Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

CHƯƠNG V_PHƯƠNG NÀO BÌNH YÊN


CHƯƠNG V


Chuyến xe đò thả Nghi xuống rồi lại rú máy tiếp tục đoạn đường. Bầu không khí đột nhiên yên tĩnh. Vài người dân quê lom khom gặt lúa ở thửa ruộng cạnh như không biết đến sự hiện diện của Nghi. Và nhất là không biết được lòng Nghi đang nôn nao, hồi hộp đến chừng nào.

Con đường đất nhỏ xuyên qua những cánh đồng vàng lúa chạy dài khuất lấp sau mấy dãy núi thấp. Nghi chờ một chuyến xe lam đưa chàng vào trong ấy. Ðiếu thuốc tỏa khói trên môi. Nghi ngẩng nhìn bầu trời cao vừa trong xanh. Mùa thu đã về. Những đám mây lởn vởn đằng cuối chân trời. Nghi hấp háy mắt khi nhớ đến nụ cười của người con gái năm nào trong thung lũng hoang tàn mà Nghi đã từng qua. Nụ cười ấy vướng vít chân Nghi, nên bây giờ chàng trở lại.

Chiến tranh đã qua rồi. Nghi trở về đời sống dân sự. Chàng không nhớ đến những ngày cực nhọc gian khổ đời lính, mà lại nhớ đến bóng dáng của người con gái chất phác, đã len lỏi trong tim Nghi bằng chính tình yêu đầu đời. Tuổi trẻ của Nghi đã mất mát vì chinh chiến. Thời gian qua đi, ai có thể tìm hay níu kéo lại được tuổi xuân. Thế nhưng, tí nữa đây, qua hình bóng người yêu, Nghi sẽ sống lại những ngày tươi trẻ của chàng.

Có tiếng xe lam nổ ròn đằng kia. Nghi xách hành lý lên tay và ra dấu cho xe ngừng. Người tài xế ngước đầu khỏi tấm mica chắn ra hiệu cho Nghi lên ngồi cạnh tay lái. Những cánh đồng chạy dài và mấy dãy núi xanh lại gần. Qua đoạn đường len giữa hai dãy núi thấp, Nghi đã trông thấy một phần ngôi làng với những mái nhà ẩn hiện trong những vòm cây xanh non, và ngọn đồi trọc lấp lánh trong ánh nắng.

Ði ngang qua vùng đất ngày xưa Nghi đã từng đóng quân chàng chợt có ý nghĩ muốn dừng lại nơi nầy. Nhìn đồng hồ hãy còn sớm, Nghi đập vai người tài xế :

- Ông cho tôi xuống đây.

- Ủa, không vô làng sao ?

Nghi cười :

- Chút nữa.

Chiếc xe chậm dần. Nghi nhảy xuống trả tiền, chờ cho xe chạy khuất sau ngọn đồi. Những đôi mắt mở to ngạc nhiên nhìn anh. Nghi mỉm cười với họ.

Không còn dấu vết gì ghi lại lần dừng quân của tiểu đoàn Nghi cách đây hai năm tròn. Sim dại mọc đầy. Sát đồi, những vườn sắn xanh um rậm lá. Tất cả đều thay đổi. Không còn vẻ tiêu sơ, hoang tàn dạo nào. Những người dân quê đã trở về làng họ và tái tạo đời sống mới.

Nghi lững thững leo lên ngọn đồi trọc. Không còn là đồi trọc như Nghi nghĩ. Nhà cửa đã được cất xây lại. Vài mái ngói đỏ au mới tinh. Những đụn rơm vàng ánh, nhưng sâu phơi thóc đầy chứng tỏ sự trù phú của làng. Nhưng Nghi vẫn không thấy lạ, bởi chàng đã nhìn thấy đằng xa con lạch nhỏ nằm quanh co len lỏi qua những hàng cây rậm như quen thuộc như thân tình. Bước chân Nghi đột nhiên cuống quýt. Có đôi mắt nào đang đợi chàng bên kia bờ lạch. Nghi kêu tên người yêu thầm trong cổ.

- Nhan ơi, Nhan ơi, anh về tìm Nhan đây.

Nghi xốc quai xách lên vai và chạy băng băng xuống dốc đồi. Hơi nước từ con lạch đã phả cho bầu không khí một lớp ẩm mỏng. Gió thổi mát rượi. Nghi nhìn chiếc cầu treo nhỏ bắc ngang lạch. Ngần ngừ một giây, Nghi tụt giày thả chân xuống giòng nước cạn. Nước thấm vào hai ống quần dính sát chân tạo cảm giác mát dịu khoan khoái. Bây giờ thì Nghi không còn chần chờ ở đâu nữa. Chàng hối hả vào làng. Con đường mòn đã được sửa sang lại rộng rãi. Không còn những thân cây cháy xém, không còn những căn nhà xiêu đổ. Tất cả mới mẻ khang trang. Tất cả đều sống động vui vẻ phồn thịnh. Những chiếc xe đạp xuất hiện trên đường đi. Những tiếng nói cười ríu rít của trẻ nhỏ. Tất cả dấu vết chiến tranh chỉ còn in độc nhất trên một cây dừa già mất ngọn. Thế thôi. Ðất đã sống lại. Sau chiến tranh, người và đất đều hồi sinh. Nghi chúm môi huýt sáo một đoạn nhạc quen để nén lòng bớt nôn nao. Chàng vẫn nhớ rõ con đường dẫn đến nhà Nhan. Không biết cô bé có ở nhà hay buôn bán. Chàng tưởng tượng đến ông già mù đang ngồi sưởi nắng ngoài sân, và biết đâu Nhan đang phơi thóc ở cạnh.

Nghi mỉm cười. Kia rồi. Nơi đó, Nghi không thể lầm được. Cây sầu đông đứng thẳng mình. Bụi tre già bên cánh mặt. Khác chăng là bức giậu rào đã che mất khoảng sân và căn nhà với mái lợp mới khang trang.

Nghi đứng im một phút ở ngoài cổng. Sân nhà vắng. Cánh cửa khép hờ. Trái tim Nghi muốn nhảy khỏi lồng ngực. Nhan sẽ thế nào khi thấy Nghi trở về. Nghi lật chấn song cửa vội vàng. Có tiếng chó sủa, tiếng động lọc cọc trong nhà, rồi khoảng nắng ngoài sân in rõ bóng một người đàn bà. Nghi thở ra thất vọng.

- Cậu hỏi ai đó ?

- Thưa bà, cho tôi hỏi thăm cô Nhan.

Người đàn bà lặng thinh. Nghi lập lại.

- Dạ, cô Nhan con ông Sáu mù.

- Không có ai ở đây tên Nhan hết. Chắc cậu lộn nhà. Cậu đi qua bên kia hỏi thử.

Nghi bàng hoàng. Những điểm đen bắt đầu xuất hiện trong ý nghĩ. Hay là Nhan đi ở chỗ khác rồi. Mình đi kiếm xem. Những con đường ngơ ngác dưới chân Nghi. Những bụi cây dáng xa lạ rầu rĩ. Những khuôn mặt không quen thập thò. Những cái lắc đầu vô nghĩa.

- Ở đây không có ai tên Nhan hết.

Không có ai tên Nhan hết. Chẳng lẽ câu chuyện xưa là thần thoại. Còn lão Cả Bửng, ông bà Hai Kiên, bà Tư què, gia đình lão Chín.

Nghi nhóm chút hy vọng trong lòng. Phải đi tìm những người đó mới biết Nhan được.

Nghi đứng lại gần một cái chợ nhỏ. Ðám đông tấp nập ồn ào mà sao không thể có Nhan. Nghi nhìn đám người chộn rộn trước mặt. Chàng bối rối không biết phải làm gì, hỏi gì. Hành lý trở nên nặng nề trong tay. Nghi buồn rầu khi nghĩ đến việc nếu không kiếm ra Nhan.

Ở phía đầu nầy, những con đường đã khác xưa. Nhà cửa mọc lên san sát và Nghi không thể nhận được căn nhà nào, con đường nào quen. Gần một tháng đóng quân, Nghi không thuộc hết những đường mòn ngang dọc trong làng. Huống hồ gì bây giờ tất cả đều đổi mới.

Một ý nghĩ lóe qua, Nghi rẽ vào một bót Cảnh sát ở gần chợ.

- Tôi muốn hỏi thăm một người quen trong làng, nhưng không biết bây giờ họ có còn ở đây không?

Viên Cảnh Sát cắm cúi trên danh sách dân làng. Nghi hy vọng chờ đợi.

- Bà Nguyễn thị Nhan 42 tuổi, ba con.

- Không phải, cô Nhan, khoảng 18 tuổi. Hay ông tìm giùm luôn tên Cả Bửng, Hai Kiên.

Người Cảnh Sát ngẩng nhìn Nghi cười :

- Ðó đâu phải là tên tộc của họ, ông phải có họ tên rõ ràng chớ làng này ai cũng là Cả, ai cũng là Hai, Ba hoặc Sáu hết.

Người Cảnh Sát kiên nhẫn dò tìm cho Nghi một lần nữa. Khi cây viết đỏ trên tay ông ta đã đưa đến trang cuối cùng. Nghi thẫn thờ nhìn ra ngoài đường.

- Chắc những người nầy đã đi làm ăn ở xa hoặc rủi hơn là đã qua đời rồi ông à. Tìm họ khó lắm, bởi làng này hồi trước bỏ hoang, sau dân nhiều nơi đổ về lập nghiệp. Với lại theo tôi biết, trước kia vùng nầy bị đụng độ đến hai lần. Cái làng nhỏ bằng bàn tay mà như vậy làm sao chịu nổi. Chiến tranh đâu có từ ai.

Nghi nói :

- Chiến tranh hết rồi mà.

Người Cảnh Sát ái ngại nhìn Nghi :

- Bây giờ cũng đã chiều rồi. Ngày mai, ông rán đi hỏi dò khắp làng xem. Họa may có ai biết. Ðầu chợ nầy có quán cơm. Ông có thể ở nhờ một đêm ở văn phòng hành chánh xã bên cạnh đây. Chúc ông may mắn.

Nghi từ giã người Cảnh sát tốt bụng và bước ra khỏi bót. Chợ đã về chiều. Người mua lẫn người bán đều có vẻ hối hả. Từ một căn nhà nào đó phát ra tiếng ra-di-ô. Nghi cúi xuống nhìn chiếc xách tay của mình. Trong đó, chàng cũng có một chiếc máy thu thanh bé xíu. Quà của Nghi cho Nhan. Có một lần, Nhan đã tỏ với Nghi là nàng thích có được một chiếc máy thu thanh như của thiếu úy Ðạt, thuộc đon vị của chàng. Nghi cười và hẹn khi nào hòa bình sẽ mua tặng Nhan một chiếc. Hôm đó, nhìn nét mặt Nhan, Nghi liên tưởng đến đứa em mình khi ao ước một món quà đẹp. Và Nghi thấy lòng rào rạt thương Nhan. Giờ đây, món quà có đó, nhưng người xưa chẳng thấy ở đâu.

Nghi lần bước theo con đường đã đi. Con đường mòn cũ dẫn ra con lạch nhỏ. Nghi muốn được ngồi cạnh giòng nước chảy để tâm hồn đỡ căng thẳng, bớt đau khổ. Giòng nước, ít ra vẫn giữ nguyên vẹn hương vị ngày nào chàng và Nhan hẹn hò.

- Hổng biết đến khi nào mới yên anh há. Rồi dân làng cũng về lại. Trời ơi, lúc đó sướng ghê anh há. Em gặp lại mấy đứa bạn nè, bà con làng xóm nè.Vui ghê…

Nghi lẩm bẩm một mình :

- Hòa bình rồi đó Nhan. Bao nhiêu người đã biến ngôi làng nầy hết hoang tàn, nhưng em đi đâu, em bỏ cuộc rồi à? Em không chờ anh trở về như đã hứa. Anh nhứt định về đây mà em không đợi.

Mùi cỏ thơm nồng theo hơi nước đưa lên. Giòng lạch nhỏ vẫn lừ đừ trôi như bao giờ. Nghi ngồi xuống một thân cây đổ. Chàng ngồi im như vậy cho đến khi bóng tối vây tràn xung quanh. Nhiều ánh đèn đã thắp sáng chiếu qua màn tối. Trên cao thật cao, bầu trời đầy sao lấp láy. Trong bóng đêm âm thầm Nghi để mặc những giọt nước mắt nhớ thương, thất vọng trào ra.

- Nhan ở đâu rồi, Nhan ơi. Yên rồi. Xóm làng yên ổn người ta về đây làm ăn, còn Nhan, Nhan đi đâu ?

Nghi không tự trả lời được câu hỏi của mình. Chàng lấy trong xách ra món quà cho Nhan. Chiếc máy phát thanh nho nhỏ xinh xắn vừa bằng bàn tay. Chiếc máy bây giờ không tạo được một nụ cười.

Nghi lần nút vặn mở máy. Có tiếng hát của một ca sĩ quen thuộc vọng ra :

“Khi tôi về, tôi đi thăm bờ sông thuở nhỏ. Tôi sẽ buồn vì chuyện ngày xưa. Tôi sẽ khóc vì chuyện quê hương, bao lần đau khổ, bao lần cay đắng. Quê hương tôi là ở đó. Quê hương tôi ngày còn bé, tôi lớn lên bằng lời ru và bằng tình thương bằng hờn căm và bằng tủi buồn…”

Nghi nhìn xuyên qua lùm cây. Con lạch đen đủi đồng màu với bóng đêm. Tiếng cá đớp mồi quẫy mạnh. Nghi nghe như đâu đó tiếng chân của Nhan và giọng cười hồn nhiên của nàng. Giọng cười pha lẫn chút chịu đựng cay đắng của người dân quê trong thời binh lửa. Nghi nhắm mắt lại.

“Khi tôi về, con chim ca lời ca tình ái. Lũ thiếu nhi đã hát mừng cho đời thịnh trị. Dù còn yếu cũng nhoài mình vồ lấy tình yêu.

Khi tôi về, khi tôi về cuộc đời xuôi chảy, bóng trăng xưa soi trên lối mòn, có rừng cây ấm vì nhiều thương nhớ, có người yêu cũ nằm chờ bên gối. Và khi thức dậy, tôi tìm thấy tôi…”


Mối xót xa hờn tủi đè nặng lên lồng ngực. So với lời ca, Nghi thấy mình mất mát nhiều quá. Hãy xem như một giấc mơ, Nghi tự nhủ thầm với lòng. Nhưng không được, Nhan là một thực thể, cũng như chiến tranh đã qua mấy lần trên mảnh đất nầy là một chuyện có thực. Tình yêu của Nghi với Nhan là một chuyện có thực. Bây giờ, chiến tranh đã qua, Nghi trở lại tìm nàng. Bởi tình yêu không phai tàn như chiến tranh, bởi tình yêu không dễ quên như thù hận nên Nghi trở lại, nhưng sao Nhan không đợi chàng. Nghi ngẩn ngơ với bao câu hỏi trong đầu. Chàng như mỏi mê. Chiếc xách tay đen đủi vô tri, im lìm với đêm đen. Chỉ có sao trên trời nhấp nháy như những câu nói thầm, và bên dưới chiếc máy thu thanh, món quà cho Nhan vẫn tiếp tục bài hát ca ngợi thanh bình.

“Khi tôi về. Khi tôi về…”

KIM HÀI  
(tháng 7 – 73)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>