Thứ Ba, 2 tháng 7, 2024

Những Người Hành Khất

 

PHƯƠNG NGA con,

Me con nói thế là đúng lắm. Con phải nghe lời me. Con không được rẻ rúng khinh bỉ những người hành khất vào nhà mình như chiều hôm nay nữa. Hồi chiều, khi thấy con ném đồng bạc mười đồng giữa cửa để người hành khất cúi xuống lượm, chính lúc đó bố đã không bằng lòng con, bố đã định rầy con ngay đó, nhưng me con đã gọi con vào và đã la mắng con rồi. Me con làm như vậy rất phải, rất đúng.

Phương Nga ơi, thời buổi giặc giã này, sớm còn tối mất, giàu đó mà nghèo đó ngày nào cũng xảy ra ; hôm trước được hoan nghênh ồn ào, thì ngày hôm nay lại bị đả đảo công kích ; chuyện đó đã xảy ra nhiều lần quá. Con đừng thấy ai giàu sang mà trọng vọng mà cũng đừng thấy ai nghèo hèn mà khinh khi. Bữa tết Mậu thân con cũng đã thấy đó, bao nhiêu gia đình phong lưu phú quí, đã coi người như cỏ rác, đối xử với người giúp việc trong nhà như súc vật, mà chỉ trong một vài tuần loạn lạc, bao nhiêu của cải ra mây khói, vợ một nơi chồng một ngã, đói rách bơ vơ... Chừng đó thôi, con đã thấy của cải là đồ phù vân và đừng bao giờ lầm tưởng rằng mọi cái sẽ mãi mãi ở với mình. Chắc me con cũng đã kể cho con chuyện nhà giàu nọ ở quê nhà mình. Ông ta sống bằng nghề cho vay, lợi dụng những kẻ sa cơ lỡ vận để bóc lột, rồi sau đó đấu thầu cung cấp thực phẩm cho lao xá. Nhờ khéo đút lót cho giám thị, bớt miếng ăn của kẻ tù tội, cung cấp toàn đồ ăn thiu thối cho người ta... nhờ đó mà tậu được phố xá, ruộng đất... Bố me cũng không ngờ, mấy năm sau, nhân lúc đi chợ Thị Nghè, giữa cảnh xôn xao náo nhiệt đó, bỗng nghe lạc loài tiếng rao hàng giọng Huế: "Ai mua kim chỉ long não nì...?" Giọng Huế vang lên trong một buổi chợ của người miền Nam, nghe buồn cười quá. Bố me tìm đến xem con người đồng quê hương với mình. Bố ngạc nhiên quá cỡ: đúng là ông nhà giàu đó. Không ngờ ông sa đọa đến nỗi này, phải tha phương cầu thực để sống bằng cái nghề dành riêng cho trẻ con hoặc người tàn tật...

Bố không định nói với con về chuyện luật nhân quả ở đời, mà bố cũng không hiểu vì cớ gì ông nhà giàu nọ xuống dốc một cách tệ hại đến thế... Từ cái lối sống nhờ vào bán dạo "kim chỉ long não" ở nơi đất khách quê người, không ai thân thích, đi đến cảnh sống hành khất có xa xôi gì đâu con. Con thấy đó cũng hiểu rằng đừng bao giờ nghĩ mình sẵn của cải trong tay mà coi thường kẻ khác. Bố cũng còn nhớ một người bạn Hoa Kiều của bố ngày trước. Tên ông ấy là Trung. Năm 1940, bên Tàu giặc giã đói quá, ông đó mới 13 tuổi, không rõ cách nào đã theo được gia đình qua Hà Nội. Khởi đầu đi hành khất, rồi đi giúp việc, qua năm 1951, ông ấy vào Huế và tình cờ gặp bố trong một trại giam, vì ông ấy bị tình nghi liên lạc với kháng chiến. Bố còn nhớ lúc đó, ông ấy có nói rằng từ khi đi ở giúp việc cho người ta cho đến khi dành dụm một số vốn đủ đi buôn khoảng 10 năm ông ấy chỉ ăn quà có 2 xu đậu phụng rang, còn quần áo, mọi thứ đều đi xin đồ cũ của chủ nhà cả. Năm ngoái bố lại gặp ông ấy ở Chợ Lớn, ông ấy mời bố về nhà chơi, và trong câu chuyện, ông ấy cho bố biết ngày nay ông tậu được bốn khách sạn cỡ lớn ở thủ đô, cho Mỹ thuê ; ngoài ra ông ấy kinh doanh nhiều thứ, và mỗi tháng tiền lời thâu vào khoảng trên 13 triệu.

Không nói đến gương kiên nhẫn, chỉ nói đến thân phận một đứa bé hành khất, một đứa bé giúp việc, trở thành một tỷ phú trong khoảng hai ba mươi năm, là con thấy rằng cái lẽ khinh trọng ở đời này thật là mong manh.

Đã vậy nước mình lại giặc giã liên miên. Con lớn lên đến bây giờ, chưa một lúc nào được yên ổn hoàn toàn, bà con mình ở thôn quê phần lớn bây giờ đều trở nên tay trắng : một ngôi nhà khang trang được xây cất tu bổ từ đời ông cố, đời ông nội, đời cha, biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt đã xây thành ngôi nhà đó... thế mà chỉ qua một đêm hai bên đánh nhau, ngôi nhà đó ra tro bụi, còn lại chơ vơ mấy cột gỗ cháy đen, bà con mình chưa đến nỗi ngửa tay xin người khác, nhưng hơn một năm nay, ngày ngày sống nhờ vào của bố thí, nói cho văn hoa là của trợ cấp, của viện trợ... Đó cũng là một lối hành khất tập thể đó con ạ.

Con ơi! Người Việt Nam mình ai ai cũng cho rằng của cải do mồ hôi nước mắt mình làm ra mới quí. Ai ai cũng cho rằng một khi sa cơ lỡ vận, phải sống nhờ vào người khác, là một điều xấu hổ vô cùng. Chắc con cũng được bà nội kể cho nghe, ở nhà quê, nhiều cụ già không còn làm nổi công việc đồng áng vườn tược, phải ngồi ở nhà nuôi gà nuôi vịt thì lấy làm bực bội lắm ; tay chân lúc nào cũng ngứa ngáy muốn cầm lấy cái cuốc cái rựa. Cho nên lúc các cụ còn trẻ, đã biết lo xa, biết dành dụm một số tiền để khi già yếu, đưa tiền cho con dâu làm vốn buôn bán, để các cụ khỏi mang tiếng là người ăn bám. Các cụ còn mua trước cho mình một chiếc quan tài, để sẵn đó, rồi lại đi coi đất đai, đắp trước cho mình một sinh phần, lại còn lo xa hơn nữa, trích lấy một số tiền để cho con cái lo việc ma chay tống táng khi các cụ nhắm mắt lìa đời. Như vậy con đã thấy các cụ đã lo toan, tính toán trước để khỏi nhờ cậy vào con cháu. Mà con cháu vốn đã được các cụ sinh thành gầy dựng cho từ lúc các cụ còn khỏe mạnh.

Chừng đó câu chuyện, con cũng thấy rằng người Việt Nam mình vốn chẳng bao giờ muốn nhờ cậy vào kẻ khác ; phải sống nhờ ở con cháu, và ăn không ngồi rồi, người Việt Nam mình cho đó là một điều xấu hổ, một cái tội đối với xã hội. Khi phải ngửa tay xin bố thí của kẻ khác, là một điều vạn bất đắc dĩ, không ai muốn làm thế. Như vậy, những người hành khất vốn là những người đau khổ rồi. Đau khổ vì không còn ai thân thích. Đau khổ vì thua thiệt, đau khổ vì không có chén cơm ngon, không đủ manh áo lành... đau khổ đủ mọi thứ... Con ơi, làm người ai lại không có tự ái, nên ngay khi bị thiên hạ coi rẻ cũng là một nỗi khổ sở cho họ rồi...

Thời buổi này, bà nội hay khởi đầu bằng ba tiếng đó, thời buổi này cái gì cũng có thể xảy ra. Triệu phú cũng đó mà hành khất rồi cũng có thể đó. Có cái gì vững bền đâu con. Con cũng đừng tưởng rằng những kẻ nghênh ngang ngựa xe, tiền hô hậu ủng, đi đâu cũng lính hầu đều là những đáng kính nể đâu. Chắc con cũng còn nhớ những kẻ đó, có người đã chết rồi, cũng bị báo chí kêu tên mà chỉ trích, mà chửi bới. Tuổi con còn nhỏ quá, bố không nỡ cho con thấy mặt trái của cuộc đời. Bố chỉ nói sơ sơ vậy rồi con cứ nghe bà nội nhắc nhở: "Cố gắng ăn ở làm sao để phúc lại cho con cháu về sau là hơn cả". Nghe lời bà nội, bố không dám khinh ai, mà cũng không quá trọng ai. Mọi cái ở trên đời này đều ở trong lẽ vô thường cả. Cho nên con đừng bao giờ nghĩ rằng hôm nay có đủ cơm ăn, có đủ áo mặc là con coi rẻ những người hành khất.

Con ơi, những người hành khất đã là những người khổ sở, con không được làm cho họ khổ sở thêm nữa. Con có biết chắc ngày mai của con ra sao không? Con có biết cả nước mình hiện đang xin mà ăn không? Việc con ném đồng bạc để người hành khất cúi xuống lượm đã làm bố giận con. Tại sao con không đưa tận tay cho họ với một cử chỉ lễ độ? Con còn nhỏ, nhất định con phải lễ phép với người lớn tuổi hơn con.

Con ơi, sống được ngày nào là con phải rán làm vui lòng người xung quanh, con rán mà giúp đỡ, giúp đỡ tận tình, cho những người đã nhờ cậy đến con. "Ăn ở làm sao đem lại phúc đức cho con cháu về sau" Bà nội từng nói thế, chắc con còn nhớ?


NGUYỄN KHẮC THIỆU

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 156, ra ngày 1-7-1971)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>