Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2024

Miền Yên Vui

 

Buổi sáng miền quê Cu ở thật buồn, mây trắng là đà nằm vắt ngang cành cây ổi trước nhà. Mỗi lúc Cu mỗi buồn hơn, ngày xưa Cu vẫn còn nhớ, nhà nó to lắm, phía sau nhà ông nội trồng một mảnh vườn cây ăn quả, nó không làm sao ăn hết được, lớp trái chín rơi rụng đầy vườn, lớp chim ăn, lớp nó dẫn bạn về nhà chơi, chúng nó chia nhau ăn mà không hết, nhưng ngày nay Cu thử nhìn lại thì tiêu điều hoang phế, nó cố tìm một trái cũng không ra. Cây ở vườn nhà nó từ từ vàng úa rồi phai tàn lá, bây giờ chỉ còn lại khô đét những cành cây màu xám cô đơn trong bầu trời ảm đạm. "Ngày xưa khác bây giờ khác" Cu chỉ nghe má nó thốt ra lời đó khi nó hỏi tại sao má Cu không săn sóc mảnh vườn của ba và ông nội để lại. Má nó có lẽ không muốn Cu thốt lên những gì về ba và ông nội nữa để dứt khoát đi cái dĩ vãng, má Cu muốn hiện tại đang sống trong cô đơn thì gợi làm gì những ngày ấm cúng.

Cu tuổi mới lên mười nên tâm hồn nó lúc nào cũng vui tươi chớ không phiền muộn như má. Có một lần má bảo Cu:

- Con muốn lên ngoại sống hôn con?

Nó không ngần ngại trả lời:

- Không má ơi! Sống đây sướng hơn.

Má Cu nhiều lần dự định về giồng ở, nhưng lần nào Cu cũng không chịu. Vốn thương con, má Cu cũng chìu theo, riết rồi bà cũng quên đi không còn nhắc tới nữa, tạm sống cảnh thiếu thốn và cơ bần nơi quê hương chồng.

Cu ra sau vườn, đến con rạch "Bạch Đằng" của nó mà mỉm cười đắc ý. Nó đặt tên con rạch đó như vậy bởi lẽ con sông Bạch Đằng hùng dũng mà nó học được trong sách đó, cũng anh hùng như con rạch nó vậy. Trong một trận đánh nhau với làng trên, bọn xóm Chùa thua tơi bời tại con rạch này. Cu nhớ nhiều lắm, không một kỷ niệm nào mà nó quên được cả. Có lần nó cùng cu Tân đánh nhau với hai thằng nhãi xóm Chùa đến quên cả việc đi học, vô trường thầy cho quì sơ-mít một bữa chảy máu cả đầu gối, vậy mà Cu nó nào có sợ, việc đó không hề gì. Cu có thể tự hào với bọn trong xóm về tài của nó. Leo cây nó cũng số một, bơi thì còn chì hơn nữa, đánh nhau thì chê làm sao được, hai bàn tay của nó cứng như sắt, khỏe tợ voi. Về học nó tuy dở nhưng lại hơn hết bọn trong làng. Những đặc tính của Cu bao nhiêu đó cũng đủ cho nó cầm đầu bọn trẻ trong xóm. Nhưng thời gian đi mau, mấy chốc mà Cu đã lên mười hai, nó đã học lớp nhứt rồi. Cu không còn ai để cai trị đánh nhau với bọn xóm Chùa nữa. Làng Cu ở bị máy bay bỏ bom mỗi lúc một dữ tợn hơn. Một ngày Cu xuống hầm hơn chục bận. Thế là hết, tạo hóa đã tạo ra cái cảnh tốt đẹp của thiên nhiên là để cho bọn chúng mà giờ đây Cu nào có hưởng được nữa. Rồi thằng Hoài, Tỵ, cu Tân lần lượt theo cha mẹ về chợ ở, để lại cho Cu những kỷ niệm và tình bạn không bao giờ phai nhạt được. Thế là trong hiện tại chỉ còn một mình Cu buồn trong cảnh đơn độc mà thôi, giá trước kia Cu theo má về quê ngoại ở có sướng hơn không, nhưng bây giờ về thì cũng đâu có muộn, Cu nghĩ vậy, định bụng tối nay sẽ nói lại cùng má. Miền của Cu tuy bỏ bom nhiều nhưng cũng không nguy hiểm lắm, bởi làng Cu ở thuộc trong vòng "đai". Cu mở cửa bước ra ngoài, nó phải lại nhà Tỉ, một thằng bạn cuối cùng còn ở lại. Cu hỏi Tỉ:

- Mầy không đi sao Tỉ?

Thằng Tỉ nhìn nó không trả lời mà hỏi lại:

- Mầy không đi hả Cu, tao phải hỏi mầy câu đó chứ!

Cu hiểu rằng Tỉ nói như vậy là nó ở lại rồi, nó chỉ còn lại một nguồn vui độc nhất.

*

Ở nhà cu Tỉ ra, Cu đi lang thang trên bờ đê, nó đi lên nhà ông Cả Kỳ chơi. Vừa đi Cu vừa huýt gió, những làn gió thổi nhè nhẹ cuốn rào mấy đám bụi cát nhỏ, mùi rạ khô lẫn với mùi bùn bay nồng nàn. Cu thấy xa xa cuối đám ruộng, hàng cây như muốn bốc cháy giữa ánh nắng ngày hè. Nhà ông Cả Kỳ rất hấp dẫn với bọn trẻ nên không lúc nào mà vắng bóng bọn chúng. Hơn nữa, ông vừa đi Sài-gòn mang về một lồng chuột trắng mà ông ấy gọi là chuột Bạch. Xưa nay nhà ông có đủ thứ gậy, ở trên mỗi đầu có khắc những hình chim, cò rất đẹp. Trong nhà ông người ta có cảm tưởng như sở thú. Một góc lồng chim, đủ loại, với những con rắn đủ màu, hiền có, dữ có, nhất là phía sau một khu vườn rộng rãi lại có con rạch nhỏ chảy qua, trông thật là nên thơ. Chào mừng Cu có lẽ là mấy con ngỗng to, mập, trông thật dữ tợn. Bọn chúng "ò-ét" inh ỏi. Đối với đứa trè nào thì khiếp vía chớ Cu đây thì, hừ! Chả có gì, nó thản nhiên như nhà của mình vậy, mà đàn ngỗng cũng lạ, cứ theo bên Cu kêu một hồi rồi bỏ đi. Cu đi qua nhà vẫn không thấy ông Cả, nó dừng lại bên lồng chuột xem đã một hồi rồi đi ra vườn. Nó thoạt đánh thót người lên. Một đám trẻ chừng bảy đứa, trong bọn chỉ có hai là lạ mặt, còn lại là bọn xóm Chùa. Thật là nguy cho Cu. Ở đây có ai phụ lực nó đâu, nó phải gởi thây nơi đất địch? Cu càng lo ngại hơn khi thấy hai thằng lạ mặt, coi cái mặt thì đỏ đỏ, quần áo lại tốt tươi đúng là không phải bọn trong làng. Nhưng từ phương nào tới, xem sức vóc thì thật đáng ngại, không lớn hơn Cu bao nhiêu nhưng đủ để hạ Cu. Cu sợ nhưng nó liều rồi, nó dừng lại, hai chân dạng ra để thủ thế. Bọn trẻ đứng lại chung quanh Cu, bao thành vòng tròn. Cu thấy hơi bất lợi, nó có cảm tưởng sẽ bị đánh trộm sau lưng. Cu lo sợ vậy chớ lời nói nó lúc nào cũng như đang thắng:

- Ê! Tao không sợ tụi nây đâu, có ngon đánh tay đôi.

Cả bọn cười rộ, Cu không hiểu gì hết, nhưng nó bắt đầu đổ mồ hôi rồi.

- Ê! Ê!

Năm đứa đứng song hàng, đứa nào cũng xăn tay áo lên, chỉ chừa hai đứa lạ mặt đứng yên không tham dự mà làm như không chuyên chú lắm. Cu biết cái nguy đã đến với nó, chỉ còn tẩu là thượng sách, nhưng bọn chúng khôn ngoan đã đứng chận cửa rồi còn đâu. Cả bọn tiến tới, tới nữa, năm thước, ba thước, một... Cu rớt mồ hôi ra từng giọt, nhưng cả bọn đã đứng lại. Thằng Tốt lớn nhất trong bọn chìa tay ra nói:

- Ngoéo tay đi, huề cả làng nhé.

Cu há hốc mồm ra nhìn.

- Đi chơi bồ, cùng xóm, cùng làng cả mà.

Cu vẫn còn bẽn lẽn nhưng vẫn bước theo, tiếng ông Cả gọi, cả bọn co giò chạy, Cu cũng chạy theo, trong lòng nó có một chuyện đang thay đổi... quê hương cha...


LÊ VĂN TẤN             
(Rong Biển Thi Văn đoàn)     

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 72, ra ngày 1-7-1967)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>