1–
Thật ra, cũng vì tiếng súng đầu năm mà tôi có dịp được
biết cái hội của mẹ tôi… và đâm ra ưa thích. Chả thế này : nguyên hôm mồng bảy
Tết, súng đạn vèo vèo vào nhà, lủng tường lủng vách, gia đình tôi kéo nhau chạy
không quay lại. Mấy ngày đầu thì chúng tôi ở nhà cậu mợ tôi. Cậu mợ rất mừng –
ai chả thế, trong lúc loạn lạc, tai biến, người dưng nước lã với nhau mà còn tử
tế huống là thân quyến, họ hàng – Nhưng qua đến hôm thứ ba thì mẹ tỏ dấu bực
mình. Ngay cả chúng tôi cũng thế. Nhà cậu mợ là phố, lại là phố lầu bốn tầng.
Lên xuống mỏi cả chân. Suốt ngày chúng tôi cứ như là bị giam trong nhà tù,
không thở được. Chiều chiều, mẹ nói “đứa nào thở, đi với mẹ, nào!” thế là chúng
tôi dạ ran lên, kéo theo mẹ như một nửa tiểu đội đến giờ thay phiên gác, lên
tận sân thượng, nghĩa là kéo nhau vượt bốn tầng lầu.
Đến nơi, đứa thì đưa tay
chận ngực thở dốc, đứa thì ra bao lơn nhìn xuống đất, nom con người, con vật
bên dưới lùn tịt, bé tí và cười vang lên. Rồi chúng tôi bắt chước mẹ vươn vai
thở, thở, thở như chưa từng được thở!
Đứa nào cũng vui, khen mát
vang lên. Song đến lúc phải xuống, anh nào mặt cũng xìu như lốp xe bị gai đâm
lủng.
Suốt ngày chúng tôi bày trò
đuổi bắt, nhưng nhà chật, đồ đạc đầy ngập, giăng khắp các lối đi, không có chỗ
chen chân. Mẹ tôi bực nhất : bà không có chỗ nào ngồi xuống được để làm việc báo bổ của bà. Chỗ nào cũng tối, mợ
biết ý, khuyên mẹ “chị vặn điện lên” nhưng mẹ lắc đầu, kêu “Thôi, thong thả,
nóng lắm”. Cái máy chữ được khệ nệ xách từ tầng dưới lên tầng trên, lên tầng
nữa, tầng nữa và sau cùng lên tận sân thượng, song rút cục, lại được khệ nệ đem
xuống.
Đêm, tụi tôi ngủ trên sân
thượng thì gió to chịu không nổi mà ngủ trong các phòng thì lại nóng quá, chịu
cũng không nổi. Có một chút xíu ánh sáng và khoảng trời ở phía bếp thì lại được
kéo kín bằng những tấm tôn ni lông nên càng bức.
Không phải ở nhà mình nên
chúng tôi càng được dịp thả lỏng, ồn ào, ầm ỹ, lộn xộn, vô kỷ luật. Chả lẽ lại
đánh mắng chúng tôi sao? Con Bé hơi một tị là khóc, hơi một tị là vòi. Thằng Minh
hơi một tí là ăn vạ, hơi một tí là dỗi.
Cho đến ngày thứ năm, mẹ tôi
quyết định dời chỗ ở. “Thì chưa về nhà được, hẳn thế, nhưng tôi muốn ở một chỗ
nào, tôi có thể yên về con cái mà còn lo việc khác” Mẹ tôi nói với ba, ba tôi
ậm ừ nhưng không tán thành. Mẹ tôi rầu giọng tiếp:
- Phải đi, tôi còn nhiều
công việc…
Chúng tôi hiểu đây là công
việc ngoài các hội của mẹ tôi. Tôi còn nhớ bà nói với chúng tôi:
- Hôm kia đi chợ, ngang
đường P.Đ.P. mẹ trông thấy bà T. ngồi trên xe Hồng Thập Tự đang chạy về phía
Chợ Lớn. Nom bà có dáng vội vã, mồ hôi đẫm cả mặt… (giọng mẹ tôi nhỏ lại) mẹ
phát ngượng…
- Mắc gì mà ngượng?
Chị Thu bộp chộp hỏi. Mẹ tôi
cao giọng:
- Ngượng lắm chứ, con! Trong
lúc các chị trong hội lo vất vả tìm cách cứu giúp đồng bào thì mẹ chỉ chạy theo các con, tìm đến chỗ an toàn…
- Chứ biết làm sao bây giờ?
Có giặc mà!
Con Hà đưa ra một ý kiến mà
cái đầu óc bé hạt tiêu của nó cho là rất chính xác, đúng đắn.
- Thì có giặc, chính trong
lúc này mới cần có mặt… Nếu chỉ vô hội để lấy tiếng, có mặt trong lúc yên lành
thì vô hội làm chi? Các con không biết suy nghĩ gì cả.
- Các con ích kỷ, hãy noi
gương mẹ đây!
Tôi nhại giọng mẹ, khôi hài
tỉnh. Con Hà và chị Thu cùng la lên:
- Làm trời hả? Mẹ ai?
Tôi nhảy tót lên sân thượng.
Ngồi lại thế nào cũng bị bà chị cả cốc cho vài cái lên đầu và con em tai ác mè
nheo nhức óc.
Tuy vậy, cho đến ngày thứ
sáu, chúng tôi vẫn chưa dời chỗ ở. Tối lại, tôi giật mình giữa hai tiếng súng,
thoáng có giọng mẹ bàn tính với chị Thu về chuyện này. Tôi dỏng tai lên nghe.
Chị Thu Hỏi:
- Chỗ nào ba cũng chê, vậy
giờ mẹ tinh sao?
- Mẹ nghĩ kỹ rồi, khỏi bàn
cãi lôi thôi : ngày mai, nhất định cả nhà mình ra Hội ở. Như vậy mẹ yên tâm,
giao lũ nhỏ cho con mà lo vài công việc…
Chị Thu nồng nhiệt góp ý:
- Phải đó, mẹ. Ở đây con la
tụi nó không nổi đâu. Tụi nó cứ lẻn lẻn lên sân thượng, có bữa té chết, con
không…
- Phải rồi, mẹ sợ chuyện đó
nhất.
- Lại còn đánh lộn nhau nữa
chớ. Chạy giặc cực khổ mà cứ nhơn nhơn, con bực hết sức…
- Ờ… ờ con nói phải, mẹ cũng
bực hết sức.
- Bữa nay, con Hà với thằng
Vũ kỳ ghê. Dám ra hẻm… tụ tập với tụi…
- Ờ… ờ… mẹ biết… mẹ biết…
Bởi vậy, mẹ mới tính ra hội ở đó. Ở ngoài hội, gần nhà, mình có thể đi về coi
chừng nhà dễ dàng hơn. Lại có chỗ cho ba để xe, có chỗ thoáng, rộng cho các em
chơi.
- Rồi chuyện ăn uống làm
sao, hả mẹ?
- Không lo, ngoài đó bếp
rộng rãi, mình muốn ăn gì mua nấu lấy. Con chịu khó vài hôm, rồi mình sẽ về
nhà…
Giọng chị Thu reo lên:
- Con ưng như vậy lắm.
Giọng mẹ ngập ngừng:
- Nhưng mà mẹ chỉ ngại… mợ
con buồn, mợ tưởng mình…
- Dạ, con nghe mợ nói mợ
không chịu mẹ đi đâu.
- Mẹ biết, nhưng mà ở đây mẹ
sốt ruột lắm. Mẹ còn nhiều việc. Không sao, rồi mẹ sẽ nói cho mợ con hiểu,
không sao…
Giọng mẹ tôi như từ xa vang
lại, như bị bao trùm bởi một màn sương mỏng, loãng dần ra và tan biến : tôi lại
ngủ thiếp đi.
*
Bởi hai người đã dự tính
trong đêm, nên sáng ra mẹ không cho chúng tôi thay áo, ngừng cả giặt gịa. Chị
Thu và mẹ lo thu xếp mọi thứ, nhẹ nhàng – gần như lén lút – mang ra chất vào
xe. Lũ bé vẫn không hay biết gì, vẫn nhẩn nha đùa giỡn ầm ỹ.
Đến bốn giờ chiều thì tất cả
chúng tôi lên xe. Cậu cũng đi theo, đưa chúng tôi đến chỗ trú mới. Mợ buồn ra
mặt còn Cu Lộc (con trai của cậu mợ tôi) thì khóc nức lên, một hai đòi đi theo
ba mẹ và chúng tôi. Mẹ cũng khóc.
Đường vào hội bị chận lại,
nên xe cậu không vô được. Chỉ mình xe chúng tôi được qua, vì mẹ nói là người
trong hội.
Đã bốn giờ mà vẫn còn nắng
tợn. Trụ sở hội mẹ tôi ở vào một vị trí khá tốt ngay Trung Tâm Sài Gòn. Rộng,
mát, sạch sẽ song nom bề ngoài không được xinh xắn và sang, trái lại là khác.
Nhà rộng mênh mông, lợp ngói cũ kỹ nom như một cái đình khổng lồ. Đó là chỗ
nuôi và giữ các trẻ em nạn nhân chiến tranh. Theo lời mẹ tôi thì có độ trên 100
đứa được nuôi luôn (vì mất hết cả cha lẫn mẹ) và dăm chục đứa gửi tạm. Nhân dịp
tết, có một số trẻ được ông bà, cô chú, bác, cậu, thương tình đón về chơi và
tiếng súng đầu năm bùng nổ bất ngờ làm số trẻ này bị kẹt ở các tỉnh, ở các vùng
ngoại ô không trở về kịp. Vì lẽ đó khi xe ba tôi dừng lại thì nom thấy sự hoang
vắng rộng rãi khác thường ấy. Mẹ tôi và chị Thu xuống xe trước tiên. Khi tất cả
đã xuống xe rồi, tự nhiên cả bọn chúng tôi chùn chân lại, không muốn theo mẹ
vào trong, dù là các cô trực trong hội niềm nở đón mời. Mẹ tôi nói như để
khuyến khích chúng tôi:
- Đó, các con coi rộng rãi,
mát mẻ không? Tha hồ chạy nhảy và thở nhé? Chiều mát ra sân chơi, vui phải
biết. Ở đây, ba có thể đến sở gần, và nhà cũng gần, mẹ cũng…
Nhưng đang thao thao bỗng mẹ
tôi cảm thấy một cái gì là lạ, khác thường vây bọc chúng tôi, mẹ tôi cảm thấy
những lời bà không được ai tán thưởng, bà liền ngừng lại, nhìn quanh. Không khí
chĩu nặng, không phải chĩu nặng bởi ngờ vực, lo âu mà là bởi chúng tôi cảm thấy
xa lạ, lạc lõng trong cái đình khổng lồ, mà quang cảnh xung quanh không gợi cho
chúng tôi một chút quen thuộc và ấm cúng. Ôi! Rộng rãi mà làm gì? Hình như tất
cả chúng tôi đều đồng ý với nhau : luyến tiếc vô cùng tận cái không khí trong
nhà cậu mợ. Cái không khí thân mật, chật chội… mà trước đó một giờ đứa nào cũng
kêu là khó thở!
Nhưng chúng tôi không thốt
ra một tiếng kêu than nào. Chúng tôi còn dò phản ứng của ba tôi. Chúng tôi đứng
trì trì ra đó, không tháo giày, thay áo, cũng chẳng giúp mẹ xách đồ đạc của
phần mỗi đứa như vẫn thường làm từ hôm chạy đến nay.
Ngay cả chị Thu (thật là một
hiện tượng lạ lùng, kỳ quái) mấy hôm nay vẫn tán thành ý kiến mẹ mà giờ cũng
lầm lì một cách khó chịu.
Mẹ tôi vừa ngạc nhiên, vừa
giận dữ:
- Lũ này… lũ này… làm sao
thế? Sao đứng trơ ra đó…
- Thôi! Đừng làm khổ con.
Tôi tưởng mợ đưa cha con tôi đi đâu, hóa ra… thật y như là kẻ không họ hàng,
nhà cửa, lũ mồ côi…
Thế là cả bọn chúng tôi nức
lên khóc một lượt. Phải : ba tôi đã gãi đúng vào chỗ ngứa, ông gợi nỗi tủi
thân, khổ sở của chúng tôi. Ông hiểu
chúng tôi quá đỗi. Ba tôi thật đáng yêu!
Giọng ông chì chiết:
- Đang ở trong nhà cậu mợ,
chúng đối xử làm sao mà nằng nặc đòi đi? Mà đi cho kỳ được? Làm buồn lòng em
út, làm khổ chồng con…
Chị Thu nước mắt ròng ròng
đẫm má, con Hà nức nở cắn môi để nén tiếng khóc, con Bé giương mắt nhìn quanh,
tò mò và tỉnh táo hơn hết, còn tôi với Cu Minh thì vội vàng lấy tay quệt nước
mắt vì thấy mẹ bị ba rầy. Chúng tôi biết rằng vì chúng tôi mà… thế.
Mẹ tôi gieo mình xuống chiếc
ghế bên cạnh như một người kiệt sức, không nói được tiếng nào. Ba chì chiết
chán, bỏ ra sân. Bé chạy lại, xoay mặt mẹ ra ánh sáng để xem mẹ có khóc không,
đoạn dỗ dành:
- Mẹ đừng khóc. Con thương
mẹ, con ưng ở đây hơn.
Mẹ tôi nói với chúng tôi:
- Lúc nào mẹ cũng cố làm cho
các con và ba vui, mà những cố gắng của mẹ đều vô ích. Ba thì thế đã đành, đến
các con cũng ưng làm khổ mẹ, phải không? Làm sao mà các con trưởng giả, công tử đến như vậy? Giặc
giã, loạn lạc, người ta đói, chết, tàn tật, thương tích nhan nhản ra kia. Các
con thế này là sướng lắm rồi, còn ao ước gì nữa? Người ta không có một cái chái
nhỏ che nắng, trú mưa, người ta có kêu ca đâu? Các con muốn mẹ cứ phải suốt
ngày, suốt tháng chạy theo các con lo ăn, lo mặc, lo chơi mãi thôi sao? Phải để
cho mẹ có một chút thì giờ chứ? Tình thế này biết bao giờ chấm dứt? Cứ đợi về
nhà được rồi mới làm việc khác thì biết bao giờ? Đây làm sao mà chê? Bây giờ
chưa học hành gì cả. Mẹ làm thế nào, mang các con đến chỗ nào mà các con khỏi
đói, khỏi lạnh là được rồi… Các con ích kỷ…
Thình lình mẹ tôi đổi giọng,
không rầu rầu nữa mà đầy giận dữ:
- Tập quen khổ nhục, bỏ thói
vương tôn, công tử đi là vừa. Ai làm gì mà gọi là tủi thân? Đừng có mỗi chút
mỗi khóc, khóc bậy, không nhằm chỗ, tao lại phết cho mỗi đưa năm roi vào đít
bây giờ. Từ bữa chạy đến giờ lũ này hư lắm đó. Để tao bỏ qua luôn, đừng làm tao
cáu lên mà khốn.
Cả lũ ráo hoảnh mắt, vểnh
tai lên. Mẹ tôi tiếp, giọng trầm hơn chút xíu:
- Tuy rằng mẹ không nói,
đừng tưởng mẹ không biết các con đã làm gì, ra sao trong mấy ngày qua. Tao có mắt cùng khắp, đứa nào đánh bài,
đứa nào ăn vặt, đứa nào đánh lộn, chửi thề… tất cả, tất cả mẹ đều biết hết.
Nhưng mà thôi, mẹ bỏ qua cho. Từ hôm nay trở đi, liệu mà giữ mình, liệu mà ăn
ở, mẹ không muốn nói nhiều. Rửa mặt thay áo đi, thu dọn đồ đạc một chỗ. Còn lo
bữa ăn chiều.
Cả bọn riu ríu làm theo lời mẹ.
Chị Sáu ( người giữ trẻ trong hội) mang lại ba cái màn mới tinh, to tướng và
hai chị khiêng lại ba cái giường. Họ xúm đến lau quét, trải drap, sắp gối cho
gia đình chúng tôi, người nào cũng vui vẻ, săn đón, trò chuyện không ngừng. Chị
Sáu nhỏ nhẻ nói với mẹ:
- Thưa bà, bà đừng rầy các
cô, các cậu, tội nghiệp! Các cô các cậu còn nhỏ quá mà phải chạy cực khổ đến
chỗ lạ nên tủi thân là phải… dạ các cô cậu dễ thương quá… Còn lạ… chừng quen
chắc dễ chịu, vui…
Chúng tôi hết sức cảm động.
Và hối hận nữa. Phải! Chúng tôi đáng đòn thật, đây làm sao mà chê? Không sang,
không đẹp thì đã làm sao? Mà gia đình chúng tôi cũng tầm thường vừa phải, nhà
cửa sáng sủa, sạch sẽ một chút, chứ sang trọng chi đâu? Tại sao chúng tôi lại
khó chịu đến vậy, làm phiền mẹ, làm cho mẹ bị ba rầy?
Vừa lúc đó, một chiếc xe đổ
xịch trước cổng và bác L. nhanh nhẹn bước vào. Bác có vẻ vui thấy gia đình
chúng tôi tại đây.
- Thế nào? Bằng lòng nhé?
Tha hồ…
Mẹ tôi liền kể tội chúng tôi
ra. Bác cười to:
- Ôi, đứa nào mà chả thế?
(quay sang chúng tôi, bác giảng dụ) Này các con ơi! Bây giờ loạn lạc, cốt được
chỗ yên lành là quí…
Nghĩa là đại khái bác cũng
nói như mẹ tôi, nhưng dài hơn, dịu dàng hơn, văn vẻ hơn. Rồi bác kề tai chị Sáu
nói một hơi, một hồi. Rồi vác vò đầu từng đứa đoạn quay ra sân trò chuyện với
ba tôi. Độ năm phút, bác trở vào, nói với chúng tôi:
- Thôi, bác về nhé? Vui vẻ
lên. Chốc nữa chị Sáu sẽ dọn cơm cho các con ăn. Chịu khó, chóng ngoan… đừng
làm mẹ buồn. Rồi bác lại vào thăm.
Chúng tôi rửa mặt qua loa,
thay áo quần xong ra sân chơi. Chỉ một chốc là chị Sáu dọn cơm xong. Chị dọn
cho gia đình tôi một thau canh, một đĩa bàn to thịt kho và một rá cơm nghi ngút
khói.
Hai tay xoa vào nhau không
ngừng, chị Sáu nói đi, nói lại với ba mẹ chúng tôi:
- Dạ, không có gì… ông bà và
các cô, các cậu dùng tạm một hôm. Dạ, lỡ
bữa lỡ bèn quá giờ giới nghiêm
nên không đi chợ được, ông bà thông cảm. Dạ, không có gì… dạ, chúng cháu quê
mùa, vụng về… không biết nấu nướng chi hết… dạ, chị Bếp chỉ kẹt dưới Long An,
cháu phần vụ giữ em chứ không phải
nấu ăn, dạ…
Chúng tôi không nghe gì nữa,
thịt ngon, canh ngọt, cơm nóng và dẻo… Khi chị ngừng nói thì tôi đã xới đến
chén thứ hai. Chị Sáu tươi hẳn nét mặt:
- Cháu mừng quá, chỉ sợ các
cậu các cô và ông bà không dùng được thì đói, đêm giới nghiêm không có chè cháo
gì mà mua…
- Chị tưởng chúng tôi là ông
Hoàng chắc? Ở nhà mẹ chúng không có cho ăn hàng vặt bao giờ. Thôi, chị để mặc
chúng tôi. Canh chị nấu ngon lắm, chị Sáu à. Chị đi nghỉ đi. Cảm ơn chị lắm.
(Ba tôi nói với chị Sáu)
Chỉ một nhoáng, chúng tôi đã
ăn xong. Mẹ đưa mắt một cái, chúng tôi chưa kịp thu dọn chén bát thì chị Sáu và
một chị nữa đã giành lấy công việc đó. Cả gia đình ra sân chơi. Ban đầu chúng
tôi còn đứng xa xa ngắm lũ trẻ đánh đu, đuổi bắt hay trượt ván. Mười lăm phút
sau Minh với Bé nhập cuộc chơi. Tôi với con Hà dự sau chót. Chị Thu ngồi đọc
sách như một người lớn!
Cho đến khi mặt trời tắt
hẳn, bóng tối phủ ngập sân cỏ, cả bọn lục tục kéo lại bên ba mẹ. Con Hà lên
tiếng trước:
- Con chưa bao giờ ăn canh
đựng trong thau. Vậy mà cũng ngon, ba há?
- Còn cơm thì đựng trong rổ!
Con tưởng dở lắm chứ.
Thằng Minh tiếp. Con Bé cũng
góp một câu:
- Chị Sáu dễ thương phải
không mẹ?
- Tao thương bác L. hơn.
- Em cũng thương mà… mà bác
bất lịch sự.
- Mày biết gì mà dám chê
bác? Bác sao mà kêu là bất lịch sự? Bác bảo chị Sáu nấu cơm cho tụi mình ăn đó.
Đồ vô ơn!
Mẹ chen vô:
- Đừng nạt em, để em nói coi
bác bất lịch sự cái gì đâu?
- Bác nói nhỏ vô tai chị Sáu
hồi nãy…
Mọi người cười vang lên. Mẹ
giảng giải:
- Bác nói nhỏ vô tai chị Sáu
là để chị sáu lo đi nấu cơm đó… như vậy không phải bác bất lịch sự đâu. Khi…
Nhưng một tiếng súng nổ
“đoàng” chát tai mọi người làm câu chuyện đành bỏ dở.
Chúng tôi đi đánh răng, ngủ
sớm. Thằng Minh phàn nàn không có truyền hình. Ba phàn nàn “mẹ đem cha con bỏ
tù ngay giữa thành phố”. Chị Thu phàn nàn “nhà tiêu và buồng tắm như vậy mà mẹ
nói đủ tiện nghi” làm mẹ vừa mới vui
vui đã cáu lên. Tôi thật bực mình. Mấy người muốn làm ông Hoàng chắc. Cái gì
cũng không vừa lòng. Hèn chi mẹ la cũng phải. Chạy giặc mà đòi có gương sen để
tắm? Có la va bô để rửa mặt? Chao ôi!
2–
Chúng tôi không ở đây lâu.
Chỉ một đêm thôi. Đêm sau là về nhà. Mọi người ở đây đều có vẻ quyến luyến
chúng tôi, chúng tôi thì chỉ tiếc cái cầu
tuột và mấy cái đu. Nhưng về đến nhà thì thích nhất. Chưa bao giờ tôi thấy
yêu mến, thiết tha đến tiếng “nhà” đến như lúc này. Nhà! Êm ái làm sao! Vậy mà
trước nay chúng tôi chưa bao giờ thấy sung sướng, vui vẻ, chúng tôi thấy chuyện
được ở trong nhà là một điều hết sức tự nhiên. Đến khi bị lửa đạn đánh bật,
đuổi chúng tôi đi, bấy giờ chúng tôi mới biết cái chuyện tự nhiên, tầm thường
kia là vô vàn quí giá!
Chúng tôi lau nhà, quét sân,
dọn dẹp những rác rưởi chung quanh, hốt sạch vôi gỗ rơi vãi (vì đạn xuyên tường
đổ xuống), làm hoài không kêu than, không biết mệt. Chúng tôi không ngừng lặp
đi, lặp lại bốn tiếng “mình được về nhà” một cách thích thú như một khúc nhạc
yêu đời!
Chị Thu họp bạn ở trường,
cùng với bạn bè cắt phiên đi quyên tiền cứu trợ. Tôi cũng cùng với đoàn tôi ra
làm nhà giúp đồng bào ở ngoài khu Pétrus Ký. Mẹ tôi coi bộ hài lòng về hai đứa
tôi. Nhưng tôi đâu có chịu lép như vậy?
Trong lúc tôi lo làm nhà (dù trong thực tế tôi chỉ đào
đôi ba cái lỗ cột, vác dăm ba tấm tôn, khuân vài cây gỗ, đóng mươi chiếc đinh…)
thì chị Thu và các chị bạn chị ấy chỉ nhong nhong ngoài phố, thấy ông đi qua,
bà đi lại là a lê hấp, xông đến bên người ta rồi chị thì chìa cái hộp đựng tiền
ra, chị thì nhanh nhẩu lấy đinh cúc găm cái “ăn xin” vô áo người ta, rồi cười
nịnh… lấy tiền. Gặp trường hợp đó, đố ai dám không cho tiền mấy chị? Dù cho
người bị găm vốn là… nạn nhân chiến cuộc chính tông, thứ người cần được cứu
giúp hơn là góp phần cứu giúp?
Chả thế mà có lần ba tôi
nói:
- Buổi sáng nay ba bị găm
“ăn xin” đến ba lần. Mấy con nhỏ thiệt là…
- Bạn chị Thu đó ba, rồi
sao? Ba có cho cả ba lần hay không?
- Thì cũng phải… (cười tủm
tỉm) tao nom đứa nào cũng ăn mặc như con Thu, ba chắc ba tụi nó thì bị con Thu
găm, trong lúc ba thì bị tụi nó… Thôi, tụi nó cũng như con Thu… không nỡ từ chối.
Chị Thu có vẻ đắc ý lắm. Mẹ
trêu:
- Như vậy ba không tốt. Ba
cho là vì chị Thu, chứ không phải vì lòng thương kẻ không may. Các con có đồng
ý không? Mẹ không chịu tinh thần đó.
Tụi nhỏ không hiểu nên không
phát biểu ý kiến. Chỉ tôi và con Hà lên tiếng tán đồng quan điểm mẹ tôi. Chị
Thu sa sầm nét mặt:
- Sao tụi mày không giỏi đi
quyên như tao cho ba thương?
Con Hà vênh cái mặt non
choẹt lên:
- Không phải thách, rồi em
sẽ vô Hướng Đạo cho coi.
Tôi thì tôi… không vội, tôi
đủng đỉnh cười mũi:
- Em đi làm công tác xã hội đàng hoàng như người lớn
chứ em không thèm đi xin như con gái
đâu. Đi xin mà kêu là công tác xã hội, nghe ngứa cái lỗ tai quá đi! Chị cả ơi!
Thế là lời qua, tiếng lại
thành ra cãi cọ to. Sau cùng, mẹ tôi giở lại bổn cũ : nghĩa là dọa phết vào đít mỗi đứa năm roi, cuộc chiến
tranh bằng miệng mới tan.
Đứa nào cũng hậm hà, hậm hực
mà quên phăng đi cái điều muốn biết : mẹ tôi cho công đi xin và công làm nhà,
công nào đáng thưởng hơn?
Trong thời gian chưa đi học,
tôi cảm thấy nhơ nhớ cái hội của mẹ, cái hội mà tôi đã tạm trú một đêm trong
những đêm chạy trốn lửa đạn xa nhà, cho nên
hễ rảnh mà gặp lúc mẹ tôi ra hội là tôi xin mẹ theo liền. Mẹ tưởng con
mẹ yêu mến công tác xã hội lắm, nên rất vui vẻ dắt tôi theo. Ra đến hội lại còn
giới thiệu con trai với các bạn của mẹ bằng giọng nồng nàn trìu mến (hay hãnh
diện?) thế này chứ:
- Con trai đầu của tôi đấy.
Cháu còn nghỉ học…
- Con trai lớn của chị đấy
à? Trông giống chị ghê!
- Mà lại giống cả người lẫn
nết kia chứ, mới tuyệt chứ! Con mình ấy à? Có buộc dây vào cổ nó lôi ra đây nó
cũng không đi, nó còn mắc bận đi ciné…
- Con tôi không bao giờ được
đi ciné một mình cả. Một năm không quá bốn bận, mà toàn là đi với bố hay với
mẹ. Sao chị thả con đi như thế, gặp phim nhảm thì sao?
- Thật đấy mà, tôi cũng
giống chị đấy – một bà khác chen vào câu chuyện – tôi không dễ dãi như chị L.
đâu. Một năm trông đi, lựa lại đâu có trong ngoài bốn phim trẻ con coi được mà
thôi.
Mẹ được dịp, khoe thêm:
- Ấy, hôm nay mới được đi
chơi với mẹ đấy chứ, suốt tuần qua cháu mãi lo xa làm nhà giúp đồng bào chiến nạn ngoài khu Pétrus Ký đấy chứ. Đi
suốt ngày, nắng ăn trông đen thủi thế kia đấy, các chị ạ!
Một bà lè lưỡi ra, tặc tặc
xuýt xoa như ăn phải ớt:
- Trời ơi! Ngoan thế cơ à?
Con tôi toàn chơi với ăn hại thôi. Ăn suốt ngày, kem, bánh ngọt, nước cam chai,
xá xị, cái tủ lạnh cứ mở ra mở vô xoành xoạch, xoành xoạch, đá không kịp đông…
- Trời ơi! (mẹ tôi lại kêu
lên) Sao chị lại để cháu tự do ăn bậy thế? Hư răng hết còn gì? Con tôi rất ít
khi được ăn kem, năm thì mười họa, ông bố dắt đi phố, nhảy rào một bữa chứ tôi thì cấm tuyệt. Nước đá cũng không được
uống…
Bà bạn tức thì ngắt lời:
- Chị kỹ thế? Nhưng mà này,
hỏi thật : con chị có đau răng không? Mỗi năm đi nha sĩ mấy bận?
- Làm gì mấy bận? Con tôi,
đứa lớn nhất ba bốn năm nay không hề biết mặt mũi ông nha sĩ, mấy đứa giữa năm
rồi thăm ông ấy có một bận, chỉ hai đứa nhỏ nhất bố nuông, ăn bậy hơi nhiều nên
năm nay thăm hai bận. Với tôi thế là nhiều lắm đấy. Tại Sàigòn nước thiếu chất
vôi, chứ lúc tôi còn ở tỉnh con tôi không hề đau răng bao giờ, cái nào thay thì
rung rinh ít hôm là rụng… Giản dị thế đấy, thưa quí chị!
- Phục thật! Tôi thì thường
trực đến nha sĩ mỗi tuần. Không tháng nào là không tốn một khoảng tiền cho nha
sĩ. Tốn tiền đã đành mà còn mất thì giờ ghê. Chán quá! Phen này chắc phải bắt
chước chị thôi!
Bà thứ ba lại lên tiếng:
- Chị ấy thì còn phải kể,
các con ngoan không tưởng tượng được. Ở nhà, đứa thì lau cầu thang, đứa thì dóm
bếp, đứa thì lau bàn ghế, đứa giặt gịa, may vá v.v…
Tôi quay mặt đi phía khác
kẻo sợ các bà thấy mình cười thì ra vô phép. Ai ngờ được rằng mẹ tôi ở nhà gào
khan cổ, hụt hơi mới sai được chúng tôi? Đâu có phải chúng tôi lúc nào cũng đều
tăm tắp như cái máy đồng hồ “ô đô” treo ở trên tường cứ đến giờ là đổ binh bong
binh bong, không phải nhắc?
Mẹ tôi giọng khiêm nhường
(giả tạo) nhỏ nhẹ:
- Úi chào, các chị chưa
biết, cũng khổ lắm mới được thế đấy chứ, trẻ con đứa nào mà biết tự lo, biết
bổn phận chúng, không làm phiền mẹ…
Một bà tò mò:
- Thế chị có đánh chúng
không?
- Tôi ấy à? Tôi thì tôi phết
cẩn thận vào mông ấy chứ. Không đánh sao xong?
Ba bốn bà cùng nhao nhao
lên:
- Trẻ con mà không roi sao
xong, tôi thì cứ theo xưa, theo cổ là tiện nhất. Ai chê trách gì mặc kệ.
Eo ơi! Vậy mà năm phút trước
đây, tôi đã có cái ý nghĩ ngông cuồng là các bà “dân chủ” hơn mẹ tôi, là giá
mình được làm con của một bà trong số các bà vài hôm chắc vui thích lắm!
Dù sao, tôi thấy thắc mắc
một tị : trong số những bà “theo xưa”, “theo cổ” đó, có cả bà có con trai buộc dây vào cổ… Thế là thế
nào? Tôi rất muốn biết nhưng không dám hỏi. Thế nhưng, tôi không phải thắc mắc
lâu, vì chính bà ấy nói tiếp sau hai tiếng mặc
kệ:
- Đánh thế đấy, mà vẫn cứ
nhơn nhơn ra, sểnh một chốc là đã la cà ngoài phố, đàn đúm, tụ tập… tôi chán
con trai không biết bao nhiêu (lại nhìn tôi một cách trìu mến, ước ao giá tôi
có được đứa con trai ngoan như con trai chị nhỉ? Cháu học ở đâu?
- Thưa cháu học trên Thủ
Đức…
Mẹ tôi nhẩn nha nói. Vừa lúc
ấy một bà mới vào nghe chưa rõ ngô khoai đã kêu lên:
- Trời ơi! Chị trẻ thế mà
con đã vào Thủ Đức rồi kia à? Tuyệt nhỉ? Cháu mấy tuổi?
Lần này mẹ tôi vội vàng cải
chính rõ ràng, là tôi mới vào trung học, nào Thủ Đức đây là trường Trung Học
Kiểu Mẫu Thủ Đức chứ không phải là Quân Trường.
Ấy, mẹ tôi thế chứ mà cũng…
khôi hài. Thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn làm cho người khác lầm là con mình đã vào Thủ
Đức bằng giọng ỡm ờ, nửa hư nửa thực như thế. Mẹ nóng như lửa nên đứa nào cũng
bị đòn, riêng tôi bị đòn nhiều nhất, được cái bù lại, tôi cũng được mẹ nhắc nhở
nhiều nhất. Chẳng hạn, hôm tôi thi đậu vào Đệ Thất, mẹ khoe ầm lên với… các
cậu, các dì, các cô, các chú… và bất cứ ai. Bằng giọng tự hào, hãnh diện, mẹ
nói cả với ba:
- Tôi bây giờ là người đàng
hoàng, tử tế rồi : con tôi đã vào trung
học rồi. Ông nên biết thế.
Vào Trung Học! Con trai tôi
vào Trung Học! Thỉnh thoảng, để cho đổi
thực đơn, mẹ tôi thay tiếng vào
bằng tiếng vô : vô Trung Học! Và mẹ tôi cười ròn rã, cười rất tươi, rất vui sau mấy
tiếng trên, làm tôi, trong một giây quên phắt mình là đứa con trai mới vào
Trung học mà ngỡ đâu mình đã tốt nghiệp Đại Học đâu tận bên Âu Châu xa lắc, xa
lơ!
Chết chửa! Xin lỗi các bạn,
tôi không định nói về mẹ con tôi. Tôi chủ tâm giới thiệu cái hội của mẹ tôi mà
rồi… tán hươu, tán vượn quá xa. Xin lỗi và xin trở lại đề chính, nhé?
Trò chuyện một chốc, nước
pha sữa đã nguội, mẹ tôi và một bà nữa lo pha cho lũ trẻ. (Trẻ đây là trẻ của
đồng bào lánh đạn lửa và nhà cháy đến tạm trú chứ không phải trẻ của hội đâu,
các bạn nhớ kỹ thế nhé.) Pha xong, người thì lo múc ra từng ca nhỏ, người thì
lo lấy sẵn thuốc bổ (dầu cá và calcium) trong lúc các anh Hướng Đạo bắc loa kêu
họp lũ trẻ lại để sắp hàng ra sân uống sữa. Lũ trẻ lem luốc, hốc hác, lổn nhổn
như đàn gà con mắc mưa.
Trông chán ngắt. Chả có gì
vui. Mẹ tôi vừa làm việc vừa trông chừng tôi và như biết tôi không vui, mẹ dỗ:
- Con lên gác chơi. Các anh
đang dạy học trên ấy. Các anh em Hướng Đạo cả mà, con ngại gì? Chóng ngoan,
chốc nữa đến giờ phát thực phẩm hẳn xuống giúp mẹ.
Tôi nhảy tót lên gác liền.
Gác gỗ, rung rinh, rung rinh y như răng em Bé lúc sắp thay.
Tôi lại xuống nhà. Đồng bào
đâu mà nhiều dữ! Nồi niêu, chăn màn, áo quần, bát đũa, choán cả lối đi. Kẻ nằm,
người ngồi, trò chuyện, nấu nướng… từ mái hiên ra tận phòng tắm, sân sau la
liệt, ngổn ngang, bừa bãi… Quang cảnh ấy, ngắm nghe một lát tôi đã hoa mắt,
choáng tai. Vậy mà, ngay gian giữa, các anh Hướng Đạo ung dung làm việc như
không hề cảm thấy bực bội chút nào. Kha
có khác! Tôi phục quá!
Bên cạnh một núi bánh mì
nghe đâu chốc nữa sẽ phát cho đồng bào – là “văn phòng” của các anh. Trên bức
tường bằng giấy bìa cứng, sơn xanh, một tấm bảng cũng bằng bìa nhưng mỏng hơn
được treo lên, ghi rõ số gia đình nạn nhân, số người lớn, trẻ con (trẻ con còn
phải ăn sữa) hiện tạm trú tại đây. Mặc nhiên, cái hội của mẹ tôi biến thành một
Trung tâm tiếp nhận đồng bào lánh nạn. Ngoài tấm bảng này ra, tôi nom thấy cái
gì cũng ngộ nghĩnh, đầy cám dỗ. Chẳng hạn, trước hết là một cái đàn, một cái
đàn đặc biệt tôi chưa từng thấy trong đời – thùng đàn là cái canne đựng xăng,
trục đàn là thanh gỗ dài có hơn hai thước tây, vuông vức và dài, (như một cái
chân bàn học của tôi ở nhà) dây đàn là hai sợi kẽm phơi áo căng dọc theo chiều
dài cây gỗ. Ấy, các bạn chớ vội ngạc nhiên, khi tôi len lén chờ lúc các anh bận
tíu tít đằng xa, lại gần, cho tay vào giật giật vài cái, tức thì dây đàn rung
lên, phát ra hai tiếng “bưng bưng” nghe cũng khá… hay!
Thứ đến, là một hàng chữ,
trịnh trọng, mầu mè trên tường (cách xa tấm bảng ghi số nạn nhân tạm trú đâu
chừng sáu bảy thước chi đó) mà nguyên văn đến hôm nay tôi còn nhớ kỹ : “KHA
ĐOÀN ẾCH KÊU PHỤC VỤ HẾT MÌNH”. Bên
dưới hàng chữ là một cái gạch ngang bằng phấn trắng, rồi đến bảng phân công,
nào là Thọ–Datton trưởng ban dạy học, Khôi–Hooppips trưởng ban trật tự, Hải–Tintin
trưởng ban Hỏa đầu quân v.v… Tên nào cũng hay, cũng lạ. Cuối cùng là hàng chữ
bằng phấn đỏ : “Làm tại Trung Tâm… Thư ký Djăng-fòng… ký tên và đóng dấu.” Đó,
các bạn coi, nếu tôi không có đủ thông minh và tò mò tìm hiểu thì chắc không
bao giờ các bạn được biết rằng ẾCH KÊU là YẾT
KIÊU phải không? Dzăng-fòng là văn
phòng phải không? Tôi ưa mấy anh Kha này lắm. Nhưng này, không phải dễ đâu
nhé!
Đâu phải bỗng dưng mà tôi
được quen với anh Thọ–Datton? Tự nhiên mà các anh cắt nghĩa rỏ ẾCH KÊU là YẾT
KIÊU? Còn phải giở tài ngoại giao ra chứ! Còn phải ra sức lao động chứ. Nghĩa
là thấy các anh khiêng bàn thì tôi cũng lại, cười xã giao:
- Anh để em khiêng giúp.
Thấy họ đong gạo, đong dầu
thì cũng sà tới, vui vẻ:
- Anh để em đong giúp.
Cho đến nỗi các bà và mẹ tôi
tấm tắc khen : “thằng bé mới siêng năng, nhẹ nhõm làm sao chứ”. Nhất là mẹ tôi,
bỗng dưng mà thấy tôi hoàn toàn quá đỗi! Làm sao có thể tiếc lời khen?
Ấy, thế rồi dần dà tôi đâm
cảm mến các anh bạn vong niên này, vắng đôi hôm là nhớ không chịu được. Đồng
thời, tôi trở thành yêu thích công tác xã hội, tôi không cho những công việc
nặng nhọc là kỳ cục, đáng xấu hổ nữa.
Tôi có cảm tưởng là không
bao giờ tôi xa các anh được. Buồn chết đi!
Thế mà… sự thật khác hẳn
lòng ước muốn của tôi.
3–
Trông thấy cảnh quang gánh, nồi niêu, soong chảo, áo quần, rương giỏ
của đồng bào bày la liệt giữa sân, tôi quay hỏi mẹ:
- Hôm nay lại có người mới
vào nữa hay sao, mẹ?
- Không. Đồng bào sắp dọn đi…
- Đi? Đã hết đánh nhau đâu?
Mà đi đâu hở mẹ?
- Qua Vĩnh Hội, nghe đâu đã
có nhà chung cư do chính phủ cất xong rồi… Đáng lẽ đồng bào phải tự tìm cách di
chuyển, song bà hội trưởng đã can thiệp với ông Quận Trưởng… và ông vui lòng
cấp cho mấy chiếc xe để đồng bào có phương tiện…
- Còn mấy anh Hướng Đạo?
(tôi vội vàng hỏi mẹ).
Nỗi buồn dậy lên trong lòng
tôi, không phải vì đồng bào mà vì tôi nghĩ rằng đồng bào phân tán đi nơi khác
thì các anh cũng đi theo. Vĩnh Hội? Xa lắc xa lơ làm sao tôi sang bên đó để gặp
các anh?
Tôi vội vàng tìm gặp các
anh. Các anh đang khuân vác giúp đồng bào giường chiếu, nồi niêu ra sân.
Tôi tha thẩn vào văn phòng.
Tấm bảng ghi số dân tị nạn còn đó, nhưng còn những giòng chữ ngộ nghĩnh bay
bướm kia thì đã xóa mất rồi. Chỗ đựng chiếc đàn trống trơn. Trên khắp hai khung
tường chỉ còn hàng chữ “Kha Đoàn Yết Kiêu” đứng co ro, buồn bã y như lòng tôi
lúc bấy giờ. Mấy chữ ẾCH KÊU, Djăng fòng biến mất. Chỉ núi bánh mì là còn
nguyên. Trong một khắc, tôi có cái cảm tưởng buồn cười này, là : núi bánh mì
lúc nào cũng nằm nguyên không sây sứt, còn ngoài ra tất cả, tất cả đều xê dịch.
Trong lúc chờ xe đến, ông
khóm trưởng của đoàn dân tị nạn tụ họp tất cả đồng bào lại, rồi ông thay mặt họ
ngỏ lời cảm ơn của mọi người đối với Hội và các bà. Có tiếng sịt mũi trong đám
đồng bào phía dưới. Cho đến khi bà Hội trưởng tiến ra có lời từ biệt và cầu
chúc đồng bào được vừa ý về chỗ trú mới thì tiếng khóc bên dưới bật to lên.
Nhiều người khác đỏ hoe mắt. Hình như ai cũng có vẻ luyến tiếc, không muốn ra
đi. Tôi quay nhìn mẹ thì thấy vừa vặn mẹ tôi chớp nhanh mắt một cái và cúi
xuống, hai giòng nước mắt giàn giụa trào ra, lăn dài xuống má. Mẹ tôi khóc, thầm
lặng và lén lút như không muốn cho ai thấy. Rồi mẹ tôi nhìn sang phía khác,
cười gượng, nói với một bà ngồi gần:
- Mình sao có cái bậy, mau
nước mắt quá đi thôi!
Một người (trong số dân tị
nạn) đến gần mẹ tôi rầu rầu cất giọng:
- Qua bên ấy chả biết ra
sao. Ngộ có đánh nhau nữa thì đành chịu chết, đâu có cho chạy qua cầu? Chắc
chúng tôi sẽ nhảy đại xuống sông… Sao chúng tôi khổ thế?
Một bà cố lấy giọng tin
tưởng, an ủi:
- Không, thế nào cấp trên
người ta cũng đề phòng, hết sức giúp đồng bào. Đồng bào hãy yên tâm. Rồi có dịp
chúng tôi sẽ sang thăm.
Không khí chĩu nặng những lo
âu, hồi hộp. Thình lình có tiếng lao xao ngoài sân và mọi người chạy ùa ra, kêu
lên mừng rỡ:
- Xe tới, xe tới!
Mẹ tôi vội vàng đứng lên,
tôi nối chân mẹ tôi ra sân. Hai chiếc xe nhà binh không mui, không cả thùng
quanh xe, trông như cái thớt đặt nối sau đầu máy, đổ xịch giữa sân. Mọi người
ơi ới gọi nhau và tranh nhau nhảy bừa lên. Ai cũng nôn nả mong được đến chỗ trú
sớm cho đỡ nắng. Lũ trẻ ngủ gà ngủ gật trên tay mẹ, trán, đầu, mặt nhơm nhớp mồ
hôi. Có đứa khóc thét lên, nhưng mẹ chúng không để ý. Bà nào cũng bận tâm về
chuyện tìm một chỗ ngồi và còn phải chuyển đồ đạc. Mẹ tôi cùng với các anh
Hướng Đạo khuân giúp đồ đạc lên xe. Ông trưởng toán không ngớt kêu gọi trật tự,
nhưng trật tự thật khó vãn hồi. Nhiều người phàn nàn không nấu cơm kịp. Lũ trẻ
lơn lớn gào ăn ỏm tỏi. Mẹ chỉ vào núi bánh mì trong gian giữa, trấn an:
- Đồng bào yên tâm. Chốc nữa
sẽ có xe và các em Hướng đạo mang bánh sang tận nơi phát cho đồng bào dùng tạm
buổi trưa. Vì qua đến nơi còn phải bốc thăm xem ai được ở gian nào cho công
bình, rồi còn sắp xếp đồ đạc nữa. Làm sao nấu ăn kịp.
Đồng bào nghe câu đó, hơi có
vẻ yên tâm một chút. Cỡ nửa giờ sau hai chiếc xe bắt đầu rồ máy. Còn lại hơn
một nửa đồng bào chờ chuyến sau. Mồ hôi nhễ nhại trên những khuôn mặt rám nắng
và rầu rĩ.
Tôi cảm thấy xót xa thương
mến khi nhìn họ. Rồi tôi nhớ đến buổi chiều đầu tiên gia đình tôi đến đây.
Tôi nhớ đến lúc mấy anh chị
em tôi hớt hải lên xe chạy trong lúc mẹ kẹt lại trong nhà. Tôi nhớ đến cái đêm
chúng tôi ngủ không có mẹ ở gần. Tôi nhớ đến tiếng khóc của Cu Minh, tôi nhớ…
tôi nhớ…
Thốt nhiên, tim tôi thắt
lại, nhói lên.
Tôi dõi mắt theo hai chiếc
xe vừa nhoài ra cổng lớn. Qua màn nước mắt, tôi còn kịp thấy khuôn mặt đen sạm
và hai hàm răng trắng bóng của anh Thọ–Datton. Khi nhận ra tôi, anh ngoái lại,
vẫy tay rối rít. Tôi giật tay mẹ, chạy theo, nhưng quá muộn. Chiếc xe đã mất
hút trong một nháy.
Giọng mẹ tôi ướt đẫm bên
tai:
- Con đừng buồn, rồi hôm nào
rảnh mẹ sẽ cho con sang bên ấy.
Mấy cô giúp việc, (kể cả
những cô khó tính, nhăn nhó suốt ngày từ khi có đông đồng bào đến trú) đều có
vẻ bùi ngùi, uể oải. Một cô nói:
- Tội nghiệp họ. Họ ở thì ồn
ào khó chịu thật, nhưng họ đi… trông làm sao ấy, phải không?
Còn tôi, tôi lẩn thẩn so
sánh tình cảnh đồng bào y như những cái cây : Đang tươi tốt ở trên mảnh đất
quen thuộc, bỗng bị bàn tay hung ác (là chiến tranh) nhổ bật gốc lên rồi đem trồng
một cách cẩu thả, qua quít ở nơi khác (là chỗ hội mẹ tôi). Cây không mấy ưa đất mới song rồi cũng cố bám lấy sự
sống, dù là không được chăm bón kỹ càng. Ấy thế mà, khi vừa bén rễ lại bị nhổ lên, đem đi lần nữa.
So sánh đó làm tim tôi lại thổn thức bồi hồi…
MINH QUÂN
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 224, ra ngày 1-7-1974)