Thứ Năm, 11 tháng 7, 2024

Tiếng Hát

 

Nhà sư Tịnh Tâm là một nhà sư nghèo khổ, nghèo kiết. Ông ở nơi một ngôi chùa hẻo lánh xa cách phố phường, tít tận trong thung lũng, gần chân núi.
 
Ngày nọ, ông đi làm lễ cho một gia đình kia về, mỏi chân dừng lại ở một gốc cây ngồi nghỉ. Gió hiu hiu thổi làm nhà sư thiu thỉu giấc nồng.

Chợt, ông nghe có tiếng khóc oe oe của đứa trẻ sơ sinh đâu đó vang lên. Động lòng trắc ẩn nên không thể làm ngơ, nhà sư lục tìm trong bụi và ông thấy một đứa bé trai, mình quấn trong manh áo cũ, đỏ hỏn, ướt như con chuột con vừa mới sinh ra.

Nhà sư cúi xuống bế đứa trẻ lên, không kịp nghĩ ngợi, tính toán gì, nhanh chân mang nó về chùa d916t lửa sưởi cho nó. Vì đức hiếu sinh, ông nhặt nó về, không quản ngại nhọc nhằn, cực khổ và cũng không kịp nghĩ đến những tai tiếng không hay.

Là đàn ông, lại là một nhà sư, nên sư Tịnh Tâm quá ư vất vả bao phen vì đứa hài nhi vô tội và bạc phước kia. Ông không biết săn sóc, chăn nuôi cách nào cho phải phép, ngày đêm cứ sợ thằng bé đau ốm nọ kia.

Mỗi lần nó váng đầu, đi tướt ông lại lò dò đến nhà có trẻ con, kín đáo hỏi dò quanh quẩn. Nhà sư không bao giờ dám thú thật rằng mình có nuôi một đứa con hoang, bởi ông sợ người ta nghi kỵ...

Một lần nhà sư tình cờ vớ được cuốn sách bàn về "Phép nuôi con", nhưng ông chưa kịp mừng rỡ, mới lật qua vài trang thì gia chủ đã mở lời đón chặn:

- Bạch thầy, thầy không nên để mắt đến thứ sách bậy bạ đó làm chi.

Nhà sư cả thẹn, vội vàng buông xuống. Tuy trong thâm tâm ông nghĩ: "Trời ơi! Dạy nuôi trẻ con mà sách bậy bạ, bậy bạ chỗ nào kia, nhỉ?"

Khổ thân ông! Nào ông có điều gì quấy cho cam?

Ngày tháng trôi mau. Bề trên phò hộ thế nào mà Cu Ái (tên nhà sư đặt cho đứa bé) hay ăn, chóng lớn y như thổi, chẳng còn quặt quẹo, èo uột như mấy năm đầu. Thấm thoát Ái lên bảy tuổi. Sư Tịnh Tâm thấy mình cũng vui lây theo nụ cười, tiếng nói của trẻ thơ, ngay cả khi nó khóc, vòi, ông cũng dễ dàng khoan thứ.

Ông không bận lòng lo lắng chi nhiều, tin rằng sau khi mình tịch, Ái sẽ nối nghiệp nhà, nếu nó không "cứu nhân độ thế" đi chăng, ắt cũng chằng làm gì phạm giới, nó sẽ đi tụng kinh thuê độ nhật, thế cũng đủ làm nhà sư yên lòng, chẳng ao ước chi hơn.

Vài năm sau, Ái được ông dạy cho việc tụng kinh, gõ mõ, niệm chú, thỉnh chuông rất là thành thạo. Rõ ràng là Ái có đủ tác phong của một chú tiểu con rồi đấy, nhé! Nhà sư thường nhìn Ái bằng cái nhìn âu yếm, nhủ thầm.

*

Bất ngờ, sư Tịnh Tâm lâm bệnh và bệnh cú kéo dài không giảm, không tăng. Cho đến sáng ngày hôm đó, ông phải đi làm lễ ở một nhà bổn đạo gần chân núi, song ông không thể đi được. Ái nhỏ nhẻ thưa:

- Bạch thầy, con xin đi làm lễ thay thầy.

- Thầy lo lắm, con còn nhỏ, ngộ có gì sơ suất thì mang tiếng, không nên... chớ chi con biết đọc kha khá một chút...

- Trời ơi! Thầy cứ lo... tuy con chưa biết chữ nhiều, thật vậy, song con há không thuộc lòng đó hay sao?

Ái ngắt lời nhà sư và đọc luôn một hơi năm câu kinh dài ngoằng, dài ngoằng. Nghe xong, nhà sư do dự giây lâu đoạn nói:

- Thôi được, thầy cũng nghe con. Đưa nghiên bút đây, thầy viết ít hàng cho gia chủ.

Tiểu Ái ta mừng rơn trong bụng, vội vàng mang nghiên bút cho thầy, khoanh tay đứng đợi. Sư Tịnh Tâm gượng ngồi lên, nguệch ngoạc mấy giòng, đại ý rằng: "Rất ân hận vì không thân hành đến khai kinh, mong tín chủ chớ phiền. Tiểu Ái sẽ thay... Song trẻ còn dại, có gì vấp váp mong hãy lượng tình tha thứ". Thế là chú Ái nhà ta mở cờ trong bụng, bỏ thư vào tay áo, chuông mõ thì gói trong chiếc khăn vuông bằng vải nâu, rồi xách lủng lẳng xuống đường.

Lòng hớn hở, chú vừa đi vừa lâm nhâm đọc thầm một đoạn kinh, cốt để khỏi quên:

- Kimyo... Murio... Juno... Rai... Kimyo...

- Chậc, phong cảnh sao mà đẹp quá, nhìn không biết chán!

Chú tiểu Ái buông lời ca ngợi thiên nhiên. Đoạn lại ngâm nga lời kinh, kẻo lỡ quên, không tiện:

- Kimyo... Murio... Rai...

Thình lình, một chú thỏ rừng từ cánh đồng trước mặt phóng lại gần chú tiểu, niềm nở, cất lời:

- Kính chào đại huynh khả ái! Em yêu đại huynh ghê lắm, đại huynh có hiểu cho không?

- Không dám! Xin chào chú thỏ xinh đẹp, đáng yêu.

Nhà chùa nghiêng đầu đáp lễ, chân vẫn bước đều. Thỏ lẽo đẽo theo bên:

- Đại huynh ơi! Đường xa muôn dặm, sao đại huynh không dừng lại cùng em trò chuyện vài lời cho bõ công em ngày ước, đêm ao cùng anh gặp mặt?

Có trời làm chứng: chưa bao giờ tiểu Ái được nghe những lời ngọt ngào đến như thế, văn vẻ đến như thế, làm sao chú không cảm động được, kia chứ? Chú lựa lời để tỏ ra mình cũng là tay văn chương không kém:

- Xin đa tạ! Xin đa tạ! Tôi rất mong được hội kiến cùng thỏ, tiếc thay! Tôi bận việc không thể dừng chân được. Xin hẹn ngày tái ngộ.

- Em hỏi quá tò mò, xin đại huynh thứ lỗi, vậy chớ chẳng hay đại huynh bận việc gì, đến nỗi chẳng thể dừng chân?

- À, số là tôi phải đi khai kinh ở...

- Úi chào ơi! Tưởng gì quan trọng, hóa ra chỉ là chuyện khai kinh (thỏ làm như nói chỉ cốt mình nghe), kinh với kệ! Nghe chán bỏ xừ đi ấy!

- Chết, chớ nói thế! Phải tội chết. Nghe kinh nhẹ nhàng, siêu thoát lắm chứ, sao thỏ lại bảo là chán bỏ xừ? Rõ dại dột, sám hối đi thôi!

Chú Ái kêu lên, thỏ dẩu mỏ:

- Em chả làm gì nên tội mà phải sám hối.

- Thế thì thôi vậy, tùy thỏ đấy, tôi đi nhá?

- Kìa Đại huynh! Giận em đấy à? Em xin lỗi nhá?

- Không! Ai giận thỏ đâu, tôi đi nhá, trưa rồi, thỏ ạ!

Thỏ khẩn khoản:

- Xin đại huynh thể tình em, đứng lại một chút.

- Không, trễ rồi.

- Xin đại huynh thể tình em, đứng một tí tì ti thôi mà. Em có cái này hay lắm cơ...

Tiểu Ái tò mò:

- Cái gì mà hay lắm?

- Chúng ta chơi trò cút bắt, vui ra phết, đại huynh ạ!

- Nhưng...

- Đừng ngại anh ạ, rồi em sẽ dạy đại huynh một bài hát nữa, bài hát êm tai lắm kia...

- Thật à?

- Lại chả thật, em có biết nói dối bao giờ đâu?

- Tuyệt nhỉ?

- Vâng! Tuyệt lắm! Rồi đại huynh xem: bài hát của em còn hay hơn cả kinh ấy chứ lại...

- Chết, chớ nói thế, phải tội chết!

- Vâng! Thôi vậy, em xin lỗi. Ý em muốn nói là êm tai hơn...

- Chớ nói thế, nói thế ta đi ngay bây giờ đấy.

Ái có sắc giận, nói. Thỏ hoảng lên:

- Thôi, van đại huynh, em xin lỗi... một ngàn lần. Nhưng thật tình là thế. Nào, bây giờ anh em ta chơi trò cút bắt một tí tị nhé.

Thế là cuối cùng, Ái xiêu lòng. Tiểu dừng lại chơi trò cút bắt một tị theo lời thỏ van nài.

*

Khi cả hai nô giỡn chán chê rồi, mệt lử cò bợ rồi, cùng kéo nhau ngồi xuống bên bọc chuông mỏ thở phì phò. Bỗng, Ái sực nhớ, hoảng hốt kêu lên:

- Chết anh rồi, thỏ ạ!

- Cái gì thế, hả anh?

- Tại "mày" đấy, mày cứ rủ đi chơi, bây giờ tao quên nháy hết rồi... khổ thân "tao", anh em gì mày? Mày hại tao... (bật lên khóc rưng rức) hu... hu... hu...

- Tưởng gì, xin đại huynh nguôi cơn thịnh nộ, em đã có cách giúp đại huynh.

- Cách gì? Cách gì?

- Em sẽ dạy đại huynh một bài hát thay vào, hay lắm cơ!

- Hát! Hát làm sao thay kinh được?

- Sao lại không? Lại còn hay gấp mấy ấy chứ, nhưng nếu anh không chịu thì thôi, em không ép.

Thỏ làm cao, Ái đành đấu dụ:

- Thôi, thôi! Vuốt giận! Anh xin lỗi, hãy giúp anh, anh bối rối tơ vò thế này này, em nỡ lòng nào...

- Được rồi, anh nghe đây (thỏ dặng hắng ra vẻ quan trọng), bài hát thế này này:
 
"Dọc theo con đường nhỏ ngoằng ngoèo
Rực rỡ muôn ngàn cánh hoa leo
Đẹp vô cùng và bé tí teo...
Dọc theo..."

Ái vỗ tay tán thưởng:

- Hay lắm, hay lắm!

Thế là Ái đọc đi đọc lại, lên giọng, xuống giọng bổng trầm, trầm bổng cho giống y như thỏ.

Thuộc lầu rồi, đôi bạn chia tay. Ái dặn thỏ:

- Anh đi nhé! Em phải cẩn thận. Ngày mai vào giờ này ra đây đón anh nghe?

- Chúc anh thượng lộ bình an! Em sẽ đón anh, dù cho hóa đá cũng không đi chỗ khác, em đợi cho kỳ gặp được anh mới thôi.

Ái cảm động rưng rức khóc. Thỏ cũng khóc theo. Trong đời Ái, Ái chưa bao giờ thấy mình yêu ai đến thế. (của đáng tội: Ái nào có gặp ai ngoài có một mình sư phụ Tịnh Tâm?)

*

Đến nhà bổn đạo, Ái trình thư của sư phụ và chuyên tâm hành lễ. Y theo lời thỏ dạy: Ái vừa gõ mõ, vừa gióng chuông theo nhịp, vừa cất giọng thánh thót hát lên:
 
 
"Dọc theo con đường nhỏ ngoằng ngoèo
Rực rỡ muôn ngàn cánh hoa leo
Đẹp vô cùng và bé tí teo...
Dọc theo..."

Thoạt nghe, gia chủ và thân nhân quì bên tiểu Ái đều tròn mắt nhìn nhau, tưởng mình nghe lầm. Song rồi Ái cứ tiếp tục ngân nga, thánh thót:

- Dọc theo con...

Làm tất cả đều bất bình ra mặt. Chợt gia củ ôn lại lời thư của sư Tịnh Tâm viết cho mình và nhìn "nhà sư tí hon" đang nghiêm nghị như gửi cả tâm hồn vào lời hát, ông nguôi ngay cơn phẫn nộ, gia nhân tuy không đọc thư song đều cùng nhìn thấy nhà sư con và cùng tâm trạng với chủ nhân.

Trong giây lát mọi người trong nhà đều thuộc lòng "bài kinh" ngộ nghĩnh ấy.

*

Sau buổi lễ, gia chủ giữ một nét mặt hết sức nghiêm trang, kính cẩn mà rằng:

- Tôi cảm ơn chú tiểu. Thú thật tôi chưa thấy ai có giọng tốt như chú. Để tỏ lòng biết ơn, tôi xin được cái hân hạnh...

Ông dừng lại ngang đó và dúi vào tay Ái một cái bành ngọt, nhân đậu xanh và mứt bí thơm ngát mũi, làm Ái muốn rõ dãi ra.

Nhà sư bé nhỏ của chúng ta cúi đầu cảm tạ chủ nhân, cho bánh vào tay áo kimônô, quày quã trở về.

"Công này của thỏ" Ái vừa đi vừa nghĩ - ta phải chia cho nó một nửa mới công bình. Và Ái cất giọng thật êm ái, hát:

- Dọc theo con...

Lập tức, từ bụi rậm, thỏ phóng ra tươi cười đón Ái. Ái mừng rỡ thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Thỏ ta thích chí vênh mặt lên:

- Đó, em có nói sai đâu? Bài hát của em còn hay hơn cả lời kinh ấy chứ! Bây giờ anh chịu chưa nào?

- Anh chịu lắm. Vì thế anh thưởng công em anh đây này!

Ái thò tay vào áo kimômô lôi chiếc bánh ra, bẻ làm đôi, chia cho nghĩa đệ của mình một nửa.

- Mừng cho tình huynh đệ của hai ta.

Ái lập lại lời thỏ. Đoạn cả hai nắm tay nhau, sóng bước, vừa cao giọng hát bài "Dọc theo con đường nhỏ" vừa ăn.


MINH QUÂN                
(Phỏng theo một truyện của Nhật)  

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 181, ra ngày 15-7-1972)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>