dựa theo những điều mà nó đã học về “tự do” để nói cho con bé nghe, nhưng xem chừng vô ích quá! Con bé này hình như chỉ muốn gây sự, Huy nói léo nhéo chỉ tổ mỏi mồm.

- “Diễm! Ối giời! Con bé này phải gọi là con “nặc nô” mới đúng”.

Không biết đến điều Huy đang nghĩ, tự dưng thấy cu cậu bỗng bật cười, con bé Diễm nguýt:

- Con trai con đứa… vô duyên!

Huy đỏ mặt. Nó không muốn kéo dài cuộc đấu khẩu vô lý, nhưng không biết cách nào để chấm dứt cho khỏi phải mang tiếng chào thua con bé đanh đá này? Không khéo nay mai con bé lại đi rêu rao khắp xóm, nhất là lũ bạn của Huy rằng: Huy gây sự với nó và bị nó “át giọng”. Thế là hỏng! Nhụt cả “chí làm trai”.

Gườm gườm nhìn con bé Diễm, Huy hắng giọng:

- Này, tớ nói cho đằng í biết. Hạng như đằng í ấy, tớ không thèm chấp. Tớ chỉ hơn thua với đứa ngang hàng như tớ thôi!

Môi con bé Diễm bỗng cong hơn, nó dài giọng:

- Ối dào! Đằng í oai nhỉ? Vâng vâng, tớ biết rồi. Đằng í chỉ hơn thua với những đứa ngang hàng, cùng loại “con hoang” như đằng í ấy thôi.

Câu nói của con bé có tác dụng như một cơn gió thổi mạnh vào đám lửa đang cháy âm ỉ. Huy choáng váng, đỏ bừng mặt. Con bé Diễm hất mắt nguýt Huy một phát rồi quày quả bỏ vào nhà. Huy cảm thấy cổ họng se đắng! Nó bực tức đá mạnh vào một chiếc lon đang ở dưới chân, chiếc lon bay vút đi đập vào tường nhà rồi dội lại lông lốc càng tăng thêm nỗi uất ức trong lòng nó. Lúc này, Huy chỉ muốn nhảy qua bờ giậu, xông vào nhà con bé Diễm để tát cho con bé vài cái rõ đau. Con bé lắm điều! Tại sao nó không mắng mỏ xỏ xiên Huy bằng những câu nào nặng nề nhất cũng được? Nó lại dùng lợi khí bằng hai tiếng “con hoang”. Con Hoang! Huy muốn gào to lên cho trời hiểu, cho mọi người hiểu, cho mẹ nó hiểu là nó khổ vô chừng bởi cái danh từ tàn ác ấy. Đành rằng hiện tại, Huy đang có một bà mẹ yêu thương nó hết lòng, có một lô bạn tâm đồng với nó một mực. Thế nhưng, Huy cảm thấy mình thật bơ vơ! Sự suy tư của một khối óc chưa quá 14 tuổi đủ để cho Huy nhận biết rằng: “Con không cha” là một bất hạnh, thiệt thòi to lớn nhất. Nhưng tại sao lại như vậy? Cha nó đâu? Chưa bao giờ Huy tìm được lời giải đáp cho câu hỏi này. Mẹ nó bảo cha nó mất khi nó còn nằm trong bụng nhưng Huy không tin. Vì cha mất thì cũng phải có thờ cúng chứ, sao mẹ không thiết bàn thờ? Vả lại những lời xầm xì chung quanh khiến Huy càng đoán chắc rằng cha nó còn sống, nhưng người đã bỏ mẹ con nó mà đi xa.

Huy buồn rầu quay bước về chỗ cũ, nó nhìn chiếc xe đạp đang lau chùi dở dang bằng cặp mắt ngao ngán. Ban nãy, Huy định là lau xe xong sẽ ôn lại bài vở rồi chờ mẹ làm cơm xong ăn đi học. Nhưng bây giờ thì nó đâm lười biếng ra. Chậm chạp thu dọn những vật dụng bừa bãi quanh đó vào một nơi, Huy lặng lẽ ngồi bó gối nhìn vơ vẩn. Ánh nắng mặt trời đã bắt đầu gay gắt chiếu qua kẽ lá của tàng cây mận tạo thành những vệt sáng lung linh chung quanh Huy. Dưới gốc cây, bầy gà con mới nở của nhà nó đang chiu chít dưới chân đôi gà trống mái. Hai chú gà “bố mẹ” này đang cạy cục bươi móc những miếng mồi dưới đất để làm thức ăn cho đàn con. Chốc chốc, chú gà trống lại ngửa cổ gáy lên một tràng dài như tiếng reo vui của hạnh phúc. Thốt nhiên, Huy nghe khó chịu! Nó bực tức vớ lấy hòn sỏi nhỏ ném vào giữa gia đình nhà gà. Phút chốc, cảnh êm ấm hồn nhiên của lũ vật vô tội bỗng biến mất. Bầy gà con xao xác tán loạn trong lúc bố mẹ chúng hốt hoảng chạy quanh, miệng không ngớt “cục… cục” để trấn an đàn con dại. Như cảm nhận được cái vô lý tàn ác của mình, Huy nghe lòng chùng xuống, tiếc nuối nhìn bước chân của những con vật bé bỏng lảng ra xa.

Huy cứ ngồi như thế cho đến lúc nghe nóng ở vai và tiếng mẹ gọi trong nhà. Nó uể oải đứng dậy. Lê đôi chân tê cứng vì ngồi một chỗ quá lâu, Huy khập khiễng đi lần ra sau nhà tắm. Những dòng nước mát trong leo lẻo phả lên mặt và đôi tay bám đầy bụi bẩn khiến Huy thấy vơi đôi chút ẩn ức đang chĩu nặng trong lòng. Nó vồ lấy chiếc khăn trắng sạch phơi trên sào lau vội vàng rồi bước vào căn bếp.

Bà Tư, mẹ Huy đang lúi húi bày thức ăn lên chiếc mâm đặt trên phản. Nghe động, bà ngẩng gương mặt ửng hồng, lấm tấm mồ hôi lên nhìn Huy:

- Con làm chi ngoài vườn rau thế? Mẹ gọi mãi không nghe trả lời.

- Con… lau xe mẹ ạ!

Bà Tư dục:

- Thôi ăn cơm đi mà đi học, trưa rồi đấy!

Huy xới cơm ra hai bát, mời mẹ rồi cắm cúi nhai. Bà Tư gắp một mẩu cá cho vào bát con, ánh mắt bà thoáng đôi chút rạng rỡ:

- Chiều nay mẹ sang nhà bác Lý mua họ. Còn hai tháng nữa nhưng kệ mẹ cứ mua để có tiền sắm cho con tí quần áo với mua tôn lợp tạm lại mái nhà.

Gương mặt Huy bỗng sa sầm. Miếng cơm nuốt dở như nghẹn ngang cổ họng. Bác Lý! Bác Lý tức là mẹ con diễm! Vô tình mà mẹ Huy đã khơi lại cho nó nỗi ưu tư vừa lắng xuống. Huy thở mạnh một cái, vội vã ăn nốt chỗ cơm chót rồi xếp đũa lại. Mẹ nó ngạc nhiên:

- Con ăn ít vậy?

Huy cúi đầu tránh ánh mắt mẹ:

- Thưa, con no lắm mẹ ạ!

Rồi nó đi ra sau trong lúc bà Tư nhìn theo băn khoăn.

*

Huy cho xe đổ chậm chậm trên con đường dốc thoai thoải. Đằng sau lưng nó, thằng Quân một tay ôm hai chiếc cặp, một tay vịn vào yên xe trong lúc mồm bi bô hát. Huy càu nhàu:

- Này, không phải xe phóng thanh nghe mày!

Thằng Quân cười rúc rich:

- Vừa lái xe vừa nghe “phụ diễn tân nhạc” mà chê à? Hoài của! 
 

Huy mỉm cười. Nó buông tay thắng cho chiếc xe đổ dốc nhanh hơn để nghe tiếng gió rít bên tai phần phật. Lòng Huy lúc này cũng phơi phới lâng lâng, nó nghĩ đến bài kiểm Vạn Vật khi nãy nộp cho thầy, nó làm vanh vách không sai một chữ. Ban trưa đi học không kịp ôn lại bài Huy nơm nớp lo mặc dầu tối qua Huy đã thức học gần hết. Ấy thế mà lúc thầy ra câu hỏi, Huy chỉ đọc qua một lần là cắm cúi làm một mạch, còn vẽ hình nữa chứ! Huy có cảm tưởng mình là nhà “họa sĩ” đại tài. Hình nó vẽ cứ như là những mô, những tế bào, nhân, ty thể… thật ấy thôi (điều nay Huy hơi đi tàu bay giấy bởi nó có nhìn thấy thật những thứ lẩm cẩm ấy bao giờ?). Huy miên man, rộn rã với viễn ảnh con số trang trọng, đỏ chói trên bài mà thầy sẽ phát lại. Nó nhấn mạnh bàn đạp khi chiếc xe xuống gần hết con dốc. Bỗng tiếng thằng Quân chát chúa bên tai:

- “Át tăng xông, át tăng xông”! (attention) (chả là cu cậu bắt chước mấy con bé học trường đầm ngoài đầu ngõ). Huy chỉ kịp thoáng thấy một đám người lố nhố ở khúc quanh và tiếng hét:

- Ê, ê! Chạy ẩu, chạy ẩu!

Huy mím môi hãm thắng, lách qua cái vèo! Chiếc xe trượt đi, lảo đảo rồi đâm chúi vào hàng rào lá xanh bên mặt đường. Hú hồn! Tai hại trong gang tấc. Huy dựng xe lên trong lúc thằng Quân mặt mũi méo mó đứng nhìn hai cái cặp sách xổ tung dưới đất:

- Khỉ! Đi đứng kiểu gì vậy?

Huy gượng gạo cười. Điều nó bận tâm trong lúc này không phải là Quân mà là đám người lố nhố trước mặt. Nó chạy xe ẩu, suýt tí đã gây tai nạn, chắc chắn là sẽ nghe mắng chán tai đây!

Huy quay nhìn lại. Nó ngạc nhiên khi thấy đám người gồm 4, 5 thằng lỏi trạc tuổi nó chỉ khẽ nghênh nó một phát rồi quay đi. Mà hình như bọn này đang chăm chú vào cái gì?! Huy cố nghển cổ. Bỗng nó vừa giật thót người vừa sa sầm mặt. Con bé Diễm! Nó làm gì ở giữa đám tụi lỏi này vậy? Huy ngẩn ngơ, đến nỗi Quân kéo tay nó:

 - Đi cho rồi! Mày thôi miên người ta đấy hở?

Huy cũng cứ nhìn đăm đăm vào đám đông. Con bé Diễm, một tay xách cái giỏ có vẻ nặng nặng, một tay nắm chặt lấy túi áo, vẻ mặt thất thần sợ hãi. Mấy thằng lỏi bao chung quanh khoanh tay gườm gườm. Con bé ngước lên nhìn quanh. Tầm mắt nó bỗng chạm phải Huy. Nó gọi như hét:

- Huy, Huy! Cứu tớ với!

Huy lại giật thót người. Quân ngơ ngác nhìn nó:

- Cái gì? Đứa nào vậy?

Huy buông thõng:

- Con bé Diễm!

Quân tròn mắt:

- Diễm! Con bé mày vừa kể chuyện với tao đấy hở?

- Ừ!

Quân liếc lại đám đông, bây giờ đang chuyển hướng mấy đôi mắt về hai đứa nó:

- Mà… cái gì vậy? Sao nó lại gọi mày?

- Không biết. Hình như nó đang bị mấy thằng lỏi bắt nạt.

Quân cau mày:

- Thế thì cho đáng! Chắc lại nỏ mồm chua ngoa với người ta chứ gì? Mặc xác nó! Đi mày!

Huy mím môi. Dư âm câu chuyện ban sáng hiện đang vang vọng trong đầu óc nó và gương mặt thiểu não của con bé Diễm vẫn chẳng mang đến cho nó tí thiện cảm nào. Tuy nhiên, ánh mắt khẩn khoản cùng hoàn cảnh hiện tại của con bé khiến Huy nghe bất nhẫn. Nó không biết con bé đã gây sự gì với bọn lỏi, song nhìn 4, 5 đứa con trai như nó mà vây lấy đứa con gái, nó thấy thế nào!

Huy nhìn Quân:

- Để tao đến hỏi xem chuyện gì.

Quân nhăn mặt:

- Thôi thôi mày ơi! Mặc tụi nó. Mình xen vào chỉ rắc rối ra.

Nhưng Huy đã nhất quyết. Nó dựng xe đạp dựa vào hàng rào rồi bước đến đám đông. Thằng Quân thấy thế cũng theo sau, sau khi giấu hai cái cặp vào bụi rậm.


Con bé Diễm thấy Huy đáp ứng lời cầu cứu thì lộ vẻ vui mừng. Nó sáng mắt nhìn Huy trong lúc cậu bé ôn tồn:

- Có việc gì vậy, các bồ?

Một thằng lớn nhất trong bọn nhìn Huy từ đầu đến chân, nó cười khẩy:

- Mời đằng í đi chỗ khác chơi, mặc tụi này.

Con bé Diễm lắp bắp:

- Bọn này định bắt nạt, giật tiền của tớ. Tớ…

Thằng lỏi quay lại quắc mắt, con bé im bặt. Huy lại cất tiếng:

- Các bồ đông thế sao lại đi bắt nạt con gái?

Một thằng có vẻ nóng nảy:

- Đã bảo mặc xác bọn ông! Khôn hồn cút đi không ông tẩn cho nhừ người bây giờ.

Thằng lớn nhất vẫn cười cười:

- Đằng í muốn biết à? Thì đây! Con bé này là con của bà chủ hụi. Bọn tớ biết là nó vừa đi góp tiền hụi về. Bọn tớ đang túng, vì thế nên nhờ nó mượn tạm, mai mốt có bọn tớ trả. Ôn hòa thế chứ bắt nạt gì?

Rồi nó nheo mắt:

- Mà can gì đến đằng í nhỉ? Hay đằng í định chia phần đấy?

Huy nóng mặt, giọng nói nó đanh lại:

- Các bồ nên để cho người ta về. Không nên ức hiếp con gái một cách vô lý như thế.

Thằng lỏi tắt hẳn nụ cười. Bó khuỳnh hai tay vào mạn sườn, gườm gườm nhìn Huy:

- Bọn tớ không có thì giờ, bây giờ đằng í có chịu câm mồm tẩu đi không?

Huy mím môi. Nó lùi lại một bước, hai tay nắm chặt:

- Tớ muốn các bồ thôi đi, để cho cô bé này ra về.

Thằng lỏi cười gằn. Nó khẽ đưa mắt ra hiệu cho đồng bọn. Quân thấy tình thế căng thẳng, liền đứng đâu lưng vào với Huy.

- “Bốp”!

Tên đầu đảng khai chiến, nó tung một quả đấm vào mặt Huy. Cậu bé nghiêng đầu tránh rồi đấm trả lại. Thế là cả bọn ùa vào, quần thảo với nhau tới tấp. Huy và Quân bình tĩnh chống chọi trong lúc con bé Diễm sợ hãi chạy ra xa. Con bé nhìn quanh, ánh mắt nó sáng lên khi thấy chiếc xe của Huy dựng nơi rào. Không để mất thời giờ, con bé trèo lên xe phóng vút đi.

“Cuộc chiến” vẫn tiếp diễn sôi nổi. Hai cậu bé Huy, Quân đem hết những ngón đòn đã học được ở viện Nhu Đạo để chống trả nhưng xem chừng không xuể bởi bọn lỏi vừa lớn xác vừa hung hăng. Chợt có tiếng thằng Quân hét lên! Huy nóng lòng nhìn bạn đang ôm bụng nhăn nhó. Nó nhào đến tóm lấy áo thằng vừa đánh Quân. Tiếng Quân lại hoảng hốt:

- Huy! Coi chừng!

Nhưng không còn kịp nữa. Huy vừa quật thằng lỏi ngã đánh “bịch” một tiếng thì nó nghe đầu óc như tóe lửa. Một thằng trong bọn đã vớ đâu được khúc cây và lừa cơ bổ mạnh vào đầu Huy. Huy choáng váng gục xuống! Nó mơ hồ nghe tiếng rú của Quân, tiếng chân tán loạn của bọn lỏi. Và trước đôi mắt như có màn đen dần dần che phủ, Huy thấy con bé Diễm đang dẫn đầu một đoàn người chạy lại.

Huy tỉnh dần trong cảm giác ê ẩm, đau nhức. Nó hé mắt ra và khép ngay lại trước ánh sáng dù không chói lắm của ngọn đèn. Bà Tư âu lo cúi xuống, tiếng bà phủ nhẹ:

- Huy, con tỉnh rồi chứ?

Huy khẽ lúc lắc đầu. Nó bậm môi cố nén tiếng rên với cơn đau chói buốt. Một chốc xem chừng đã dìu dịu, Huy từ từ mở mắt ra. Nó có cảm tưởng hình như đây không phải là nhà nó. Chiếc giường nệm êm ái trải ra trắng mịn không phải chiếc divan mà Huy thường nằm. Huy nhìn mẹ dò hỏi trong khi bà Tư cầm lấy khăn lau mồ hôi lấm tấm trên trán con. Bà nói:

- Con làm mẹ lo sốt cả người! Bác sĩ bảo không đến nỗi nào nhưng đưa con vào bệnh viện đến giờ con cứ thiêm thiếp, mẹ cuống cả lên! Mà… con khỏe rồi chứ?

Huy khẽ gật. Giọng bà Tư hơi nghèn nghẹn:

- Cái Diễm nó thuật hết cho mẹ với bác Lý nghe chuyện con xung đột vừa rồi. Sao con lại dại thế? Bọn nó đông, con gây sự với chúng làm gì?

Huy nói yếu ớt:

- Con có gây sự với chúng đâu mẹ?

Bà Tư gật:

- Mẹ hiểu. Cái Diễm nó bảo con đánh nhau là vì bênh nó. Nhưng lần sau con phải liệu sức mình. Con với Quân làm sao mà địch nổi với những đứa to xác, hung hăng như vậy?

Huy sực nhớ khi nghe nhắc đến Quân:

- Quân! Nó có làm sao không mẹ?

Bà Tư lắc đầu:

- Không! Nó vừa ở đây về với bác Lý, cái Diễm. Nó nảo sáng mai nó vào thăm con.

Huy nhìn thẳng vào mắt mẹ, bàn tay nó nắm chặt lấy tay bà. Giọng Huy tha thiết:

- Mẹ! Con gặp phải chuyện không may khiến mẹ lo buồn. Nhưng mẹ không giận vì con đã hành động như thế chứ?

Bà Tư đưa tay vuốt tóc con:

- Con mẹ can đảm lắm! Nhưng lần sau…

Huy sung sướng mỉm cười. Nó mơ màng nhìn vào khoảng không, nói như cho chính nó nghe:

- Thế thì… thế thì con vẫn bình thường như mọi người, mẹ nhỉ? Con là “con hoang” nhưng con không vô lý như bọn nhóc toan giật tiền của cái Diễm. Con hành động đúng như lời dạy của thầy, là giữ và phát triển tình người trong mọi hoàn cảnh. Con… con có quyền hãnh diện với hai tiếng “con hoang”, hở mẹ?

Bà Tư sửng sốt, rồi chợt hiểu. Từ trong đôi mắt già, đôi dòng lệ từ từ lăn ra.

Huy mệt mỏi nhắm mắt lại. Nó thiếp vào giấc ngủ với một tâm tư thơ thới và trong hình ảnh mẹ nó, thằng Quân, cái Diễm, bọn lỏi cứ chập chờn, chập chờn…


HUỲNH CHÚC (M-Y)    


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 63, ra ngày 5-11-1972)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>