- Giản dị lắm : Mười cây số đi và mười cây số trở về
điểm khởi hành. Hơn nữa, chính ông đã nói là con ngựa hoàn toàn khỏe mạnh khi
đến đón ông. Nếu nó đã chạy hai mươi cây số trên một con đường xấu thì làm sao
nó còn có thể khỏe mạnh như thế được.
- Đúng! Thì ra bọn họ khôn thật. Nhưng về phần công
việc mà bọn họ đang làm, thì không còn ngờ vực gì nữa.
- Không còn ngờ gì nữa! Đó là bọn làm bạc giả. Chúng
dùng máy ép để làm những đồng tiền bằng kim loại.
Viên Thanh tra nói:
- Chúng tôi đã được báo động từ lâu là có một bọn như
vậy. Chúng làm cả hàng ngàn đồng tiền. Biết được chúng ở vùng Bách san nhưng
không rõ nơi nào. Chúng trốn chạy khôn hơn bọn cáo già. Nhưng bây giờ nhờ dịp
may này, tôi có cảm giác là chúng sẽ không thoát khỏi tay ta.
Thật ra ông Thanh tra đã lầm : Bọn bất lương ở đó sẽ
không bị tóm. Khi vừa tới Y Phong, chúng tôi đã thấy một cột khói lớn cuộn bay
lên sau khóm cây, và tỏa ra như chùm lông đà điểu to lớn.
Bát Lộ hỏi:
- Có nhà bị cháy chắc?
Người sếp ga trả lời:
- Vâng!
- Bắt đầu cháy từ hồi nào vậy?
- Thưa ông từ sáng nay, nghe nói vậy. Nhưng đám cháy
đã lan ra, và cả tòa nhà đều bị cháy.
- Nhà đó của ai vậy?
- Của bác sĩ Bá Sanh.
Viên kỹ sư ngắt lời:
- Này, ông bác sĩ Bá Sanh đó có phải là một người Đức
rất gầy, có cái mũi nhọn không?
Người sếp ga bật cười:
- Không đâu, ông! Bác sĩ Bá Sanh là một người Anh, và
ăn bận sang nhất vùng. Nhưng có một người bệnh sống trong nhà ông ta, dường như
là một người ngoại quốc có hình dạng như ông vừa mô tả đấy.
Chúng tôi chạy vội về phía đám cháy. Đường hơi lên
dốc. Trước mặt chúng tôi là một tòa nhà dài, lửa tỏa ra từ khắp các cửa sổ và
cửa cái. Trong vườn, ba xe cứu hỏa cố gắng hết sức mà không dập tắt được đám
cháy.
Hoàng Vĩnh la lên:
- Đây rồi. Đây là lối đi trải sỏi… và kia là đám hồng
nơi mà tôi đã bị ngất đi. Cửa sổ lầu hai kia là nơi tôi đã nhảy ra.
Sĩ Lâm nói:
- Ít nhất, ông cũng đã trả được hận! Chắc hẳn cái đèn
dầu, lúc bị máy ép cán phải, đã làm cháy cái vách ván và bọn họ, vì lo rượt theo
ông, nên đã không phòng ngừa kịp lúc. Ông thử nhìn trong đám đông kia xem, biết
đâu không nhận ra một trong những tên côn đồ bữa qua. Nhưng theo tôi nghĩ, có
lẽ chúng đã trốn mất hết rồi, hỡi ôi!
Điều lo lắng của Sĩ Lâm đã thành sự thật. Từ hôm đó
đến giờ, chúng tôi không nhận được tin gì về người đàn bà đẹp, người Đức hắc
ám, hay người Anh mặt buồn rầu nữa. Sáng sớm hôm đó, một người dân quê đã thấy
một chiếc xe chở nhiều người, và nhiều rương lớn, chạy ra tỉnh ; từ đó chúng
tôi mất dấu bọn họ luôn, và Sĩ Lâm đã tốn phí nhiều công lao mà không tìm lại
được nữa. Những người lính cứu hỏa đã rất ngạc nhiên khi nhận thấy cách xếp đặt
phía trong căn nhà, nhưng họ còn ngạc nhiên hơn khi tìm thấy một ngón tay cái
còn tươi nguyên, trên thành một cửa sổ. Chiều hôm đó, họ dập tắt một ngọn lửa ;
nhưng mái nhà đã sụp xuống, và toàn thể căn nhà trông thảm thương, đến nỗi mà
ngoài mấy cái ống sắt cong queo, chả còn sót lại gì nữa. Trong một căn nhà kho,
người ta tìm thấy nhiều kền và thau ; nhưng không thể nào tìm thấy một đồng bạc
giả nào cả. Chắc hẳn là bọn bất lương đã chở hết theo với chúng, trong những
cái rương lớn mà người nông dân đã trông thấy.
Chúng tôi sẽ không hiểu được bằng cách nào viên kỹ sư
được mang đi, nếu không nhờ có nền đất ẩm ướt còn giữ lại những dấu chân đã nói
lên sự thực. Rõ ràng là Hoàng Vĩnh đã được hai người khiêng đi, một người có
bàn chân nhỏ xíu và người kia, bàn chân rất rộng. Chúng tôi kết luận là người
Anh vẻ mặt buồn rầu, có lẽ ít táo tợn và ác độc hơn người cộng tác của ông ta,
đã giúp người đàn bà mang viên kỹ sư đang bị ngất xỉu ra ngoài vùng nguy hiểm.
Hoàng Vĩnh nói với chúng tôi, trong lúc cùng lấy vé
xe lửa về Luân Đôn:
- Tôi sẽ nhớ mãi câu chuyện này! Tôi mất một ngón tay
cái và năm chục đồng tiền vàng. Và ngược lại tôi có được gì không?
Sĩ Lâm cười đáp:
- Ông được thêm kinh nghiệm! Và có lẽ biết đâu đó lại
không lợi cho ông, một cách gián tiếp? Đây này, ông hãy viết kể lại câu chuyện
của ông đi. Câu chuyện đó sẽ làm cho ông nổi tiếng là một người rất đặc sắc,
trong quãng đời còn lại của ông đấy nhé.
HẾT