Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

CHƯƠNG VI_THÁI TỬ U SẦU


ĐẠI HỘI MỪNG XUÂN


Hôm ấy, Hoàng Tử Thần Lực đang ngồi ủ rũ trong phòng riêng thì A Li vào quì trước mặt, trình có quan Khâm Thiên Giám xin vào hầu chuyện. Nghe nói đến nhân vật phi thường ấy, Thần Lực tươi ngay nét mặt, gật đầu đồng ý ngay.

- Xin kính chào Thái Tử. Hôm nay ngọc thể có được an khang chăng ?

- Bệnh của tôi vẫn thế, không tăng không giảm. Chẳng hay quan Khâm Thiên Giám tới đây có việc gì ?

Kể từ ngày Tùng Vĩ Úc trổ tài biến chim gỗ thành chim thật, Hoàng Tử Thần Lực rất cảm phục nên không còn thái độ cách biệt như trước nữa.

- Thưa Thái Tử, hôm nay thần tới đây kính chuẩn lời mời Thái Tử đến dự Đại Hội Mừng Xuân của loài Cầm.

- Đại Hội Mừng Xuân của tất cả các thứ chim chóc à ? Làm sao cụ biết ? Cụ hiểu tiếng chim ư ?

- Thưa Thái Tử, hầu hết các loài chim quanh đây đều là bạn của thần. Có sứ giả đem tin lại chính là Bách Thanh, con họa mi đã chịu đại ân của Thái Tử.

- Ồ! Ơn lớn ấy chính là của quan Khâm Thiên Giám. Tôi chỉ có công can thiệp xin cụ ra tay tế độ cho nó mà thôi. Nhưng bao giờ có Đại Hội ấy và nhóm họp nơi đâu?

- Thưa Thái Tử, Đại Hội sẽ khai diễn tối nay, giữa đêm rằm, tại một bãi trống nào đó giữa rừng. Ở tại bãi nào, thần cũng không biết, vì tự cổ chí kim, từ công hầu khanh tướng cho đến thứ dân chưa có người phàm nào dược dự thứ lễ ấy.

- Vậy ta biết đâu mà đến, lại thêm chân cẳng yếu ớt thế này làm sao mà đi xa được. Có thể dùng kiệu hay phải đi ngựa ?

- Thưa Thái Tử, ngài sẽ đi một mình, không cần thắng ngựa vì có một con tuấn mã của rừng xanh phái đến đón ở cổng hậu phía Tây hoàng thành. Đúng canh một, Thái Tử một mình đến đó, sẽ có một con Nai gạc lớn chực sẵn. Nó cũng là một kiện tướng của rừng xanh có nhiệm vụ đón rước và đưa Thái Tử trở về. Xin Thái Tử cứ vững lòng.

- Ồ ! Đây là một vinh dự lớn. Tôi rất vui lòng nhận lời mời và thế nào cũng đến dự. Đây là dịp tới thăm đôi bạn họa mi giữa giang sơn của chúng.

Tùng Vĩ Úc vừa lui ra khỏi cửa, Hoàng Tử gọi ngay A Li vào bảo sắp sẵn một bộ đồ ấm để đi rừng vào ban đêm và bảo y gần đến canh một phải vào đây đợi lệnh.

*

Con Nai gạc phóng đi như bay. Hoàng Tử Thần Lực hai tay níu cứng lấy cặp gạc của nó, không sợ té nữa nên thấy nó chạy nhanh như vậy càng thích. Chiến mã của nhà vua có con nào phi nhanh đến thế !

Trên đầu Thần Lực, vô số chim đủ loài, đủ giống nườm nượp bay đi, bay lại trên các lộ trình của thinh không. Khi chú nai dừng chân ở bìa rừng nhìn ra một trảng khá lớn, thì mặt trăng tròn vành vạnh đã lên cao được mấy sào. Các loài chim từ to tới nhỏ, từ ác tới hiền đã tề tựu gần đông đủ… chỉ còn số ít đang lục tục kéo tới chưa kịp chuẩn bị hàng ngũ.

Chúng chia thành thị tộc, đứng xúm xít với nhau. Những giống ác điểu như diều hâu, kên kên, chim ưng, chim điêu, chim quạ…chia nhau đứng trên các bậc đá của ngọn đồi án ngữ phía Tây của khu đất trống. Chỉ trông qua hình thù to lớn với những cái mỏ nhọn hoắc và cong vòng của chúng, cũng đã thấy ngán rồi.

Phía Bắc là khu dành riêng cho các giống chim cao cẳng như cò, diệc, hạc, chim bà già, chim bảo, hải âu, ngỗng trời, vịt trời, le le v.v… Trong đám này, nổi nhất là bầy hạc với tầm vóc cao lớn và màu lông xám tro rất lịch sự.

Bầy Hồng Hạc còn cao hơn bầy hạc xám, lạ thay, lại không đứng cùng một phía với các bầy trên. Chúng đứng riêng rẽ về phía Đông, ngay dưới những tàn cây trong đó lấp lánh không biết bao nhiêu cặp mắt sáng rực của các giống chim ăn đêm.

Phía Nam, dưới đất là nơi tụ họp của gà lôi, gà rừng, gà sao, chim trĩ và bầy công. Nổi nhất trong những thị tộc sặc sỡ đủ màu này là bầy trĩ với những chiếc lông đuôi vừa dài vừa đẹp. Kế đó là bầy công với cái áo lông ngũ sắc lấp lánh dưới ánh trăng vằng vặc. Trên các cây ở phía Nam là đủ các loại giống nho nhỏ như Hoàng Oanh, tu hú, ác là, cà cưỡng, chim sáo, cu cườm, cu xanh, gõ kiến… Bé nhỏ hơn nữa là chim Hoàng tước, hồng tước, họa mi, vành khuyên, bông lau, chích chòe, bạc má…

Trong khi sắp xếp hàng ngũ, mỗi giống chim dùng tiếng kêu riêng của mình để ra lệnh cho nhau. Âm vang rất nhiều thứ tiếng của hàng ngàn con chim thật là vui và lạ tai không sao tả xiết.

Lúc các thị tộc ở đâu yên đó rồi, tiếng ồn ào nhỏ dần và tắt hẳn. Giữa cảnh im lặng và tôn nghiêm ấy, bỗng có tiếng con chim cú hô lớn:

“ Nữ Hoàng đã tới ! ”

Tất cả các thị tộc đều đứng im, không một tiếng động. Chỉ thấy hàng ngũ bầy Hồng Hạc, với tấm áo lông màu hồng lợt rất quý phái hơi xao động mà thôi. Chúng chia nhau đứng thành hai hàng dài cách nhau chừng ba thước và quay mặt vào nhau.

Lát sau, từ mạn rừng phía Đông, Nữ Hoàng từ từ tiến ra, đi qua hàng rào danh dự của bầy Hồng hạc. Bầy Hồng hạc đã cao, cao hơn hết các giống chim hiện diện, thế mà Nữ Hoàng còn cao hơn cả gang tay. Thấy rõ đấy là một con chim phượng hoàng với đôi mắt dài long lanh tuyệt đẹp và oai vệ khác thường. Nữ Hoàng cất cao cái đầu có chùm lông ngũ sắc gắn dài phất phơ sau ót. Lẫn lộn trong đó, có lối mươi sợi nhỏ và thật dài thòng xuống đầu mút có những hạt tròn tròn và lóng lánh như ngọc trai. Duyệt hết hàng chim hồng hạc, Nữ Hoàng tiến thẳng về vách đá phía Tây, bầy hồng hạc kéo theo sau hộ vệ. Giữa những bầy chim dữ, có một hòn đá khá cao và bằng phẳng. Nữ Hoàng vỗ cánh tung mình lên đó, đứng thẳng cả toàn thân trông rất uy nghi. Bầy hồng hạc chia nhau đứng hầu quanh phiến đá, giơ ngang những cái mỏ dẹp và cong cong như những bảo đao.

Một con chim ưng từ lưng đồi bay ra giữa trảng hô lớn: “ Đại hội bắt đầu ! ”

Tức thì bầy chim cu xanh cùng cất cánh bay lượn thành vòng tròn rộng, như chào mừng tất cả các thị tộc có mặt ở bốn bìa rừng. Kế đó, bầy cu cườm nhập cuộc, tạo thành một vòng tròn nhỏ hơn, ở bên trong vòng cu xanh và bay ngược chiều với bầy kia, khiến người xem loạn cả mắt.

Tiếp đó các bầy ác là, ác cà cưỡng, chim sáo liên tiếp bay ra để biểu diễn các điệu nhảy múa trên không thật là lạ mắt…

Các thị tộc trên vừa trở về vị trí cũ, thì bầy diều hâu, kên kên kéo ra biểu diễn sức mạnh. Chúng bay thành hàng ngang, vũ lộng những cặp cánh dài rộng, gây nên một trận gió đè rạp cả cỏ và cây nhỏ trên lối chúng bay qua. Hai bầy này bay chưa hết bãi, thì bầy chim ưng đã tung cánh bay lên thật cao rồi đâm nhào xuống đất như những viên đá lớn, quắp lấy những khúc cây rải rác trên mặt đất và bay vụt trở lên, lẹ làng như tên bắn… Đến lượt các bầy diệc, bầy ngỗng chứng tỏ tinh thần đồng đội và sự dẻo dai bằng cách bay theo đội hình chữ V. Bầy hạc xám bay lượn thành hàng dài, vẽ thành nhiều vòng tréo nhau như hình số 8. Có khi chúng xoắn vào nhau, có khi trải dài như một tấm lụa bằng lông xám.

Kế tiếp các trò vui trên, đến lượt bầy gà rừng ra biểu diễn các điệu múa xòe khi gại mái để kết thúc bằng những trận tranh hùng giữa mấy anh gà trống to con nhất. Những bầy gà sao, gà lôi trình diễn nhiều màn vũ thật đặc sắc mà giá trị được tăng thêm nhờ bộ lông nhiều màu của chúng.

Kết thúc các màn biểu diễn là bầy công. Chúng dàn hàng ngang, tiến đến phía nữ hoàng vừa đi vừa xòe bộ lông đuôi sặc sỡ ra múa may thật nhịp nhàng. Tới trước nữ hoàng lối vài chục thước, chúng ngừng lại, cúi đầu sát đất chào mừng, rồi con nào đứng nguyên vị trí con ấy, chúng vừa xòe vừa quay mòng mòng như con vụ. Một lát, theo lệnh con trưởng bầy chúng ngừng quay, cúi chào nữ hoàng lần nữa rồi từ từ rút lui về vị trí, vẫn giữ nguyên hàng lối như lúc tiến lên, thật là huy hoàng ngoạn mục…

Bây giờ là tiết mục ca hót. Các thị tộc tự xét mình có tiếng kêu không hấp dẫn đều đứng yên, đóng vai khán thính giả. Bầy sáo sậu lên tiếng trước, có đâu 7 hay 8 con gì đó dự cuộc tranh tài. Tiếng hót của chúng tuy hay với thị tộc mình, nhưng có vẻ như không được đa số khán giả tán thưởng. Tuy vậy thị tộc cũng chọn một tay chúa tể loài sáo. Con sáo này được giới thiệu với đại hội và sau đó tới cúi đầu chào kính Nữ hoàng, cũng như những con Diều hâu, con chim Ưng được bầu làm chúa tể của thị tộc ấy.

Sau bầy sáo, đến bầy cu cườm, rồi bầy khướu, bầy hoàng oanh, bông lau, vành khuyên… Trong bấy nhiêu giọng hát, chỉ có bầy khướu và hoàng oanh là được Đại hội cổ vũ khá rầm rộ. Các đại diện của thị tộc bông lau và vành khuyên cũng được đa số khích lệ. Dường như tất cả đều chờ đợi thị tộc họa mi lên tiếng vì đó là một trong những cái “đinh” của Đại hội mừng Xuân. Khi con họa mi thứ nhất lên tiếng hót, tất cả cánh rừng im lặng như tờ, chỉ nghe tiếng hót bổng trầm trong trẻo của nó mà thôi. Khi nó dứt tiếng, hội trường tán thưởng ầm ầm. Kế nó, có hai con khác nữa, nổi tiếng hót hay từ miền Đông về dự thi. Hai con này có phần át giọng con thứ nhất và nếu cần định ngôi thứ hai cho con này, thị tộc họa mi sẽ bối rối, không biết tôn con nào làm chúa tể.

Bách Thanh của chúng ta, vì trẻ tuổi nhất lại mới gia nhập thị tộc chưa được bao lâu nên bị xếp hạng tư, nghĩa là ca sĩ cuối cùng của Đại hội. Khi nó mới cất tiếng oanh vàng, nhiều tiếng trầm trồ đã nổi lên từ nhiều phía. Giọng hót của nó không những trong như pha lê mà vừa rõ ràng, vừa uyển chuyển lại truyền cảm vô ngần, khiến có cảm tưởng như rừng cây cũng phập phồng xúc cảm và mê mẩn lắng nghe. Bách Thanh vừa dứt, cả hội trường đều nổi lên tiếng hoan hô tán thưởng vang dội cả khu rừng. Ngay Nữ hoàng, từ lúc khai mạc đến giờ vẫn giữ thái độ oai nghiêm cũng khẽ gật đầu ra điều đắc ý.

Khi nó chưa hót, Thần Lực ra chiều lo lắng không yên. Con tu hú máy trước kia cũng vậy. Chỉ có cô bạn gái của nó là vững tin nơi sự thành công của nó mà thôi. Bây giờ không cần nói, người ta cũng đoán biết trước vị “ Chúa tể họa mi ” đã về tay nó. Khi nó được chim già đầu bầy hướng dẫn ra giới thiệu với Đại hội và tới cúi đầu lạy chào Nữ hoàng, nó lại được hoan hô lần nữa. Ước mơ của nó đã trở thành sự thật. Nó vui sướng quá hóa ra bấn loạn cả tinh thần. Những đợt hoan hô cổ vũ hết sức nồng nhiệt càng làm nó bối rối hơn và tất nhiên cũng khiến nó càng thêm kiêu hãnh.

Nó vừa lạy chào xong, Nữ hoàng đã dịu dàng tỏ lời ngợi khen và hỏi nó có vui sướng không.

- Dạ thưa Nữ hoàng, con vui sướng lắm, nhất đời con !

- Ngươi có muốn xin ta một ân huệ gì chăng ?

- Dạ. Một ân huệ ?...

- Phải rồi. Một ân huệ cho ngươi hoặc bạn bè ngươi để họ có thể hưởng lợi ích gì cho sự thành công vẻ vang của ngươi.

Quá ư bối rối, Bách Thanh cúi đầu đứng im.

- Thôi được. Cho ngươi về chỗ.

Nói xong, Nữ hoàng kêu lên ba tiếng lớn vỗ cánh bay cao, lượn một vòng cho thần dân chiêm ngưỡng dung nhan, giữa tiếng hoan hô dậy đất của tất cả các giống chim hiện diện. Chưa bao giờ một người phàm lại được nghe những thứ âm thanh pha trộn kỳ dị và to lớn như vậy. Thần Lực được dự Đại Hội Mừng Xuân từ lúc đầu, đi từ ngạc nhiên này đến thích thú khác quên cả căn bệnh kinh niên của mình. Cậu ta cũng say mê tiếng oanh vàng của Bách Thanh và khi nó được đưa ra giới thiệu với Đại hội, lòng cậu tràn ngập một nỗi hân hoan chưa từng thấy. Bị cuốn hút bởi bầu không khí phi thường của Đại hội, khi Nữ hoàng bay qua nơi cậu hoàng đứng, tự nhiên cậu vỗ tay và hò hét như điên…

Bay vừa giáp vòng, Nữ hoàng lại kêu to một tiếng. Bầy Hồng hạc cùng cất cánh bay lên, chia thành hai hàng, bay phía sau Nữ hoàng, rồi thầy trò nhắm hướng Nam bay tới. Đợi cho Nữ hoàng và đoàn tùy tùng bay khuất sau những ngọn cây cao, đại hội mới giải tán. Những bầy chim nhỏ bé biết thân phận mình, không dám tranh đi trước, vẫn ẩn náu dưới các tàn cây. Duy chỉ có các loại chim cỡ lớn và cỡ trung đồng loạt cất cánh mà đã gần như che khuất cả trăng sao. Cả cái trảng lớn tràn ngập ánh trăng rằm như vậy, bỗng tối sầm ngay lại. Thần Lực vội vàng leo lên lưng nai ra hiệu bảo quay về hoàng cung để tránh cảnh hỗn loạn lúc bấy giờ. Đến khi quang cảnh nơi đây trở lại bình thường, vợ chồng Bách Thanh đến tìm Thần Lực, thì cậu ta đã ra về từ lâu rồi.

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VII
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>