Thứ Tư, 17 tháng 7, 2024

Bạch Miêu... Làm Trạng

 

Ngày xưa ở bên Tàu, có một anh chàng họ Bạch tên Miêu... Anh Bạch Miêu ấy nghèo lắm - tuy nghèo song anh rất hiếu thảo với mẹ và có đức thương người đáo để. Một hôm anh đi bán củi ngoài chợ về, có mua hai cái bánh bao, một cái nhân bằng thịt và một cái nhân bằng đậu. - Vì chợ xa nên về giữa đàng anh phải ghé lại ngồi nghỉ chơn dưới thềm một ngôi đền thờ cũ, bỗng anh thấy một ông lão ăn mày nằm bên trong vừa rên nho nhỏ, vừa kêu đói... Động lòng nhân ái, anh bèn lấy chiếc bánh bao nhân đậu đem cho ông lão đỡ lòng - Ông lão đang đói, được người cho bánh mừng quá, chỗi dậy tiếp lấy bỏ vào miệng nuốt một miếng hết trơn. Ăn xong đã không cám ơn mà lại còn trách rằng:

- Cậu ôi! Thà cậu để lão chết còn hơn, chớ cậu cho một chiếc bánh có thấm vào đâu, dở sống dở chết thế nầy lão càng thêm khổ!

Bạch Miêu nói:

- Cháu không phải tiếc chi với cụ, nhưng vì chiếc bánh còn lại làm bằng nhân thịt, cháu dành cho mẹ cháu, còn chiếc biếu cho cụ vừa rồi là phần ăn của cháu, bánh ấy nhân đậu rẻ tiền hơn, vì nhà cháu cũng nghèo xin cụ hiểu giùm cho.

Lão ăn mày như thông cảm, mắt lão sáng lên, da mặt đỏ hồng - lúc nãy thân hình lão xem tiều tụy gầy còm bỗng trở nên hiên ngang quắc thước, trông lại không phải là một người ăn mày nữa, lão nói:

- Cậu khá lắm, ở đời lòng hiếu thảo là nền móng của mọi việc lành - Lão là "Hiếu-bảo-thần" đây (vị thần hay giúp đỡ những người con có hiếu). Nhơn lão biết rằng ngày rằm tháng tới đây trời sẽ mưa rất lớn sau một thời gian nắng hạn - Cậu có nghe chăng thời gian qua Đức vua truyền lệnh rằng ai cầu được mưa thì đặng phong chức "Trạng" vậy cậu hãy về sửa soạn xuống kinh đô mà lãnh phần "đảo võ" đi (cầu mưa) lão hứa sẽ giúp cho cậu mọi phương diện để được làm quan mà nuôi dưỡng mẹ già cho thỏa lòng hiếu kính - Nói xong ông lão biến mất...

Bạch Miêu nửa tin nửa ngại, vội vàng quảy gánh về thuật chuyện cho mẹ nghe, mẹ bảo anh nên tin lời ông lão và gom góp tiền bạc xuống kinh đô.

Quả thật khi tới kinh đô, vào triều kiến Đức vua và xin lập đàn đảo võ rồi, Bạch Miêu khăn áo chỉnh tề bước lên đài khấn vái vừa xong thì bỗng có gió mát thổi hiu hiu, mây đen kéo mịt, sấm sét rền trời, tiếp đến một cơn mưa, nước dâng tới mắt cá - Trong hoàng thành cũng như đồng nội, tất cả mọi người đều vui vẻ hân hoan... Thế rồi anh chàng Bạch Miêu hôm nay nghiễm nhiên là một ông quan "Trạng" rất hiển vinh...

Nhưng thường tình "trâu bị cột ghét trâu ăn"... Số là ở trong triều có một ông quan Thừa tướng ở gần nhà ông Trạng, nhận thấy Trạng Bạch Miêu là người học lực kém, chỉ có tài cầu mưa mà thôi, nên ông ấy đem lòng ganh tỵ, muốn kiếm thế làm cho ông Trạng "ra rìa" chơi. Ngày kia tan buổi chầu ông Thừa tướng lén đánh cắp con rồng bằng ngọc pha lê rất quí của nhà vua, vua hay mất bèn đòi quan Thừa tướng vào để hỏi ý kiến đặng tìm thủ phạm. Quan Thừa tướng tâu rằng:

- Muôn tâu bệ hạ, theo ý của ngu thần thì có một lý nầy đáng tin tưởng, vả chăng quan Trạng xuất thân là một anh bán củi nghèo nàn, tất nhiên chưa từng thấy của quí bao giờ, e rằng ông ấy có lén trộm của bệ hạ đi chăng? Vậy xin bệ hạ truyền chỉ cho ông ấy điều tra và buộc nếu kiếm lại không được con rồng thì sẽ bị lột chức ngay.

Đức vua y lời, bèn hạ chiếu chỉ truyền cho quan Trạng tìm bảo vật, hẹn trong ba ngày nếu không đem nạp thì sẽ cách chức đuổi về quê.

Bạch Miêu nghe đọc chiếu xong, lòng buồn dã dượi, bèn vào thưa lại cho mẹ hay và dặn dò gia đình, thoảng có bề nào hãy giùm bảo vệ mẹ già...

Đến chiều hôm sau... chỉ còn 1 ngày hẹn mà ông suy tính nát óc cũng không tìm được phương thế nào để kiếm cho ra bảo vật. Chán nản, lúc mặt trời vừa sắp lặn, ông bèn lấy một cuộn dây thừng lén ra sau huê viên trèo lên cây đào định thắt cổ tự tử cho xong, nhưng lại thương nỗi mẹ già không ai phụng dưỡng trong những ngày tuổi hạc cành sương!

Còn đang đứng nhìn cây cỏ thảm sầu, bỗng ông thấy bên kia quan Thừa tướng cũng đang leo lên cây cổ thụ đầy những lỗ bộng, miệng ngậm một cái hộp nho nhỏ... bất giác Bạch Miêu lên tiếng hỏi:

- Quan Thừa tướng làm gì thế?

Bên nầy quan Thừa tướng tuy khinh rẻ Bạch Miêu là người quê dốt, nhưng cũng có ý sợ phòng, nên tự tay đem con rồng pha lê định trèo lên giấu trong bộng cây. Bởi thế cho nên khi nghe tiếng Bạch Miêu hỏi, ông Thừa tướng hoảng hồn, mồ hôi ướt áo, miệng đánh bò cạp làm rớt cái hộp nhỏ xuống đất...
 

Như có linh tính, Bạch Miêu vội vàng chuyền qua rào tuột xuống lẹ làng lượm chiếc hộp mở ra xem, té ra con rồng pha lê nằm trong ấy... mừng "hết lớn" liền bỏ vào túi đợi cho Thừa tướng xuống tới đất, Bạch Miêu nhanh trí chỉ cuộn dây thừng của ông ta định tự tử và nói:

- Vì tôn trọng thể diện của ông, nên tôi không sai lính hầu, mà tự tôi đem dây đến để đón bắt ông từ nãy giờ đó!

Quan Thừa tướng tái mặt, lưỡi ríu lại, tay chơn run lập cập, van lơn rằng:

- Xi... in... xin quan ngài... tưởng... tưởng tình "đồng liêu" (cùng làm quan chung một triều)... tha thứ cho... cho đệ một phen... Chỗ anh em mí... mí nhau cả mà... hà... hà...

Sẵn lòng nhân hậu, Bạch Miêu nói:

- Thôi ông đã biết điều lỗi, chẳng lẽ tôi bức ông làm chi.

Nói xong, ông Trạng "chết hụt" bèn leo rào về nhà, bất chấp lời mời mọc của quan Thừa tướng.

Buổi chầu hôm sau, trong triều có vẻ rộn rịp khác thường, các quan bàn tán xôn xao, ai nấy đều lo ngại cho số phận của quan Trạng, nhưng họ lại xa lánh Trạng, sợ Trạng như sợ thần Dịch hạch, không một ai dám đến gần thăm hỏi điều chi, vì sợ nỗi tai bay vạ gởi... nhưng họ lại thì thầm vì sắc mặt của Trạng vẫn tự nhiên như không có chuyện gì xảy ra vậy.

Các quan tung hô vạn tuế - nghĩa là chào mừng vua theo lễ nghi của Tàu ngày xưa, xong rồi ai ngồi chỗ nấy... kế nghe lanh lảnh tiếng quan xướng ngự hô to:

- Truyền quan Trạng bệ kiến.

Trong chiếc áo rộng thùng thình, quan Trạng oai nghiêm bước đến quì trước sân chầu chờ nghe lệnh phán.

- Nhiệm vụ của khanh như thế nào?

- Muôn tâu, kẻ hạ thần đã tìm được bảo vật và xin dâng lên bệ hạ ngự tường.

Vừa tâu quan Trạng vừa dâng cái hộp nhỏ lên cho Đức vua, Đức vua càng tin lời quan Thừa tướng và càng nghi cho quan Trạng trộm đồ hơn nữa, nhưng vô cớ nên không biết làm sao hài tội được.

*

Ở đời dịp may thì ít, việc rủi lại nhiều... Một hôm đang buổi chầu, bỗng quan Cửu môn đề đốc (quan gác cửa trong đền vua) vào tâu rằng, có sứ giả nước Phiên sang viếng Trung Hoa, vua truyền cho vào. Đoàn Phiên sứ bước vô quì mọp tung hô xong, bèn dâng "Ủy nhiệm thơ" lên Đức vua, đại ý trong thơ là vua Phiên nghe đồn Trung Quốc có một quan Trạng "hữu tài" nên phái sứ giả sang viếng cho rõ mặt dị nhơn.

Đức vua phán rằng:

- Có chi đâu mà làm phiền quí quốc, như quí quốc có lòng muốn biết quan Trạng của Trẫm, thì sáng mai sẽ đến giữa triều mà thử tài cho biết, giờ đây đã gần đến ngọ rồi (12 giờ trưa), vậy xin mời các khanh hãy tạm đến công quán mà nghỉ ngơi cho khỏe.

Phán xong vua truyền bãi trào.

Tối hôm ấy, ông trưởng phái đoàn sứ giả nước Phiên là quan Thiếu Bảo, họp các tùy tùng để bàn tính mưu chước đặng thử tài quan Trạng... bàn tính mãi đến khuya mà không ra kế... bỗng quan Thiếu bảo chợt thấy trên xà nhà công quán có một con mèo trắng đang nằm thinh thích rình mồi, ông ta mới nẩy ra ý kiến là làm sao bắt được con mèo ấy rồi nhốt trong một cái thùng kín mà đố quan Trạng coi có đoán trúng hay không, nhưng bắt con mèo chưa chắc gì đã được. Một viên tùy tùng góp ý kiến là nên lấy cung bắn con mèo ấy chết đi thì mới tiện, vì nó không kêu la cào cấu gây tiếng động... Cả phái đoàn đều tán thành ý kiến ấy.

Thói thường người ta nói: "Càng cao danh vọng, càng dầy gian lao". Tội nghiệp cho ông Trạng, buổi chầu hôm ấy sắc mặt không còn tươi tỉnh như mọi khi. Bá quan tung hô rồi thì thấy Phiên sứ bưng một cái hộp cây sơn đỏ đem ra đặt giữa sân chầu và cất tiếng nói rằng:

- Đây là khí cụ để chứng tài năng của quan Trạng, nếu quan Trạng nói trúng trong hộp nầy đựng món chi, thì chúng tôi sẽ nhân danh Phiên chúa mà tặng cho Trạng một ngàn thước gấm "Tây Phiên" và 100 lượng vàng ròng, để thưởng tài ăn học.

Quan Thừa tướng vốn có ác ý, muốn hại Trạng Bạch Miêu nên thừa dịp bước ra tâu với đức vua rằng:

- Muôn tâu hoàng thượng, xét vì việc thử tài này có liên hệ đến quốc thể, nếu như quan Trạng nói trật, thì còn gì uy thế của "Thiên triều" (câu ví mình của nước Tàu ngày xưa), vậy xin Hoàng thượng ban một nghiêm luật cho quan Trạng để ông tận tâm tích cực trong việc hệ trọng nầy!

Đức vua khen phải, bèn phán rằng:

- Vậy trẫm truyền cho quan Trạng, nếu đoán trùng thì trẫm thưởng thêm một chum ngự tửu, thoảng như chẳng hết lòng để mất danh của thiên triều thì sẽ phạt 20 trượng làm gương.

Bạch Miêu nghe phán tâm hồn rối loạn, nhưng cố trấn tĩnh tinh thần, ông nghỉ bụng... còn một nước cờ chót đem ra dùng thử xem sao... bèn quì xuống tâu rằng:

- Muôn tâu bệ hạ, hạ thần nhận thấy việc thử tài nầy có tính cách kiêu mạng, vì nước Phiên là một tiểu bang mà dám khinh thường thiên quốc - Một quan Trạng của thiên triều, há đi tham một phần thưởng vô giá trị của bọn Phiên nô như thế sao - Xét vì sự phạm thượng là một tội rất lớn, vậy xin thánh hoàng hạ chiếu cho Phiên sứ rằng nếu hạ thần đoán sai thì cam lãnh 20 trượng, còn như đoán trúng thì Phiên sứ phải lãnh số đòn ấy, cho nhớ từ đây sắp tới đừng có phiêu lưu liều lĩnh như vậy nữa.

Trong ý Bạch Miêu tâu như vậy là để dọa đoàn Phiên sứ... nhưng nào ngờ vỏ quít dày còn có móng tay nhọn - Quan Thiếu Bảo, trưởng phái đoàn sứ giả trông thấy cử chỉ của đối phương thì đoán biết ông Trạng nầy đã bí lối rồi, nên đánh một đòn tâm lý để dọa cho mình "rút lui" mà bãi bỏ cuộc thử tài đi, vì vậy ông lại càng thấy sự thắng lợi về mình hết 99 phần trăm nên cất tiếng ưng thuận ngay lời cam kết với Bạch Miêu.

Đường cùng không lối thoát... Bạch Miêu cảm thấy cảnh vật mịt mù... trời đất quay cuồng dường như đang sụp đổ! Hai hàng nước mắt rưng rưng, kể cuộc đời tới đây là hết... Ông ta run rẩy, đặt tay lên chiếc hộp đỏ mà than rằng:

- Cũng vì "Trạng" mà Bạch miêu nầy phải chết!

Ý ông ta nói, cũng vì ham làm trạng mà ông ta phải chịu khổ sở có thể chết được... chẳng dè quan Thiếu bảo nước Phiên không biết tên ông ta, lại ngỡ rằng "Trạng nhà ta" nói chữ... vì chữ Bạch là màu trắng, còn chữ Miêu là con mèo, tức nhiên "Bạch Miêu" nghĩa là con mèo trắng...!

Quan Thiếu bảo lấy làm sợ hãi - lại "quan trạng" nói tiếp giọng run run:

- Ông thần Hiếu bảo ơi!... hại tôi làm chi... phen nầy chắc phải ốm đòn rồi... chạy đàng trời cũng không khỏi nắng!

Cốt ý của Bạch Miêu là trách vị thần Hiếu bảo trước kia hứa giúp đỡ ông ta, sao nay lại để xẩy ra sự việc như thế nầy... nhưng vì đang lúc mất tinh thần, qua trưởng đoàn sứ giả nghe "Trạng" nói "Hiếu bảo" lè nhè thành ra "Thiếu bảo"!...

Thế là tài quá sức rồi... đã biết trong hộp có con mèo trắng chết mà lại biết cả chức phận của người hại mình nữa... như vậy quan Thiếu bảo làm sao chịu nổi 20 gậy đòn kia!...

Vì vậy nên khi "Trạng" nói vừa dứt lời thì toàn thể đoàn sứ giả đều ôm đầu quì lạy liên hồi... lạy đến nỗi rớt mũ, rụng râu mà không hay không biết... gây cho nội triều một sự ngạc nhiên. Chính "quan Trạng Bạch Miêu" cũng không hiểu lý do ất giáp gì cả...
 

... Đến khi biết được trong hộp kia đựng xác một con mèo trắng chết, thì đoàn sứ giả được Bạch Miêu xin tội cho họ, vì ông vốn là người nhân hậu, hiếu thảo, thương người nên lúc nào ông cũng coi đức tính ấy như là một vật quí của đời ông, không vì lẽ gì mà ông bỏ rơi bảo vật ấy đi được...
 
Nhưng tại sao Bạch Miêu lại gặp toàn những cái may trong giờ chót như thế?
 
Ấy là nhờ sự giúp đỡ vô hình của thần Hiếu bảo đấy - vì sức mạnh "thiêng liêng" tuy mắt ta không thấy được, nhưng rồi sự hữu hiệu rất tốt lành, và các bạn nên nhớ rằng các đấng thiêng liêng chỉ thương và giúp đỡ những người đức hạnh mà thôi - Còn hạng người như quan Thừa tướng kia thì trái lại, ông ấy đánh giá giá trị con người, chỉ nhằm vào sức học, sự khôn lanh và tài cán bên ngoài, nên mới sinh lòng đố kỵ, khinh rẻ Bạch Miêu như vậy.

Ca dao có câu:

Ai ơi cứ ở cho lành
Tu nhân tích đức để dành về sau.


NGUYỄN MINH LUÂN       

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 19, ra ngày 25-7-1964)


Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>