Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

CHƯƠNG II_THÁI TỬ U SẦU


TRĂM HOA ĐUA NỞ


Sau khi nghe rõ sắc chỉ của nhà vua, những người khéo tay, giàu sáng kiến không ngớt nghĩ suy rồi ngày đêm bắt tay vào việc. Nhiều người đã nổi tiếng nhờ cuộc thi hào hứng bất ngờ ấy. Nhưng đến nay người ta chỉ còn nhớ tên hai ông thợ thủ công tiền bối là quí ông Hà Võ Xuất Vân và Đại Hòa An Phu mà thôi. Hai cụ già này tóc đã hoa râm nhưng vẫn sáng tai, sáng mắt và sự khéo tay của hai cụ thật là thiên hạ vô địch. Trời xui đất khiến làm sao mà hai vị tôn sư của ngành thủ công lại cùng hành nghề tại một thị trấn bé nhỏ ở cực Nam đảo Cửu Đằng. Hai cụ cùng ở chung một đường phố, người ở đầu này, kẻ ở đầu kia. Cả hai đều có kiến thức rộng, nhiều sáng kiến và nhất là họ đều mưu mô xảo quyệt như nhau. Vì biết tài nhau và cùng sinh sống gần nhau nên giữa hai người vẫn có sự ganh đua khoe tài, khoe khéo… riết rồi hai người trước kia vốn là bạn nay trở thành hai kẻ thù trầm lặng.

Lần này có dịp trổ tài trước thiên nhan và bá quan văn võ vinh dự thật vô cùng to lớn, chưa kể đến số tiền trọng thưởng. Hai cụ chỉ sợ đối thủ của mình chế được món đồ chơi độc đáo, đem thích thú đến Thái Tử và đoạt giải cuộc hội ngộ đế kinh.

Người nào cũng muốn tìm hiểu đối thủ của mình đang nghĩ gì, làm gì và công trình sáng chế của y là cái gì, có đặc điểm độc đáo nào không. Họ bỏ tiền ra mướn người khôn lanh do thám dùm họ. Nhưng cả hai đều là những con cáo già, nên họ bố trí nơi làm việc rất bí mật, cấm chỉ vợ con không được hé răng tiết lộ điều gì với bất cứ ai. Rốt cuộc chẳng người nào biết được điều họ mong muốn hết.

Một hôm Đại Hòa An Phu lò dò lên tận đền Thổ Thần để vấn kế ông thầy bói Sơn Tùng, kiêm chức thủ từ ngôi đền ấy.

- Thưa thầy, hôm nay tôi đến nhờ thầy bói cho tôi một quẻ để bớt phần lo lắng, bồn chồn.

- Thế cụ muốn bói một quẻ về gia đạo hay tài lợi nào ?

- Thưa thầy không phải vậy.

- Thế cụ muốn gì? Xin cứ thẳng thắn cho biết.

- Tôi muốn nhờ thầy cho biết hiện giờ ông bạn đồng nghiệp Hà Võ Xuất Vân của tôi đang chế tạo đồ vật gì để đem về kinh dự thí. Thầy chẳng lạ gì ông già ấy. Ổng là một người thợ lỗi lạc và mười đầu ngón tay của ổng dường như có pháp thuật ở trong.

- Cụ quá khiêm nhường chứ, tài năng của cụ có kém gì ổng đâu.

- Đành vậy, nhưng kỳ này cuộc ganh đua hết sức quan trọng và cao quý. Nên tôi vẫn thấy ngài ngại thế nào ấy. Nhờ thầy cứ gieo quẻ rồi cho biết thánh dạy như thế nào.

- Vậy xin cụ đặt quẻ cho. Chỉ có ba đồng vàng thôi.

Trong khi cụ Đại Hòa An Phu lần lưng lấy ra đủ số tiền, đặt lên chiếc hương án kê giữa nhà, ông thầy bói Sơn Tùng quay sang bên cạnh lấy đồ nghề của ông ra. Đồ nghề của ông rất giản dị, chỉ có một chiếc lò đất nung xám ngoét và một cái mai rùa cũ kỹ mốc meo. Ông ngồi ngay ngắn, nâng mai rùa lên quá tầm mắt lâm râm khấn vái một hồi, rồi quẹt lửa đốt một dúm lá thanh hao trên bếp lò, đưa mai rùa qua lại mấy lần trên ngọn lửa lèo tèo ấy. Xong rồi ông nhắm mắt định thần, dùng mấy ngón tay rà đi rà lại theo các cạnh của vẩy rùa. Cụ An Phu kính cẩn ngồi im chờ đợi. Lát sau thầy Sơn Tùng chậm rãi nói:

- Theo quẻ này, thánh dạy rằng vật đang do cụ Xuất Vân chế tạo là một con chim máy…

- Trời ! Cũng là một con chim máy !...

Cụ An Phu không nén nổi cơn xúc động, cắt ngang lời ông thầy bói.

- Dạ, một con chim bé nhỏ rất xinh, hót rất hay …

- Thế là một con chim họa mi à?

- Có lẽ là con chim họa mi. Tuy là con chim máy, nhưng người tạo ra nó đã tài tình gài trong họng nó một bộ máy phát ra những tiếng hót líu lo rất thanh tao êm dịu…

- Thế… thế con chim ấy có bay được không hở thầy?

Cụ An Phu hốt hoảng hỏi dồn.

- Không, nó chỉ vỗ cánh và đứng nguyên một chỗ.

Đại Hòa An Phu thở ra nhẹ nhõm, vui vẻ gạn hỏi ông thầy còn điều gì cho biết thêm chăng.

Sơn Tùng ngần ngừ một lát.

- Có… có. Thánh dạy rằng, con chim ấy sẽ được một pháp sư rất cao tay ấn ban cho một bộ cánh thật để nó bay lượn như lũ chim trời.

- Trời đất ! Thật vậy ư ? Thật vậy ư ? Khốn khổ thân tôi ! Khốn khổ thân tôi. Thế là tiêu tan hy vọng rồi…

Cụ Đại Hòa An Phu rên rỉ kêu khổ rồi gắng gượng hỏi câu chót.

- Ngoài những điều thầy vừa nói, có còn gì nữa không thầy?

Sơn Tùng ái ngại nhìn cụ, khẽ lắc đầu, dịu giọng:

- “ Thưa cụ, không còn gì nữa ạ ”.

Đại Hòa An Phu chán nản đứng dậy nghiêng mình thi lễ rồi lặng lẽ bước ra, nặng nề lê gót trở về.

*

Chỉ mấy ngày sau, thầy bói Sơn Tùng lại được cụ Hà Võ Xuất Vân chống gậy tới thăm. Sau mấy câu chuyện xã giao mở màn cuộc đối thoại, cụ mới đi thẳng vào vấn đề là nhờ thầy cho biết đồ vật Đại Hòa An Phu đang chế tạo là cái gì.

Khi Hà Võ Xuất Vân đặt quẻ đủ 3 đồng tiền vàng, Sơn Tùng mới soạn đồ nghề ra. Sau khi lâm râm khấn khứa và làm đủ các nghi thức, thầy mới thong thả buông lời:

- Thưa cụ, đó là con vật có hai chân, có cánh và có mỏ.

- Ủa ! Thế thì nó cũng là một con chim nữa ư ?

- Thưa cụ đúng thế ạ.

- Vậy con chim ấy có bay được không ?

- Thưa không.

- À…

Nét vui mừng thoáng hiện nơi khóe mắt cụ Xuất Vân, nhưng vụt tắt ngay, khi nghe ông thầy nói tiếp rằng con chim ấy tuy không bay được, nhưng rất linh động. Nó có thể nhảy nhót tại chỗ, bằng chân này hay chân khác và đầu nó mổ mổ xuống đất như gà ăn thóc. Băn khoăn ra mặt, cụ Xuất Vân mân mê chòm râu bạc lưa thưa dưới cằm, dè dặt hỏi thêm:

- Xin thầy cho biết con chim ấy có hót thành tiếng gì chăng?

- Cụ cứ yên chí, con chim ấy không hót được như chim do cụ chế tạo đâu.

Hà Võ Xuất Vân khoan khoái đứng lên cảm ơn thầy bói và cáo từ ra về. Ra tới cửa, cụ vui vẻ tâm sự với Sơn Tùng:

- Kể chung toàn quốc, tôi chỉ ngán có một mình lão Đại Hòa An Phu mà thôi. Nay biết rằng chim máy của ổng là chim câm, tôi không sợ nữa. Phen nảy giải nhất sẽ về tay tôi.

Thấy Hà Võ Xuất Vân quá ư tự đắc, ông thầy nắm tay áo cụ giữ lại, ỡm ờ hỏi vặn một câu:

- Này cụ ơi! Cụ làm ơn cho biết, cụ có đặt một trái tim biết đập trong lồng ngực con chim máy của cụ không?

- Ồ! Hỏi gì lạ vậy hở thầy? Con chim tôi chế tạo là con chim máy tuyệt đẹp, nhưng nó chỉ là con chim máy.

- Dĩ nhiên rồi. Tôi biết rằng dù cụ tài cán đến đâu, thì với gỗ với sắt, cụ cũng chỉ làm ra một con chim máy mà thôi không hơn thế được. Nhưng …

- Nhưng … thế nào hở thầy?

- Nhưng, giả thử có người có khả năng ban tặng cho con chim ấy một trái tim nho nhỏ với nhịp đập đều hòa như chim thật thì sao?

- Ồ! Làm gì có chuyện kỳ lạ ấy. Thầy làm tôi bối rối với ý nghĩ ngộ nghĩnh này đấy. Thầy nói thế có dụng ý gì không?

- Thưa không. Tôi chỉ đặt một giả thuyết như thế cho vui câu chuyện mà thôi. Nếu cụ cho như thế là phiền lòng cụ, thì xin cụ bỏ qua đi cho. Thôi chào cụ.

*

Cụ Xuất Vân chống gậy ra về. Tới ngã ba, cụ còn quay nhìn về miếu Thổ Thần, lắc đầu ngao ngán. Về tới phòng riêng, cụ lấy chiếc hộp nhỏ giấu dưới gối, mở ra tìm lấy hai viên bích ngọc nhỏ hơn hạt đậu. Cụ loay hoay lâu lắm mới dùi xong hai lỗ nhỏ trên hai viên ngọc rồi đính nó vào vị trí hai con mắt của chim máy.

Tiếng gọi là chim máy, nhưng hình thức bên ngoài, với bộ lông sắp xếp rất công phu, khéo léo, nó không nhác gì chim thực. Bây giờ thêm cặp mắt hồng lóng lánh, khi nó được mở máy để hót, thì không ai có thể ngờ rằng đó là con chim do tay người làm ra. Giọng hót nó đã được điều chỉnh nhiều lần, nên rất du dương thánh thót có khả năng làm say mê ngay ông cụ già tài hoa đã tạo ra nó.

Phần riêng cụ Đại Hòa An Phu, từ lúc về tới nhà, ngày đêm miệt mài suy nghĩ để chế ra một bộ phận phát âm để đặt vào bụng chim máy. Chim của cụ là một con tu hú với sắc lông xam xám loang lổ. Hình thức đã thua xa chim họa mi của cụ Hà Võ Xuất Vân, nếu nó lại không biết hót thì còn ra thể thống gì nữa. Cũng may cho cụ đã chọn con tu hú, nó chỉ kêu có mấy tiếng tu hú, tu hú… nên làm bộ máy phát âm cho nó tương đối không quá khó khăn. Tuy vậy cụ cũng mất gần bốn ngày làm việc gần như liên tục, sửa đi sửa lại cả năm sáu mươi lần, mới làm xong bộ phận ấy. Cụ thử tới, thử lui cả chục lần, thấy chim nhảy nhót mổ ăn, và hót vang, cụ mới yên lòng. Thực vậy, bất cứ người nào khác, thấy con chim ấy hoạt động như thế, đều lầm tưởng đó là con chim rừng bị mắc bẫy người ta đem về nuôi. Người ta sẽ liên tưởng đến lúc nó vỗ cánh tung bay ra khỏi ngọn cây cao, lướt gió trên ngàn mây nội cỏ, mỗi khi trời mới hừng đông. Mấy tiếng kêu “Tu hú! Tu hú!” vang dội cả núi rừng báo hiệu cho muôn thú biết rằng mặt trời sắp xuất hiện. Những tiếng báo động ấy đối với bầy thỏ rừng còn thơ dại rất hữu ích. Nó thúc giục bầy thỏ con hãy chấm dứt sự nô đùa giữa đám cỏ non mà rút về lùm bụi và hang hốc của chúng.

*

Đường dài, đúng là đường dài… Nó càng dài hơn khi người ta dùng trâu thay ngựa, như ông thợ già Hà Võ Xuất Vân để rong ruổi dặm trường từ thị trấn bé nhỏ miền cực Nam để về kinh dự thí nghèo hơn ông bạn Đại Hòa An Phu. Ông phải dùng phương tiện thô lậu ấy để di chuyển, thay vì nằm dài trên cáng như ông ta. Cái ông già có giọng nói léo nhéo như đàn bà ấy, thế mà giàu đáo để. Có lẽ bây giờ lão ta đã đi được hai phần đường rồi. Chắc chắn lão về tới kinh kỳ trước mình, nhưng cụ Xuất Vân không có gì phải lo sợ ; cụ chắc mẩm là con tu hú của lão ta không thể nào so sánh kịp con họa mi tuyệt kỹ của cụ được. Tuổi già, sức yếu nhưng với niềm tin chắc thắng ấy, cụ vẫn ung dung ngồi trên lưng trâu, để nó đủng đỉnh bước một, ngày này qua ngày khác mà không thấy mỏi mệt.

Mấy ngày đầu, con đường thiên lý đi qua các làng mạc và đồng ruộng nên không có gì đáng nói. Nhưng nó có bằng phẳng mãi đâu. Đến lúc nó oằn mình để từ từ leo cao bên triền núi, để băng qua những khu rừng âm u hiểm ác. Những dãy núi cao rừng thẳm ấy là sào huyệt của trộm cướp và giống quái điểu Ma Ưng tương tợ những chim đại bàng khổng lồ và khát máu. Chúng có thể bất thần từ trên mây lao vút xuống, quặp chặt kẻ lữ hành hoặc con trâu, con ngựa giữa móng vuốt sắc lẻm của nó, đem lên tận đỉnh non cao để rỉa thịt.

Đại phúc cho kẻ lữ hành. Ngay dưới chân đèo, dưới tàn cây bách tán tùng cổ thụ, người nào đó đã dựng sẵn pho tượng của Đức Địa Tạng Bồ Tát. Ngài là thần hộ mạng của khách lữ hành trong những đoạn đường nguy hiểm. Đi tới đây, cụ già Xuất Vân lật đật xuống khỏi mình trâu, đặt nón xuống đất, lom khom nhặt mấy viên sỏi nhỏ thật sạch sẽ và tròn trĩnh, kính cẩn đặt lên phiến đá nhỏ dưới chân ngài. Trên phiến đá ấy đã có vô số những hòn sỏi mà người đi trước đã dâng tặng thần linh. Con đường đi đã lên cao hết mức, lại dần dà trườn xuống thung lũng kế cận để băng qua con suối nước nhỏ hay một cái khe nước lồng lộn chảy. Nhiều khe khá sâu, khá rộng đủ khiến kẻ bộ hành không biết bơi phải tán mạng trong giòng nước chảy siết. Người ta bảo rằng những nơi ấy có con Hà Đồng, mang lốt người phụ nữ tóc dài quăn tít. Nó cười tình với người ta làm mê mẩn tâm thần rồi thò tay rút cẳng cho té nhào sặc nước mà chết. May thay, những chốn hiểm nghèo ấy thường có tượng đức Địa Tạng để người đi đường tới đó cầu xin gia hộ. Cùng với con hắc ngưu mập mạp, cụ già Xuất Vân đã đi được bảy tám ngày đường. Nhờ lòng thành kính cầu xin các vị thần linh phù trợ, cụ chưa gặp điều gì trắc trở dọc đường. Không đủ tiền để vào nghỉ trong các quán trọ, cụ thường dừng chân rất sớm ở những nơi có vẻ an ninh, khi thì gần xóm làng, khi gần đền miếu, lúc ở bìa cánh rừng thưa thớt hiền hòa. Mỗi chiều, sau khi cột trâu vào một nơi tốt cỏ cho nó ăn, cụ lấy lương khô ra ăn. Không hôm nào cụ quên mở bọc vải, đem cái lồng thếp vàng ra để ở góc chiếu và vặn cót cho chim máy hót vang. Đó là thú tiêu khiển thanh lịch nhất đối với cụ. Biết đâu, sau con chim này cụ còn có cơ hội hào hứng nào để tạo ra một thứ đồ chơi quí giá hơn chăng? Những ngày chim máy còn trong tay cụ, cụ muốn tận hưởng cái thích thú do công trình sáng tạo của mình mà có. Âu cũng lã một điểm tâm lý thông thường vậy.

Một hôm cụ ngừng lại bên một lùm cây khá xum xuê. Cụ cũng đem lồng chim ra nhìn ngắm và nghe hót. Tiếng hót của chim máy được làn gió mát ban chiều đưa đi khá xa, len lỏi vào giữa cành lá đong đưa xao động. Chim máy hót vừa xong hai nhịp, thì tiếng họa mi rừng đâu đó đã hồi âm. Vui mừng vì hiệu quả rõ rệt của máy phát âm, cụ liền lên dây cót cho chim máy hót thêm mấy nhịp. Trong khi chim máy đang tưng bừng “ phát thanh ”, thì vù một cái, một con chim họa mi mái từ trong lùm cây bay ra đậu ngay ở then lồng vàng chói. Con chim rừng bé nhỏ ấy dùng cái mỏ con con của nó duỗi cho thẳng hàng lông trước ngực như kiểu làm dáng, đôi mắt đỏ hồng của nó nhìn chằm chặp vào chú chim máy trong lồng. Khi chim máy dứt lời, nó mớ vươn cổ lên nhả lên không trung một tràng nhạc điệu líu lo dịu dàng khôn tả. Những tiếng bổng trầm thoát ra từ cái miệng nhỏ xíu của nó sao mà uyển chuyển thanh tao đến thế. Đó là những giọt pha lê trong vắt tan vỡ nhẹ nhàng khiến người nghe phải bồi hồi mê mẩn. Được nghe con chim mái độc đáo này hót, cụ già Xuất Vân chợt nhận thấy công phu tuyệt kỹ của mình chưa thể nào sánh được với công trình kiến tạo của Hóa công. Một niềm xúc động đầy cảm phục bỗng dâng lên từ đáy lòng già cỗi của ông.

Đêm hôm ấy, ông thao thức suốt đêm không ngủ được. Thỉnh thoảng ông lại mở mắt ra nhìn các chòm sao sáng chói trên vòm trời cao, miên man suy nghĩ. Trong khi đó, con chim rừng rúc đầu dưới cánh, đứng ngủ ngon lành bên ngoài lồng chim máy.

Hôm sau, ông dậy sớm hơn thường lệ và ngày đó đi được nhiều đường đất hơn mấy ngày trước. Buổi chiều, ông không khỏi ngạc nhiên thấy tiếng con chim mái hôm trước lảnh lót đáp lời chim máy từ một cành cây gần đó. Té ra nó đã theo dõi ông và con chim bạn nó suốt ngày mà ông không hay. Kể từ đó, không có chiều nào nó vắng bóng bên chiếc lồng vàng, vẻ quyến luyến chú chim mái ra điều tha thiết lắm. Chẳng thế mà ngày về đến kinh đô, khi cụ vào yết kiến quan Nghi Lễ Đại Thần để trao tặng con “ Bách Thanh ” thì con chim mái cũng đánh bạo xông xáo bay vào giữa đám quan quân đông đảo, đậu vào tay kèo phía trên chiếc bàn con để trên chiếc lồng vàng. Trong đại sảnh này, có nhiều bàn lớn nhỏ chất đầy đồ chơi, mỗi cái đều có cái hay, cái độc đáo của nó. Mỗi thứ đồ vật đều có tấm thiếp ghi họ tên địa chỉ người chế tạo. Cụ Xuất Vân nheo mắt đọc tên những người làm đồ chơi dưới hình thức loài cầm và chẳng bao lâu đã tìm thấy con “Tu hú”, sản phẩm của kẻ thù im lặng. Cụ mỉm cười kín đáo, cố giữ vẻ thản nhiên che giấu niềm vui sướng dào dạt trong lòng. Rõ ràng con “ Bách Thanh ” quí phái của cụ hơn hẳn con “Tu hú” quê mùa đến mấy bậc. Cụ ung dung cáo từ quan Nghi Lễ, và được một quân hầu hướng dẫn ra tạm trú tại công quán dành cho những người có đồ vật trưng bày.

*

Hết kỳ hạn một tuần trăng, quan Nghi Lễ Đại thần cho trần thiết đại sảnh thật huy hoàng và sắp xếp các đồ theo từng loại để so sánh. Sáng hôm sau, ông mặc đại trào phục xin vào triệu kiến nhà vua tại Tây Thúy Lâu.

- Tâu Thánh thượng, mọi việc hạ thần đã cho thu xếp đâu vào đấy rồi. Xin Thánh thượng tùy nghi định đoạt.

- Liệu Thái Tử có biết gì về việc này chăng?

- Tâu bệ hạ, Thái Tử không hay biết gì cả.

- Hay lắm. Quả nhân muốn cho Thái Tử một sự bất ngờ thích thú.

Nói xong, nhà vua quay sang hỏi thăm Đô Úy Thị Vệ.

- Khanh có biết Thái Tử hiện giờ ở đâu và đang làm gì không?

- Muôn tâu, hôm nay Thái Tử có phần khởi sắc hơn mấy ngày trước. Hiện Thái Tử đã xuống chơi dưới vườn Ngự Uyển, kế bên hồ Thiên Nga.

- Khanh phái ngay một thị vệ đi triệu thỉnh Thái Tử lại đây.

Khi thị vệ tới gần bên hồ, y thấy cậu hoàng con đang ngồi dưới cái cổng “ torii ” cao lớn sơn màu đỏ rực rỡ, kế khóm cây trắc bạch diệp. Cậu đang mải mê nhìn bầy hươu sao đùa nghịch bên kia hồ. Nhất là bầy hươu con nhảy nhót tung tăng thật vui mắt.

Chú thị vệ trẻ cúi rạp mình trước cậu bé xanh xao ốm yếu.

- Kính thưa Thái Tử, Thánh Thượng cho mời Thái Tử tới Tây Thúy Lâu dạy việc.

- Ta sẵn sàng vâng mệnh phụ vương.

Nói rồi, cậu hoàng chống tay đứng dậy khá mệt nhọc.

- Kính thưa Thái Tử, ngài có muốn tôi cõng đi chăng?

- Không cần. Ta có thể đi bộ được. Ta chỉ cần vịn vai là đủ.

Thế là hai người chậm chạp tiến về Tây Thúy Lâu.

Thái Tử tới trước ngai vua, nghiêng mình thi lễ. Nhà vua tươi cười phán bảo:

- Hôm nay ta hy vọng sẽ được thấy nụ cười nở trên môi con như bấy lâu nay ta hằng mong ước.

- Tâu phụ vương, phải chăng để làm đẹp lòng…

- Đẹp lòng của chính con. Hãy theo ta vào Đại sảnh rồi con sẽ hiểu.

Nói rồi, ngài đứng lên, theo sự hướng dẫn của Nghi Lễ Đại Thần tiến vào Đại sảnh. Thấy đồ chơi bày la liệt khắp nơi, nhà vua vui sướng lắm. ngài không ngờ thần dân của ngài có nhiều kẻ khéo tay và giàu sáng kiến như vậy. Trong bao nhiêu thứ ấy, tất có nhiều cái thỏa lòng Thái Tử. Theo lệnh của quan Nghi Lễ, một Vệ úy Ngự Lâm quân, tuần tự tháo chốt hay lên dây các đồ chơi tự động để nhà vua và hoàng tử cùng xem. Những đồ chơi không có máy móc tự động thì quan Nghi Lễ trình rõ những đặc tính, những gì độc đáo hay quý giá nơi những đồ chơi ấy.

Hoàng tử chỉ nhìn sơ qua và lơ là nghe giới thiệu những đồ vật bằng vàng, bạc hoặc trân châu mã não. Đôi mắt của cậu hoàng con chỉ hơi sáng lên, khi nhìn thấy hai tay võ sĩ tí hon bằng đồng, giáp trụ đầy người, hươi gươm chém nhau chan chát. Cậu khẽ gật đầu, nói nhỏ: “ Cái này được đây ”. Lát sau, cậu hoàng lại dừng bước nhìn một con ngựa sắt, to bằng bắp tay, biết chổng mông đá hậu, rồi đứng im và bất chợt cất ngược lên như con ngựa bất kham. Những con bướm vải sặc sỡ đập cánh dập dờn, những con thỏ bằng bông trắng ngồi bật dậy lấy hai tay chùi mõm. Những con mèo, con chó bằng vải nhồi bông biết nhảy chồm chồm. Những đóa hoa xòe ra rồi cúp vào, tất cả những thứ ấy chỉ được cậu hoàng liếc mắt nhìn qua mà thôi. Cậu chỉ chú ý đến một tay lực sĩ tí hon nhào lộn rất tài tình uyển chuyển. Con khỉ bằng đồng đen nhảy chồm chồm trên lưng con bạch tượng bằng bạc có cái vòi đu đưa, như muốn với bắt con khỉ phá rầy, là đồ chơi thứ nhất gợi được nụ cười hé nở trên môi tái nhợt của cậu hoàng con. Đi tới gần cuối Đại sảnh, mấy tiếng kêu chát chúa của con chim tu hú làm cậu hoàng khẽ giật mình. Tới trước cái lồng tre rất thanh lịch, nhìn con tu hú nhảy nhót hết chân này đến chân kia rồi vươn cổ ra mổ mổ thức ăn đựng trong cái đĩa sứ trắng ngần, cậu không nhịn cười được, đã reo lên thích thú: “ Con chim này hay lắm, thưa phụ vương ”.

Hơn bốn năm rồi, bây giờ mới thấy cậu quý tử vui cười như vậy, vua cha như mở hội trong lòng. Ông ngầm cảm tạ ơn trên đồng thời không quên nghĩ đến quan Khâm Thiên Giám và người thợ tài ba đã chế tạo ra con tu hú.

Nỗi hân hoan của hoàng tử càng bộc lộ rõ rệt hơn, khi Viên Vệ Úy lên dây cho con họa mi vỗ cánh, cất cao cái đầu tròn trĩnh bé nhỏ, hả cái miệng chút xíu xinh xinh rồi thong thả ngân nga những tiết điệu du dương dìu dặt trong vắt như tiếng pha lê. Cậu hoàng chưa hết say mê, thì vù một cái, một cánh chim bé nhỏ khác từ trên kèo nhà chao nhẹ rồi tới đậu ngay bên ngoài lồng thếp vàng. Thế là chim máy ở trong, chim trời ở ngoài, cả hai cùng cất tiếng hót vang cả Đại sảnh. Cuộc hòa âm bất ngờ thật là kỳ thú, làm cho nhà vua và quan quân có mặt đều im bặt lắng nghe. Khi chim máy ngừng tiếng thì chim rừng cũng ngừng luôn. Cậu hoàng khoái quá vừa vỗ tay tán thưởng vừa reo cười rất hồn nhiên, khiến nhà vua vui sướng không cầm được nước mắt. Ngài truyền lệnh quan Nghi Lễ liên lạc với quan Nội khố để xuất kho 5 nén vàng thưởng công cho người chế tạo ra chim Họa mi.

- Kính xin phụ vương cho xuất kho tưởng thưởng cho cả mấy người chế tạo ra chim tu hú và khỉ với voi, mấy thứ khác tạm thời cất vào kho, hôm nay con hãy xin đem hai lồng chim lên phòng ngủ.

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG III
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>