Hơn nữa, chắc không phải là ông ta bị bệnh, vì đôi mắt
ông ta sáng quắc, chân bước nhanh nhẹn và vững chãi. Tuổi chừng gần 40, ông ta ăn
mặc giản dị, nhưng đàng hoàng. Ông ta hỏi tôi, hơi pha giọng Đức:
- Ông là ông Hoàng Vĩnh phải không ạ? Tôi đã được
nghe nói tới ông, là một người không những thạo nghề, mà còn kín đáo nữa.
Tôi nghiêng mình thi lễ. Tất cả mọi thanh niên như tôi
đều phải lấy làm hân hạnh vì được khen tặng như vậy. Và tôi hỏi ông ta ai đã nói
cho ông biết những điều hay ho về tôi như thế. Ông ta trả lời:
- Ồ! Có lẽ tốt hơn là tôi không cần nói với ông điều đó
ngay bây giờ làm gì! Nhưng cũng nhờ người đó mà tôi được biết ông mồ côi cha mẹ,
độc thân, và ở tại Luân Đôn.
Tôi nói:
- Tất cả những điều đó đều đúng, nhưng tôi không hiểu
làm cách nào ông biết được khả năng và nghề nghiệp của tôi. Và nếu tôi đoán không
lầm thì ông đến tìm gặp tôi cũng là để nói chuyện về một vấn đề có liên quan đến
nghề nghiệp của tôi phải không?
- Chắc chắn rồi. Nhưng lát nữa ông sẽ hiểu tại sao tôi
cần phải biết rõ những điều đó. Chả là vì tôi có một công việc muốn cậy ông, và
điều cần nhất là công việc này phải được hết sức giữ kín. Ông nghe rõ không? Tuyệt đối
giữ kín! Nhưng chúng tôi đã nghĩ rằng ông sống một mình thì có
thể kín miệng được dễ dàng hơn là một người sống giữa gia đình.
Tôi nói với ông ta:
- Nếu tôi đã hứa với ông là sẽ giữ kín một câu chuyện
bí mật, thì ông có thể tin ở tôi.
Trong lúc nói với tôi, ông ta nhìn tôi chăm chú, và tôi
nhớ mình chưa bao giờ gặp một người nào có đôi mắt ngờ vực và soi bói đến như vậy.
Ông ta nói:
- Vậy là ông hứa với tôi điều đó?
- Vâng.
- Ông sẽ giữ im lặng ngay từ bây giờ, trong lúc làm
việc, và sau lúc đó xin đừng bao giờ nói lại với ai, hoặc ghi chép gì cả?
- Tôi đã hứa danh dự với ông!
- Vậy thì tốt lắm.
Ông ta đứng phắt dậy, đi nhanh như chớp tới cửa và mở
ra coi : Ngoài hành lang không còn một ai.
Ông ta trở lại ngồi xuống:
- Được rồi! Kinh nghiệm cho tôi thấy rằng mấy người
thư ký thường rất thích nghe lén công chuyện của chủ. Bây giờ ta có thể thảo luận
được.
Ông ta kéo ghế ngồi sát lại gần tôi, và đôi mắt nghi
ngờ và soi bói của ông ta lại nhìn chầm chập vào tôi.
Tôi bắt đầu thấy nóng tai. Cái lão gầy gò này làm tôi
khó chịu và gần như sợ hãi. Dầu không muốn làm mất đi một khách hàng, tôi cũng
nói:
- Tôi mong ông kể tôi nghe công việc mà đã làm ông phải
mất công tới đây, tôi không có thừa thì giờ để nói chuyện vớ vẩn.
Mấy câu chót này tôi không chủ ý, mà tự miệng tôi nó
thốt ra. Ông ta hỏi tôi:
- Năm chục đồng vàng để trả công ông làm việc một đêm
có được không?
- Tôi bằng lòng.
- Tôi nói là phải làm việc một đêm, chứ thực ra có lẽ
chỉ một giờ thì đúng hơn. Tôi chỉ cần ông cho biết ý kiến về một cái máy ép dùng
thủy lực, mới bị hư thôi. Nếu ông cho biết nó bị hư hỏng ở đâu, chúng tôi sẽ tự
sửa chữa lấy. Giá đó ông chịu không?
- Công việc có vẻ nhỏ bé so với món tiền mà ông trả công
cho tôi.
- Vậy đó. Chúng tôi mong ông sẽ tới chiều nay, bằng
chuyến xe lửa cuối cùng.
- Tới đâu?
- Tới làng Y-Phong, ở vùng Bách San. Đó là một làng
nhỏ ven rừng. Từ nhà ga Luân Đôn, ông đi chuyến xe lửa tới nơi vào khoảng mười
một giờ mười lăm.
- Được rồi.
- Tôi sẽ mang xe ngựa tới đón ông tại nhà ga.
- À, ra còn phải đi xa hơn nữa ư?
- Vâng, chúng tôi ở hơi xa một tí. Cách ga xe lửa làng
Y Phong lối mười cây số.
- Vậy thì mình sẽ không tới nơi được trước nửa đêm. Tôi
nghĩ chắc không có xe lửa trở lại Luân Đôn sau đó, vậy là tôi phải ngủ đêm lại đó?
- Vâng, chúng tôi có thể để một cái giường cho ông
nghỉ.
- Rắc rối quá! Tôi có thể tới vào một giờ nào khác,
tiện lợi hơn được không?
- Không! Chúng tôi đã thu xếp tính toán cả rồi. Chỉ có
buổi tối là thuận tiện nhất. Vì thế, để đền bù cho ông, chúng tôi đã phải trả một
giá cao như vậy. Hẳn ông cũng thấy rằng khối chuyên viên nổi tiếng trong nghề của
ông, sẵn lòng đến với giá đó! Với lại, nêu ông không muốn làm thì ông chỉ cần nói
cho tôi biết là xong.
Tôi nghĩ đến năm chục đồng tiền vàng, và đến những thứ
phải tiêu, và tôi bảo ông ta:
- Tôi không từ chối đâu! Trái lại, tôi rất vui vẻ nhận
lời. Nhưng tôi cũng muốn được biết công việc đó như thế nào, và tôi sẽ phải làm
gì.
- Lẽ dĩ nhiên là tôi sẽ nói cho ông hay. vả lại tôi cũng
không muốn chiều nay ông tới đó mà không biết gì hết về câu chuyện này. Bây giờ
chắc hẳn không có ai đang nghe trộm mình chứ?
__________________________________________________________________
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 86, ra ngày 22-4-1973)