Thư của em S. Kiến Hòa:
... Số là em không có khai sanh nên phải ở lại lớp nhất không được thi vào đệ thất đó chị. Em phải ở lại tất cả ba năm mới được cái hân hạnh lấy bản khai sanh mà thi đệ thất. Vì vậy năm nay em mười sáu tuổi mà học vấn chỉ có tới lớp đệ lục đó chị. Hơn nữa, tác em cao lớn nữa, chính cái lẽ đó mà em sinh ra cái mặc cảm, chán ghét tất cả. Nhiều khi em muốn bỏ cái mặc cảm ấy, nhưng bỏ chẳng được chị ạ, vì còn biết bao người đang trêu cười ngạo nghễ em. Họ xem em chẳng khác một thằng hề chị ạ.
Chị biết không, hôm tết em về quê để tảo mộ ông nội, chị... hỏi em học lớp mấy, em liền trả lời là học đệ lục, rồi chị nói:
- Già rồi mà học lớp Đệ Lục...
Chưa hết đâu chị ạ, một lần gặp anh bạn cũng hỏi câu: "học lớp mấy?" em cũng trả lời là học lớp đệ lục, anh ấy cũng trả lời một câu đanh đá:
- Già rồi mà học Đệ Lục.
Trời ơi những câu kêu ca ấy làm em chán nản thất vọng quá chị ơi.
Bây giờ thì em không muốn đi đâu, không muốn giao thiệp với ai nữa, em sợ, em chán ngán lắm rồi. Những câu: "Mầy học lớp mấy? Cháu học lớp mấy? Con học lớp mấy?..." đối với em như một câu lên án kết tội.
Ra đường mang cái phù hiệu lớp đệ lục thấy mình thấp kém làm sao. Nhìn chung quanh thấy các bạn cùng học một trường nào là lớp 8, 9, 10... đều là những đứa nhỏ tác hơn em làm em xấu hổ quá đi chị ạ! Nhiều khi em muốn nghỉ học nhưng gia đình không cho phép đó chị.
Vào lớp cũng vậy, bạn bè em cười chê mỉa mai em nào là: có vợ gần được rồi mà học đệ lục, nào là: lớn rồi mà ngu..." và rồi chúng xa lánh em. Thầy giảng bài em cũng không ham giơ tay mặc dù mình đã biết. Em cảm thấy mình bơ vơ, lạc lõng quá! Nhìn quanh toàn là lũ bạn nhỏ hơn em, chúng đáng em mình không làm em càng xấu hổ.
Nhiều khi em tự trách mình sao vô phước quá. Bây giờ thì em không ham đi đâu nữa cả vì sợ câu điệp ngữ: "Mầy học lớp mấy? Cháu học lớp mấy?..." do những người quanh em ban cho.
Bây giờ nỗi thất vọng của em một ngày một to tướng. Giá mà có thuốc lùn thì em sướng biết mấy hén chị.
Trả lời:
Có lẽ không bao giờ các em thắc mắc về một lời nói rất bình thường, một lời đùa giỡn mà các em tưởng không có gì là quan trọng, thí dụ như:
- Chà, lớn dữ mà còn đi học lớp...!
Các em ơi! Chị cũng như các em vậy. Bây giờ chị mới biết rằng trong đời chị, đã biết bao nhiêu lần chị làm buồn lòng người khác chỉ vì những lời nói thật thà vô tình như những lời em S. đã nghe.
Khi chúng ta nói, ta nên nhớ rằng người nghe cũng có một trái tim như chúng ta, đã thế, vì không phải là ta, nên đôi khi lại bị thêm cái tật suy diễn, cứ nghĩ thêm ra, rồi buồn, rồi đau khổ ngấm ngầm, rồi sinh tự ti mặc cảm, có khi mất cả chí tiến thủ, thui chột cả cuộc đời. Vô tình, một câu nói tầm phào của chúng ta, chỉ cốt cho vui miệng, hoặc chọc cười mọi người, làm cho người bị chế giễu cay đắng trong lòng, như thế, tội của chúng ta thật là nặng biết mấy.
Chị đề nghị với các em rằng chúng ta nên áp dụng câu danh ngôn "cái gì mình không muốn, đừng thi hành với người khác." Khi đối thoại với ai, hoặc trêu cợt người nào, chúng ta nên thay đổi vị trí, giả tỉ mình là người ta, mình có chịu được sự chế giễu đó không, thì mọi sự sẽ tốt đẹp hơn nhiều lắm.
Một người bạn của chị có nhận xét thế này, chị xin đem ra để các em coi chơi:
- Nhiều khi chúng ta cư xử bất công lắm. Thí dụ như có ai hỏi chúng ta là: "Chị bao nhiêu tuổi, chị làm ở đâu, lương tháng bao nhiêu?" thì chúng ta cho là câu hỏi bất lịch sự. Thế thì lý do gì chúng ta lại cứ hỏi các cô cậu bé là: "Em bao nhiêu tuổi, học trường nào, lớp mấy, đứng hạng mấy". Thật là tò mò vô ích, mà lại còn du các em vào tình thế khó xử, nếu các em muốn giấu.
Vậy chị đề nghị từ nay chúng ta nên tìm sáng kiến để câu chuyện được linh động, lại tránh tò mò xâm phạm vào đời tư bạn chúng ta. Những câu chuyện xã giao cho vui có thể là thời tiết, thể thao, hoa cỏ, nghệ thuật, văn hóa, hội họa, tóm lại, tất cả những điều gì chung chung, không nói riêng về chuyện của ai, các em nhé.
Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 108, ra ngày 21-9-1973)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.