Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015

CHƯƠNG 5_CHIẾC BẪY KỲ NHÔNG


5


Hai hôm rồi, bà Tám lâm bịnh. Tuy vậy, bà vẫn bắt Xù phải đi học. Xù đi đến trường mà không yên trong bụng, nó cứ trông tới giờ về với bà nội.

Căn bịnh của bà Tám ngày một, ngày hai nặng thêm. Thằng Xù lo sợ vô cùng. Nó nghỉ học, lo nấu nước, nấu cháo cho bà nội. Nó ngồi cạnh bà Tám, trên chiếc ghế gỗ xiêu, vừa quạt cho bà vừa lẩm nhẩm học bài.


Bà Tám mệt nhọc mở mắt, nhìn quanh. Thấy Xù ngồi quạt vừa ngủ gục, cuốn vở trên tay rơi tự bao giờ, bà đưa bàn tay khẳng khiu lay nhẹ nó:

- Xù ơi, dậy đi con.

Thằng bé giật mình choàng tỉnh. Nó ngơ ngác một giây rồi định thần. Nó lượm cuốn vở lên nhìn bà Tám đầy vẻ lo lắng:

- Nội có khỏe chút nào hông?

Bà Tám nói cho nó yên lòng:

- Bà khỏe nhiều, thôi con đừng quạt nữa, đi ngủ đi.

Thằng Xù nhìn sang chiếc giường của mình. Nó thấy thèm thuồng được đặt lưng xuống đánh một giấc tới sáng. Nó đã dợm buông quạt, rồi lại nhìn bà Tám, lắc đầu:

- Con ngồi quạt cho nội hà.

Bà Tám xua tay:

- Nội biểu nghe nội thương. Đi ngủ đi. Nội khỏe rồi, ngủ một mình được rồi.

- Để con canh nội ngủ. Nội bịnh, ngủ một mình lỡ “có gì” làm sao?

Bà Tám cảm động. Bà biết ý thằng bé đã quyết nên cũng không cản. Bà bảo nó:

- Thôi con nhắc thêm cái ghế kê bên giường bà, nằm cho đỡ mỏi.

Thằng Xù ngoan ngoãn vâng lời. Hai chiếc ghế gỗ kê cách nhau một khoảng. Nó nằm xuống, quay mặt vào hướng bà Tám. Nụ cười héo hắt trên môi bà lão an ủi nó phần nào. Bà nói nhỏ:

- Ngủ đi con.

Nó “dạ” một tiếng nhỏ, rồi gác tay lên trán. Nó không ngủ được vì những ý nghĩ đen tối ám ảnh trong đầu: Liệu ngày mai nó sẽ làm gì đây? Làm gì để có tiền mua gạo, mua thuốc cho bà nó? Đành rằng nó thừa sức đi hái măng, lặt nấm để mang đổi gạo, đổi tiền như bà Tám đã làm, nhưng bà nó bịnh hoạn thế này, nó bỏ cho ai coi sóc? Nó có thể nhịn đói chứ không nỡ bỏ bà trong lúc bịnh hoạn một mình ở nhà được. Không được đi học, nó không cần, nhưng tiền mua thuốc cho bà nó thì nó cần lắm. Thằng Xù trăn trở, suy nghĩ thật lâu. Đến khi gà vừa gáy canh đầu, nó thiếp đi trong mệt mỏi.

*

Xù đi lang thang qua những khoảng đồng cỏ úa. Nó không biết mình đã đi được bao nhiêu cánh đồng khô nắng cháy như vậy rồi, nhưng chắc là nhiều, nhiều lắm. Nó đi không biết mỏi chân, bụng nó từ sáng không một thức ăn đỡ dạ mà vẫn trơ trơ, đầy ắp và nặng như chứa hàng tấn đá. Nó không đói, không khát, không mỏi. Nó lùi lũi đi quên thôi, hết khoảng đất này đến khoảng đất khác, hết cánh đồng này đến cánh đồng kia, nắng cháy, hoang tàn…

Khi chân nó bắt đầu thấy mỏi, thì cơn đói cồn cào cũng đồng lượt kéo tới bủa vây lấy nó, cơn khát cũng chộp lấy tấm thân khốn khổ của thằng bé 13 tuổi. Nó muốn quỵ xuống lết đi trên cỏ gai và đất cứng, nhưng nó gắng vươn dậy, đứng lên, chạy bằng sức lực còn lại, vì, xa tầm mắt, thằng Xù nhác thấy khu rừng rậm, lập lòe trong ánh mắt hoa của nó. Nó mừng thầm; có rừng chắc có trái cây ăn.

Từ nhà chạy miết đến đây, qua bao nhiêu cây số đường, nó không biết mình sẽ đến đâu? Ở đâu có linh dược để cứu sống bà nội nó đang hấp hối trên giường bệnh? Nó không biết, không ai mách bảo nó, nhưng nó vẫn đi, để hy vọng một phép thần tiên nào đó, vì nó không thể ngồi nhà, để bất lực nhìn bà Tám chết trong cơn đau đớn.

Nó gắng sức chạy miết. Khi đến được cụm cây đầu tiên của khu rừng, thằng Xù quị xuống. Nó nằm xải, thở dốc từng hồi. Tàng cây xanh lá che mát gốc, trùm cả vùng êm dịu lên thân thể gầy gò của nó. Thằng Xù bắt đầu định tỉnh, định giá cơn đói, cơn khát trong người mình.

Nó nhìn lên cây: cây không có trái để ăn được, một vài cái hoa vàng, lạ mắt. Đâu đây có toàn mùi hương thơm thoang thoảng, của những loài hoa quý nào đó mà thằng Xù chưa được ngửi thấy bao giờ.

Nó nhìn mông vào sâu trong cánh rừng: khu rừng đẹp như trong tranh vẽ. Những cây cổ thụ thẳng tắp, cùng toàn những nụ bông vàng nổi bật giữa đám lá xanh. Những cây leo uyển chuyển oằn mình theo thân cổ thụ, trổ những đóa hoa nhỏ và dài màu đỏ thẫm. Dưới sát mặt đất là thân thể khiêm nhường của những loài hoa dại, hoa dại tim tím, bé bỏng, đáng yêu núp bóng cổ thụ một cách hiền lành. Xù đi từng bước một, để tìm thức ăn, nước uống cho tỉnh táo trước khi tiếp tục kiếm thuốc cho bà nội nó ở nhà.

Thằng Xù dừng lại trước một cây vừa thân thể nó. Cây xanh lá, trĩu nặng những quả màu vàng cam, trông đã phát thèm. Nó bất chấp có ăn được không, bẻ đại một trái cắn vào miệng. Chao ôi, trái gì mà ngon ngọt thế này? Ngọt hơn xoài mà nó đã từng được ăn nữa. Xù hái liên tiếp năm, sáu trái rồi ngồi bệt xuống đất, dựa gốc cây. Nó ăn một cách tham lam, ngon lành. Ban đầu nó ăn cả vỏ, sau nó kén hơn, kỹ hơn, lột vỏ rồi bỏ vào miệng. Ăn độ hơn chục trái nó thấy khỏe khoắn lạ thường. Nó vươn vai đứng dậy. Nó thoáng suy nghĩ rồi hái chục trái, bỏ chiếc áo sơ mi cũ vào lưng quần đùi, nó thồn những trái lạ ngon ngọt kia vào áo. Xù định sẽ đem về cho bà Tám ăn, chắc trong đời bà chưa bao giờ được ăn một trái ngon như thế, bà sẽ khỏe thêm như nó đang khỏe bây giờ. Xù thích chí với ý nghĩ đó.

Một tiếng gầm không lớn lắm, nhưng cũng đủ khiến cho Xù giật mình nhìn lên. Một con hổ vằn thật lớn đang lừ lừ tiến tới. Xù lùi lại một bước rồi đứng chôn chân xuống đất. Nó hoảng sợ đến nỗi á khẩu không nói được tiếng nào, và bản năng tự vệ cũng biến mất, nó không chạy được nữa.

Con hổ vằn vẫn đủng đỉnh tiến tới. Trong một lúc, sự hốt hoảng quá độ làm Xù quay ngoắc lại, bỏ chạy. Nhưng nó vấp một cái rễ cây và té sấp xuống. Con hổ đã đến bên nó, Xù kêu lên “Chúa ơi! Nội ơi!”. Rồi nó nhắm mắt lại, chờ đợi chiếc miệng đỏ hoắc của con thú dữ vồ lấy nó…

Nhưng… Xù không thấy động tĩnh gì bên mình. Nó he hé mở mắt ra: con hổ to lớn đang nằm phục xuống bên nó tự bao giờ, và đang thè lưỡi táp táp không khí. Xù mở hẳn mắt và không tin đây là sự thật. Nó thử giác quan của mình, khẽ đưa tay vuốt nhẹ trên bờm lông con thú. Bộ lông mát mịn, hăng hắc, ngây ngây. Đôi mắt Chúa rừng nhìn nó, hiền lành như một người bạn. Xù không hiểu nó đang ở đâu đây? Sao lại có những khung cảnh thần tiên như thế này? Trái ngọt, thú hiền… Xù mạnh dạn đứng lên, con hổ vẫn nằm yên không nhúc nhích.

Một bà lão trạc độ 60 tuổi, tóc bạc trắng, chống cây gậy trúc và mặc một chiếc áo màu trắng bạc đi chầm chậm tới. Xù vội vàng khoanh tay lễ phép:

- Thưa cụ ạ.

Nó không hiểu bà lão từ đâu đến? Sức già làm sao bà đến được khu rừng xa xôi này? Bà lão nở nụ cười hiền hậu bảo nó:

- Con đi đâu mà lạc vào đây?

Xù ngạc nhiên trước câu hỏi của bà lão. Lẽ ra nó hỏi mới phải. Vì nó còn nhỏ, còn khỏe, còn bà lão đã quá già nua để có thể đến một nơi xa xôi như khu rừng này. Tuy nhiên, thằng Xù vẫn lễ phép kể lại cho bà lão nghe hoàn cảnh hiện tại của nó. Bà lão nghe xong, xoa đầu nó, mỉm cười:

- Ta hỏi thử con đó, chứ ta đã biết cả rồi. Con thật là đứa con chí hiếu. Bây giờ con có muốn ta chỉ thần dược cho không?

Thằng Xù mừng rỡ, cuống quít quỳ xuống lạy bà lão lia lịa:

- Dạ, xin đội ơn bà, xin bà chỉ cho con món thuốc để con đem về cứu bà nội con.

- Được rồi, con hãy đi theo ta.

Xù ngoan ngoãn đứng lên theo bà lão. Cảm giác sung sướng, thoải mái làm nó đi thật mau. Bà lão cũng đi nhẹ nhàng như lướt trên cỏ. Thoáng chốc, hai bà cháu đã qua khỏi khu rừng. Khi đó, thằng Xù nhìn thấy một cảnh tưởng vô cùng đẹp mắt: Một thung lũng đầy cây xanh, sương mù bao quanh mờ ảo, như từng làn khói nhẹ mỏng manh, nhưng không khí dìu dịu mát chứ không lạnh. Xù xuýt xoa:

- Đẹp quá!

- Con thích ở đây không?

- Thưa cụ, con thích lắm ạ. Nhưng bây giờ con chỉ muốn có thuốc về cho nội con uống thôi.

- Con ngoan lắm.

Xù tiếp tục theo bà lão đi xuống những tam cấp bằng đá xanh để xuống thung lũng. Nó tròn mắt trước một đàn bò, lông con nào con nấy trắng mướt như tuyết. Những con bò đang thản nhiên gặm cỏ và uống từng ngụm sương lóng lánh. Xù đến gần chúng vẫn yên lặng, khẽ ngước những cặp mắt hiền lành nhìn hai người đang đi tới. Bà lão vẫn đi sâu vào “thung lũng bò trắng” và Xù vẫn ngoan ngoãn đi theo. Đến trước một thạch động to lớn, bà ngừng lại, khẽ lấy ngón tay trỏ chỉ vào cánh cửa. Như phép thần tiên, cách cửa đá nặng nề bỗng từ từ mở ra chừa một lối đi rộng và chói lòa như muôn ngàn tia sáng mặt trời. Xù chóa mắt đứng yên, bà lão ra dấu cho nó đi theo vào trong. Không khí dìu dịu mát làm Xù cảm thấy thoải mái vô cùng. Nó đi dần vào lòng thạch động, bỏ ngoài tầm mắt những con bò trắng đang yên lặng gặm cỏ.

Trong thạch động vô số đồ đạc quý giá mà Xù không định được là thứ gì. Nó chỉ biết muôn ngàn màu sắc đang chói chang trước mắt: hồng, lam, xanh, tím v.v… hòa lẫn nhau như muốn chiếm lấy ưu thế. Bà lão đến trước một cái ghế cũng bằng đá phủ da hổ vằn. Bà khẽ lật bên thành ghế lên: một cái hộp màu xanh ngọc bích, tỏa sáng lung linh đang nằm trong thành ghế. Bà lão cầm lấy mở nắp hộp ra, và liền đó, một làn khói trắng tỏa ra, quyện tròn, xoáy trên không một lát rồi rơi xuống hộp thành một viên hồng ngọc xinh xắn. Xù hoa mắt trước những sự việc xảy ra ngoài trí tưởng tượng của nó. Nó nhìn bà lão bằng tia mắt nửa sợ hãi, nửa khâm phục. Bà lão nhón lấy viên hồng ngọc bỏ vào trong một cái túi vải nhỏ, màu vàng, đưa cho Xù rồi bảo:

- Đây là viên linh ngọc ta cho con về chữa bịnh cho bà nội.

Xù đỡ lấy túi vải nhỏ, nó vừa định quỳ xuống cảm ơn thì bà lão đã xua tay:

- Thôi con đi đi, về mau đi kẻo không còn kịp nữa.

Xù hoảng hốt quay mình đi nhanh ra khỏi thạch động, nó lại băng qua thung lũng bò trắng và đến khu rừng mà nó đã gặp bà lão ban nãy. Nó với tay bứt hai trái cây màu vàng, ngọt lịm rồi vừa chạy vừa ăn.

Nó chạy gần về đến nhà thì trời xâm xẩm tối. Ruột nó nóng như đốt. Linh cảm như báo cho Xù biết một điều chẳng lành nào đó. Nó ùa vội vào nhà, chạy đến bên giường bà Tám. Nó lấy tay sờ trán bà: trán lạnh như băng, nhơm nhớp nhựa. Xù thét lên:

- Nội ơi, nội!

Nó giật mình và thấy mình vừa rơi từ trên ghế xuống đất, bà Tám cựa mình hỏi nó:

- Con làm sao vậy?

Thấy bà Tám còn sống, Xù mừng vô hạn. Nó nhớ đến sự khủng khiếp của giấc mơ, chợt bật khóc. Bà Tám thảng thốt:

- Con khóc à?

Xù bập bệu:

- Nội ơi nội, nội còn sống hả?

Bà Tám ngạc nhiên:

- Nội còn sống, con hỏi chi lạ vậy?

Xù vẫn còn bị ám ảnh:

- Bà nội chưa chết thiệt sao?

Bà Tám chợt hiểu ra:

- Con mơ thấy nội chết phải không?

Xù gật đầu, nó mếu máo kể lại giấc mơ. Bà Tám bồi hồi xúc động. Nước mắt ứa trên rèm mi già nua. Bà không ngờ Xù thương bà đến thế. Bà bảo nó:

- Nội còn sống với con đây. Thôi con ngủ tiếp đi, nội thương.

*

Bệnh bà Tám ngày một nặng, Xù không biết làm sao hơn là xin nghỉ học để ở nhà săn sóc bà. Nó đến trường với vẻ mặt buồn hiu, đứng lấp ó ở ngoài cửa lớp không chịu vô. Cô giáo gọi:

- Em Xù, vô đây cô bảo.

Nó rón rén bước vô, đến gần bàn cô giáo.

- Em làm gì mà đứng ngoài cửa vậy?

- Thưa cô…

- Sao mấy bữa nay em không đi học, bị đau à?

Xù ấp úng, một lát sau nó nghẹn ngào nói:

- Thưa cô, em không có bịnh, nhưng nội em bịnh, em phải ở nhà nấu cháo cho nội ăn.

Cô giáo thở ra thương hại:

- Thế hôm nay nội em bớt rồi, em đi học lại phải không?

Xù lắc đầu thảm não.

- Thưa cô không ạ. Nội em bữa nay bệnh nặng lắm. Em tới xin cô cho em nghỉ ở nhà săn sóc cho nội em, nhà em cũng hết gạo từ chiều hôm qua rồi, em phải vô rừng lặt nấm để bán lấy tiền mua gạo và thuốc cho nội. 


Cô giáo nhìn thằng bé 13 tuổi đã sớm mang cay đắng cuộc đời. Cô lục trong sắc, lấy ra hai tờ bạc một trăm đồng rồi bảo đám học trò ngồi phía dưới:

- Các em đã nghe trò Xù kể hoàn cảnh gia đình, các em có thấy tội nghiệp không?

Cả lớp đồng thanh:

- Thưa cô, có ạ.

Cô giáo tiếp:

- Bây giờ cô đề nghị thế này: nhà trò Xù nghèo, bà nội trò lại bệnh nặng, nếu trò Xù bỏ đi lặt nấm để bán kiếm tiền thì sẽ không ai săn sóc người bệnh trong lúc ngặt nghèo. Vậy mấy trò nên thương người bạn gặp cảnh không may, giúp thêm nhiều ít cho trò Xù qua cơn túng quẫn. Các em nghĩ sao?

Tức thì đám học trò nhất loạt đứng lên, đi tới chỗ Xù và cô giáo đang đứng. Mỗi đứa lấy số tiền có trong túi bỏ lên bàn rồi về chỗ. Cô giáo đếm tất cả được hơn năm trăm đồng. Cô xếp lại trong số tiền của cô, đưa cho Xù và nói:

- Cô và các bạn em không sẵn nhiều tiền, chỉ có chừng này gọi là giúp em lấy thảo. Em cầm lấy số tiền nhỏ này để về lo thuốc thang cho nội, khi nào nội mạnh, nhớ trở lại học cho vui.

Xù ứa nước mắt vì cảm động. Nó run run đưa tay nhận số tiền lớn mà trong đời nó chưa bao giờ được cầm. Nó lí nhí mấy tiếng cám ơn rồi quay ra. Lòng nó mừng rơn vì đã có tiền để mua gạo nấu cháo cho bà Tám. Nó cũng đói lắm, nhưng nó thấy cái đói của mình không còn nghĩa lý gì nữa.

_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 6
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>