Thứ Hai, 8 tháng 7, 2024

Khám Phá "Bí Mật"

 

Sau một trận đòn vì tội cúp cours đi xi nê, ông anh tôi trở nên siêng năng chăm chỉ một cách lạ lùng. Bình thường, anh tôi chỉ xem qua bài vở rồi ngồi gẩy đàn hát nghêu ngao, đến giờ thì đi học. Nhưng sau khi thấm đòn của bố, anh tôi "đổi chứng" thế đấy. Chỉ trừ hai bữa ăn và một buổi đi học, những giờ còn lại anh tôi hình như gắn chặt với căn phòng bé nhỏ này.

Căn phòng học của anh tôi giờ thì trông sáng sủa, sạch sẽ hẳn ra chả bù với ngày xưa thật là bê bối, mạng nhện chăng đầy, bẩn thỉu. Nói gì mà anh tôi không mê nó chứ! Cửa sổ trông ra vườn hoa, buổi tối gió nhè nhẹ thổi đưa hương thơm của những bông hoa mà bố tôi ra công trồng tỉa, mẹ tôi chăm sóc, tưới nước. Đêm trăng tròn, nếu ai có tâm hồn thi sĩ mà nom thấy khung cảnh nơi đây thì có lẽ đó là nguồn cảm hứng để họ sáng tác những vần thơ. Trên bàn, từng chồng sách cao nghệu, từng xấp giấy trắng đặt gọn gàng nơi đầu bàn. Nhiều lần mẹ tôi vào dọn dẹp phải giật mình kinh hãi thầm nghĩ trong bụng "Quái lạ, cái thằng này học hành gì mà ghê quá!"

Từ ngày ấy trở đi, anh Kha, chị Hạnh Nguyên và tôi đồng ý cải tên cho anh. Ngoài tên cha sinh mẹ đẻ ra anh còn có một tên đặc biệt nữa là "Siêng". Có lẽ vì biết tính chăm chỉ của mình anh tôi rất bằng lòng với cái tên mới mẻ này và ngay đến mẹ, lúc đầu mẹ phản đối nhưng sau khi được anh Kha và chị Hạnh Nguyên thay phiên nhau giải thích cùng với sự thêm mắm thêm muối của tôi, mẹ tôi gật đầu và nở một nụ cười biểu đồng tình. Bắt đầu từ đây, chừa bố ra, cả nhà tôi quên hẳn tên thật của anh.

Anh tôi chăm học lắm, nếu có ai lạc bước vào căn phòng học thơ mộng ấy thấy như vậy đều có cảm tình với anh và cầu chúc cho anh ấy gặt hái được nhiều kết quả như ý muốn. Từ ngày căn phòng được sửa sang tôi không còn hân hạnh vào trong ấy lục tìm những mảnh giấy gấp tàu thủy chơi và nếu lơ mơ đến gần là bị cái "ký" nặng ngàn cân vào đầu mà anh ấy gọi là tạm vuốt ve, tình trạng nầy kéo dài mãi không sớm thì muộn tôi phải vào Dưỡng trí viện mất. Ỷ lớn ăn hiếp bé, tôi nhất định phải "rửa mối hận" này cho đỡ tức. Ý định này đã bao lần nhen nhúm để chờ cơ hội bùng lên nhưng bị dập tắt ngày bởi cái tướng "oai phong lẫm liệt", đôi mắt gườm gườm hằn sâu vào bộ óc non nớt của tôi. Eo ơi! Cái tướng nom khiếp quá! Tôi đành bỏ cuộc không dám "đông thủ", đành rút lui về "ở ẩn" để chờ thời ra "làm ăn".

*

Sáng nay, anh tôi bận việc phải vắng nhà một buổi... Đây là một nỗi mừng hiếm có trong cuộc đời làm em của tôi. Tôi nghe lòng trổi khúc nhạc reo vui và tôi cảm thấy yêu đời hơn bao giờ hết, mối "căm hờn" được dịp bùng lên mãnh liệt, tôi nhảy chân sáo vào phòng anh... Công việc đầu tiên: khám chồng sách ; không thấy gì khả nghi tôi vội vã rời khỏi phòng không quên để lại y như cũ, chứ không thôi anh ấy thấy khác đi liền giáng cho mấy cái ký nữa có đường bể sọ. Eo ơi! Óc tò mò nào để cho tôi yên, hằng chục câu hỏi quay cuồng đảo lộn trong đầu, và câu hỏi này là động lực thúc đẩy tôi trở vào lần thứ hai. "Anh ấy viết thư cho bồ", cô D. ấy mà!

Công việc thứ hai: tìm xấp giấy trắng... Chao ơi! Nó biến đâu mất rồi, từ nãy giờ tôi vẫn đinh ninh nó vẫn còn chễm chệ ở đầu bàn kia mà! Thế là lại một phen vất vả nữa để đi tìm. Bỗng mắt tôi sáng lên, tim đập mạnh hơn... A! Kia rồi, anh "Siêng" ơi! Chết anh rồi. Anh cất kỹ quá nhưng làm sao tránh được cặp mắt cú vọ này.

Lần giở từng trang giấy và bất chợt tôi dừng lại đọc đi đọc lại từng giòng chữ:

"Hoàng hôn dần buông xuống, trả lại cảnh im vắng của buổi chiều quê, từng đoàn mục đồng lùa trâu về chuồng. Những nét thanh thản hiện rõ trên gương mặt của họ sau một ngày vất vả. Tiếng gió rì rào thổi vào những nhành lúa chín đưa hương thơm ngào ngạt, những cánh chim trời buông tiếng kêu rời rạc bay về khoảng trời xa tít tắp mù mây. Ôi! Một buổi chiều thanh bình tuyệt đẹp. Thượng đế ơi! Xin ngài hãy gắn chặt hình ảnh này vào đất nước con, xin ngài hãy thương cho những người dân hiền lành vô tội này. Dù là một tí thôi, chiến tranh đừng chắp cánh đậu vào quê hương yêu dấu, chiến tranh đi đến đâu hoang tàn đổ nát đến đó, còn đâu hình ảnh buổi chiều thanh bình, nếp sống bình dị của dân quê theo nhau đổ vỡ tan tành như mơ ước của em khi... "Kịch"

- Úi cha! Chắc ông ấy về!

Tôi vopi6 gấp tờ giấy đút vào túi cho nhanh và co giò phóng ra khỏi phòng. Hú hồn, chả có ai ngoài cây gỗ tự nhiên đổ vào cánh cửa phòng. Nhưng cũng chả dám lấy ra đọc tiếp, tôi định bụng chờ anh ấy về lấy tờ giấy ấy ra làm áp lực bắt anh ấy phải chấp nhận yêu sách. À! Không được, khơi khơi như thế nhỡ ra anh ấy vồ lại và ký cho vài nghìn cân nữa để bịt miệng thì sao? Hay là để đến lúc ăn cơm lấy ra đọc cho bố, mẹ, anh Kha, chị Hạnh Nguyên và anh ấy nghe. Nghĩ vậy tôi vươn cổ ra gọi rối rít:

- Anh Kha, chị Hạnh Nguyên ơi! Em có cái này hay lắm!

Anh, chị tôi thấy tôi có vẻ bí mật nên xúm lại:

- Đâu nào? Cái gì đâu đưa đây xem!

Tôi liền móc túi đưa ra, anh, chị tôi châu đầu vào đọc rồi cười khúc khích...

*

Mâm cơm dọn s8ãn. Chờ bố về là ăn. Anh "Siêng" tôi không để ý đến việc làm ám muội của tôi nên gương mặt anh bình thường hơn lúc nào hết. Anh ấy mà nhìn thẳng vào mặt tôi có lẽ anh ấy đã đoán được một phần nào ; nhưng đời nào có ai học được chữ "ngờ".

Bố đã về, cả nhà quây quần quanh mâm cơm. Anh Kha, chị Hạnh Nguyên thỉnh thoảng lại liếc anh "Siêng" và cùng mỉm cười ; tội nghiệp anh "Siêng" quá, anh chả biết gì cũng cười theo... Giờ hành động đã điểm, anh Kha sửa lại cặp kính nháy mắt ra hiệu. Tôi vội buông đũa bát, mở giấy ra đọc: "Hoàng hôn dần buông xuống, trả lại cảnh im vắng của buổi chiều quê..."

"Phựt" anh "Siêng" giành lại tờ giấy vo tròn lại nắm chặt trong tay như sợ ai cướp mất, nhìn tôi như muốn rách mi mắt. Ghê quá! Cái mặt đỏ lan ra đến tai. Bất ngờ quá đi, tôi không cầm chắc "bản thảo bài văn" để đọc cho mọi người thưởng thức tài "văn sĩ" của ông anh tôi. Mẹ thấy tình hình căng thẳng, hỏi:

- Chúng mày làm gì thế?

Chị Hạnh Nguyên nhanh nhẩu:

- Thưa mẹ, em con tập làm "văn sĩ".

Anh Kha và tôi cùng bật cười một lượt. Mẹ mắng yêu anh "Siêng":

- Con trai mẹ ngoan quá, làm "văn sĩ" thì để cho người ta thưởng thức "áng văn" thì đã sao nào?

Và bữa cơm tiếp tục... Ăn xong xuôi, tôi đang đứng xớ rớ, anh liền giơ tay ra định "vuốt ve" sọ dừa tôi nhưng nhờ nhanh chân lẹ con mắt tôi chạy đến đứng cạnh bố, mỉm cười đắc thắng và thầm ngạc nhiên khi khám phá ra rằng bấy lâu nay anh tôi "rúc" trong phòng để tập tành làm "văn sĩ tương lai".


HUYỀN LINH           
Bút Nhóm Hoa Đại Dương  

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 181, ra ngày 15-7-1972)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>