Dung giật mình bì tiếng cười của Khải, con bé quay lại nhìn xem ông anh làm gì mà đắc chí thế, thì ra "ông" ấy đang xem "Ngàn Thông". Có tiếng Khải nói:
- Từ nay sức mấy mà mấy "bà" bắt nạt được tui nữa, tui biết nấu ăn "dzồi".
Dung nghĩ: "chắc "ổng" được ai dạy cho chứ gì! Xí, làm nồ hoài".
Trong khi đó Khai tay cầm cuốn báo xăm xăm đi tới, ném cuốn báo xuống bàn nói:
- Từ giờ nếu chị Hương bắt tao quét nhà tao khỏi quét nữa đi.
Dung hỏi:
- Sao vậy anh? Anh không quét nhà "nhỡ" chị ấy hỏng nấu cơm cho anh ăn thì sao?
- Á! À! Tao thổi lấy, sợ gì.
- Xì! Còn lâu anh mới biết nấu "anh hai" ơi... i... i...!
Con bé kéo dài chữ "ơi" và trề dài cái môi dưới ra làm cho Khải phát tức mình.
- Ờ đừng có khi "tui", mai kia anh Sơn về phép "tui" nấu cho anh "tui" ăn, hổng cần con gái nữa.
- Ối giời! Nấu được nồi cơm mà làm như bắt được...
Khải ngắt ngang:
- Ờ! Vậy thôi hà, tui nấu ngon ăn ngon nấu dở ăn dở, vậy đó tức không cưng.
- Có gì mà tức, anh nấu được cơm em cũng mừng bởi vì từ đây em sẽ được...
- Xem anh hai trổ tài làm bếp?
- Không! Sẽ ngửi mùi "trên sống dưới khê, tư bề... thơm phức" ở nồi cơm của anh Khải tiết ra.
Con bé nói xong nhìn lại anh làm lành:
- Mà ai dạy cho anh nấu cơm đấy anh Khải?
- Đại Quấy!
Khải trả lời cộc lốc rồi quay lưng.
"Đại Quấy" là ai dzậy cà? Nhưng chưa kịp hỏi thì bóng anh Khải đã khuất sau nhà bếp.
*
Sắp thi rồi, kỳ thi năm nay có "mòi" hơn năm ngoái, và khó khăn hơn nên Khải chăm chỉ ngồi gạo bài, chăm chú làm toán. Hôm nay Khải đang ngồi giải bài toán "Hình" thì có tiếng con Dung và Phượng reo:
- A! Anh Sơn, anh Sơn về anh Khải ơi!
Khải vội bỏ bút xô chiếc ghế ra đàng sau thật mạnh rồi chạy ra phòng khách. Có tiếng anh Sơn:
- Anh Khải đâu rồi các em?
- Dạ ảnh đang học.
Con Phượng đưa tay ra sau lưng chỉ vào trong nhà, khi ấy Khải đã ra đến nơi:
- Anh mới về đấy à, khỏe mạnh không anh? Anh có mua quà cho em không?
- Có, hôm nay lãnh lương nên anh mua cho chú cái này.
Sơn đưa cho Khải một chiếc hộp nhỏ miệng nói:
- Dạo này trông chú gầy quá, hăng lên chứ lị, con trai mà ốm không nên. Tặng chú cây bút Paker đó.
Đỡ lấy chiếc hộp trong tay anh Khải nói:
- Có chứ, em hăng hái lắm chứ, mỗi ngày em... quét nhà 3 lần, rửa chén 3 lần và đánh nhau một lần.
Sơn cười to:
- "Chời" ơi! Tưởng làm cái gì chứ, làm anh lắng tai nghe. À, mà chú đánh nhau với ai vậy?
- Dạ đánh nhau với... với cái gối ôm.
- Ha... ha... cái chú này rõ trẻ con.
Khải cười theo:
- Vậy chứ, em còn biết nấu cơm nữa đó.
Con Dung xía vào:
- Anh Sơn về không cho tụi em cái gì hết à?
Sơn giật mình:
- Chết cha quên mất, đây này cho em cỗ tràng hạt ở Vũng Tàu đấy, bằng ốc ấy mà, còn đây là con bướm anh ép được, cho Phượng.
- Dạ cám ơn anh.
Khải lầm bầm:
- "Thấy ghét hông, người ta đang khoe mà lại"...
Dung, Phượng đi rồi, Khải tìm cách khoe lần nữa, Khải làm bộ như chợt nhớ ra điều gì:
- A! Anh Sơn này.
- Gì đấy chú Khải?
- Em đi nấu cơm anh ăn nghen.
Sơn trợn mắt:
- Chú biết thổi cơm?!
Khải nhắm mắt lại, hai cái lông mày nhíu vào theo kiểu "con én bay", và làm như "ta đây" không thèm để ý đến sự thắc mắc của anh.
- Dà! Dà!
(Thật ra, từ hôm khoe con Dung đến nay, vẫn chưa có lần nào cho Khải áp dụng cả)
Đang trổ tài, tính phét với ông anh một lát thì nghe tiếng guốc của chị Hương về làm Khải cụt hứng.
- Sơn đã về đấy à?
- Dạ, chị đi đâu về đấy?
- Đi chợ, khiếp chợ bây giờ dơ quá.
- Giỏ xách đâu chị?
- Bé Phượng mang ra nhà sau rồi.
Khải tức quá, mấy lần "trổ nghề" đều bị cụt hứng cả, Khải nói:
- Để em thổi nồi cơm cho, chị làm thức ăn đi.
- Có hai cái bếp Khải thổi nồi cơm chị lấy gì nấu thức ăn?
- Không cần, em nhóm bếp củi.
- Ờ! Em làm sao đó thì làm.
Khải chạy vội vào phòng lấy ra cuốn "Ngàn Thông" rồi chạy xuống nhà bếp miệng còn nói vọng lên:
- Anh Sơn ngồi đó chơi, em thổi nửa tiếng đồng hồ là có cơm ngay.
Tiếng chị Hương quảng cáo với Sơn, cốt ý để ghẹo Khải:
- Sơn ạ! Em nó thổi cơm hay lắm, nhớ chờ đợi, đừng đi ăn phở mà cơm của Khải ế, nhá!
Rồi chị với anh Sơn chả biết nói gì mà cười rúc rích với nhau.
Khải nghe thấy nhưng vẫn tảng lờ rồi lẩm bẩm:
- Hừ! Chê người ta đi, lát nữa sẽ biết.
Vừa nói, tay Khải vừa giở báo ra:
"Gia chánh con trai".
- Á! À! Đây rồi, nào xem nào!
Vật liệu.
- Một cái nồi, rồi có ngay.
- Một cái rá! Chết cha, cái rá nó như thế nào cà, à! Đây rồi.
- Hai lon gạo, có mấy chị em chắc ít thôi, một lít gạo!
- Nước lạnh! Rồi, xong rồi.
(Nói tới đâu tay làm tới đó trong khi mắt vẫn để vào cuốn báo!)
- Đổ gạo vào rá! (Miệng đọc tay làm) cẩn thận.
À! Á! Cẩn thận, phải làm hẳn hoi.
Khải bỏ cuốn báo xuống, hai tay nâng lít gạo đổ vào rá, bỗng: "Rào... Rào..." Khải đổ tới đâu, gạo ra đất đến đấy:
- Ủa! Sao lạ dzầy cà?
Nhìn lại thì ra là cái rổ chứ không phải cái rá, lỗ to hơn hạt gạo nên nó "rổ" ra ngoài hết trơn, thế là cu Khải vội le te đi tìm rá, kiếm được rá rồi đổ sang, hốt dưới đất lên, cho vào rá: "Không sao lát nữa đãi hết đi mà khó gì."
Xong xuôi mang ra vo gạo. Nói tóm lại mọi việc vo gạo, đãi gạo, đổ vào nồi... đều rớt ra ngoài hết, nhưng rồi cũng xong, bắt đầu thổi. Chẳng hiểu cu cậu làm gì mà cứ nghe thấy "phù phù" như đang phùng mang trút hết hơi vào cái ống thổi, khói bay, tro bay mù mịt, rối loạn cả lên.
Một lúc sau, không nghe thấy tiếng động "lịch bịch" như Đại Quấy viết trong báo thì "cu" Khải ngồi ngẫm nghĩ:
- Chả lẽ Đại Quấy chỉ sai, lần này mà làm không được thì chị Hương, con Dung, con Phượng nó cười "chích" mất.
Nghĩ vậy nên Khải mới đưa tay giở vung ra, chẳng biết làm thế nào mà cái vung nồi gang kêu lên một cái "cảng" một cách rất ư là khủng khiếp, thì ra "chàng" mải ngẫm nghĩ cho nên thay vì lấy miếng "lót tay" thì "chàng" lại dùng bàn tay nắm lấy, cho nên mới ra cớ sự.
Trở lại nồi cơm, lúc bấy giờ "chàng" vừa xít xa vừa kinh ngạc: Nước đi đâu hết rồi, cạn queo, gạo nổi lên tròn như cái bát úp. Vội vàng lấy đũa ra khuấy loạn xị lên, cơm văng tung tóe cả ra ngoài, rồi đậy nắp lại, trong khi đó bếp đã tắt ngúm nhưng vì nhìn trong sách không thấy dạy để lửa thế nào chàng cứ mặc kệ, ngồi chờ.
"Mười lăm phút sau, bắc nồi cơm xuống". Chàng lẩm nhẩm đọc và thầm nghĩ: "Lát nữa ta sẽ có nồi cơm hà hà..."
Thế là chàng cứ ngồi vậy cho đến đúng 15 phút sau liền bắc nồi cơm xuống và... "dzọt vào một chỗ kín đáo" (như Đại Quấy chỉ!). Chỗ kín đáo ở đây là cái "chuồng xí" nên anh chàng nhiều khi muốn... nhảy mũi nhưng cứ phải rán. Thổi một nồi cơm, thế mà ngót nghét... hai tiếng đồng hồ chứ phải chơi sao! Lúc ấy, phòng ngoài có tiếng chị Hương:
- Khải ơi! Xong chưa vậy, thổi có một nồi cơm bằng người ta làm xong bữa rồi mà chưa thấy ra! Vậy mà cứ khoe tài mãi, không sợ con Dung nó cười cho à!
Không thấy tiếng trả lời chị liền vào trong thì ôi thôi "bếp đã tàn, cơm đã nguội" mà bóng dáng ông em đi đâu mất biệt.
Bên trong... chuồng xí, Khải nghe rõ tiếng chị mở vung nồi cơm, rồi đậy lại nhưng không thấy nói gì thì mừng thầm.
Có tiếng con Dung, Phượng xí xa xí xô nói chuyện ngoài phòng khách:
- Anh Khải thổi cơm chưa xong anh Sơn ạ!
- Ờ! Không biết Khải thổi xong chưa cho anh ăn anh còn nghỉ mệt tí chứ, đi ra phố mua được vài món đồ vừa tốt vừa rẻ tiền sướng thật.
Có tiếng chị Hương:
- Thôi ăn cơm đi, (nói vọng lên nhà).
- Các em xuống ăn cơm kẻo nguội.
Cả bọn ùa xuống, bàn ăn khói bay nghi ngút từ những dĩa, tô mà bắt thèm.
Phượng vừa ăn vừa khen anh thổi cơm khéo ; tiếng con Dung hỏi chị:
- Sao mà ảnh nấu cơm ngon quá vậy chị?
Trong khi đó anh Sơn hỏi:
- Khải đâu sao không thấy ra?
- Tội nghiệp, chẳng biết nó đi đâu, chỉ thấy nồi cơm sống nhăn, bếp nguội ngắt chung quanh cơm văng tung tóe, bên cạnh là cuốn báo "Ngàn Thông" đang giở trang "Gia chánh con trai" do Đại Quấy chỉ dẫn.
(Vừa nói chị vừa đưa cuốn báo để lên bàn) nói tiếp:
- Chị biết thế nào cũng hư nồi cơ8m, cho nên chị thổi sẵn nồi cơm này...
Cả bọn "à" lên một tiếng, hiểu ra cả bọn cười như nắc nẻ trong khi anh Sơn cầm cuốn báo lên đọc to:
"Lời dặn quan trọng......" Anh Sơn đọc xong cả bọn lại cười bò ra một lần nữa, thế là dựa theo... "lời dặn quan trọng của Đại Quấy" cả bọn đi tìm Khải, tới... chuồng xí thì thấy khóa bên trong bèn lên tiếng gọi... Một lúc sau chàng Khải nhà ta mới chịu mở khóa thì cả bọn mới lăn đùng ra dãy đành đạch, tay ôm bụng mà cười vì hình dáng quá ư tiều tụy của Khải. Tay chân, mặt mũi lọ nghẹ bám tùm lum, đầu đầy tro bụi, khuôn mặt ngơ ngác. Thì ra vì bếp không cháy nên chàng cố sức thổi khói bay vào mắt, đưa tay lên dụi, cho nên mới ra cớ sự.
Thấy cả bọn "cười" trên sự "đau khổ" của "người ta" thì Khải bực mình tay thọc sâu vào túi quần đi ra khỏi... chuồng xí vừa đi vừa nhún vai:
- Thế mà cũng cười.
Rồi nghĩ:
- "Tàn một đời hoa".
TUẤN KHẢI
(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 12, ra ngày 20-10-1971)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.