Các em thân mến,
Một em ở Tân Định viết đến chúng tôi: Bác chủ nhiệm thường khuyên chúng cháu nên thương yêu, giúp đỡ mọi người. Nhưng hôm qua, cháu đi dạo phố, tình cờ cháu thấy chiếc xe đạp ai để ở bên đường bị gió thổi ngã, cháu đến dựng đứng lên, sợ rủi có chiếc xe ô tô chạy qua cán phải. Ngay lúc đó, người chủ chiếc xe đạp trong tiệm kế bên chạy ra chẳng những không cám ơn cháu lại còn có cử chỉ nghi ngờ, cháu định ăn cắp xe của ông ta. Vậy bác xem như vậy có phải "làm ơn mắc oán" không?
Ngày xưa, Đổng Trác đem quân đi đánh giặc Huỳnh Cân. Đổng Trác đánh không lại, bỏ chạy, bị giặc đuổi theo. Đổng Trác đánh trận đã dở nhưng chạy trốn cũng không giỏi tí nào, nên bị giặc đuổi theo bén gót. Trong lúc nguy nan, may thay Lưu Bị, Quan Công và Trương Phi đi ngang đấy trông thấy, xông ra chận đánh tan tành đám giặc Huỳnh Cân và cứu được Đổng Trác đưa về trại.
Về đến trại của mình, Đổng Trác mới hỏi Lưu Bị, Quan Công và Trương Phi:
- Ba ngươi làm chức chi?
Lưu Bị trả lời: Chúng tôi là kẻ bạch đinh (nghĩa là kẻ không chức tước gì)
Đổng Trác chẳng những không tỏ vẻ gì biết ơn, lại nhìn trừng trừng ba người đầy khinh khi và cho quân hầu đuổi ra ngoài.
Đổng Trác nghĩ rằng với chức vụ Thái thú quận Hà Đ6ng đầy uy quyền, mọi người đều khiếp sợ, nay mặc dù với binh tướng đông đảo lại thua chạy, suýt bị bắt, đến phải nhờ ba kẻ cùng đinh cứu mạng, thì thật là hổ thẹn.
Đổng Trác vì lòng tự ái quá cao đã phủ nhận công ơn những người giúp mình.
Gần đây, có hãng nọ cần tuyển một nhân viên. Nhiều người đến xin việc. Trong số này có hai người đầy hy vọng. Một người đã từng nhảy xuống biển cứu ông chủ hãng khỏi chết đuối trong một dịp ông ta đi tắm bể ở Vũng Tàu. Người kia được ông chủ hãng quen biết trong trường hợp chính ông đã cứu anh ta. Trong đơn xin việc, hai người đều nhắc đến chuyện cũ.
Các em nghĩ xem ai được nhận làm. Hẳn các em nghĩ là người cứu mạng ông chủ sẽ được lựa chọn? Không! Ông ta thích thấy được đề cao tính hào hiệp của ông ta hơn luôn luôn bị mặc cảm mình yếu kém về phương diện nào, phải nhờ vả, nên ông ta chọn người sau.
Các em thân mến,
Trên đời, chúng ta làm ơn cho ai thường hay được người đó nhớ ơn. Có dịp là người thọ ơn làm ơn lại chúng ta.
Nhưng cũng có nhiều trường hợp đặc biệt mà người làm ơn bị hiểu lầm nên sinh oán thù hay bị hại.
Chúng ta nên tránh đừng làm cho người mang ơn chúng ta bị mất mặt, nhất là chúng ta đừng nhắc lại chuyện làm ơn, mà chỉ coi như một bổn phận của con người, như vậy các em không còn phải thắc mắc về việc người ta nhớ hay quên ơn các em. Trí các em sẽ được thảnh thơi và lòng các em sẽ sung sướng.
Thân mến chào các em
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 58, ra ngày 1-10-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.