Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

Ngón Tay Của Nhà Kỹ Sư (I)


Năm 1889, tôi vừa mới cưới vợ. Tôi từ giã anh bạn Sĩ Lâm và căn nhà mà hai chúng tôi thuê chung, để trở lại mở phòng mạch y sĩ như khi trước, lúc chưa cộng tác với anh. Tuy vậy, tôi vẫn thường xuyên đến viếng thăm anh ; và thỉnh thoảng tôi cũng mời anh rời bỏ nếp sống cô đơn, để đến thăm hai chúng tôi tại nhà.

Thân chủ của tôi dần dần tăng thêm, và vì ở gần nhà ga, nên thỉnh thoảng tôi cũng có cả những bệnh nhân là những viên chức của sở Hỏa Xa Anh Quốc. Một trong bọn họ được tôi chữa khỏi một căn bệnh kinh niên, rất đau đớn, nên ông ta khen ngợi tôi không tiếc lời, và gặp dịp là ông ta giới thiệu thêm khách hàng cho tôi ngay.

Một sáng mùa hè nọ, lối trước bẩy giờ, chị người làm gọi tôi dậy. Chị ấy cho tôi biết có hai người khách, dường như từ nhà ga tới, và đợi tôi trong phòng khách khám bệnh. Tôi vội vã thay quần áo, vì kinh nghiệm cho tôi biết rằng hễ có khách hàng của sở Hỏa Xa, thì thường là những trường hợp khẩn cấp.

Tôi chạy ba chân bốn cẳng xuống thang lầu, thì vừa lúc ông khách quen thuộc đã được tôi chữa khỏi bệnh, từ phòng khách tiến ra sau khi đóng cửa lại sau lưng ông ta. Vừa chỉ ngón tay ra sau vai, ông ta vừa thì thào với tôi:

- Tôi giữ được hắn rồi, tốt lắm.

Trông điệu bộ ông ta y như là ông vừa nhốt trong phòng khách của tôi một sinh vật quái gở nào vậy. Tôi hỏi:

- Chuyện gì thế?

Nhưng ông làm tôi yên lòng:

- Một người khách mới. Tôi đã nghĩ tốt hơn là nên đích thân dẫn hắn tới đây, như vậy hắn sẽ không chạy thoát mất. Hắn ở trỏng, vậy là mọi sự đã xong. Bây giờ tôi phải đi bác sĩ ạ. Tôi cũng có công việc phải làm nữa.

Rồi ông ta đi ngay, rất nhanh làm tôi không kịp nói cám ơn.

Tôi vào phòng khách : Một người đàn ông lịch sự ngồi gần bàn ăn mặc rất chỉnh tề, trong bộ đồ nỉ xanh lá cây sậm, và chiếc mũ để trên bàn phòng khách của tôi. Một tay ông quấn chiếc khăn và tôi nhận thấy có nhiều dấu máu. Ông ta trông còn trẻ, tôi đoán chỉ vào cỡ hăm lăm tuổi thôi, bộ mặt cũng khá hùng dũng, nhưng rất xanh xao, như là bị một xúc động mạnh mẽ và đang phải dùng hết nghị lực mới tự chủ được.

Ông ta nói với tôi:

- Tôi rất tiếc đã quấy rầy bác sĩ sớm thế ; nhưng đêm hôm qua tôi vừa bị một tai nạn khá trầm trọng. Tôi đi xe lửa đến đây sáng nay và nhờ kiếm một vị bác sĩ. Viên chức sốt sắng lúc nãy đã sẵn lòng dẫn tôi đến đây. Tôi đã đưa danh thiếp cho chị giúp việc nhưng chị ấy lại để quên trên bàn.

Tôi cầm tấm danh thiếp lên và đọc : “Ông Hoàng Vĩnh kỹ sư thủy lực số 16A đường Vinh Quang, lầu 2”. Đó là tên họ, nghề nghiệp và địa chỉ ông khách của tôi. Tôi ngồi xuống ghế và trả lời ông ta.

- Tôi ân hận đã để ông phải chờ lâu. Vậy ra ông vừa mới đi xe lửa đêm? Chắc việc đó cũng buồn chán nhỉ.

Ông ta cười, bảo:

- Ồ! Tôi không dám chắc là tôi đã buồn chán trong đêm hôm qua.

Ông ta lại cười lên vui vẻ, nhưng giọng cười cứ to lên mãi! Ông ta ngồi tựa sát vào ghế bành ôm bụng. Tôi cảm thấy có điều bất thường và bảo ông ta:

- Ngừng lại đi! Ông hãy bình tĩnh!

Và tôi đổ vào ly cho ông ta chút nước.

Thế nhưng chẳng ăn thua gì, ông ta không tự chủ được nữa và vẫn cười như điên dại. Đôi khi những người rất can đảm thường bị như vậy, khi họ đang hay vừa trải qua một hoàn cảnh trầm trọng. Nhưng chẳng mấy chốc ông ta tỉnh lại, trông vẻ rất mệt mỏi, đôi má đỏ như đang lên cơn sốt. Ông ta lẩm bẩm:

- Tôi vừa bị mất bình tĩnh.

Tôi rót thêm chút rượu cô-nhắc vào ly nước và nói với ông ta:

- Không sao đâu, ông uống ly này đi!

- Tôi đã khá hơn rồi! Bây giờ, xin bác sĩ làm ơn lo cho ngón tay cái của tôi, hay đúng hơn là chỗ có ngón tay cái của tôi khi trước…

Ông mở khăn tay ra và giơ bàn tay cho tôi. Tuy thần kinh vững chắc lắm tôi cũng không khỏi giật mình. Bàn tay chỉ vỏn vẹn còn bốn ngón tay hướng về phía tôi còn phần còn lại chỉ là một khoảng thịt nhầy nhụa mầu đỏ chói. Chỗ đó trước đây phải có ngón cái bây giờ đã bị chặt đứt, hay xé đứt, đến tận gốc. Tôi kêu lên:

- Trời ơi! Vết thương nặng thật. Chắc ông phải mất nhiều máu lắm rồi.

- Vâng, tôi mất máu khá nhiều. Lúc đó tôi bị ngất đi chắc là trong một thời gian khá lâu. Khi tỉnh lại, tôi thấy máu vẫn còn chảy, tôi bèn cột chiếc khăn quanh cổ tay, và dùng một mẩu gỗ, tôi siết chặt lại.

- Hay lắm! Đáng lẽ ông phải làm bác sĩ giải phẫu mới đúng.

- Đó là vấn đề thủy học mà, ông hiểu không? Tôi vẫn chưa ra khỏi nghề nghiệp của tôi.

Tôi nhìn vết thương nhận xét:

- Chắc nó bị một vật gì rất nặng và rất sắc bén cắt đứt.

Ông ta nòi:

- Đó là một vật như con dao phay.

___________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN II


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 84, ra ngày 8-4-1973)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>