Thứ Tư, 24 tháng 7, 2024

Bát Nước Đầy

 

PHƯƠNG NGA con,

Hôm kia, bố đã gọi con và em Thao vào phòng bố mà dặn rằng: "Từ nay về sau con không được hiếp đáp đánh đập em Hồ nữa. Em Hồ có lỗi gì, con cứ trình với Bà Nội, với bố hoặc với me. Con không được đánh em Hồ".

Tuy con và em Thao lẳng lặng vâng lời bố dạy, nhưng hình như theo bố nghĩ, hai con vẫn ngần ngừ, vẫn cho rằng bố thiên vị, bênh vực em Hồ, thương cưng em Hồ nhiều hơn con..."

Không có vậy đâu con ạ. Tình thương cha mẹ san sẻ cho con cái của mình lúc nào cũng đồng đều. Bởi lẽ có bao nhiêu tình thương, bố đều trút hết lên cuộc đời các con. Thương yêu các con với trọn vẹn tình cảm của mình ; nhưng vì có trách nhiệm dạy bảo các con, mà mỗi đứa con, bố có một cách biểu lộ khác nhau. Bố thương yêu hai con một cách khác. Riêng em Hồ, bố me lại có những lý do khác để săn sóc em Hồ.

Phương Nga con. Con và em Thao lớn lên không những có Bà Nội, Bà Ngoại săn sóc đùm bọc, mà hai con còn được ngồi lên chân Ông Nội, nghe Ông Nội kể chuyện ngày xưa con gà, con vịt biết nói như người, được Ông Nội làm cho những đồ chơi xinh xinh. Nhưng em Hồ sinh ra là Ông Nội đã qua đời. Em Hồ không được may mắn như hai con: em Hồ không thấy và không được gần gũi với Ông Nội được một ngày nào cả. Khi em Hồ lọt lòng mẹ, là bố me trên đầu còn quấn khăn tang, trên áo vẫn còn đính băng đen, và mỗi sáng mỗi tối trước khi đi làm, khi trở về nhà, bố còn thắp ba cây nhang lên bàn thờ Ông Nội. Đã thế, cũng năm em Hồ sinh ra, Bà Ngoại, Ông Ngoại đã vào ở Saigon. Mãi cho đến 5 tuổi, em Hồ mới được thấy mặt Ông Bà Ngoại. Như vậy so với hai con, em Hồ đã chịu thiệt thòi quá. Và cũng chính năm em Hồ sinh ra đời, công việc làm ăn của bố bị thua lỗ, bố đâm ra phẫn chí, ít lo lắng đến việc nhà... Em Hồ chỉ giao cho người giúp việc. Còn Bà Nội con phải ở nhà quê lo hương khói cho Ông Nội.

Các con cứ nhớ lại mà coi. Những lúc hai con đến trường học hai con có thầy có bạn, lúc về nhà hai con cũng tiếp tục trò chơi mà hai con bỏ dở ở trường. Ngày nghỉ hai con có bạn học đến nhà. Riêng em Hồ những lúc bố mẹ đi làm vắng, hai con đến trường, thì cứ thui thủi một mình, hết đùa hòn cuội này lại mân mê hột sạn khác. Hoặc lấy một cây bút, một tờ giấy nào đó vẽ người dơi, vẽ máy bay trực thăng ; con có thấy em Hồ nằm bẹp giữa nhà, nắn nót từng nét bút, lưỡi thè ra và nước dãi cứ lòng thòng nơi cằm... Em Hồ cố gò nét bút cho khỏi run, nhưng làm sao được. Em còn nhỏ quá, tay chưa quen cầm bút. Có mỏi mệt em Hồ ra sau bếp, tần ngần xem con vịt con gà kiếm mồi, thỉnh thoảng em lại nhặt hòn đất ném con con chim sẻ sà xuống trước sân... Con có quan sát những lúc em Hồ chơi đùa một mình, con mới thấy em Hồ thật tội nghiệp, thật đáng cho bố mẹ săn sóc. Ba bốn năm nay, trừ những lúc bố me và hai con được nghỉ, ngày nào em Hồ cũng thui thủi một mình ; không có bạn, không có trò chơi nào khác. Những lúc có Bà Nội bên cạnh, em Hồ mới được sung sướng. Vì cả ngay quanh quẩn vô ra một mình, nê tối đến em Hồ cứ đòi ngủ với bố để được nghe bố kể chuyện, để được đem bao nhiêu câu hỏi ngộ nghĩnh ra chất vấn bố. Con cứ lớn tiếng: "Em Hồ đừng nói chuyện nữa, để cho bố nghỉ".

Không con ơi, bố mong được có sức khỏe để mãi mãi kể chuyện cho các con vui. Lẽ sống của bố me ngày nay là chỉ lo cho con, làm sao các con vui sướng. Được đem cuộc đời của mình lo cho các con nên người, là bố me cũng được hạnh phúc tràn trề rồi. Bố mong các con hãy thương yêu nhau nhiều hơn, đừng ghen tị gây gổ làm gì. Bây giờ trẻ dại, sống với bố me các con mới được quây quần gần gũi nhau. Thêm năm mười năm nữa, khi đã khôn lớn, các con mỗi đứa mỗi đường, có nhớ thương nhau cũng không bao giờ gần nhau nổi, có muốn giúp đỡ nhau cũng gặp biết bao nhiêu trở ngại. Ngày xưa các bác, các cô, các chú còn trẻ dại, sống gần gũi nhau, khi vui có nhau, mà khi buồn cũng có nhau. Đã từng nhường cho nhau từng miếng ngon, từng manh áo. Bác Anh bán được con chim cũng đem về cho bố, cho chú Tứ. Bố đi học, không có áo lạnh, cô Nhơn cũng cặm cụi mua len đan áo cho bố. Bác Anh, bố, chú Tứ đi học lúc nào cũng no bụng. Bởi mỗi sáng tinh sương, dầu mưa lạnh đến đâu, cô Sâm cũng dậy nấu cơm cho bố, cho bác, cho chú ăn đi học. Đến khi bác Anh đi làm có tiền, hà tiện không đi ciné để dành tiền mua sách vở cho bố. Rồi đến phiên bố đi làm có tiền, thì lại lo may sắm cho cô Huê, cô Tý và chú Tứ đi học. Mỗi cái áo, mỗi cuốn sách, mỗi món tiền tiêu vặt, bác Anh và bố đều lo cho các cô các chú đầy đủ. Các cô, chú bác sống với nhau đậm đà, mỗi lần Bà Nội nhắc lại đều phê bình "anh em nhà nó sống với nhau như bát nước đầy".

Sống với nhau như bát nước đầy, đúng là cảnh sống trước kia của bác Anh, các cô và chú Tứ. Nhưng rồi mỗi người đều có gia đình riêng. Hoàn cảnh đã xô đẩy mỗi người mỗi phương. Năm bảy năm nay, chưa gặp mặt nhau cho đông đủ một lần. Cuộc sống ngày càng cam go, sự thăm viếng nhau trở nên khó khăn... Bố vẫn còn nhớ năm nào, cô Tý đi xe đạp bị bánh xe quấn rách tà áo lụa sau, muốn xin tiền bố may cái khác mà cứ sợ bố la rầy, bèn viết một cái thư, lén kẹp vào cuốn sách bố đang đọc, để xin tiền... Nay cô Tý có chồng, có con và ở xa bố quá. Ba năm bố không gặp cô, một hôm ra phố thấy có bày bán lụa, bố nhớ đến cô Tý và mua gửi biếu cô hai cái áo liền một lúc, dầu cô ở Đalat trời lạnh ít khi dùng đến áo lụa, nhưng bố vẫn gửi, nghĩ rằng làm như vậy bố đã biểu lộ một chút tình đối với một người em xa cách...

Phương Nga con, các con rồi mươi mười lăm năm sau cũng vậy, mỗi đứa mỗi phương, "ai lo nồi (cơm) nấy", có thương nhớ nhau, có muốn giúp đỡ nhau, nhường nhịn nhau cũng trăm nghìn khó khăn. Hôm nay các con còn quây quần với bố mẹ, mười mấy năm sau các con rồi mỗi đứa một phương, mỗi đứa sẽ có một cuộc sống riêng rẽ, nghèo khổ hay sung sướng cũng tùy theo số phận của mình... Các con hãy nghĩ đến chuyện đó của mai sau, mà bây giờ còn sống với bố me hãy rán mà thương yêu nhau. Các con hãy thương lấy em Hồ, em Quân ; nhường nhịn hai em nhiều hơn nữa. Con và em Thao cứ nhớ lấy lời của Bà Nội: "Sống với nhau như bát nước đầy"...


NGUYỄN KHẮC THIỆU      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 155, ra ngày 15-6-1971)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>